Các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp
TCCSĐT - Ngày 19-6, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Cử tri Thái Nguyên kiến nghị về chế độ, chính sách cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
Ngày 19-6, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tại Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu I (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).
Tham gia buổi tiếp xúc có hơn 150 cử tri đại diện cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 575 và chính quyền, đoàn thể huyện Đồng Hỷ. Tại đây, nhiều cử tri đã kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ về chế độ, chính sách cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.
Cụ thể, cử tri thuộc Lữ đoàn Công binh 575 kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách chăm lo nhà ở cho các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, vì đây là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cử tri cho rằng, hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho lực lượng vũ trang là rất lớn, nhiều cán bộ, chiến sĩ do không mua được nhà nên phải ở trọ, đời sống khó khăn.
Đối với dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên, nhiều cử tri cho rằng cần có quy định cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi sử dụng lao động là lực lượng dự bị động viên, đặc biệt là vấn đề bố trí lại việc làm cho người lao động sau khi tham gia lực lượng động viên trở về. Cử tri lý giải, trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp được thực hiện theo dây chuyền, không thể thiếu một vị trí lao động. Bởi vậy, người lao động khi đi thực hiện nhiệm vụ dự bị động viên trở về có thể sẽ bị mất việc làm. Do đó, cần có quy định về bố trí việc làm cho người lao động của doanh nghiệp sau khi họ thực hiện nghĩa vụ dự bị động viên trở về.
Ngoài ra, cử tri cũng quan tâm đến chính sách, chế độ tiền lương đối với cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lộ trình triển khai việc chi trả lương cho lực lượng vũ trang trong thời gian tới. Cử tri huyện Đồng Hỷ cũng quan tâm về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay; việc đội vốn của một số dự án lớn, trong đó có Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp; chế độ, chính sách cho người cao tuổi…
Tại buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã thông tin tới cử tri Thái Nguyên những nét lớn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tình hình thế giới, khu vực, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước thời gian qua; đồng thời tiếp thu toàn bộ ý kiến cử tri để trình lên Quốc hội.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch tiếp xúc cử tri tỉnh Hà Nam
Ngày 19-6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã tiếp xúc cử tri là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam để thông báo kết quả chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thông báo tới các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp lần này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhận được 4 ý kiến trả lời của 4 bộ, ngành trung ương đối với các kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam nêu từ kỳ họp trước.
Các ý kiến phát biểu của cử tri bày tỏ sự phấn khởi trước thành công của kỳ họp, đồng thời tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, góp phần bảo đảm tình hình đất nước luôn ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.
Các cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tốt vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là lĩnh vực an ninh mạng, tín dụng “đen”… Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, đồng bộ hóa quy định của pháp luật đối với lực lượng vũ trang; hỗ trợ kinh phí, dành quỹ đất để xây dựng thao trường, trường bắn, trung tâm huấn luyện; quan tâm đến lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ làm công tác quân sự, quốc phòng tại địa phương…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam và sẽ chuyển tới Quốc hội, các bộ, ngành xem xét giải quyết.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch mong muốn, nhân dân và cán bộ, đảng viên của tỉnh Hà Nam tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cảnh giác với âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch; luôn gần dân, lắng nghe dân, không để những tiêu cực tác động đến người dân; là những tấm gương tiêu biểu ở địa phương, để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong lòng nhân dân…
Nhân dịp này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã trao quà của Bộ Quốc phòng tặng cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn đang công tác trong lực lượng vũ trang tỉnh Hà Nam.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV
Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cùng Tổ đại biểu Quốc hội số 6 đã tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh, sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Cử tri Nguyễn Văn Bôi bày tỏ vui mừng khi tình hình đất nước ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, vị thế trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, như buôn bán ma túy, nạn chặt phá rừng, ô nhiễm môi trường… đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Riêng với thành phố, mỗi lần mưa, người dân vô cùng vất vả “sống chung” với tình trạng ngập nước. Thời gian qua, mặc dù nhiều dự án đã được triển khai, nhưng vì sao vẫn chưa phát huy hiệu quả? Rõ ràng, đầu tư lớn nhưng hiệu quả nhỏ. Một trong những nguyên nhân là do thiếu đồng bộ trong công tác quản lý, vận hành các công trình, dự án.
Cử tri Bùi Văn Cảnh cho rằng, hiện nay, có nhiều kênh thông tin để người dân tiếp cận, tuy nhiên có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí có những thông tin xấu, độc. Vì vậy, cần phổ biến các thông tin chính thống một cách kịp thời để nhân dân nắm bắt được, không bị tác động bởi thông tin xấu.
Nhiều cử tri đề cập đến công tác cán bộ và cho rằng đây là yếu tố quyết định thành bại trong xây dựng và phát triển đất nước, nhưng hiện nay có bộ phận suy thoái tư tưởng, đạo đức, cử tri bày tỏ băn khoăn về biện pháp giáo dục như thế nào? Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ vấn đề nhân sự, công tác cán bộ.
Một số cử tri phản ánh, Dự án cư xá Thanh Đa làm ảnh hưởng đến 1.000 hộ dân. Thành phố thông báo thu hồi đất, nhưng đến nay chưa có phương án cụ thể để người dân ổn định cuộc sống, cử tri mong muốn có giải pháp để người dân bị giải tỏa được tái định cư tại chỗ. Về vấn đề này, đại diện Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh cho biết, sau khi có thông báo thu hồi đất, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục và thống nhất với bà con về phương án cụ thể, sau đó mới có quyết định thu hồi đất.
Ghi nhận ý kiến cử tri, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các nhóm vấn đề cử tri nêu là bức xúc chung. Quốc hội đã bàn, từng cấp ngành, địa phươn đang có những giải pháp để giải quyết triệt để. Riêng công tác chống ngập, vừa qua, Hội đồng nhân dân Thành phố đã giám sát vấn đề này. Sắp tới, Thường vụ Thành ủy Thành phố sẽ tổ chức chuyên đề về kết quả công tác chống ngập, chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp xử lý.
Về công tác cán bộ, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang thực hiện Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp nhận thông tin qua 4 kênh. Thực hiện Quy định này, thành phố kỷ luật hơn 100 công chức và hơn 50 đảng viên trong năm 2018. Năm nay, Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát để xử lý cán bộ vi phạm, nâng cao chất lượng cán bộ.
Riêng những nội dung cử tri khiếu nại về một số dự án, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Quận Bình Thạnh rà soát và lập danh sách những đầu việc, dự án mà người dân khiếu nại kéo dài để tập trung xử lý dứt điểm, giống như phương thức mà thành phố đã làm.
Liên quan đến việc giải quyết những sai phạm cũng như quyền lợi người dân bị ảnh hưởng của Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mà nhiều cử tri đề cập đến, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ đây là dự án lớn, kéo dài. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra, vừa qua bước đầu đã công bố kết luận thanh tra về một phần nội dung liên quan đến Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong vòng một vài tuần tới sẽ công bố những nội dung còn lại./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc là sứ mạng của báo chí  (20/06/2019)
Lại bàn về tự do báo chí (Kỳ 1)  (20/06/2019)
Tạp chí Cộng sản đi đầu trong đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng  (19/06/2019)
Những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản hiện nay  (19/06/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ, Yên Bái và Long An  (18/06/2019)
Yêu cầu chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu  (18/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển