TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Sở Giáo dục Nam Bộ (1947-2017), được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07-9-2017 Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: “Chín năm xây dựng nền giáo dục kháng chiến ở Nam Bộ - Thành quả và kinh nghiệm (1945-1954)”.
Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Lê Quang Thành, nguyên Bí thư Đảng Khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo; Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cùng gần 200 đại biểu là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Thành phố, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo các tỉnh bạn, các nhà khoa học.

Cùng cả nước, Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược đã ra sức diệt giặc dốt, để tâm đến giáo dục. Nhưng Nam Bộ có đặc trưng xưa nay là “đi trước về sau” nên những năm 1945-1946 phải trực diện chiến đấu với kẻ thù, nên lĩnh vực giáo dục ở Nam Bộ chưa có một cơ quan chính thức chỉ đạo. Đến tháng 8-1947, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ ra quyết định thành lập Sở Giáo dục Nam Bộ và Viện Văn hóa kháng chiến Nam Bộ với nhiệm vụ quét sạch tàn tích văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam mà trước mắt là thanh toán nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, phát triển giáo dục phổ thông, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, người cán bộ phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, xây dựng đất nước... Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục Nam Bộ, công tác giáo dục ở Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, cố gắng làm tốt những nhiệm vụ đặt ra.

Trong Báo cáo Đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Dương Thế Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Tọa đàm nhằm nhằm tôn vinh những đóng góp của giáo dục Nam Bộ với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, thể hiện sự tri ân đối với các thầy cô giáo của Sở Giáo dục Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong 9 năm kháng chiến, ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Bộ đã đạt được nhiều thành tích to lớn như xây dựng một chương trình đào tạo các bậc, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo học tập theo chương trình mới viết bằng tiếng Việt, xây dựng các hệ thống trường học vùng giải phóng, đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ ở Nam Bộ...

Tọa đàm đã nhận được hơn 100 bài tham luận cùng nhiều ý kiến đăng ký phát biểu của các vị lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Các tham luận đã tập trung phân tích những nội dung chủ yếu: (i) Chủ trương, quan điểm, phương châm, Sắc lệnh của Bác Hồ, Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Bộ đối với việc hình thành nền giáo dục trong tình hình mới, lịch sử hình thành và phát triển của Sở Giáo dục Nam Bộ, Sở Giáo dục Nam Bộ với sự nghiệp kháng chiến; (ii) Thành tựu, cống hiến, kinh nghiệm của công tác giáo dục trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tấm gương tận tụy cống hiến của các thầy, cô giáo ở Nam Bộ, sự giúp đỡ của nhân dân đối với hoạt động giáo dục ở Nam Bộ; (iii) Những kinh nghiệm của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Tại Tọa đàm, có 8 tham luận được trình bày.

Thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí Thân Thị Thư đánh giá Tọa đàm đã đạt được mục tiêu đề ra là tập trung làm rõ 3 nội dung: Khẳng định được vị trí, vai trò, công lao của Sở Giáo dục Nam Bộ với sự nghiệp xây dựng nền giáo dục kháng chiến kiến quốc ở Nam Bộ. Tôn vinh những cống hiến tận tụy cho sự nghiệp giáo dục của các thần cô giáo ở Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và tri ân sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân đối với các hoạt động công tác giáo dục ở Nam Bộ. Đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm của công tác giáo dục thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Nam Bộ, vận dụng kinh nghiệm giáo dục trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện nay./.