Để mở rộng thị trường cho nông sản Việt

Minh Hạnh
20:57, ngày 07-09-2017

TCCSĐT - Hai sự kiện được Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 7-2017 vừa qua nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân Việt là: Hội chợ quốc tế Nông sản và thực phẩm Việt Nam (Vietnam Farm & Food Expo 2017); Triển lãm quốc tế máy móc, thiết bị, công nghệ và vật tư nông nghiệp (Agritech Vietnam 2017). Các hoạt động này với mục tiêu là cầu nối để đưa nông sản Việt ra thị trường nước ngoài, giúp sản xuất nông nghiệp trong nước nắm bắt xu thế tiêu dùng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trước yêu cầu mới.

Tìm thị trường cho nông sản Việt

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, càng thấy vai trò của sự phát triển thị trường. Tuy nhiên, nông dân và các nhà sản xuất chưa có đủ các thông tin thị trường do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan dễ thấy nhất là chưa dành thời gian và kinh phí thỏa đáng để tìm hiểu thị trường. Bởi vậy, tình trạng nông dân trồng một thời gian rồi chặt, được mùa thì mất giá… thường xuyên xảy ra. Và, mặc dù hiện nay nông dân có thể trồng nhiều loại nông sản, nhưng không thể tiêu thụ hết các sản phẩm vì thiếu thị trường. Muốn phát triển sản xuất hàng hóa thì nông dân phải gắn kết lại với nhau lại để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm, giá phải cạnh tranh. Đó là những vấn đề đã, đang và sẽ đặt ra cho hướng đi của nông sản Việt trên thị trường.

Với mong muốn tìm “đầu ra” cho rau củ quả, ông Võ Văn Hiếu, Phó Giám đốc kinh doanh của Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long có mặt gần như suốt những ngày diễn ra hội chợ. Ông cho biết, cách đây vài tháng, hợp tác xã của ông cũng tham gia hội chợ ở Thành phố Hồ Chí Minh và ngay trong ngày khai mạc, hàng trăm kilogram rau xanh đem lên với mục đích trưng bày đã được người tiêu dùng “năn nỉ” mua hết. Sau đó, nhiều đầu mối tiêu thụ rau sạch cũng tìm đến hợp tác xã. Vì thế, với ông Hậu, các hội chợ, triển lãm như thế này là một cầu nối rất tốt giữa người sản xuất và các kênh phân phối, tiêu thụ. Nhưng ông còn mong muốn nhiều hơn thế, đó là làm sao để rau, củ, quả của hợp tác xã có thể xuất khẩu. Hợp tác xã có 15 hecta rau đang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAp, giờ muốn xuất khẩu thì phải làm sao?

Không giấu mục đích của mình, ông Võ Văn Hiếu chia sẻ: “Tôi có mặt ở đây vừa để giới thiệu sản phẩm nông sản của hợp tác xã, vừa tham quan các doanh nghiệp, trang trại khác có gian hàng ở đây xem họ xuất khẩu như thế nào. Sau khi ở đây về, tôi sẽ cùng với hợp tác xã bàn bạc để tới đây sẽ sản xuất mặt hàng nào có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, chúng tôi cũng rất quan tâm đến công nghệ mới để áp dụng cho địa phương mình, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường. Tóm lại là thăm dò thị trường để có hướng sản xuất và sẵn sàng đầu tư máy móc, công nghệ cần thiết”.

Không chỉ những người chưa xuất khẩu hàng nông sản như ông Võ Văn Hiếu mà những doanh nghiệp đang xuất khẩu nông sản thuận lợi cũng tìm cách mở rộng thị trường truyền thống, tìm thêm thị trường mới với mặt hàng “Chanh không hạt Vica” của nông trại Hải Âu ở gian hàng của tỉnh Long An là một bằng chứng. Người tiêu dùng trong nước không lạ gì thương hiệu chanh này ở các siêu thị. Bà Bùi Thị Ba là chủ cơ sở này cũng cho biết, mỗi ngày đang xuất 1 container 40 feet đi thị trường Trung Đông, Singapore, Thái Lan. Nhưng bà vẫn quyết định tham gia hội chợ và rất kỳ vọng tìm được đối tác xuất chanh sang Trung Quốc. Bà Bùi Thị Ba tìm thấy cây chanh không hạt và đi đến quyết định trồng trên diện tích lớn cũng từ các hội chợ, triển lãm, hội thảo về nông nghiệp. Từ khi bắt đầu trồng và xuất khẩu chanh không hạt vào năm 2006 đến nay, nông trại của bà cũng luôn cập nhật xu hướng tiêu dùng, thiết bị sản xuất, sơ chế sau thu hoạch… từ các hoạt động này. Bà cũng chia sẻ: “Chanh xuất khẩu được thì ít bị ép giá và không bao giờ phải “giải cứu”. Nhưng muốn xuất khẩu ổn định thì phải bảo đảm chất lượng. Tôi và những nông dân trồng chanh bán cho tôi phải luôn bảo đảm chanh được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, sơ chế chanh bằng máy móc, dây chuyền hiện đại, kèm theo đó là đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản. Tôi luôn đòi hỏi bản thân phải tìm thêm đối tác mới, thị trường mới”.

Tìm công nghệ cho sản xuất

Cùng với việc tìm kiếm thị trường, thì việc áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong khâu bảo quản, chế biến là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta mong muốn xuất khẩu sang những thị trường xa hơn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 17 tỷ USD Mỹ, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng lên tới 1,7 tỷ USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết qủa đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nguyên nhân là doanh nghiệp, nông dân của chúng ta đang đầu tư nhiều cho công nghệ sản xuất, thu hoạch bảo đảm tiêu chuẩn thế giới, khiến những mặt hàng như vải thiều, rau gia vị đã có mặt được ở những thị trường khó tính. Đơn cử như vải thiều Bắc Giang xuất khẩu được nhờ dùng công nghệ bao gói khí quyển biến đổi (MAP) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với tỉnh Bắc Giang nghiên cứu và phát triển, cho phép bảo quản vải thiều giữ được màu hồng tươi từ 30 đến 35 ngày.

Chính vì thế, cuộc triển lãm quốc tế máy móc, thiết bị, công nghệ và vật tư nông nghiệp (AGRITECH Việt Nam 2017) lần này thực sự là cầu nối giữa các nhà đầu tư, các đơn vị, tập đoàn cung ứng máy móc, thiết bị, vật tư, chuyển giao công nghệ nông nghiệp tiên tiến lớn của thế giới và các nước trong khu vực. Họ đến đây với mục đích tìm hiểu kỹ hơn thị trường nông nghiệp và tương lai phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam; hiểu rõ được nhu cầu cụ thể của công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam là gì để định hướng kinh doanh phù hợp, đồng thời xác lập những mối quan hệ cần thiết cho các hoạt động sản xuất, cung ứng máy móc trong sản xuất nông sản. Song song đó, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đến với triển lãm để tìm hiểu các loại máy móc từ nhỏ nhất như sục rửa rau, đóng gói sản phẩm đến máy thu hoạch liên hợp, hệ thống tưới phun sương hiện đại…

Theo ghi nhận, tại cuộc triển lãm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước đã giới thiệu công nghệ nông nghiệp, công nghệ trồng rau sạch, trồng trong điều kiện mặt bằng chật hẹp ở các đô thị, hệ thống trồng rau thủy canh… Còn các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Đức giới thiệu công nghệ và máy móc phục vụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đó là những điều mà hầu hết các trang trại, hợp tác xã ở Việt Nam vẫn thiếu.

Đại diện một doanh nghiệp môi giới xuất khẩu nông sản cho biết: “Hiện nay trên thế giới có nhiều thị trường xuất khẩu rất tiềm năng, nhưng hàng nông sản Việt nếu muốn tham gia vào thì công tác bảo quản, chế biến phải hiện đại hơn. Điều đáng nói là, hàng nông sản Việt rất phong phú, đa dạng, thế mà đến nay vẫn chỉ quanh quẩn xuất khẩu mặt hàng gạo là chủ yếu”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai quyết liệt việc phối hợp với các bộ, ngành cũng như các địa phương để tập trung phát triển thị trường, cả trong nước và quốc tế nhằm nâng cao giá trị nông sản, kim ngạch xuất khẩu và chấm dứt tình trạng được mùa mất giá,… bên cạnh đó thị trường trong nước đang phát triển khá tốt với xu thế “người Việt dùng hàng Việt”. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, việc tìm thêm các thị trường mới cho xuất khẩu nông sản là việc phải làm. Muốn như thế, nông sản Việt phải nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ để bảo đảm tiêu chuẩn, giá thành cạnh tranh hơn, và điều quan trọng hơn cả là hướng tới các sản phẩm sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên./.