Thông cáo báo chí

Ban tổ chức Hội thảo
22:53, ngày 25-11-2016

TCCSĐT - Ngày 28-11-2016, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam và Tạp chí Cộng sản đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập”.

1. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này đã trực tiếp mang lại lợi ích cho người nông dân và họ giữ vai trò chủ thể trong quá trình thực hiện. Vai trò, vị thế của giai cấp nông dân và người nông dân ngày càng khẳng định trong quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, những thành tựu, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thật sự đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước. Nông nghiệp nước ta phát triển còn kém bền vững. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, sức cạnh tranh thấp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm. Công nghiệp, dịch vụ và ngành, nghề chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Giai cấp nông dân đang đối diện với những thách thức nghiệt ngã, nếu không định dạng và nhận thức đầy đủ có nguy cơ đẩy nông dân rơi vào vị thế bất lợi, đánh mất vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò của nông dân trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất lớn, đụng chạm cả những vấn đề chiều sâu lý luận và thực tiễn phong phú. Rất cần đến vai trò Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách đột phá; vai trò của doanh nghiệp trong tạo lập mô hình chuỗi giá trị mà người nông dân được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng, có tư cách đàm phán và được hưởng lợi xứng đáng đối với giá trị gia tăng mang lại; vai trò của nhà khoa học để hiện đại hóa nông nghiệp, mở mang văn hóa cho nông thôn, ứng dụng thành tựu khoa học vào nông nghiệp để mang giá trị cao hơn; vai trò của hợp tác xã trong tạo ra sức mạnh liên kết giữa các hộ gia đình để ứng phó với bất lợi của thị trường; vai trò của các tổ chức xã hội, trực tiếp là Hội Nông dân, làm bà đỡ cho nông dân phát triển bền vững, chống chịu tốt hơn với các rủi ro, khó khăn, thách thức, cao hơn là làm chủ chính mình, làm chủ các mối quan hệ phức tạp trong kinh tế thị trường. Bảo đảm vai trò chủ thể của người nông dân trên tất cả các chiều cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… đều cần đến sự tham dự chủ động, tích cực, đầy trách nhiệm của Hội Nông dân và qua đó, Hội Nông dân cấu trúc lại vị thế, chức năng của mình để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi, nhu cầu của nông dân.

Chính bởi những lý do trên, Hội Nông dân Việt Nam và Tạp chí Cộng sản đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập”.

2. Ban tổ chức đã nhận được 75 tham luận tham gia Hội thảo của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý thực tiễn ở Trung ương, địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học sẽ tập trung phân tích, làm rõ các nhóm vấn đề cơ bản, cốt lõi sau:

Thứ nhất, luận giải, tìm tòi các cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, định dạng, làm rõ trong môi trường, điều kiện chính trị, điều kiện xã hội, điều kiện phát triển của nền nông nghiệp, của xã hội nông thôn hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thì trách nhiệm xã hội của nông dân và vai trò chủ thể của giai cấp nông dân nên được hiểu như thế nào? Cần được phát huy như thế nào và bằng các phương thức nào?

Thứ hai, những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, đặc biệt là các rào cản đối với nông dân cần phải tháo gỡ để giai tầng này thực sự phát huy vai trò chủ thể trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là chúng ta tiến hành cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà xu hướng tất yếu là rút ngắn khoảng cách giữa các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ; công nghệ cao được áp dụng ngày càng rộng rãi vào các khâu tạo giống, cải tạo môi trường sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi, sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản; mô hình nông trại thông minh trở thành lựa chọn cho các nhà nông chuyên nghiệp; toàn cầu hóa đang tạo áp lực gay gắt với khu vực nông nghiệp.

Thứ ba, nhận diện, phân tích, đánh giá các mô hình thực tiễn đang vận động về phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, như cánh đồng mẫu lớn; xây dựng hợp tác xã kiểu mới; liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học; chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản cho nông dân; tham dự chính trị của nông dân ở nông thôn; những thành tựu và bất cập của xây dựng nông thôn mới; xây dựng các nhà nông chuyên nghiệp, trang trại thông minh...

Thứ tư, vai trò của các đối tác tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, khi nông dân đóng vai trò chủ thể, đặc biệt là vai trò, vị trí của của doanh nghiệp, của nhà khoa học. Cơ chế, phương thức, mô hình nào để đối tác (doanh nghiệp, nhà khoa học) tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn, mà không dẫn tới hoán đổi địa vị giữa chủ thể và đối tác, không đánh mất quyền làm chủ ruộng đất và nông thôn của người nông dân.

Thứ năm, Hội Nông dân được định vị ở đâu, chiều kích nào trong quá trình phát huy vai trò chủ thể của nông dân cấu trúc lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng đi nào cho đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội để thu hút, đoàn kết, tập hợp nông dân phát huy đầy đủ vai trò chủ thể; mối quan hệ ba bên, bốn bên giữa Hội với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế khác trong phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp xây dựng cơ sở vững chắc cho việc giữ vững và phát huy vai trò chủ thể của của giai cấp nông dân trong cấu trúc lại kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xác định rõ vai trò của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể; vai trò của Hội Nông dân Việt Nam (từ Trung ương đến cơ sở) và những nỗ lực tự thân của giai cấp nông dân cần được phát huy như thế nào? Về việc tổng kết lý luận gắn thực tiễn, đề ra các tiêu chí cụ thể và chỉ đạo xây dựng mẫu hình “người nông dân mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các tiêu chí “nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, quyết tâm mới” để có đời sống cao hơn và để xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới./.