Thủ tướng: Đà Nẵng phải trở thành thành phố thông minh, cạnh tranh
Chiều 28-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố biển Đà Nẵng để giải quyết những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, đưa Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế Trung tâm kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Gợi mở ý tưởng phát triển Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải có ước mơ, quyết tâm và quyết liệt thực hiện các giải pháp đưa Đà Nẵng hướng đến trở thành những trung tâm tài chính, kinh tế du lịch của thế giới như Singapore, HongKong, trong tương lai gần.
Là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung, Đà Nẵng được xem là thành phố của du lịch và đây cũng là lĩnh vực kinh tế trọng yếu, đem lại nguồn thu lớn nhất cho địa phương này. 9 tháng đầu năm 2016, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động bởi những khó khăn trong nước và quốc tế nhưng hoạt động du lịch của Đà Nẵng vẫn diễn ra sôi động với nhiều sự kiện lớn, góp phần thu hút khách tham quan du lịch đến Đà Nẵng tăng cao so với cùng kỳ.
Trong thời gian này, ước có tới 4,41 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, bằng 85,8% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Đà Nẵng ước đạt 12.795,8 tỷ đồng, tăng 25,4%.
Tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng nhiều dự án du lịch được cho phép đầu tư với tổng vốn hàng tỷ USD. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn như Vina Capital, Indochina Capital, Vingroup… đầu tư vào các sân golf, khách sạn, resort cao cấp…
Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ du lịch đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển, ước đạt 38.820 tỷ đồng, tăng 8,85% so với năm 2015. Một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở thành phố biển này chính là kết quả tốt trong công tác cải cách hành chính.
Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước năm thứ 8 liên tiếp về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index), năm thứ 4 liên tiếp về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).
Điểm nhấn của bức tranh phát triển Đà Nẵng những quý đầu năm 2016 là việc chuẩn bị và tổ chức tốt sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực: Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (Asian beach games - ABG 5) và đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện đối ngoại quốc tế đặc biệt, quy mô lớn của Đảng, Nhà nước - Năm APEC 2017.
Quan điểm của đại diện các bộ, ngành tại buổi làm việc cho rằng, Đà Nẵng cần quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch đô thị để hướng tới vai trò trung tâm thương mại, tài chính khu vực trên cơ sở tiết kiệm, sử dụng đất hợp lý trong bối cảnh quỹ đất của Đà Nẵng không lớn. Bên cạnh du lịch, thương mại, cần đặt vấn đề hình thành trung tâm nghiên cứu công nghệ cao đi tắt, đón đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước.
Các cơ quan Trung ương góp ý Đà Nẵng xây dựng mô hình du lịch đồng bộ với thương mại để thúc đẩy giao thương từ nguồn khách du lịch.
Đánh giá tổng quan tình hình kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những thành quả của Đà Nẵng là khá rõ nét và rất đáng ghi nhận với nhiều ưu điểm như: Môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ, công chức hiệu quả, năng động; tỷ lệ doanh nghiệp khá cao. Thành phố cũng đã bước đầu làm tốt việc xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch.
Đề nghị Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng không thỏa mãn với kết quả đạt được, Thủ tướng phân tích cụ thể một số hạn chế của địa phương trong quá trình phát triển như quy mô nền kinh tế, năng lực sản xuất dịch vụ còn nhỏ và thấp, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, thu ngân sách. Đà Nẵng cũng chưa thực sự làm tốt vai trò kết nối và hội nhập; hạ tầng hội nhập quốc tế và khu vực của thành phố cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục.
Để đưa thành phố xứng tầm trung tâm khu vực, Thủ tướng gợi ý trước hết Đà Nẵng cần tập trung phát triển vào phía tây - nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu hơn.
Về tầm nhìn dài hạn, Đà Nẵng phải hướng đến trở thành một thành phố thông minh, cạnh tranh, kết nối trong nước với các thành phố khác trên thế giới; thực sự là một điểm đến của du khách, của hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cho rằng, Đà Nẵng cần quy hoạch phát triển một cách tổng thể, nhất quán và có chiều sâu hơn nữa; sử dụng một cách thông minh, hiệu quả quỹ đất hạn hẹp nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu hội nhập. Đặc biệt, thành phố cần mở rộng cửa để thu hút mạnh mẽ nhân tài, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước tới làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và phải xây dựng kế hoạch mang tính đột phá về sử dụng nguồn nhân lực. Trong tiến trình phát triển, cần ưu tiên gìn giữ môi trường sống của cộng đồng, ngày càng có nhiều hơn sản phẩm chất lượng cao phục vụ du khách và người dân.
Đề cập đến vấn đề liên kết vùng, Thủ tướng gợi ý thành phố cần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, chất lượng cao trên cơ sở tăng cường đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng phù hợp.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Đà Nẵng triển khai quyết liệt kế hoạch hành động của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân thành phố và đặc biệt thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ doanh nghiệp và người dân; song song với giải ngân hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng và tăng cường xúc tiến phong trào khởi nghiệp.
Biểu dương Đà Nẵng đã đề cao vấn đề bảo vệ môi trường, không chấp nhận các dự án đầu tư gây hại, ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân, Thủ tướng cũng đề nghị thành phố chủ động đi tắt, đón đầu cuộc cách mạng lần thứ 4; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ phát triển; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế biển; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công.
Ngoài ra, thành phố cũng cần nỗ lực xây dựng nền hành chính kiến tạo, liêm chính; cải cách bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và giải quyết tốt bài toán ùn tắc giao thông.
Thủ tướng cũng lưu ý Đà Nẵng phát huy vai trò trung tâm của khu vực, quan tâm chia sẻ hỗ trợ và kết nối nhiều hơn nữa cho các tỉnh miền Trung; đồng thời tăng cường xúc tiến các hoạt động giao thương với các nền tài chính, kinh tế mạnh như Singapore và HongKong.
Thủ tướng mong muốn cả hệ thống chính trị, cán bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy ý chí, nghị lực của người dân miền Trung, đưa Đà Nẵng vươn lên, hoàn thành các mục tiêu phát triển, ngày càng có được những thành quả to lớn hơn nữa trong thời gian tiếp theo./.
Thủ tướng tiếp lãnh đạo các Tập đoàn CJ và GS của Hàn Quốc  (28/09/2016)
Chủ tịch Quốc hội chào xã giao Quốc vương Campuchia Sihamoni  (28/09/2016)
Thủ tướng: Bộ máy Quảng Nam phải "máu lửa" để đạt được mục tiêu  (28/09/2016)
Hội thảo quốc gia: “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam”  (28/09/2016)
Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu củng cố quan hệ với Campuchia  (28/09/2016)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo tư tưởng phong cách Hồ Chí Minh  (28/09/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên