TCCSĐT - Sáng 28-9-2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia: “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam”. Hội thảo do Bộ Công Thương, Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp tổ chức.

Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành hàng chục nghị định, thông tư về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn ngày càng phức tạp.

Bình quân hằng năm, các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện khoảng 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng với khối lượng trên dưới 10.000 tấn. Có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu thông trên thị trường, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, đó chỉ là con số bề nổi, còn rất nhiều vụ việc vi phạm khác không được phát hiện.

Con số thống kê chưa đầy đủ, có tới 63 công ty, tổ hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh, thành phố. Tình trạng vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, không chỉ trong cơ sở sản xuất, trong đại lý kinh doanh phân bón mà ngay cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định. Vụ việc đáng chú ý nhất khi Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo báo cáo Kết luận số 235 kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định, thì cả 100% đơn vị đều vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. Theo đó, 11 trung tâm này đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho các doanh nghiệp.

Hội thảo tập trung thảo luận: Thực trạng thị trường phân bón hiện nay mà trọng tâm là tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên thị trường, đang là vấn đề bức xúc lớn trong nông dân và dư luận; những bất cập, vướng mắc trong cơ chế, chính sách; tình trạng chồng chéo, tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước về phân bón… nhất là từ khi thực hiện Nghị định số 202 của Chính phủ về quản lý phân bón có hiệu lực.

Trên cơ sở đó, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành chức năng những giải pháp về cơ chế, chính sách, tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về quản lý phân bón, ngăn chặn vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng; chấn chỉnh thị trường phân bón theo hướng phát triển lành mạnh, tuân thủ các quy định của pháp luật./.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), phân bón giả không có giá trị dinh dưỡng, gây mất mùa, phá hoại môi sinh, không chỉ làm ảnh hưởng đến người sản xuất, uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn gây thiệt hại tới 2 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế nước ta.