Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15-8 đến ngày 21-8-2016)
25 nền kinh tế đổi mới hàng đầu thế giới năm 2016
Bảng xếp hạng 25 nền kinh tế đổi mới hàng đầu thế giới. Ảnh: wipo.int/TTXVN
Ngày 15-8-2016, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Đại học Cornell (Mỹ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) đã công bố bảng xếp hạng 25 nền kinh tế đổi mới hàng đầu thế giới, theo đó, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Anh dẫn đầu bảng xếp hạng.
Trong bảng xếp hạng lần này, Trung Quốc là nước đầu tiên có thu nhập ở mức trung bình được lọt vào bảng xếp hạng, nhảy lên vị trí thứ 25 từ vị trí 29 một năm trước về Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII). 15 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng đều là các nước ở châu Âu. 4 nước bị loại khỏi khái niệm “Chất lượng đổi mới” là Nhật Bản, Mỹ, Anh và Đức. Theo báo cáo, tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế đang nổi lên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 cùng với ngân sách hạn hẹp hơn cho nghiên cứu và phát triển ở những nước thu nhập cao vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry cho biết, đổi mới là hiện tượng rất cơ bản, mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội và kinh tế. GII là chỉ số chuẩn hàng đầu được giới lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách sử dụng. Chỉ số được tổng hợp từ 84 chỉ tiêu trong các lĩnh vực: thể chế; nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu; kết cấu hạ tầng; sự tinh tế của thị trường và doanh nghiệp; sản phẩm tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo;...
Bệnh sốt vàng da đang đe dọa châu Âu
Tiêm vaccine phòng sốt vàng da cho người dân tại Kisenso, Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 20-7. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 17-8-2016, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) có trụ sở ở Anh cho biết, bệnh sốt vàng da do muỗi Aedes nhiễm và truyền sang người hiện đã xuất hiện ở rất nhiều nước châu Âu. Tổ chức này cảnh báo dịch bệnh vốn bùng phát ở Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo có thể mau chóng lan sang châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm nhất kể từ 30 năm qua ở châu Phi.
Theo báo cáo mới của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, hơn 400 người đã tử vong do nhiễm bệnh tại 2 quốc gia châu Phi Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo, trong tổng số hơn 6.000 người mắc. Tuy nhiên, hiện nguồn vaccine dự trữ đã cạn kiệt. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải giảm liều lượng nhằm có thể tiêm chủng cho nhiều người nhất. Bên cạnh đó, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã triển khai một nhóm các chuyên gia giúp đỡ Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng. Trong chiến dịch tiêm chủng từ ngày 17-8 đến ngày 26-8, giới chức Cộng hòa Dân chủ Congo dự kiến tiêm chủng cho gần 10,5 triệu người chống dịch bệnh sốt vàng da. Bệnh sốt vàng là một chứng bệnh sốt xuất huyết gây vàng da do siêu vi trùng Yellow Fever Virus, thường gặp ở Nam Mỹ và châu Phi. Tuy hiện nay đã có vaccine chữa bệnh này nhưng mỗi năm ở châu Phi vẫn có đến hàng nghìn người mắc phải bệnh sốt vàng da, còn ở Nam Mỹ cũng có đến hàng trăm người mắc.
Triều Tiên xác nhận nối lại hoạt động sản xuất plutoni
Tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngày 17-8-2016, Triều Tiên xác nhận nước này đã nối lại hoạt động sản xuất plutoni, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng không có kế hoạch ngừng thử hạt nhân chừng nào còn tồn tại những mối đe dọa từ Mỹ. Trong văn bản trả lời phỏng vấn hãng Kyodo, Viện Năng lượng nguyên tử, cơ quan phụ trách các cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên tại tổ hợp Yongbyon, cho biết các chuyên gia nước này bắt đầu tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, được tháo dỡ từ một lò phản ứng graphite (than chì) tầm trung để phục vụ cho sản xuất plutoni. Viện này cũng tuyên bố Bình Nhưỡng đang chế tạo urani làm giàu cấp độ cao, cần thiết để sản xuất vũ khí và điện hạt nhân “như kế hoạch”. Tuy nhiên, khối lượng plutoni và urani được Bình Nhưỡng sản xuất vẫn chưa được tiết lộ. Đây là khẳng định đầu tiên mà Triều Tiên đưa ra trước những câu hỏi của giới truyền thông nước ngoài về vấn đề này.
Năm 2013, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tái khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân, bao gồm lò phản ứng chính và nhà máy nhỏ hơn ở Yongbyon, vốn đóng cửa từ năm 2007, một phần trong thỏa thuận giải trừ hạt nhân đổi lấy viện trợ mà sau đó đã bị phá vỡ. Năm 2015, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - cơ quan hiện không được phép tiếp cận Triều Tiên và chủ yếu giám sát các hoạt động của nước này qua vệ tinh, cho biết họ đã nhận thấy một số dấu hiệu của việc tái khởi động ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon.
Liên hợp quốc lần đầu tiên thừa nhận liên quan đến dịch tả ở Haiti năm 2010
Các bệnh nhân nhiễm dịch tả điều trị tại bệnh viện ở St. Marc ngày 25-10-2010. Ảnh: AFP/TTXVN
Lần đầu tiên kể từ khi xuất hiện những cáo buộc cho rằng chính các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã mang vi khuẩn tả đến Haiti, khiến cho hàng nghìn người dân nước này tử vong cách đây 6 năm, Văn phòng của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thừa nhận rằng Liên hợp quốc cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh này bùng phát. Đây là sự thay đổi đáng chú ý của Liên hợp quốc sau hơn 5 năm các quan chức cấp cao của tổ chức này phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến việc làm bùng nổ dịch bệnh tả tại Haiiti.
Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq cho biết trong 2 tháng tới, Liên hợp quốc sẽ công khai những biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng này sau khi đã đạt sự nhất trí với giới chức Haiti và thảo luận với các quốc gia thành viên. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi cố vấn lâu năm của Liên hợp quốc Philip Alston - Giáo sư trường Đại học New York, ngày 08-8 gửi báo cáo mật tới Tổng Thư ký Ban Ki-moon, trong đó nói rằng lẽ ra dịch bệnh này đã không xảy ra nếu như không có sự can dự của Liên hợp quốc. Năm 2013, bên nguyên đơn là Viện nghiên cứu tư pháp và dân chủ Haiti đã nộp kiến nghị bồi thường lên tòa án New York, Mỹ, với lý lẽ rằng các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã mang dịch bệnh này từ Nepal đến đây khi tham gia công tác cứu trợ sau động đất từ tháng 01-2010. Ngoài ra, bên nguyên đơn cũng cáo buộc tổ chức này đã không thể bảo đảm ngăn chặn đại dịch tả ở đây, dù trên thực tế, hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường của Haiti rất yếu kém, dễ dẫn tới việc bùng phát các loại bệnh lây lan qua đường nước uống và sinh hoạt. Đợt dịch tả bùng phát tại Haiti hồi tháng 10-2010 đã cướp đi sinh mạng của gần 6.500 người và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của hơn nửa triệu người khác.
Mỹ trả lại tiền cho Iran để đổi lấy các công dân
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby. Ảnh: EPA/TTXVN
Ngày 18-8-2016, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã dỡ bỏ phong tỏa số tiền 400 triệu USD tiền mặt của Iran theo một quyết định của tòa án để đổi lấy sự bảo đảm từ phía Tehran rằng các tù nhân Mỹ đã được trả tự do và lên một máy bay rời khỏi nước này. Đây là lần đầu tiên chính quyền Washington công khai thừa nhận việc dùng “chiêu” trả tiền như một công cụ mặc cả để đổi lấy các tù nhân. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh số tiền được chuyển giao cho Iran không phải là một khoản tiền chuộc, mà là khoản tiền của Iran dùng để thanh toán các thiết bị quân sự nước này đặt mua của Mỹ trước khi diễn ra cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Ba trong số 5 tù nhân bị Iran giam giữ là Trưởng văn phòng đại diện tại Tehrancủa tờ “Washington Post” (Bưu điện Washington) Jason Rezaian, mục sư từ bang Idaho, và cựu lính Hải quân Mỹ Amir Hekmati đến từ bang Michigan. Một tù nhân khác là Nosratollah Khosravi đã chọn ở lại Iran trong khi tù nhân thứ năm là sinh viên người Mỹ Matthew Trevithick (được thả riêng).
Trước đó, Nhà Trắng ngày 17-01 vừa qua đã tuyên bố tháo khoán 400 triệu USD trong các quỹ của Iran bị phong tỏa từ năm 1981, cộng với 1,3 tỷ USD tiền lãi, một phần trong việc dàn xếp của Tòa án ở La Hay nhằm giải quyết vụ kiện tụng kéo dài giữa Mỹ và Iran liên quan đến các khoản quỹ trên. Số tiền này nằm trong quỹ tín thác mà Iran sử dụng để mua vũ khí của Mỹ trước khi xảy ra cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, nhưng đã bị phong tỏa nhiều thập kỷ sau sự kiện trên. Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đều phủ nhận việc hoàn trả số tiền này là khoản tiền chuộc để đổi lấy việc Iran phóng thích các công dân Mỹ bị Tehran bắt giam hay có liên quan đến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức)./.
Biểu diễn 3 chương trình nghệ thuật chào mừng 71 năm Quốc khánh  (22/08/2016)
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc  (22/08/2016)
Hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hòa bình hữu hiệu  (22/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-8-2016  (22/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-8-2016  (22/08/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển