TCCSĐT - Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Quảng Nam, ngày 04-12-2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, kiểm tra Dự án xây dựng Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại khu vực Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ và dự Lễ kỷ niệm 10 năm đầu tư xây dựng, phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Phát biểu tại buổi kiểm tra Dự án xây dựng Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là công trình quốc gia, chính vì vậy các đơn vị liên quan cần xúc tiến, hoàn thiện hệ thống Tượng đài. Đơn vị thi công cần huy động tối đa nhân lực để thực hiện công trình. Tỉnh Quảng Nam cũng cần nỗ lực rót vốn đầu tư theo quy định cho nhà thầu để bảo đảm tiến độ công trình hoàn thành theo đúng kế hoạch, sớm đưa công trình vào hoạt động.

Dự án Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (lấy nguyên mẫu từ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ) được khởi công xây dựng từ năm 2007, gồm nhiều hạng mục như: 8 trụ huyền thoại, khối tượng Mẹ Việt Nam anh hùng; sân vườn; nhà trưng bày… với tổng mức đầu tư 411 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, với giá trị thực hiện gần 300 tỷ đồng… Hiện đơn vị thi công đang khẩn trương lắp đá mỹ thuật chân dung tượng Mẹ và các hạng mục còn lại, phấn đấu hoàn thiện công trình vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24-3-1975 - 24-3-2015).

Sau khi kiểm tra công tác thi công trong quần thể Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên công trình.

** Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm (2003 - 2013) đầu tư xây dựng, phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 124 ngày 18-5-1999 với tổng diện tích là 2.700 ha. Theo quy hoạch, khu đô thị sẽ hoàn thành vào năm 2020, theo tiêu chí Đô thị loại III với dân số 15 vạn người. Đô thị được khởi công xây dựng từ tháng 3 năm 2003. Đây là mốc son đánh dấu sự khởi đầu xây dựng một khu Đô thị mới ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam , liền kề với thành phố Đà Nẵng.

Khu vực này cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 15km, cách thành phố Hội An 10km, có dòng sông Cổ Cò là trục không gian cảnh quan trung tâm, có một bờ biển đẹp và trải dài từ Đà Nẵng đến Hội An. Nơi có nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đây cũng là địa điểm nằm trong chuỗi đô thị động lực miền Trung bao gồm Chân Mây - Đà Nẵng - Điện Nam- Điện Ngọc - Hội An- Chu Lai và Dung Quất. Chức năng của Đô thị Điện Nam - Điện Ngọc là khu đô thị công nghiệp, giáo dục, dịch vụ và du lịch.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay Đô thị Điện Nam - Điện Ngọc đã thu hút 41 dự án đầu tư với nhiều loại hình đầu tư như: kinh doanh bất động sản, du lịch - dịch vụ - thương mại, giáo dục - đào tạo - y tế - văn hoá, nhà ở xã hội, với diện tích giao đất hơn 1.250 ha, Tổng vốn đăng ký của các dự án hơn 15.500 tỷ đồng và 320 triệu USD.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: nhìn lại 10 năm hình thành và phát triển của Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngoc, chúng ta có thể thấy rằng đây là mô hình khá thành công của Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định: Việc xây dựng đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc đã tạo ra những thay đổi cơ bản từ vùng cát trắng, thuần nông, tỷ lệ nghèo đói còn cao, nay đã từng bước hình thành một khu đô thị khang trang, hiện đại; hệ thống hạ tầng kỹ thuật được cơ bản khớp nối, không gian giữa thành phố Đà Nẵng và Hội An cơ bản hình thành chuỗi đô thị liên hoàn. Việc xây dựng đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã thúc đẩy phát triển nhanh công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang sản xuất công nghiệp có tỷ trọng cao, giải quyết đáng kể việc làm cho người dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trong thời gian tới, Quảng Nam cần triển khai quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư, xây dựng hạ tầng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tiềm năng sẵn có, Quảng Nam cần phát huy triệt để thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó chú trọng đến liên kết vùng trong khu vực miền Trung cũng như những địa bàn lân cận như Đà Nẵng, Hội An... tạo nên bước đột phá để Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững./.