Nhằm thông tin sâu rộng về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 04-12-2013, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm”.

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đã làm rõ những yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó kiểm tra, đổi mới đánh giá thi cử được xem là khâu đột phá. Các ý kiến cho rằng để triển khai hiệu quả trong thực tiễn, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, có rất nhiều vấn đề đặt ra như: kỹ năng tổ chức kiểm tra, đánh giá, ra đề thi của đội ngũ giáo viên, điều chỉnh quy chế thi phù hợp, chống tiêu cực trong thi cử, đảm bảo kết quả thi công bằng, phản ánh đúng thực lực thí sinh….

Nói về vấn đề thi đại học theo phương thức “3 chung”, PGS, TS. Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường Đại học Vinh cho biết phương thức thi này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, thí sinh không phải về tận Hà Nội để tham gia kỳ thi và theo đó người nhà thí sinh cũng không phải đi xa, mỗi kỳ thi “3 chung” được tổ chức tại Đại học Vinh làm lợi từ 70 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo PGS. Văn Như Cương, kế hoạch thi “3 chung” đáng lý phải cáo chung từ lâu bởi “đầu vào” chung đề nhưng “đầu ra” của mỗi trường có những yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn có rất nhiều trường đại học tuyển sinh vào khối A nhưng thí sinh thi vào trường Đại học Kinh tế học toán ra để ứng dụng vào ngành kinh tế, học Đại học Khoa học Tự nhiên để ra làm giáo viên..., việc cùng làm một đề thi giống nhau là hoàn toàn bất hợp lý, nên kết thúc phương thức thi “3 chung” để cho các trường tự chủ và một trong những vấn đề đổi mới thi vào đại học là các trường được tự chủ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã chủ trương cho các trường tự chủ nếu các trường có yêu cầu.

Cũng tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đã bày tỏ tâm đắc với những đề thi mở và cho rằng đây là việc cần làm nhưng mở đến đâu, mở trong phạm vi nào, đề mở nhưng chấm thi có mở, học sinh làm bài thi có mở là vấn đề cần bàn. Đề thi mở khó hơn nhưng sẽ khuyến khích học sinh thể hiện năng lực khái quát, tổng hợp, kiểm tra được kiến thức, khả năng sáng tạo của học sinh. PGS, TS. Đinh Xuân Khoa cho rằng tùy vào cách ra đề thi có thể chống được tình trạng dạy thêm, học thêm, “lò” luyện thi cấp tốc...

Nhìn nhận về vấn đề dạy thêm, học thêm khi đổi mới giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, dạy thêm, học thêm sẽ vẫn còn, điều này xuất phát từ nhu cầu học sinh và không tạo thành áp lực. Việc ra đề thi mở cùng với những thay đổi về đào tạo và phương pháp giáo dục sẽ triệt tiêu tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Sắp tới, Bộ có hướng tăng số giờ học tại trường trên cơ sở tự nguyện, tăng số giờ học sinh tự học tại trường có sự hướng dẫn của giáo viên để quá trình học tập hiệu quả hơn và chủ yếu là phát triển khả năng tự học của học sinh. Cùng với những đột phá trong thi cử, phương pháp đào tạo cũng được đổi mới theo hướng tiếp cận bồi dưỡng năng lực người học, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh, không đặt toàn bộ tương lai của một học sinh vào một kỳ thi mà đánh giá dần qua cả quá trình học tập.

Theo PGS. Văn Như Cương, học thêm, dạy thêm có những điểm tích cực, chúng ta cần cấm dạy tràn lan vô ích, tiến tới học thêm và dạy thêm một cách trong sáng, chính đáng như trước đây, học sinh kém phải phụ đạo, học sinh tốt cần bồi dưỡng thêm. Cần điều tra xã hội học để thấy việc học thêm nằm ở bộ phận học sinh nào, khi học sinh đã lĩnh hội đầy đủ kiến thức tại trường, chắc chắn dạy thêm, học thêm sẽ ít đi.

Về việc chọn khâu kiểm tra, đổi mới đánh giá thi cử là đột phá khẩu trong đổi mới giáo dục, PGS. Văn Như Cương cho rằng vấn đề kiểm tra đổi mới đánh giá thi cử là rất quan trọng, nhưng coi đây là khâu đột phá sẽ không lay chuyển được cả hệ thống giáo dục, cần xác định lại đột phá khẩu ở điểm nào. Theo PGS, TS. Đinh Xuân Khoa, đổi mới thi cử tác động ngược lại với quá trình dạy và học, đổi mới giáo dục có nhiều vấn đề đặt ra, như đổi mới sách giáo khoa, đổi mới cơ sở vật chất… Tuy nhiên, thi cử là việc có thể làm ngay trong năm tới, sở dĩ nó đột phá là bởi “ấn” vào là rúng động cả hệ thống, chưa cần phải đầu tư, chỉ thay đổi từ khâu ra đề thi là đã có tác động trở lại ngay và không sợ thất bại.

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI được kỳ vọng sẽ khắc phục những yếu kém kéo dài của nền giáo dục hiện nay, là kim chỉ nam cho việc tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo./.