TCCSĐT - Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 12-11, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã thăm chính thức Hàn Quốc ngày 13-11-2013. Với những thỏa thuận và văn kiện được ký kết trong hai chuyến thăm này của Tổng thống V. Pu-tin, Liên bang Nga đã tiến một bước quan trọng theo hướng điều chỉnh chiến lược địa - chính trị tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với Việt Nam, địa - chính trị quan trọng hơn cả kinh tế

Trong bài trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Itar-Tass và báo “Kommersant” của Nga về mối quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống V.  Pu-tin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: “Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga V. Pu-tin diễn ra trong bối cảnh hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp. Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Pu-tin là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: “Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga có bề dày lịch sử hơn 60 năm dựa trên nền tảng vững chắc là quan hệ hữu nghị truyền thống và tương trợ lẫn nhau. Với mục tiêu phát triển hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, Việt Nam và Liên bang Nga đã chính thức trở thành Đối tác chiến lược của nhau năm 2001 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012. Trên nền tảng vững chắc đó, việc hợp tác song phương giữa hai nước ngày càng phát triển toàn diện, được đẩy mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, hợp tác kinh tế hiệu quả, hợp tác nhân văn không ngừng được mở rộng”.

Còn trong bài viết nhan đề “Nga - Việt Nam cùng nhau đi tới những chân trời hợp tác mới” gửi công luận Việt Nam, Tổng thống Nga V. Pu-tin nhận định: “Tình hữu nghị giữa Nga và Việt Nam đã vững vàng vượt qua những thử thách từ nhiều sự kiện bi thương của thế kỷ XX cũng như những biến đổi kỳ vĩ trên thế giới và ở hai đất nước chúng ta. Nhưng có một điều còn mãi và không bao giờ thay đổi: đó là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, là truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau; là biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không vụ lợi của những đối tác không khi nào phản bội nhau”.

Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định, Nga và Việt Nam gắn bó bởi những quan điểm phần nhiều tương đồng nhau về những vấn đề thuộc chương trình nghị sự thế giới. Hai nước đang cùng nhau tìm kiếm phương thức đối phó với những nguy cơ và thách thức mới, bảo vệ tinh thần thượng tôn pháp luật trong công việc quốc tế, bảo vệ tính chất duy nhất không gì thay thế của những công cụ chính trị - ngoại giao trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền của bất kỳ quốc gia nào được tự mình lựa chọn con đường phát triển. Theo Tổng thống  V. Pu-tin, tất cả những điều đó đang bảo đảm cho mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Việt, mà hai bên có đầy đủ cơ sở để gọi là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ được tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Nhà nghiên cứu chính trị thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông A-na-tô-li Vô-rô-nin nhận định: “Quan hệ đối tác Nga - Việt đang thực sự trở thành yếu tố chủ đạo của toàn bộ hệ thống quan hệ tại châu Á - Thái Bình dương, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ được đặt ra trước Nga và Việt Nam”.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống V. Pu-tin được báo chí Nga đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai đất nước đã có truyền thống hữu nghị, hợp tác rất lâu đời. Các báo đều nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống V. Pu-tin đến Việt Nam có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế, chứng tỏ hai nước Nga và Việt Nam đang có cùng chung một đường hướng phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình dương. Vì vậy, chuyên gia nghiên cứu chính trị Liu-bốp Li-un-cô trong bài viết với tiêu đề “Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga - địa chính trị quan trọng hơn kinh tế”, đã đưa ra nhận định rằng, hiện nay giá trị kinh tế trong hoạt động trao đổi thương mại hay đầu tư vào nhau của Nga và Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với quan hệ kinh tế của Việt Nam với nhiều nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ và chưa phản ánh đẩy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Nga - Việt như nhận định của lãnh đạo cũng như giới nghiên cứu ở Nga. Trong quan hệ Nga - Việt, ý nghĩa địa - chính trị có tầm quan trọng cao hơn giá trị kinh tế.

Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị Liu-bốp Li-un-cô, tầm quan trọng về địa-chính trị của quan hệ Nga - Việt thể hiện trong bốn lĩnh vực hợp tác chủ yếu:

Thứ nhất, Việt Nam tham gia Liên minh Hải quan. Trong chuyến thăm Nga năm 2012, Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga V. Pu-tin đã thống nhất quyết định, Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán để gia nhập Liên minh Hải quan, gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Bê-la-rút và Cộng hòa Ca-dắc-xtan. Vì vậy, trong chuyến thăm tới Hà Nội lần này của Tổng thống V. Pu-tin, Việt Nam và Nga đánh giá tích cực tiến trình đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan. Hai bên quyết tâm dành ưu tiên về nguồn lực để đẩy nhanh, kết thúc đàm phán thành công, nhằm đạt được một Hiệp định toàn diện và cân bằng về lợi ích của các bên.

Thỏa thuận này có ý nghĩa địa - chính trị rất quan trọng vì Liên minh Hải quan là cơ sở xây dựng Đề án Không gian kinh tế thống nhất Á - Âu, hay còn gọi là Liên minh Á - Âu, đã được chính thức khởi động từ tháng 01-2012, đánh dấu cột mốc lịch sử không chỉ đối với 3 nước Liên bang Nga, Cộng hòa Bê-la-rút và Cộng hòa Ca-dắc-xtan mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên lục địa Á - Âu, trong đó có các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Liên minh Á - Âu đã bãi bỏ sự kiểm soát đối với hoạt động di chuyển hàng hóa; hoàn tất việc xây dựng một khu vực có chế độ thuế quan thống nhất nhằm thực hiện những sáng kiến kinh doanh đầy tham vọng. Từ tháng 01-2012, các nước tham gia liên minh này tạo ra thị trường rộng lớn với hơn 165 triệu người tiêu dùng dựa trên hệ thống luật pháp thống nhất, tạo điều kiện tự do di chuyển vốn, dịch vụ và lực lượng lao động. Liên minh này có 4 đặc điểm quan trọng.

(1) Đây là sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở kinh tế, chính trị và các giá trị đáp ứng yêu cầu của một thế giới mới đang thay đổi nhanh chóng. Liên minh Á - Âu có khả năng trở thành một trong các cực của thế giới hiện đại và đóng vai trò như mối liên kết có hiệu quả giữa châu Âu với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Việc phối hợp tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, vốn và nhân lực cho phép Liên minh Á - Âu cạnh tranh trong cuộc chạy đua về công nghiệp và công nghệ, thu hút các nhà đầu tư, tạo việc làm mới và các nền sản xuất tiên tiến, góp phần tạo ra sự ổn định cho sự phát triển toàn cầu.

(2) Liên minh Á - Âu sẽ là một trung tâm của các quá trình liên kết trong tương lai trên lục địa Á - Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

(3) Liên minh Á - Âu không mâu thuẫn với các thể chế của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Hiện nay, Nga cùng với các đối tác khác đang hoàn thiện các thể chế của SNG và mở rộng nội dung hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ cao và phát triển xã hội, mở ra nhiều triển vọng hợp tác lớn trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, giáo dục, điều phối thị trường lao động, tạo môi trường văn minh cho sự di chuyển lực lượng lao động.

(4) Liên minh Á - Âu là một đề án mở có thể kết nạp các đối tác khác, trước hết là các nước châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc liên kết thống nhất. Nga và EU đã từng đạt được thỏa thuận sẽ xây dựng không gian kinh tế chung từ Li-xbon đến Vla-đi-vô-xtốc, trước hết là xây dựng chính sách phối hợp trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, năng lượng, giáo dục và khoa học, bãi bỏ hàng rào xuất nhập cảnh, tiến tới xây dựng hệ thống đối tác cân bằng và hợp lý về mặt kinh tế giữa Liên minh Á - Âu và EU, tạo điều kiện thực tế để thay đổi cơ cấu địa - chính trị và địa - kinh tế trong không gia Á - Âu, góp phần phát triển kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Như vậy, với sự tham gia của Việt Nam trong Liên minh thuế quan sẽ tạo động lực cho các nước khác ở Đông Nam Á tham gia Liên minh Á - Âu trong tương lai, tạo cơ sở cho Liên bang Nga có thể mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Thông qua Việt Nam, hàng hóa Nga sẽ thâm nhập thị trường thương mại tự do của 10 nước thuộc ASEAN và Trung Quốc, nơi có tới 2 tỷ người tiêu dùng. Từ đây, Nga sẽ hội nhập vào không gian kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.  

Chính vì nhận thấy tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những trung tâm phát triển năng động nhất và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, trong Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga được Tổng thống V. Pu-tin phê chuẩn tháng 02-2013 đã xác định châu Á - Thái Bình Dương là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Theo Trợ lý Tổng thống Nga Y-u-ri U-xa-cốp, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống V. Pu-tin thể hiện rõ sự điều chỉnh này, theo đó bên cạnh việc coi Trung Quốc như một đối tác chiến lược, Nga đang tích cực hợp tác với các nước khác trong khu vực, trước hết là Việt Nam. Theo ông Y-u-ri U-xa-cốp, Việt Nam là đối tác then chốt của Nga ở Đông Nam Á

Trợ lý Tổng thống Nga Y-u-ri U-xa-cốp nhận định, những năm gần đây Nga đã bắt đầu đóng vai trò tích cực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được thể hiện rất rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Vla-đi-vô-xtốc năm 2012 và sự tham gia chủ động của Nga tại các diễn đàn khu vực quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN.

Theo Ông A-lếch-xây Ma-xlốp, Trưởng Khoa Phương Đông thuộc Trường kinh tế cao cấp ở Mát-xcơ-va cho biết, trong sự hợp tác của Nga với các nước Đông Nam Á có một nội dung quan trọng là khả năng phát triển vùng Viễn Đông của Nga. Hiện nay Nga đang củng cố vị thế của mình trong khu vực Đông Á không chỉ ở các tuyên bố chính trị mà còn ở chính sách phát triển các quan hệ đối tác với các nước trong khu vực nhằm mục tiêu củng cố và phát triển các khu vực Viễn Đông của Nga mà hiện nay vẫn là vùng đất chưa được khai phá. Vì thế, trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga, hai bên quyết định nghiên cứu xây dựng khu công nghiệp nhẹ ở Viễn Đông của Nga, trong đó có sự đóng góp quan trọng của “những bàn tay vàng” của người Việt Nam.

Thứ hai, hợp tác năng lượng hạt nhân. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga, hai bên nhấn mạnh ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, chú trọng triển khai dự án hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I với công nghệ hiện đại, an toàn, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao theo đúng tiến độ đã được hai bên thỏa thuận và phù hợp với pháp luật, quy định của hai nước. Nhằm phát triển ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam, phía Nga sẽ hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Theo nhận định của chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga ông A-lếch-xăng-đơ Vô-rôn-xốp, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á bắt đầu xây dựng nhà máy điện nguyên tử với sự giúp đỡ của Nga.

Thứ ba, hợp tác khai thác dầu khí. Nga và Việt Nam khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Gazprom và Công ty cổ phần mở Zarubezhneft mở rộng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam và Nga. Việc Nga tham gia hiện đại hóa nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam sẽ mở đường cho các công ty Nga đưa sản phẩm tiếp cận thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Còn các công ty dầu khí của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội phát triển mỏ nhiên liệu mới trên biển Pechora của Nga. Đây là cơ hội hiếm có mà Nga dành cho một công ty nước ngoài tham gia khai thác dầu khí trên lãnh thổ Nga.

Thứ tư, hợp tác quân sự - an ninh. Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục không ngừng phát triển hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự với độ tin cậy cao, phù hợp với các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp xúc sâu rộng và thực chất giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan an ninh, thực thi pháp luật của Nga, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước, cũng như ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Trong hợp tác kỹ thuật - quân sự, Nga không chỉ chuyển giao vũ khí cho Việt Nam mà còn giúp Việt Nam xây dựng các nhà máy chế tạo một số loại vũ khí theo giấy phép bản quyền. Như vậy, hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa Nga - Việt là một trong những lĩnh vực hợp tác thể hiện độ tin cậy cao về chính trị giữa hai nước, trong đó Nga sẵn sàng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và công nghệ quân sự cho Việt Nam - một lĩnh vực chỉ hợp tác trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt.

Với Hàn Quốc, Nga sẽ mở “con đường tơ lụa” xuyên Âu - Á tới châu Á - Thái Bình Dương

Theo ông A-lếch-xăng-đơ Vô-rôn-xốp, sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Nga V. Pu-tin tới thăm Hàn Quốc và hội đàm với tổng thống nước chủ nhà Pắc Cưn Hi về các vấn đề song phương và khu vực. Đây là cuộc họp thứ hai giữa tổng thống hai nước (cuộc gặp trước diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G-20 tại Xanh-Pê-téc-bua của Nga). Tổng thống Nga V. Pu-tin và Tổng thống Pắc Cưn Hi đã chia sẻ về vấn đề thúc đẩy kết nối châu Âu và châu Á, đề án xây dựng "Con đường tơ lụa" xuyên hai châu lục, phương án tăng cường hợp tác về kinh tế và các  vấn đề trong quan hệ liên Triều.

Chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga A-lếch-xăng-đơ Vô-rôn-xốp nhận định, chuyến thăm Hàn Quốc có tầm quan trọng không chỉ đối với hợp tác song phương mà còn đối với việc ổn định tình hình trong khu vực. Ba dự án lớn về kết cấu hạ tầng, gồm việc kết nối các tuyến đường sắt ở CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc với tuyến đường sắt xuyên Xi-bê-ri của Nga; việc xây dựng một đường ống dẫn khí và mạng lưới điện trong tương lai từ Nga qua CHDCND Triều Tiên tới Hàn Quốc. Những công trình này sẽ trực tiếp giúp kết nối và cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và không chỉ để phát triển quan hệ song phương mà còn để giải quyết nhiệm vụ đối ngoại lớn là thiết lập hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Những nội dung này đã được thảo luận tại Diễn đàn lần thứ 3 Đối thoại Nga - Hàn Quốc, Đối thoại kinh doanh Nga - Hàn Quốc lần thứ 6 và các hoạt động khác.

Một trong những chủ đề đặc biệt được quan tâm của các cuộc đàm phán giữa Nga và Hàn Quốc là vấn đề thương mại. Hiện nay, Hàn Quốc giữ vị trí thứ 3 trong cán cân thương mại của Nga với các nước châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Các nhà đầu tư Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư vào các dự án của Nga như các nhà máy lắp ráp xe ô tô, các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng và kinh doanh khách sạn. Trong cuộc phỏng vấn của Hãng thông tấn KBS Hàn Quốc, Tổng thống Nga V. Pu-tin bày tỏ hy vọng rằng, Nga sẽ thu hút các công ty Hàn Quốc trong các dự án phát triển công nghiệp đóng tàu ở Viễn Đông. Hợp tác văn hóa, xã hội, nhân đạo giữa hai nước cũng được phát triển trong tất cả các hướng, từ trao đổi sinh viên đến các cuộc giao lưu biểu diễn nghệ thuật giữa hai nước.

Đặc biệt, Tổng thống  Nga V. Pu-tin cho biết, ông ủng hộ các chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á như "lộ trình xây dựng niềm tin trên bán đảo Triều Tiên" và ý tưởng về hợp tác hòa bình trong khu vực Đông Bắc Á.

Như vậy là, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga V. Pu-tin và tiếp sau đó là chuyến thăm của ông tới Hàn Quốc thể hiện rất rõ định hướng trong chính sách đối ngoại của Nga đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là xây dựng khu vực này thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển vì lợi ích của tất cả các bên. Đây cũng là định hướng chiến lược lớn của Tổng thống Nga V. Pu-tin hướng tới xây dựng Không gian kinh tế thống nhất Á - Âu trong thế kỷ XXI.

Để xây dựng không gian này, Liên bang Nga đã đề xuất sáng kiến xây dựng cấu trúc an ninh toàn diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sáng kiến này đã được 10 nước ASEAN ủng hộ tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa kết thúc ở Bru-rây tháng 10-2013./.