COP 19 đã đạt được thỏa hiệp để hướng tới một Hiệp ước toàn cầu
Đại diện các nước tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên hợp quốc ở Warsaw, thủ đô của Ba Lan, ngày 23-11-2013 đã đạt được sự nhất trí về một số nguyên tắc chính cho một thỏa thuận mới để chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2015 và có hiệu lực sau năm 2020. Kết quả đạt được tại COP 19 là sự nhượng bộ của các nước đang phát triển trước yêu cầu phải hành động để bảo vệ môi trường.
Khi các cuộc đàm phán kéo dài trong suốt hai tuần qua đang bước sang giờ thứ 18 của thời gian đàm phán thêm thì các đại biểu đã đạt được sự nhất trí rằng tất cả các nước sẽ có “những đóng góp riêng” nhằm góp phần cắt giảm khí thải CO2. Trước đó, các nước phát triển và đang phát triển đã bất đồng về việc liệu có hay không và bằng cách nào các nước phát triển sẽ huy động tài chính để giúp các nước đang phát triển chống lại sự nóng lên trên toàn cầu, và liệu có hay không và cách thức thiết lập “cơ chế bồi thường” cho các nước phải hứng chịu các thảm họa thiên tai do các nước phát triển gây ra.
Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên hợp quốc (COP 19) diễn ra chỉ ít ngày sau khi siêu bão Haiyan - một trong những cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay tàn phá nghiêm trọng miền Trung Philippines, Hội nghị lần này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần phải hành động để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Đây là nguyên nhân gốc rễ - theo các nghiên cứu khoa học gần đây, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hạn. Trong thời gian Hội nghị, đã có những lần tuyệt thực của Trưởng đoàn đàm phán Philippines Naderev Yeb Sano và nhiều nhà hoạt động môi trường đến từ các nước khác nhằm hối thúc các nước đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa.
Các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần này đã tránh được đổ vỡ vào “phút chót”, khi các đoàn đại biểu đạt được một thỏa thuận vừa phải, mở đường cho một Hiệp ước toàn cầu mới vào năm 2015 nhằm chống lại tình trạng Trái Đất nóng lên. Theo đó, Hội nghị đạt được nhất trí rằng tất cả các nước, chứ không riêng những nước giàu, sẽ có “những đóng góp riêng” nhằm góp phần cắt giảm khí thải CO2. Các nước phải đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải của mình vào quý 1 năm 2015 để chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận vào cuối năm đó tại Hội nghị ở Paris, Pháp.
Thỏa thuận này sẽ là thỏa thuận đầu tiên ràng buộc tất cả các quốc gia nhằm hạn chế lượng khí thải độc hại thải ra bầu khí quyển Trái Đất. Bên cạnh đó, Hội nghị lần này nhất trí thiết lập một cơ chế giúp các nước dễ bị tổn hại vì những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Một giải pháp cụ thể mà Hội nghị lần này đạt được là một thỏa thuận về các quy tắc bảo vệ và duy trì các khu rừng nhiệt đới - lá phổi của tự nhiên.
Trong suốt thời gian đàm phán, các nước đang phát triển và phát triển luôn bất đồng sâu sắc về trách nhiệm cắt giảm khí thải, cũng như hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Như vậy, những gì đạt được tại Hội nghị lần này có thể được xem là kết quả làm “hài lòng” những nước giàu, và đó là sự nhượng bộ của các nước đang phát triển, khi họ từ bỏ yêu cầu là chỉ các nước phát triển mới phải đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải.
Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị, cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách vấn đế chống biến đổi khí hậu Connie Hedegaard cho biết: “Nếu các bạn hỏi tôi 12 giờ trước tôi có thể nói rằng tôi rất lo ngại rằng chúng ta không đạt được gì nhiều, thậm chí là không. Nhưng tôi thấy rằng vào thời điểm cuối cùng đã có sự đoàn kết và chúng ta có một kết quả tốt đẹp. Chúng ta đã có một thời gian biểu rõ ràng, các nước sẽ chuẩn bị cho Hội nghị ở Paris”.
Tại hội nghị, các nước phát triển đã không đưa ra cam kết nào về việc viện trợ cho các nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỹ và nhiều nước phát triển cũng từ chối thông báo kế hoạch làm thế nào để tăng số tiền viện trợ cho các nước đang phát triển, mà họ đã cam kết, lên mức 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Ngoài ra, không có nước phát triển nào đưa ra hành động mạnh mẽ hơn về cắt giảm khí thải, thậm chí Nhật Bản còn hạ thấp mục tiêu cắt giảm khí thài vào năm 2020 với lý do họ phải đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân, nên phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Bà Christiana Figueres, thư ký điều hành Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho rằng, đến nay, các nước giàu là những nước phát thải lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất kể từ cuộc cách mạng Công nghiệp. Do đó, họ phải là những nước có trách nhiệm lớn hơn trong các nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là cần nhận thức được rằng một thực tế không thay đổi đó là các nước công nghiệp cần có trách nhiệm lịch sử lớn hơn và phải đi đầu. Bên cạnh đó, tất cả các nước, nước lớn và nước nhỏ, tất cả các lĩnh vực, các thành phố đều phải đóng góp, nếu không chúng ta không thể thay đổi tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”, bà Figueres nhấn mạnh.
Theo Nghị định thư Kyoto, chỉ có những nước phát triển mới phải thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải, một lý do mà Mỹ không chấp nhận nghị định thư này và cho rằng các nước đang phát triển và mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cũng phải có nghĩa vụ tương tự./.
Tổng thống Mông Cổ kết thúc chuyến thăm Việt Nam  (24/11/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vùng lũ Quảng Ngãi  (24/11/2013)
CPI tháng 11 tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua  (24/11/2013)
Iran và P5+1 đạt thỏa thuận quan trọng về hạt nhân  (24/11/2013)
Tiếp nối thành công trong chính sách đối ngoại Việt Nam  (24/11/2013)
Khởi công dự án Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc  (23/11/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay