Lên núi trồng rừng
TCCSĐT - Những dải đồi trọc, đất trống hàng trăm héc ta hoang hoá bao năm nay đã trở mình, thức giấc nhờ bàn tay lao động cần cù và quyết tâm thoát nghèo của con người. Đất đã bén hơi người, sự sống đã phôi thai; tiếng gà gáy, tiếng lợn kêu hôm nay tuy còn thưa thớt, nhưng chỉ vài năm nữa khi màu xanh ngập tràn những dải núi này, sự sống sẽ sinh sôi. Đồng bào Cao Phong đã lên núi trồng rừng, để thoát nghèo và đem lại màu xanh cho quê hương mình...
Con đường đã mở...
Một góc đồi đã được dọn, đào hố
chuẩn bị trồng cây. |
Nghe mọi người nói về những vùng đất núi khô cằn thuộc xã Xuân Phong huyện Cao Phong tỉnh Hoà Bình sẽ được phủ xanh trong vài năm nữa, chúng tôi lên đường để được mục sở thị, mà trong lòng vẫn đôi chút băn khoăn.
Nếu như ngồi ở nhà sẽ không tưởng tượng ra được để lên Cao Phong lại phải đi trên con đường như vậy: đường đất đỏ mới san ủi chưa lâu mà đã kịp sạt lở nhiều đoạn, dốc ngược dựng đứng, cua tay áo khúc khuỷu, ngoằn nghèo hết sườn đồi này, sang sườn núi khác, nhìn đến chóng mặt. Vậy mà, anh Trần Văn Khoa, Trợ lý giám đốc Công ty D&G chi nhánh Hoà Bình cho biết, trong các địa bàn công ty đầu tư trồng rừng nguyên liệu thì đây là địa bàn có nhiều thuận lợi hơn cả!
Chỉ cách Hà Nội chừng hơn một 100 km nhưng xã Xuân Phong - huyện Cao Phong, Hoà Bình vẫn còn chưa thoát cảnh nghèo. Ông Bùi Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã cho chúng tôi biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào trong xã đã khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, song toàn xã hiện vẫn còn 28% hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Với mong muốn nhanh chóng thoát nghèo, Xuân Phong đã cố gắng mở ra nhiều hướng làm ăn mới: trồng cam, trồng mía, đưa người đi xuất khẩu lao động, đi tìm việc ở trong Nam, ngoài Bắc... nhưng vẫn thấy không ổn vì chưa dựa trên thế mạnh của chính quê hương mình là khai thác vùng đất hoang hoá, đồi núi trọc để trồng rừng.
Đồng chí Bùi Văn Ngọc Bí thư Đảng ủy xã đang trao đổi với đoàn. |
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, hướng đầu tư của Công ty D&G đã giúp địa phương giải được một phần bài toán giảm nghèo, mở ra một hướng làm ăn có nhiều triển vọng cho nông dân. Tham gia vào dự án này, người dân không những không phải “ly hương” mà vẫn có việc làm, và hai năm nay, kể khi công ty bắt đầu đầu tư vào xã, nhiều thanh niên địa phương đi làm ăn xa đã quay về bản trồng rừng.
Anh Bùi Văn Minh, trước đi làm thợ xây ở Điện Biên nay đã về bản nhận 10 ha đất trống, đồi trọc của Công ty D&G để trồng rừng. Trò chuyện với chúng tôi trong căn lán cạnh mó nước dưới chân núi trong giờ nghỉ giải lao, vợ chồng anh Minh, phấn khởi tâm sự dù hai con còn nhỏ (1cháu học lớp 3, một cháu học lớp 1) anh chị đã gửi ông bà nội trông nom ở dưới bản để ở núi trồng rừng. Làm việc với Công ty D&G, anh Minh rất vui vì anh học hỏi được cách tổ chức công việc và có thêm thu nhập lại không phải xa vợ con gia đình, đi làm ăn xa như trước. Anh chị đã mua được xe máy, hàng ngày muốn về bản lúc nào cũng được.
Anh Bùi Văn Du người nhận trồng 20 ha rừng trao đổi với phóng viên nơi làm việc |
Những dải đồi trọc, đất trống hàng trăm héc ta hoang hoá bao năm nay đã trở mình, thức giấc nhờ bàn tay lao động cần cù và quyết tâm thoát nghèo của con người. Đất đã bén hơi người, sự sống đã phôi thai; tiếng gà gáy, tiếng lợn kêu hôm nay tuy còn thưa thớt, nhưng chỉ vài năm nữa khi màu xanh ngập tràn những dải núi này, sự sống sẽ sinh sôi. Đồng bào Cao Phong đã lên núi trồng rừng, để thoát nghèo và đem lại màu xanh cho quê hương mình...
Và nhà doanh nghiệp đến ...
Để đầu tư vào Xuân Phong, công việc đầu tiên là Công ty D&G Hoà Bình(1) mở một con đường từ bản Nhọi 2 lên vùng đất sẽ canh tác trên núi với tổng chiều dài hơn 7 km, mặt đường rộng 6m, trên độ cao 450m khá hiểm trở, quanh co. Giá thành của con đường vào khoảng 15 đến 20 triệu đồng /1km. Đây là huyết mạch giao thông duy nhất để người dân có thể đi lại và vận chuyển phân bón, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất.
Theo hợp đồng các hộ gia đình (Bên B) đã ký với Công ty (Bên A) sau khi thực hiện các điều khoản và nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, bên B được hưởng 20% lợi nhuận bên A thu được từ việc khai thác các sản phẩm rừng trồng trên diện tích đất giao cho bên B trồng, chăm sóc, và bảo vệ. Lợi nhuận này được tính như sau: Lợi nhuận = Số tiền thu được từ việc bán sản phẩm rừng trồng - Các chi phí để đầu tư cho trồng rừng, chăm sóc, quan lý bảo vệ và khai thác (theo thời điểm khai thác). |
Sau con đường là việc hoàn tất các thủ tục pháp lý, ký kết hợp đồng sản xuất với các hộ gia đình. Để triển khai tổ chức sản xuất giai đoạn giai đoạn 1, các cán bộ hỗ trợ kỹ thuật và giám sát sản xuất đến từng hộ gia đình. Hơn 100 ha đất đã được các hộ gia đình nhận hoàn thành giai đoạn phát dọn thực bì, làm đất đào hố, bón lót phân, chuẩn bị trồng cây), hàng trăm tấn phân NPK được vận chuyển từ nhà máy đến chân núi giao cho bà con. Đó là thành quả của bao mồ hôi, công sức và tiền của.
Có được thành công bước đầu như vậy các cán bộ, kỹ thuật viên của dự án đã phải hao tâm, tổn sức, chịu khó, chịu khổ rất nhiều. Bởi, người dân Xuân Phong còn xa lạ với lối làm ăn lớn, đặc biệt là sản xuất theo hướng liên doanh; cả đời gắn bó với đất đai vườn ruộng, sống với rừng nhưng chỉ quen khai phá, ít nghĩ đến việc nuôi trồng... Một ngôi nhà tranh vách nứa đơn sơ, một mảnh vườn tạp cây cối đủ loại không có hiệu quả kinh tế cao, dăm bảy sào ruộng, vài con trâu, mấy con lợn, mấy mái gà, có cơm ăn, có áo mặc là bà con thoả mãn; ít người nghĩ việc làm giàu. Đó là chưa kể một số người cam phận nghèo không tìm cách vượt lên hoàn cảnh.
Biết rằng làm rừng sẽ giàu, sẽ khá nhưng một sớm một chiều đâu đã dễ “thông” ngay. Người dân nghe Công ty nói, thấy hay nhưng chưa tin vì đâu phải lần đầu tiên làm rừng; làm rừng đã mấy lần, dự án 322, 327, chương trình 135, 134 đã khởi động từ lâu mà hiệu quả chưa thuyết phục, nói gì đến việc trồng hàng trăm héc ta rừng vào vùng đất “chết”, nắng lửa mưa rừng, vừa xa bản, vừa không có đường lên, đã từ mấy chục năm nay không còn ai muốn khai phá nữa. Trăm người trăm ý, bàn ra bàn vào những người muốn làm ăn lớn cũng thấy ngần ngại, sợ nhất là mất công không.
Với phương châm “vết dầu loang, mưa dầm thấm lâu”, các cán bộ dự án đã bám trụ trong suốt 2 năm, kiên trì vận động, thuyết phục đả thông tư tưởng cho người dân. Trong 2 năm, từ khi dự án bắt đầu khởi động, Công ty đã tổ chức khoảng 50 cuộc họp dân, cùng hàng trăm cuộc gặp gỡ riêng để bàn bạc, trao đổi với các gia đình về lợi ích và sự cần thiết cần trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc trên quê hương của họ. Để mang lại niềm tin ban đầu cho người dân, Công ty đã đầu tư hàng tỉ đồng vào kết cấu hạ tầng, mua sắm vật tư thiết bị và tạm ứng tiền công cho người lao động.
Rút kinh nghiệm từ các chương trình trồng rừng khác, ngay từ đầu, Công ty đã coi trọng khâu quản lý điều hành và ứng dụng khoa học kỹ thuật để triển khai dự án. Người dân tham gia trồng rừng được hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ theo cách vừa đào tạo nghề, vừa “cầm tay chỉ việc”, tận tình tuỳ trình độ của từng người.
Để công việc điều hành quản lý vừa tinh giản, vừa hiệu quả lại giảm chi phí. Công ty đã “cắm” tại xã, bản một nhóm cán bộ kỹ thuật, gồm 5 chàng trai đều tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp và Đại học Bách khoa. Đây là những người thực hiện 3 cùng với nhân dân: cùng ăn ở, cùng làm việc, cùng chung lợi nhuận với dân. Yêu say nghề rừng, có nghiệp vụ, hiểu phong tục tập quán địa phương nên đội ngũ này đã trở thành chỗ dựa của đồng bào. Khi đã tin yêu thì công việc hợp tác kinh doanh sản xuất không còn nhiều trở ngại nữa.
Các cán bộ kỹ thuật và vợ chồng anh Minh sau buổi trao đổi về kỹ thuật bón phân |
Vượt khó để giúp dân làm giàu, đó là ấn tượng sâu sắc trong chúng tôi khi tiếp xúc với các cán bộ quản lý và kỹ thuật công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên D&G Hoà Bình.
Trao đổi về những nỗ lực và quyết tâm của Công ty, khi đầu tư trồng rừng nguyên liệu vào vùng đất Hoà Bình, ông Nguyễn Hải Hùng, Giám đốc chi nhánh Hoà Bình cho biết: tại Hoà Bình, Công ty đầu tư 2 dự án trồng rừng nguyên liệu lớn trong thời hạn 50 năm (2008-2058) ở huyện cao Phong và huyện Đà Bắc. Đây đều là những vùng đất hoang hoá ở rất xa trung tâm, xa bản, khó khăn về giao thông, về nguồn lực, nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng và doanh nghiệp cũng như người dân nên quyết tâm rất cao và tin tưởng sẽ thành công.
Chúng tôi xuống núi khi con đường đỏ quạch ban trưa đã bị nhấn chìm trong sương núi. Đã cuối xuân nhưng ở đây ngày vẫn như ngắn hơn dưới xuôi. Mới đó, vừa nắng chang chang, cháy da, cháy thịt, mà đêm xuống vẫn phải đắp chăn bông. Trong căn nhà sàn của ông trưởng bản Nhõi 2, nơi đội công tác dùng làm trụ sở, nhìn ánh lửa đèn dầu leo lét, chúng tôi cứ nghĩ miên man về những cánh rừng sẽ lên xanh trên những sườn núi khô cằn kia và cầu mong cơn mưa tới./.
Dự án trồng rừng tại huyện Cao Phong, Hoà Bình: Quy mô: 6.023 ha ( trong đó: trồng rừng sản xuất 5.850ha; trồng rừng phòng hộ: 171ha). Tổng kinh phí đầu tư 248.133.372.000 đồng. Thời gian thực hiện 50 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận (11-7-2008). Theo lộ trình từ tháng 7-2008 đến quý 1-2009, Công ty đầu tư xây dựng nhà làm việc, vườn ươm, hệ thống cấp thoát nước, đường lâm sinh và các công trình hạ tầng khác; mua sắm thiết bị; trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung.
Từ quý I-2009 đến 2015: trồng rừng, khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng, xây dựng đường rãnh cản lửa. Từ 2015 trở đi, dự án tiếp đầu tư các chu kỳ tiếp theo. Mô hình này được triển khai rộng khắp không chỉ ở Hoà Bình mà còn ở nhiều tỉnh khác. |
(1) Công ty D&G Việt Nam có các chi nhánh tại Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình.
Tìm lối thoát cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên  (16/04/2009)
Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ VII  (16/04/2009)
Hai Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thôi giữ chức để nhận nhiệm vụ khác  (16/04/2009)
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tạp chí Cộng sản và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (16/04/2009)
Chỉ tiêu tăng trưởng hạ, quyết tâm càng phải cao  (16/04/2009)
Phê duyệt Hiệp định Đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản  (16/04/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm