Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân
TCCS - Ngày 4-2-2025, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội khóa XII phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2009, với quy mô 2 nhà máy, công suất trên 4.000MW. Nhưng sau đó, vào năm 2016, Quốc hội khóa XIV có nghị quyết về việc tạm dừng triển khai dự án. Đứng trước yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, cuối năm 2024, Trung ương Đảng, Quốc hội đã xem xét, thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngay sau đó, ngày 10-1-2025 Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đã tổ chức Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Sau một tháng, các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận đã và đang triển khai nhiều công việc liên quan xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trong đó đã đề xuất đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ là chủ đầu tư dự án; nghiên cứu các cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện dự án; báo cáo cấp thẩm quyền xin chủ trương tái đàm phán với các đối tác nước ngoài; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, bổ sung Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; nghiên cứu sửa một số luật liên quan; liên hệ với cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để đánh giá kết cấu hạ tầng điện hạt nhân Việt Nam theo tiêu chuẩn của IAEA. Các bộ, ngành, địa phương đang lên các phương án, lựa chọn công nghệ, lộ trình khảo sát, lập thiết kế khả thi, thi công và các bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và sẵn sàng đàm phán, ký hợp đồng tổng thầu (EPC); xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ đặc biệt cấp quốc gia về công nghệ và an toàn điện hạt nhân; xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước nghiên cứu - khoa học, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo, bổ sung thêm thành viên và các cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo, cụ thể là Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo với các cán bộ, chuyên gia có năng lực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, nhiệt huyết, đam mê trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán quyết định mọi thắng lợi; căn cứ bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, sửa đổi, bổ sung luật theo hướng những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì đưa vào luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính; những việc doanh nghiệp làm tốt thì giao cho doanh nghiệp… Các bộ, ngành, địa phương đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án nhanh nhất, thuận lợi nhất, hoàn thành trước ngày 15-2-2025 để Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền; hoàn thành trình điều chỉnh Quy hoạch điện VIII xong trước ngày 28-2-2025.
Nhất trí phấn đấu đến ngày 31-12-2030, chậm nhất đến ngày 31-12-2031, hoàn thành xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này, phân công các việc cho các bộ, ngành, địa phương; tiến hành đàm phán với các đối tác đáp ứng tốt nhất yêu cầu đặt ra theo kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư. Trên cơ sở nội dung đã đàm phán trước đây, cập nhật các yếu tố mới, xác định quy mô, công suất, công nghệ, tổng đầu tư; rà soát nguồn nhân lực đã đào tạo trước đây, cũng như nhân lực các ngành nghề tương tự bổ sung kiến thức và có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực phát triển điện hạt nhân.
Trước mắt giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đảm nhiệm nhiệm vụ chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là công trình trọng điểm quốc gia, quy mô lớn nên cần huy động các nguồn lực, trước mắt sử dụng vốn dự phòng của năm 2025, sau đó nghiên cứu sẽ bổ sung nguồn vốn cho dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Ninh Thuận khẩn trương, làm ngay và hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh cho người dân trong vùng dự án trong năm 2025, sẵn sàng bàn giao 1.600ha đất sạch để triển khai dự án; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp nâng cấp sân bay Thành Sơn theo hướng lưỡng dụng để phục vụ và khai thác nhu cầu từ dự án Nhà máy điện hạt nhân và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận và khu vực. Giao các việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với IAEA về các vấn đề liên quan điện hạt nhân; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; bố trí kinh phí dự phòng cho dự án theo quy định; tăng cường thông tin, truyền thông…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo duy trì họp mỗi tháng 1 lần để rà soát, kiểm điểm, thúc đẩy việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân./.
Hà Phương (tổng hợp)
- Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới
- Hoàn thiện thể chế thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước - lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước
- Ngoại giao không gian mạng: Kinh nghiệm của một số quốc gia và gợi mở đối với Việt Nam
- Bối cảnh quốc tế và trong nước - Những vấn đề đặt ra để đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới
- Bảy mươi lăm năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga: Viết tiếp những trang sử vẻ vang và tự hào
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên