TCCS - Ngày 21-1-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Davos 55) và các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 20 đến 23-1-2025, theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam, diễn ra tại Thụy Sĩ, ngày 21-1-2025_Ảnh: TTXVN

Sáng ngày 21-1-2025, theo giờ địa phương, tại Davos (Thuỵ Sĩ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam với chủ đề: “Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường”.

Tham dự Đối thoại có Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương WEF Joo-Ok Lee cùng hơn 60 lãnh đạo tập đoàn toàn cầu là thành viên WEF. Phát biểu tại phiên Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của sự kiện, cảm ơn sự tham gia của đông đảo các đối tác, doanh nghiệp quốc tế, qua đó tiếp tục lan tỏa tinh thần hợp tác quốc tế và làm nổi bật vai trò của hợp tác công - tư trong thúc đẩy sự phát triển, thịnh vượng của thế giới. Phân tích về tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ năng lực tự cường của nền kinh tế khi vừa phải ứng phó với những khó khăn do là nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, vừa phải đối mặt với những thiên tai, biến đổi khí hậu gây nhiều thiệt hại, đặc biệt là cơn bão Yagi (bão số 3) đã tàn phá nặng nề 26/63 tỉnh, thành phố, làm giảm khoảng 0,15 - 0,2% điểm tăng trưởng GDP năm 2024, nhưng Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt trên 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và thặng dư cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; an sinh xã hội được bảo đảm với tinh thần không có ai bị bỏ lại phía sau. 

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, để đạt các mục tiêu chiến lược tới năm 2030, 2045, Việt Nam tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực mới. Trong năm 2025, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. 

Toàn cảnh cuộc Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam với chủ đề: “Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường”_Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, Việt Nam tập trung thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực theo tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh. Trong đó, hoàn thiện thể chế là khâu “đột phá của đột phá”, cắt giảm thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy về tổ chức. Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện đột phá về xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục, thể thao, xã hội… góp phần làm giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa…

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng bà Karin Keller-Sutter vừa nhậm chức Tổng thống Thụy Sĩ, bày tỏ tin tưởng bà Keller-Sutter sẽ có nhiệm kỳ thành công, góp phần củng cố và nâng tầm quan hệ song phương giữa hai nước. Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam làm việc song phương tại Thụy Sĩ và dự Hội nghị WEF Davos 55; nhấn mạnh Chính phủ Thụy Sĩ coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực, mong muốn đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới, tin cậy về chính trị và toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực. Hai nhà lãnh đạo đánh giá, quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ thời gian qua có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là về chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo… 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter_Ảnh: TTXVN

Với bề dày quan hệ hữu nghị tốt đẹp cùng tầm nhìn chung, hai nhà lãnh đạo nhất trí, giai đoạn hiện nay là thời điểm thích hợp để nâng tầm quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ lên đối tác toàn diện, với các nguyên tắc và định hướng chung lớn, nhằm tạo đột phá, đưa quan hệ hai nước phát triển sâu sắc, toàn diện và thực chất hơn nữa trên bình diện song phương, cũng như hợp tác ở quy mô khu vực và toàn cầu.

Tổng thống Karin Keller-Sutter khẳng định, cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và việc hai bên thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện có ý nghĩa quan trọng, giúp đưa quan hệ song phương phát triển tốt đẹp và hiệu quả hơn trong thời gian tới; nhất trí hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cụ thể hóa các nội hàm của quan hệ đối tác toàn diện.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao triển vọng hợp tác kinh tế trong quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ, nhất trí phấn đấu tăng cường kim ngạch thương mại song phương thời gian tới; đặt ưu tiên cao sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), khởi động đàm phán lại Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư song phương, để tạo điều kiện cho trao đổi kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lâu dài tại hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Thụy Sĩ có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển giai đoạn 2025 -2028. Tổng thống Thụy Sĩ hoan nghênh đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và bày tỏ sẵn sàng mở rộng hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực mới phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của hai bên, như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI)...; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam… Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng - an ninh, thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; nghiên cứu, đàm phán và ký kết các Hiệp định hợp tác quốc phòng và an ninh… Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời của Chủ tịch nước Lương Cường trân trọng mời Tổng thống Thụy Sĩ thăm Việt Nam và Tổng thống Karin Keller-Sutter đã vui vẻ nhận lời.

** Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Tọa đàm “Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16: Tương lai của thương mại và phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên thông minh”. Tọa đàm do Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan điều phối với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện cấp cao của một số tổ chức quốc tế và học giả, chuyên gia quốc tế uy tín.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Tọa đàm “Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16: Tương lai của thương mại và phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên thông minh”_Ảnh: TTXVN

Tại Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, các thách thức hiện nay đối với thương mại và phát triển diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả mọi người nên cần cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu nên các nước cần tăng cường hợp tác, chung tay, chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại đa phương cho phát triển. Đặc biệt để đối mặt với các thách thức đó trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phải nắm bắt “kỷ nguyên thông minh” một cách tổng thể từ bốn khía cạnh khác nhau, gồm từ khía cạnh địa chính trị, an ninh là hòa bình, hợp tác; từ khía cạnh kinh tế là phát triển nhanh và bền vững; từ khía cạnh môi trường là khai thác sử dụng bền vững; từ khía cạnh xã hội là tiến bộ, công bằng xã hội, không để lại ai phía sau. Việt Nam phải chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho kỷ nguyên mới với cách tiếp cận nguồn lực bắt nguồn từ tuy duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.

Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhiều ý kiến tư vấn cho chiến lược phát triển của Việt Nam, như khai thác hiệu quả sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam; chuyển hóa đầu tư nước ngoài thành lợi ích thiết thực cho phát triển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thành động lực vượt thoát bẫy thu nhập trung bình. Các đại biểu tin tưởng rằng, với vị thế và kinh nghiệm tổ chức hội nghị đa phương của Việt Nam, Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 sẽ hội tụ những động lực phát triển mới, tạo ra tác động lan tỏa, tạo đà cho sự phát triển của thương mại và phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên mới.

*** Cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp, hội kiến Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Jasem Mohamed Albudaiwi, Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường, Thủ tướng Litva Gintautas Paluckas, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Panama José Raúl Mulino Quintero, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) Daren Tang…/.

Hà Phương (tổng hợp)