Tỉnh Cao Bằng: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCS - Kỷ niện 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nhìn lại chặng đường đã làm theo di huấn của Người. Cũng suốt thời gian ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng luôn luôn thấm nhuần lời căn dặn của Người trước lúc đi xa, được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực cùng với những bài học quý báu cần phát huy.
Năm nươi năm thực hiện Di chúc của Bác
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, với niềm tin tất thắng cùng tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”..., thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, đóng góp sức người và sức của cùng cả nước chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuổi trẻ Cao Bằng xung phong tình nguyện lên đường đi chiến đấu, luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển quân. Ở hậu phương, các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... được phát động sâu rộng trong toàn tỉnh.
Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước bước vào xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Song, chưa được bao lâu thì tháng 2-1979 chiến sự biên giới phía Bắc nổ ra. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng lại anh dũng tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc chiến kết thúc, Cao Bằng đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tích cực khôi phục và phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Nói về chăm lo đời sống cho nhân dân, Di chúc của Người căn dặn: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ Cao Bằng luôn chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm tòi nhiều giải pháp khai thác, tận dụng tiềm năng và lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương để đề ra chương trình, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp; thực hiện cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu nhằm phát triển bền vững, hướng đến phát triển du lịch, dịch vụ làm trung tâm; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, tỉnh đã tạo được bước chuyển tích cực, nếu năm 1991 thu ngân sách chỉ đạt 9,4 tỷ đồng, thì đến năm 2018 tăng lên 1.900 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 1991 đạt 95,8 USD, đến năm 2018 đạt trên 1.213 USD; giai đoạn 2010 – 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trung bình đạt trên 7%/năm; hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư phát triển, thị xã Cao Bằng được công nhận đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2012, hoàn thành trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Về giáo dục - đào tạo, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn; quan tâm xây dựng hệ thống trường bán trú, tổ chức các điểm trường, lớp lẻ, các lớp xóa mù chữ cho đồng bào. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 654 trường học, trong đó có 129 trường đạt chuẩn quốc gia.
Trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ; chú trọng xây dựng trạm y tế chuẩn quốc gia cũng như xã chuẩn quốc gia về y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, vệ sinh phòng dịch, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Đến hết năm 2018, tỉnh có 112/199 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 56%, có 15 bác sĩ/1 vạn dân.
Thực hiện lời dạy của Người về công tác xây dựng Đảng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ Cao Bằng luôn giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng không ngừng được đổi mới, tăng cường bám sát cơ sở, chú trọng bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của các cấp uỷ đảng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Đảng bộ tỉnh thường xuyên chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên; tổ chức tốt việc học tập, quán triệt triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của địa phương kịp thời, hiệu quả.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng xác định học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xem đây là giải pháp hàng đầu để chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 27-3-2003, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã chỉ đạo, triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ nghiêm túc, bài bản, vừa bám sát yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, với phương châm chuyển từ “học tập” sang “làm theo”. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Quán triệt sâu sắc lời dặn của Người “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng thường xuyên quan tâm tới công tác thanh thiếu niên. Cụ thể là: Chú trọng công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng, lối sống cho thế hệ trẻ, bồi dưỡng, phát triển Đảng; đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong; xây dựng và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, xung kích, đi đầu trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác.
Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 36.591 nghìn đoàn viên sinh hoạt trong 3.571 tổ chức cơ sở Đoàn. Các tổ chức đoàn, hội thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động lớn như các phong trào: “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”… và các chương trình: “Tình nguyện mùa đông”, “Xuân tình nguyện”, “Xuân biên giới”, cuộc vận động “Tuổi trẻ Cao Bằng học tập và làm theo lời Bác”... Nhờ vậy, xuất hiện nhiều nhân tố điển hình tiên tiến trong tuổi trẻ giúp giới thiệu cho Đảng, trung bình hằng năm có trên 1.200 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Công tác phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng cũng được chú trọng, thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, định hướng giá trị, hình thành nhân cách cho thiếu nhi qua các cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”, “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Cao Bằng”; phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Nghìn việc tốt”...
Những bài học kinh nghiệm quý
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Cao Bằng đã đúc rút ra một số bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy. Đó là:
Thứ nhất, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đảng bộ phải thường xuyên chăm lo củng cố, đoàn kết, sáng tạo, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chú trọng vai trò nêu gương cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực tiễn cho thấy, nếu Đảng bộ đoàn kết thống nhất, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đề ra chủ trương đúng đắn, cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu, quần chúng đồng tình ủng hộ thì khó khăn nào cũng vượt qua, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi.
Thứ hai, phát huy dân chủ, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh phải căn cứ vào nhiệm vụ của mỗi thời kỳ cách mạng, bám sát chủ trương của Đảng và sự giác ngộ của quần chúng để tổ chức xây dựng các đoàn thể phù hợp. Thông qua tổ chức để lãnh đạo quần chúng, đề ra những chủ trương, biện pháp sát hợp với tình hình thực tế, từ đó tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp và phát huy tối đa mọi tiềm lực của các tầng lớp nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Thứ ba, đặc biệt quan tâm tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Bác căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng vì không ai khác ngoài thế hệ trẻ sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng.
Thứ tư, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng để nhân dân có niềm tin vững chắc vào Đảng, một lòng theo Đảng. Đảng bộ tỉnh luôn xác định và quán triệt sâu sắc quan điểm “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của địa phương, ở từng giai đoạn lịch sử.
Tiếp tục thực hiện Di chúc của Người trong thời gian tới
Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên về nước để lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cao Bằng nguyện suốt đời thực hiện Di chúc của Người, học tập và làm theo Người, bằng những việc làm, giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường công tác xây dựng Đảng, chú trọn tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chuyên đề năm 2019 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án sắp xếp lại bộ máy tổ chức cán bộ theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Cụ thể hóa thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 phù hợp với điều kiện của tỉnh, cùng với tập trung chỉ đạo thực hiện và phấn đấu hoàn thành 6 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Cụ thể là, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và thể chế, cơ chế, chính sách, qua sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, sở, ngành với các địa phương trong tỉnh; huy động các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biên mậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; quan tâm mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư tại Cao Bằng; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Ba là, không ngừng chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Tăng cường và đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho thế hệ trẻ. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên, thế hệ trẻ nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, tôi luyện thử thách trong các môi trường khác nhau để có bản lĩnh chính trị vững vàng trước khó khăn, thử thách. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - Đoàn Thanh niên - xã hội trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt. Trong đó, chú trọng việc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao việc, tạo điều kiện để tuổi trẻ được trải nghiệm, phấn đấu, trưởng thành và phát huy sức mạnh sáng tạo, xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nguồn cán bộ trẻ, bảo đảm quy hoạch cho trước mắt và lâu dài.
Bốn là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Vận động và tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy tính năng động, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Năm là, mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, ký kết với Khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc); đẩy mạnh việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng các cửa khẩu, khu hợp tác kinh tế... Chủ động tiếp cận, mời gọi các đối tác đến từ nhiều nước đến Cao Bằng để tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường. Đồng thời, tăng cường, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên