Đẩy mạnh sử dụng công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải rắn sinh hoạt
TCCS - Là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước, việc thiếu chỗ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã khiến thành phố Hà Nội phải đối mặt với nhiều áp lực từ ô nhiễm môi trường bởi chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt. Vì vậy, Hà Nội đã nhanh chóng lựa chọn sử dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Dân số thành phố Hà Nội gia tăng dẫn đến nhu cầu ngày càng cao trong tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu dẫn đến phát sinh ngày càng nhiều chất thải rắn sinh hoạt, tạo nên sức ép không nhỏ đối với môi trường Thủ đô.
Theo Quyết định số 609/QĐ-TTg, ngày 25-4-2014, của Thủ tướng Chính phủ, về việc Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hà Nội xác định có 17 khu, trong đó 8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới, được phân theo ba vùng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) hoạt động. Khó khăn hơn nữa là cả hai khu xử lý trên đều đang ở tình trạng không còn khả năng chôn lấp trong 1 - 2 năm tới. Trong khi đó, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày. Tại bãi rác Nam Sơn do Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) vận hành, khối lượng rác trung bình mỗi ngày đưa vào bãi là khoảng 5.000 tấn, tương đương 1,825 triệu tấn/năm. Nhưng do hoạt động nhiều năm, diện tích mở rộng không đáng kể, lại sử dụng công nghệ chôn lấp nên các ô chứa, chôn lấp rác của bãi Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải, vượt so với thiết kế khoảng 1,69 triệu tấn.
Bài toán đặt ra trong xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của thành phố Hà Nội là lượng rác thải lớn, toàn thành phố lại chỉ có hai khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khả năng tiếp nhận rác thải sinh hoạt của cả hai khu xử lý trên ngày càng bị thu hẹp; các nhà máy qua thời gian vận hành bộc lộ một số nhược điểm, như việc lựa chọn công nghệ chưa hợp lý (chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh, dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh). Tính đến nay, cả hai khu xử lý rác đã xuống cấp, không bảo đảm công suất thiết kế nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu xử lý rác của thành phố. Do đó, Hà Nội cần ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt để tháo gỡ bài toán nan giải này.
Hà Nội định hướng đẩy mạnh sử dụng công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải, phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%. Theo đó, Hà Nội lên kế hoạch xây dựng bốn nhà máy đốt rác lấy điện, trong đó đã có hai dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao được thành phố chấp thuận đầu tư và hiện đang đôn đốc hoàn thành là nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, theo kế hoạch vận hành trong năm 2021; nhà máy đốt rác phát điện tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, dự kiến vận hành từ tháng 4-2023.
Để thúc đẩy tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm bảo đảm kế hoạch đề ra, trước hết, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ vận hành các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và khởi công nhà máy đốt rác phát điện tại Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Hai là, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng để kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Châu Can (huyện Phú Xuyên), Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Đồng Ké (huyện Chương Mỹ). Ba là, triển khai xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ hiện đại, phân loại, nghiền, tái chế sản phẩm sau xử lý tại các cửa ngõ Thủ đô. Bốn là, nghiên cứu xây dựng phương án phân loại rác thải sinh hoạt phù hợp với công nghệ xử lý theo lộ trình phù hợp. Năm là, áp dụng cơ giới hóa trong thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm tiếp nhận rác tại các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Sóc Sơn và Xuân Sơn, ngày 23-6-2021, Hà Nội ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND yêu cầu các nhà đầu tư: Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội chịu trách nhiệm bố trí đủ nguồn lực về con người, tài chính, bộ máy nhân sự, vượt qua các khó khăn do dịch COVID-19 để hoàn thành dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, hoạt động tiếp nhận, xử lý rác theo tiến độ; Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, bảo đảm đủ điều kiện khởi công năm 2021, thi công, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành trong thời gian tối đa 22 tháng.
Bên cạnh đó, phối hợp các công tác phân luồng, tiếp nhận rác, đặt hàng xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với nhà máy khi đưa vào hoạt động. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện đối với các nội dung thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành, như: nghiệm thu, hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, vận hành thử nghiệm, phương án kiểm soát ô nhiễm và các yêu cầu khác về môi trường đối với nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện nói trên.
Tập trung giải quyết bài toán ứng dụng công nghệ hiện đại xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Hà Nội cũng tăng cường quản lý chất thải rắn nói chung trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để việc xử lý rác thải rắn, đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt, mang tính bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu, tăng cường triển khai các biện pháp thiết thực để việc phân loại rác thải tại nguồn đi vào đời sống, trở thành ý thức của người dân. Việc phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện hiệu quả sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn phải xử lý, đồng thời có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Đây chính là hành động thiết thực nhất mà người dân có thể chung tay với các nhà quản lý góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp./.
Khánh thành cụm tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”  (18/07/2022)
Phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước ta hiện nay  (15/07/2022)
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp  (10/07/2022)
Tổng cục Môi trường nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các nhiệm vụ được giao  (30/06/2022)
- Đối ngoại với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Thành tựu và bài học kinh nghiệm
- Đảng bộ tỉnh Lào Cai xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo đột phá để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
- Phát triển kinh tế xanh: Cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam