Một số giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
TCCS - Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa(1). Sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh có bước phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng; qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh tiến bộ, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững.
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và khẳng định đây là bốn lĩnh vực chủ yếu có tầm quan trọng ngang nhau của đời sống xã hội. Người xác định văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, là lĩnh vực thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội, cách mạng văn hóa là một bộ phận cấu thành của cách mạng Việt Nam, xây dựng văn hóa là phải xây dựng một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng. Vận dụng tư tưởng của Người, trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với các định hướng: Gắn phát triển văn hóa với thực hiện chiến lược phát triển con người trong công cuộc đổi mới đất nước phải được coi là một định hướng có tầm quan trọng đặc biệt; gắn phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội vì “mục tiêu phát triển bền vững” phải được coi là định hướng mang tính chủ đạo; gắn việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam với việc chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại phải được coi là định hướng cơ bản.
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới, có diện tích tự nhiên 14.109,83km2, dân số trên 1,3 triệu người, có 12 huyện, thành phố, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Sơn La vừa là giao điểm của nhiều nét văn hóa đặc sắc, vừa là một trong các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng chiến lược, quan trọng của vùng Tây Bắc Việt Nam. Nói đến Sơn La là nói đến một vùng văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, bởi mảnh đất này là nơi hội tụ sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng và hết sức quý giá đã tạo nên cho tỉnh Sơn La những giá trị văn hóa độc đáo, phong phú của các dân tộc.
Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, con người đối với sự phát triển của đất nước và triển khai có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng, mục tiêu phát triển: “Tiếp tục khơi dậy, phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân..., gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”; “kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, con người Sơn La;... phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh..., thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững”(2). Ngày 26-7-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 335-KL/TU, “Về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Sơn La từng bước trở thành một nguồn lực quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa; phát huy sức mạnh nội sinh, nền tảng văn hóa truyền thống để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế; chú trọng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là tri thức khoa học và đào tạo các kỹ năng xã hội, hình thành và phát triển tri thức văn hóa nhân loại, trình độ ngoại ngữ, tin học, luật pháp, quan tâm tới xã hội hóa văn hóa, cải thiện tầm vóc con người Sơn La; chủ động, năng động, sáng tạo, giao thoa văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa; thay đổi mạnh mẽ cơ chế, chính sách, nhận thức về pháp luật, các quy ước, quy định, chế tài trong nước, quốc tế và khu vực; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.
Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được nhiều thành tựu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội; nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên, hình thành nhiều phong trào văn hóa, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển. Cụ thể:
Thứ nhất, tư tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh ổn định; phấn khởi và kỳ vọng vào những chủ trương, quyết sách mới của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa. Qua đó, tạo không khí phấn khởi, khích lệ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ chung sức xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Thứ hai, việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa vào điều kiện thực tiễn được quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; đóng vai trò là phương tiện để thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động văn hóa, thu hút đầu tư cho văn hóa, từng bước triển khai chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Thứ ba, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều di tích lịch sử được xây dựng, tôn tạo, như Di tích nhà tù Sơn La; Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên; Khu tưởng niệm tâm linh thuộc Dự án tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; Di tích lịch sử đèo Phạ Đin tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La... Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Di sản văn hóa và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 15-12-2021. Các hoạt động dân ca, dân vũ được quan tâm phát triển, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và nhận thức bảo vệ di sản trong nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ tư, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được mở rộng và đi vào chiều sâu, với những tiêu chí cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 72% (tăng 2% so với năm 2020); tỷ lệ bản, tiểu khu tổ dân phố văn hóa đạt 57% (tăng 7% so với năm 2020); tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt 98% (tăng 1% so với năm 2020). Phong trào xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, làng bản, khu phố văn hóa, loại bỏ dần những tập tục lỗi thời, lạc hậu.
Thứ năm, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận: nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình từng bước được nâng lên. Công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được đổi mới về hình thức, phong phú đa dạng về nội dung đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tình trạng bạo lực gia đình giảm qua từng năm. Công tác kiểm tra, giám sát thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được quan tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình từ cơ sở đến cấp tỉnh từng bước được kiện toàn.
Thứ sáu, phong trào thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi, số lượng người tham gia tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 28,2%; toàn tỉnh hiện có 500 câu lạc bộ thể dục, thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện thường xuyên của nhân dân, góp phần phòng ngừa bệnh tật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng lối sống lành mạnh; hình thành, bồi dưỡng các phẩm chất, nhân cách con người. Năm 2022, tỉnh Sơn La tham gia thi đấu 53 giải khu vực, toàn quốc, tính đến tháng 5-2022: đạt 123 huy chương, trong đó 28 huy chương vàng, 40 huy chương bạc, 55 huy chương đồng, vận động viên (VĐV) được phong cấp: 8 VĐV kiện tướng, 13 VĐV cấp I. Đặc biệt, tham dự Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á (Seagame 31) tổ chức tại Việt Nam, tỉnh Sơn La có 4 VĐV tham gia thi đấu, trong đó đạt 3 huy chương vàng môn Pancatsilat, Teakwondo, Ném lao.
Thứ bảy, hoạt động văn học, nghệ thuật đã nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm chất lượng trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Lực lượng văn nghệ sỹ, đặc biệt các nhà văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển. Năm 2022, tỉnh Sơn La đã tổ chức Giải Báo chí về xây dựng Ðảng (Giải Búa liềm vàng) cấp tỉnh, tuyên truyền, vận động hưởng ứng giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc”; Cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô - Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”...
Thứ tám, hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch được quan tâm thực hiện trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh; qua đó giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa - nghệ thuật các dân tộc Sơn La ra thế giới, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc để bắt kịp xu thế của thời đại; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân Tết cổ truyền Bunpimay; các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2022); 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2022).
Thứ chín, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch trong toàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng đã từng bước bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thứ mười, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động lễ hội đầu năm phù hợp với thuần phong mỹ tục, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La còn gặp khó khăn, hạn chế như:
Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, con người tỉnh Sơn La chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển bền vững. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa có nội dung còn hạn chế; vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Thứ hai, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người tỉnh Sơn La thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra (về tri thức văn hóa nhân loại, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng xã hội, đáp ứng tiêu chí xây dựng công dân quốc gia, công dân toàn cầu). Đạo đức, lối sống, môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh.
Thứ ba, chưa phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp, sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể văn hóa, khích lệ, động viên tính tích cực xã hội của nhân dân, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Một số hoạt động văn hóa còn mang nặng tư tưởng bao cấp, chậm chuyển đổi sang cơ chế xã hội hóa, cung ứng dịch vụ công, thiếu tính năng động sáng tạo.
Thứ tư, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn có mặt hạn chế. Một số tệ nạn xã hội, nhất là tình hình mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy còn diễn biến phức tạp.
Để khắc phục các hạn chế nêu trên, tỉnh Sơn La đã và đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của con người trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Cổ vũ tinh thần “Yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, nghị lực, thân thiện, cần cù, sáng tạo”, hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, tự trọng, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Phát huy tối đa nhân tố con người, là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu sự phát triển của tỉnh.
Thứ hai, đổi mới công tác tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị, khắc phục giáo điều, máy móc, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tôn trọng đối thoại, phản biện xã hội, tăng tính thuyết phục từ kết quả đổi mới đất nước, tạo sự nhất trí trong Đảng, đồng thuận xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng thế giới quan khoa học.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách, tạo cơ sở pháp lý giải phóng mọi tiềm năng xã hội, chăm lo, phát triển con người. Đổi mới cơ chế và phương pháp giáo dục nhân cách, tư tưởng, lý luận chính trị, đạo đức cách mạng phù hợp với từng đối tượng, từng cấp học. Sớm xây dựng, ban hành các chuẩn mực giá trị văn hóa, con người tỉnh Sơn La thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn. Thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cam chịu; có ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên mạnh mẽ chiến thắng đói nghèo, lạc hậu.
Thứ tư, phổ cập rộng rãi các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các chương trình giáo dục văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại nhằm nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân văn, tạo bản lĩnh và sức đề kháng giúp người dân chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người, mỗi chủ thể văn hóa, phối hợp và có giải pháp đồng bộ đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, có nội dung trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng con người. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các vùng, miền trong nước và quốc tế, với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ kết nghĩa, hợp tác trên các lĩnh vực với tỉnh, đặc biệt là với các tỉnh của nước bạn Lào. Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn lực, tham gia phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh, con người Sơn La.
Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, các khuynh hướng sáng tác phản tiến bộ, phản nhân văn, tha hóa con người trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người lớn tuổi, người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội, vai trò xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ. Triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, tôn vinh gương điển hình tiên tiến với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Đẩy mạnh đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu, hành vi sai trái, tiêu cực làm tha hóa con người.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 122/QĐ-TTg, ngày 10-1-2013, của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và phát triển hệ thống y tế từng bước hiện đại và đồng bộ theo hướng công bằng, hiệu quả. Bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 trên địa bàn tỉnh gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học, lực lượng vũ trang. Chú trọng đầu tư phát triển các môn thể thao mũi nhọn phù hợp với đặc điểm thể chất của con người Sơn La và điều kiện kinh tế của tỉnh.
Thứ bảy, nâng cao năng lực tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới và mở rộng các hoạt động hướng đến giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(3), Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Sơn La đã và đang nỗ lực quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện có hiệu quả, chất lượng việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, sớm đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi và trung du Bắc bộ./.
------------------------
(1) Chương trình số 23-CTr/TU, ngày 31-12-2014, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 438-KL/TU, ngày 29-9-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về một số nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục thực hiện Chương trình số 23-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh”; Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 20-12-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 47/KH-UBND, ngày 4-2-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, về “Triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI”
(2) Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025
(3) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
Di sản văn hóa và sự phát triển bền vững, nhân văn ở Việt Nam hiện nay  (12/09/2022)
Phát huy giá trị văn hóa đạo đức của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (25/07/2022)
Phát huy giá trị văn hóa đạo đức của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (25/07/2022)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm