Tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - tạo đột phá cho phát triển bền vững
TCCS - Để hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá của đất nước, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục nỗ lực huy động, quản lý và sử dụng mọi nguồn lực đầu tư phát triển, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Những nỗ lực và kết quả đạt được bước đầu, quan trọng
Lâm Đồng là tỉnh phía Nam Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên 9.781,2km2, dân số khoảng 1.309.792 người, có 12 đơn vị hành chính gồm 10 huyện, 2 thành phố (Đà Lạt và Bảo Lộc), là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới; các sông suối nhỏ hẹp, có độ dốc lớn không thuận tiện cho giao thông đường thủy; đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt chưa được khôi phục; đang khai thác khoảng 6,7km phục vụ khách tham quan du lịch nên hiện nay giao thông đường bộ và đường hàng không của Lâm Đồng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong hơn 35 năm đổi mới, tỉnh Lâm Đồng luôn nỗ lực khắc phục tình trạng hạ tầng giao thông lạc hậu, xuống cấp để từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối giữa Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Đến nay, Lâm Đồng có một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, với khoảng 9.300km giao thông đường bộ, trong đó: 19km đường cao tốc; 507km đường quốc lộ (gồm: quốc lộ 20, 27, 27C (đường ĐT.723 cũ), 28, 28B, 55 và đường Trường Sơn Đông); 663km đường tỉnh (gồm: ĐT.721, 722, 724, 725, 726, 727, 728 và 729); 651km đường đô thị và gần 7.500km đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 22-4-2015 “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11-11-2016, “Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025” để cụ thể hóa mục tiêu nêu trên thông qua các chương trình hành động, dự án, kế hoạch cụ thể và lồng ghép vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 2015 - 2020, mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực của nền kinh tế, tình hình dịch bệnh COVID-19, cắt giảm đầu tư công, song được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, hệ thống các tuyến quốc lộ trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số công trình lớn được đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian đi lại; đồng thời, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng, ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nội tỉnh, liên tỉnh, hệ thống giao thông nông thôn với mục tiêu tăng cường hiệu quả kết nối nội vùng và liên vùng; thúc đẩy xã hội hóa đầu tư ở các lĩnh vực: xây dựng khai thác hệ thống bến, bãi đậu xe; khai thác xe buýt phục vụ giao thông công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân và khách du lịch, với một số kết quả nổi bật. Đó là:
- Hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 20 (dài 123km) đánh dấu bước ngoặt quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm rút ngắn thời gian đi lại, tăng cường giao thương với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.
- Các tuyến đường tỉnh ĐT.721, ĐT.724, ĐT.725 được đầu tư đồng bộ, tăng cường kết nối liên vùng giữa tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Bình Thuận và kết nối các trung tâm đô thị trong tỉnh với thành phố Đà Lạt.
- Thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 110/111 xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới, góp phần xây dựng 101/111 xã được công nhận là xã nông thôn mới và 19/111 xã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao.
- Ưu tiên cân đối bố trí các nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh (chưa tính các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý) có hiệu quả với tổng vốn là 5.306 tỷ đồng, chiếm 34,5% vốn đầu tư phát triển để đầu tư nâng cấp mở rộng 110km đường tỉnh, 431km đường huyện, đường đô thị và hơn 2.408m cầu.
- Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương và phát triển thêm nhiều đường bay nội địa, quốc tế. Trước thời điểm xuất hiện dịch COVID-19, tỉnh Lâm Đồng đã có 9 đường bay nội địa đi - đến: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Phú Quốc; 2 đường bay quốc tế thường lệ đi - đến: Băng Cốc (Thái Lan), Vũ Hán (Trung Quốc) và một số đường bay Singapore, Hàn Quốc, Malaysia với tổng tần suất khai thác từ 30 - 40 chuyến/ngày.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh Lâm Đồng tăng cao và ổn định trong những năm qua. Cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 6,83% (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên GRDP năm 2020 chỉ tăng 3,15%), giảm so với giai đoạn 2010 - 2015 (14,1%) nhưng chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động tăng rõ nét, đạt 112,5 triệu đồng/lao động/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng nhanh (từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71,2 triệu đồng năm 2020), đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng của dịch vụ và công nghiệp, tạo nguồn lực mới cho sự phát triển; văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, hệ thống hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, như: liên kết vùng còn thiếu tính đồng bộ; nhiều tuyến đường quốc lộ (27, 28, 28B, 55) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chậm được đầu tư nâng cấp; nhiều tuyến đường tỉnh (ĐT.722, ĐT.726, ĐT.727. ĐT.728 và ĐT.729) chỉ khai thác từng đoạn, chưa thông toàn tuyến; hạ tầng giao thông đô thị nhất là tại thành phố Đà Lạt còn nhiều bất cập, ách tắc giao thông diễn ra thường xuyên, chưa có đường cao tốc kết nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, làm cho thời gian và chi phí đi lại cao, khó hấp dẫn các nhà đầu tư lớn có tiềm lực đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đã vậy, do yếu tố địa hình nên chi phí đầu tư các dự án thường cao hơn so với địa phương khác, trong khi đó, Lâm Đồng vẫn là địa phương chưa bảo đảm cân đối ngân sách nên nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông còn thiếu chưa đáp ứng mục tiêu, định hướng đề ra.
Hiện thực hóa đường cao tốc và giao thông kết nối liên vùng
Để đẩy nhanh đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và hiện thực hóa mong đợi của đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua là sớm có đường cao tốc kết nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận; ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Lâm Đồng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng đầu tư công, tập trung huy động cao nhất các nguồn lực để ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng. Theo đó:
Tỉnh đã chủ động kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công - tư, trong đó: nguồn vốn đối ứng của địa phương tham gia dự án là 4.500 tỷ đồng và đã được thống nhất bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; hiện nay, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, đã được Hội đồng thẩm định liên ngành thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đang tích cực thu xếp nguồn vốn để sớm đầu tư đối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú (trước năm 2025) nhằm kết nối đồng bộ toàn tuyến vào cuối năm 2028, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng cùng với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh lân cận để ưu tiên đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, có tính chất kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững nhằm tạo hệ thống giao thông đối ngoại theo hướng đồng bộ, khang trang, thuận lợi; điển hình như: quốc lộ 28B (kết nối Lâm Đồng - Bình Thuận), phát huy hết các tiềm năng, lợi thế phát triển tam giác du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - Thành phố Hồ Chí Minh; đường ĐT.721 và cầu Vĩnh Ninh để nâng cao hiệu quả kết nối giao thông với tỉnh Bình Phước; đường ĐT.722 nối với tỉnh Đắk Lắk; đường ĐT.729 nối với tỉnh Bình Thuận, đoạn tuyến Ma Nới - Tà Năng nối với tỉnh Ninh Thuận, cầu Mỏ Vẹt kết nối tỉnh Đồng Nai; cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên quốc lộ 20.
Tỉnh đã tập trung cân đối bố trí khoảng 4.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để ưu tiên hoàn thiện hệ thống đường tỉnh, đường vành đai, mở rộng đèo Prenn, đường tránh đô thị, các tuyến đường đô thị tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, kiên cố các cầu trên đường tỉnh... theo hướng tháo gỡ, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, mở rộng liên kết giao thông vùng huyện, liên kết đô thị, kết nối khu kinh tế, khu công nghiệp và bảo đảm đồng bộ quy mô hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đột phá phát triển kinh tế bền vững của địa phương
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong bốn khâu đột phá đã định hướng: “Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triên hạ tầng đô thị, giao thông, du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông, mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số... gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, khắc phục dần các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, với các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Một là, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Sớm xây dựng và hoàn thành quy hoạch vùng của tỉnh theo Luật Quy hoạch gắn kết chặt chẽ với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ; phối hợp các bộ, ngành Trung ương tổ chức triển khai hiệu quả Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 3-9-2015, của Thủ tướng Chính phủ, về “Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”; đẩy mạnh việc thu hút, huy động tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước theo hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Hai là, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc huy động, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Sớm tổ chức triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng, gồm: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, các tuyến quốc lộ 27 (đoạn K’Rông Nô - Phi Nôm), các quốc lộ 55, 27C,... Mở rộng, khai thác các tuyến bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng hàng không Liên Khương; nâng cấp sân bay Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E và trở thành sân bay quốc tế theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức nghiên cứu, thu hút đầu tư khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, cải tạo nâng cấp ga Đà Lạt theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia.
Ba là, tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư theo các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn, dài hạn. Tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình giao thông kết nối vùng, gồm: các tuyến đường tỉnh (ĐT.721, ĐT.722, ĐT.729); đường vành đai, đường tránh đô thị thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các trục kết nối liên vùng huyện...; xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới nâng cao; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng nâng cao tối đa khả năng, chất lượng phục vụ, giá thành hợp lý đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại; triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông, ứng dụng giải pháp giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Bốn là, chú trọng đổi mới cơ chế để khai thông các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư. Đặc biệt, đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư với phương châm lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, chuẩn bị một số cơ chế khai thác vốn từ bất động sản, dịch vụ thương mại, logistics để nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công tư và xã hội hóa; nghiên cứu, triển khai, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư, đặc biệt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Năm là, rà soát, kiến nghị điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, rút ngắn thời gian quy trình giải tỏa, đền bù. Nghiên cứu mô hình, phương pháp phát huy hiệu quả trong công tác vận động, giải thích, thuyết phục, tạo sự đồng thuận của nhân dân hiến đất làm đường giao thông và ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đầu tư phát triển hạ tầng.
Sáu là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Tăng cường công tác quản lý, bảo trì, ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại, bảo đảm an toàn giao thông đối với các tuyến đường khi đưa vào khai thác sử dụng; tăng cường công tác tư vấn, giám sát độc lập nhằm nâng cao chất lượng công trình, kiểm soát chặt chẽ suất đầu tư, thanh toán, quyết toán, rút ngắn tiến độ thực hiện để đưa vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả./.
Vietcombank được vinh danh là một trong 10 doanh nghiệp đầu tiên đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam  (07/12/2021)
Hành trình 30 năm sáng tạo, đổi mới và phát triển của tỉnh Lào Cai  (18/10/2021)
Hành trình 30 năm sáng tạo, đổi mới và phát triển của tỉnh Lào Cai  (18/10/2021)
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm