Huyện Nho Quan (Ninh Bình) bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân vùng lũ, lụt
TCCS - Mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và nước từ thượng nguồn đổ về những ngày đầu tháng 9-2024 đã gây ngập lụt trên diện rộng ở các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong (thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), khiến hàng nghìn hộ dân bị ngập lụt, chia cắt trong nhiều ngày. Nhờ có tinh thần chủ động nên các phương án ứng phó với lũ, lụt được áp dụng hiệu quả, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và của. Ngay khi nước bắt đầu rút, huyện đã nhanh chóng tập trung khắc phục hậu quả của mưa lũ, vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Chủ động ứng phó với lũ, lụt
Nhằm tránh tình trạng lợi dụng ngập lụt do mưa lớn để xả thải trái quy định, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường trong và sau mưa, lũ, ngay từ ngày 7-9-2024, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm vệ sinh môi trường và xả thải tại một số doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt những khu, cụm liên quan đến các huyện có nguy cơ cao bị ngập, lụt như huyện Nho Quan và Gia Viễn. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các phòng chức năng chủ động rà soát, đánh giá các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, nhất là tại các lưu vực sông, kênh, các khu vực nuôi trồng thủy sản, các khu vực lưu chứa, chôn lấp chất thải, các khu vực xả thải của các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, qua đó, có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sự cố về môi trường cả trước, trong và sau bão, lụt. Cơ sở dữ liệu và thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn được xây dựng và công khai. Các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, sự cố chất thải; các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn có các hồ chứa chất thải, nước thải, các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất… phải chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực tại từng cơ sở để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, bảo đảm chắc chắn, không bị sạt lở do mưa; nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải bảo đảm quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do sạt lở.
Theo thống kê, huyện Nho Quan có khoảng hơn 2.000 hộ dân bị ngập lụt. Trong đó, xã Lạc Vân khoảng 300 hộ; xã Đức Long khoảng 700 hộ; Lạng Phong khoảng 172 hộ; Gia Thủy khoảng 613 hộ; Gia Lâm khoảng 130 hộ; Xích Thổ khoảng 67 hộ; Đồng Phong khoảng 4 hộ; Gia Sơn khoảng 6 hộ; Thượng Hòa khoảng 230 hộ; Sơn Thành khoảng 16 hộ. Mức độ ngập từ 0,3m - 2m. Nước lũ dâng cao làm ảnh hưởng khoảng 528ha lúa, hơn 300ha thủy sản, khoảng 158,4ha diện tích cây hoa màu, cây trồng hằng năm và khoảng hơn 1.000ha cây ăn quả; khoảng 11ha rừng sản xuất...
Trước khi mưa bão, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con di dời tài sản đến nơi an toàn, nhanh chóng triển khai các phương án chống úng, tiêu nước cho sản xuất. Đối với các hộ có nguy cơ bị ngập, chính quyền đã bảo đảm cuộc sống cho người dân theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn bằng hình thức ổn định tại chỗ, đưa người dân lên tầng cao hơn, xen ghép vào nhà người thân và các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sĩ và chuẩn bị thuốc men để khám, chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ. Bố trí nơi ăn, ở tạm thời, cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các địa bàn bị ảnh hưởng để hướng dẫn phòng tránh, ứng phó với tình hình mưa lũ. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân biết để phòng tránh và nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống thiên tai. Rà soát, nắm chắc tình hình những nơi trọng điểm, khẩn cấp để kịp thời chỉ đạo. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, các địa phương thực hiện nghiêm túc phương án ứng phó với lũ, lụt đã được phê duyệt.
Đức Long là một trong những xã của huyện Nho Quan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ năm nay. Gần 1.000 hộ dân thuộc các thôn ngoài đê của xã đã bị nhấn chìm trong nước; mất điện, thiếu nước sạch khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, phương tiện duy nhất để bà con di chuyển trong các thôn và kết nối với bên ngoài là những chiếc thuyền nhỏ, phao... Tuy nhiên, là một trong những nơi thường xuyên bị ngập úng do mưa lũ nên chính quyền và người dân có tinh thần chủ động chuẩn bị “sống chung với lũ” rất cao. Người dân đã chủ động nhanh chóng di chuyển đồ dùng sinh hoạt lên tầng cao, gia súc và một số vật dụng lớn lên chân đê; người già, trẻ em được ưu tiên đưa đến nơi an toàn. Nước lũ liên lục dâng cao đã vượt qua cao trình của các tuyến đê bao trong xã, khiến 8 thôn ngoài đê với gần 1.000 hộ dân bị ngập trong nước. Trong những ngày này, các hộ dân bị ngập luôn nhận được sự chia sẻ từ phía chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm nên cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn. Để bảo đảm an toàn cho người dân, xã đã triển khai các phương án phân luồng giao thông, lập chốt cảnh báo để người dân không đi vào vùng thiếu an toàn. Khuyến cáo cho nhân dân các thôn bị ngập úng biện pháp bảo đảm sinh hoạt và tiếp nhận những chuyến hàng cứu trợ của các cơ quan, đoàn thể và các nhà hảo tâm.
“Nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó”
Sau lũ, nước rút đi để lại lượng bùn đất, rác thải lớn. Ngay sau khi nước rút, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an huyện Nho Quan căng mình giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả của lũ theo phương châm nước rút đến đâu, dọn dẹp , vệ sinh đến đó.
Trên địa bàn huyện Nho Quan, lũ, lụt đã ảnh hưởng trực tiếp tới trên 6.000 hộ gia đình, sau bão lũ là thời điểm mà người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống, rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Vì vậy, ngay khi nước rút, chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực chung tay thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã cấp 120kg cloramin B cho Trung tâm Y tế huyện Nho Quan để triển khai vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước. Trung tâm Y tế huyện Nho Quan đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động rà soát, đánh giá nguy cơ và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh; Trạm Thú y các xã đã cấp thuốc khử trùng và thuốc nước ăn chân cho bà con. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau ngập lụt, như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp,... bảo đảm dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt; thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, tổ chức thu gom xử lý xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ. Trạm y tế các xã phát trên loa phát thanh 3 cấp để người dân nắm bắt được quy trình xử lý vệ sinh môi trường, xử lý rác thải. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của lũ, lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong lũ, lụt; các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh khi mưa lũ và ngập lụt xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Gia Thủy cũng là một trong những xã của huyện Nho Quan bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ lụt vừa quan. Trung tâm Y tế huyện Nho Quan đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và ngập lụt; sẵn sàng, chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Đồng thời củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và sẵn sàng xử lý dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cấp cho người dân 2.500 gói thuốc bôi trị nước ăn chân; cấp cho các xã trong vùng ngập lụt 440kg phèn chua; 184kg Cloramin B 25%; 3.500 viên Tatanol; 1.000 lọ thuốc nhỏ mắt Tobra; 83 áo phao… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã tổ chức đoàn giám sát hỗ trợ vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh tại vùng ngập lụt của Gia Thủy nhằm nhận định nguy cơ, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại cộng đồng, hỗ trợ y tế địa phương cấp phát, hướng dẫn người dân sử dụng hóa chất để xử lý nước dùng trong ăn uống, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân. Các cán bộ Trạm Y tế xã Gia Thủy tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường; giúp dân khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra; phối hợp với chính quyền địa phương điều tra dịch tễ, xử lý kịp thời và phun hóa chất diệt muỗi theo quy định; triển khai thu gom, xử lý rác thải bảo đảm an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân tại các khu vực bị ngập, lụt.../.
Tỉnh Ninh Bình bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống  (24/09/2024)
Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình và một số định hướng chính sách  (20/09/2024)
Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững  (16/09/2024)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên