TCCS - Trải qua lịch sử hàng nghìn năm với bao thăng trầm, vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình hiện vẫn lưu giữ được kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị, trong đó có các làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đa đạng, độc đáo. Đây là một lợi thế so sánh giúp tỉnh Ninh Bình xây dựng và phát triển thị trường các sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch phong phú, đặc sắc, qua đó vừa góp phần cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” phát triển một cách chuyên nghiệp, hiện đại, vừa bảo tồn, phát huy và nâng tầm giá trị các di sản văn hóa của địa phương.

Hệ thống làng nghề phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng

Cùng với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và văn hóa, tỉnh Ninh Bình là nơi hình thành, phát triển nhiều làng nghề thủ công truyền thống có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm cùng cảnh quan đặc sắc. Tỉnh Ninh Bình cũng hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng dân cư địa phương. Hiện nay, tỉnh có 77 làng nghề được công nhận, trong đó có 4 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 11 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 3 làng nghề dịch vụ, phục vụ đời sống dân cư nông thôn, tiêu biểu như làng nghề gốm sứ Bồ Bát; làng nghề thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải; làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân - Hoa Lư; làng nghề gốm Gia Thủy - Nho Quan; làng nghề mỹ nghệ cói Kim Sơn; làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân; làng nghề mộc Phúc Lộc; làng nghề đan cót Vân Long,…(1).

Nghệ nhân ở làng nghề thêu Văn Lâm truyền dạy cho thế hệ mai sau_Nguồn: langngheviet.com.vn

Nhắc tới Ninh Bình không thể không kể tới làng nghề gốm Bồ Bát ở thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Đây là làng gốm đã có từ hàng nghìn năm trước (từ thế kỷ X), đồng thời cũng chính là nơi khởi tổ của gốm sứ Bát Tràng - Hà Nội. Làng nghề gốm Bồ Bát không chỉ bảo tồn được di sản quý báu của cha ông mà còn khai thác, xây dựng thành các sản phẩm phục vụ du lịch, phát triển kinh tế địa phương theo hướng du lịch xanh, du lịch bền vững. Sản phẩm của làng nghề cũng khá đa dạng với các vật dụng phục vụ sinh hoạt, đồ trang trí, lưu niệm (bát đĩa, ấm chén, lọ hoa, vòng cổ, chuông gió, tranh gốm mỹ thuật,…). Những người thợ làng Bồ Bát với đôi tay điêu luyện và sức sáng tạo mạnh mẽ đã tạo nên các sản phẩm từ gốm với sắc trắng đặc trưng vô cùng tinh tế, được đông đảo du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Mỗi năm, doanh thu từ các sản phẩm gốm Bồ Bát mang lại ước đạt 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều công nhân làng nghề với mức lương ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Nói tới các làng nghề tỉnh Ninh Bình thì làng nghề thêu ren Văn Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (nằm gần khu quần thể danh thắng và di sản thiên nhiên thế giới Tràng An) là một đại diện nổi bật. Đây cũng là một trong 12 làng nghề truyền thống tiêu biểu của cả nước. Nơi đây hội tụ tinh hoa của nghề thêu ren, được coi là trung tâm nghệ thuật thêu ren hàng đầu Việt Nam với hơn 800 năm tồn tại, được gìn giữ, lưu truyền và phát huy qua nhiều thế hệ người dân Ninh Bình. Trước đây, các sản phẩm của làng nghề Văn Lâm chủ yếu phục vụ nghi thức, nghi lễ (quần, áo, mũ của đội tế; tàn, lọng, y môn trong đình, đền). Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề được xây dựng trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của du khách trong và ngoài nước, các nghệ nhân Văn Lâm đã đổi mới và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thêu ren khác nhau, như ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, tranh, ảnh,... Những năm gần đây, các sản phẩm của làng nghề thêu Văn Lâm có đóng góp quan trọng, góp phần làm tăng tỷ trọng giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh, nâng cao đời sống người dân và là một kênh hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình ra thế giới. Nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình du lịch homestay để phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm công việc thêu ren, qua đó lan tỏa ngày càng rộng rãi những giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống.

Bên cạnh đó, còn có làng nghề mộc Phúc Lộc ở thành phố Ninh Bình - một làng nghề nổi tiếng với nhiều sản phẩm mộc chất lượng cao (như giường, tủ, bàn ghế, cửa,...) được chế tạo từ bàn tay khéo léo của những thợ lâu năm; làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân ở huyện Hoa Lư, với nhiều sản phẩm bằng đá đa dạng và mang tính nghệ thuật, từ cối đá, chậu cây cảnh, các con vật làm cảnh…, đến tượng đài, bể cá cảnh, tượng thờ, tứ linh, lư hương,... ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Làng nghề mỹ nghệ cói Kim Sơn, huyện Kim Sơn được biết đến với rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, như khay, hộp, thảm, túi xách, làn,... Các sản phẩm từ cây cói đã tạo dựng được thương hiệu, góp phần gia nhập thị trường sản phẩm quà tặng du lịch, quà lưu niệm của tỉnh Ninh Bình, tạo dựng vị thế của một làng nghề truyền thống lâu đời.

Cùng với các làng nghề thủ công mỹ nghệ, tỉnh Ninh Bình còn có các làng nghề chế biến thực phẩm với nhiều sản phẩm OCOP được ưa chuộng, như rượu Kim Sơn, cơm cháy Ninh Bình, cá rô Tổng Trường, cá tràu tiến vua, mắm tép Gia Viễn…

Có thể thấy, với sự kết hợp tinh tế, tài hoa giữa kỹ thuật của các nghệ nhân và nét văn hóa độc đáo được tiếp nối qua nhiều thế hệ, sản phẩm của các làng nghề truyền thống tỉnh Ninh Bình đã kết tinh nhiều giá trị, như giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, phản ánh sinh động phong tục, tập quán và khát vọng của người dân vùng đất Cố đô. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá, giàu tiềm năng, là lợi thế so sánh của tỉnh Ninh Bình, đóng vai trò như những “đại sứ văn hóa” góp phần định vị thương hiệu du lịch, lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Cố đô tới các tỉnh, thành phố trên cả nước và tới các nước trên thế giới.

Thực tiễn phát triển các sản phẩm làng nghề gắn kết với du lịch tại Ninh Bình

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình xác định các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống với sự kết tinh các giá trị văn hóa đặc sắc và thể hiện tài năng sáng tạo của các nghệ nhân chính là một trong những cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn, nhất là ngành du lịch văn hóa. Chính vì vậy, tỉnh Ninh Bình xác định, để góp phần gia tăng sức hấp dẫn và định vị thương hiệu cho ngành du lịch của địa phương, cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển các làng nghề, sản phẩm làng nghề nhằm đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch, qua đó nâng cao sự chi trả của du khách cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng vị trí, vai trò của du lịch, trong đó có phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Ninh Bình, hướng tới sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực bảo tồn và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm làng nghề để qua đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Ngày 17-4-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND “Về bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023”. Đây được coi là một trong những chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy các nghề, làng nghề truyền thống phát triển theo hướng bền vững, gắn kết ngày càng chặt chẽ với phát triển du lịch trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh của các địa phương. Kế hoạch xác định cần duy trì, bảo tồn và phát triển giá trị các làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với văn hóa, du lịch; giữ gìn tinh hoa, văn hóa địa phương; gắn sự phát triển làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch và lễ hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm tại một số làng nghề tiêu biểu trên toàn quốc cho cán bộ làm công tác quản lý và các chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống theo các chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến; tham gia Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam, sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu… Các cơ sở sản xuất tại làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Làng nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) là làng nghề tiêu biểu đã nhận được sự quan tâm, ưu tiên phát triển từ nguồn vốn vay, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, máy móc hiện đại, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm OCOP. Với những chính sách phát triển làng nghề, cùng với công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, làng nghề thêu ren Văn Lâm đã và đang khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Theo thống kê, các làng nghề ở tỉnh Ninh Bình đã tạo việc làm cho hơn 26.000 người dân địa phương với thu nhập trung bình khoảng 36,4 triệu đồng/người/năm. Doanh thu của các làng nghề giai đoạn vừa qua có xu hướng tăng với tốc độ bình quân 27,7%/năm. Từ năm 2019 khi bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, Ninh Bình xác định phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương mang bản sắc giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của các vùng đất, con người của Ninh Bình, vừa phù hợp với lợi thế tiềm năng, đặc điểm đặc trưng riêng của từng vùng đất, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với hướng phát triển của tỉnh thành trung tâm du lịch quốc gia. Từ năm 2018 đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 101 sản phẩm được xếp hạng OCOP (trong đó có 68 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao). Các sản phẩm OCOP được phát triển đều trên các huyện và thành phố, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phục vụ cho khách du lịch. Hiện tỉnh Ninh Bình có 122 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao đến 4 sao trở lên, thu hút sự tham gia của 70 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm tích hợp giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của mỗi địa phương, mỗi sản phẩm đều có những điểm nhấn, bản sắc, tạo nên đặc trưng, thương hiệu riêng cho từng địa phương. Toàn tỉnh có trên 24 nghìn hộ tham gia sản xuất, chế tác sản phẩm, trong đó có 65 công ty cổ phần, 126 công ty TNHH, 198 doanh nghiệp, 86 hợp tác xã và tổ hợp sản xuất(2)..., giải quyết việc làm cho bộ phận không nhỏ lực lượng lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tỉnh Ninh Bình hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm, trong đó có các mẫu sản phẩm phục vụ du lịch; có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP độc đáo của các làng nghề tiêu biểu; nhân rộng các mô hình du lịch văn hóa gắn kết với xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở một số làng nghề (như tổ chức thăm nhà các nghệ nhân, nghe kể những câu chuyện làm nghề, trải nghiệm quy trình sản xuất một sản phẩm làng nghề…); tổ chức ngày càng hiệu quả hơn việc liên kết sản xuất - thiết kế - tiêu thụ để nâng cao giá trị thương hiệu của các sản phẩm làng nghề thông qua các hội chợ, triển lãm, lễ hội...

Trong bối cảnh mới hiện nay, tỉnh Ninh Bình chú trọng phát triển Chương trình OCOP thực chất và bền vững trên cơ sở xác định mỗi sản phẩm OCOP không chỉ chứa đựng giá trị kinh tế mà còn mang các giá trị văn hóa, truyền thống. Bởi chính những giá trị lịch sử, văn hóa được truyền tải trong câu chuyện sản phẩm mới tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm làng nghề gắn với định dạng, bản sắc của Cố đô Ninh Bình. Vì thế, trọng tâm của Chương trình OCOP của Nình Bình hiện nay là tập trung phát triển, chuẩn hóa các sản phẩm từ nông nghiệp, từ ngành nghề nông thôn có lợi thế ở từng địa phương, từ các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, hướng tới phục vụ du lịch của tỉnh. Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Ninh Bình tiếp tục phấn đấu thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương; phấn đấu đến hết năm 2025, có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 3% sản phẩm được công nhận đạt 5 sao.

Nhờ những nỗ lực phát triển du lịch thời gian qua, trong đó có việc đẩy mạnh gắn kết du lịch với các sản phẩm làng nghề, Ninh Bình ngày càng trở thành điểm sáng trên “bản đồ” du lịch Việt Nam với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, quy mô quốc gia và quốc tế cùng nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc. Tỉnh cũng hỗ trợ, tạo điều kiện các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện văn hóa, lễ hội, các điểm du lịch, các tuần du lịch, các hội nghị… để gặp gỡ đối tác, liên kết cùng phát triển; hỗ trợ kết nối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 4 “nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông). Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và địa phương quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề, vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận; giới thiệu mô hình nông nghiệp gắn với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái góp phần gìn giữ nghề truyền thống và duy trì đặc sản địa phương; đồng thời kêu gọi hợp tác đầu tư trong nước và quốc tế vào tỉnh Ninh Bình.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình cũng phối hợp với ngành du lịch xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, tổ chức các tour du lịch làng nghề, tham quan vùng nguyên liệu, tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sản xuất, thưởng thức các nông sản, sản phẩm OCOP tại những điểm đến làng nghề tiêu biểu...; qua đó vừa góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, vừa tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Nghệ nhân vẽ họa tiết trên sản phẩm gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)_Ảnh: TTXVN

Tiếp tục nâng cao giá trị và định vị thương hiệu các sản phẩm làng nghề Ninh Bình trong thời gian tới

Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, có thể thấy, sự phát triển của các làng nghề và sự tham gia của các sản phẩm làng nghề vào thị trường sản phẩm quà tặng du lịch, hàng lưu niệm của tỉnh Ninh Bình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn đều hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp không ít khó khăn trước những biến động của thị trường trong nước và quốc tế, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19. Khả năng cạnh tranh của các làng nghề ở địa phương còn thấp, nguồn nguyên liệu chưa ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm. Một số làng nghề chưa xây dựng và phát triển được thương hiệu, các sản phẩm chưa thực sự phong phú, tính ứng dụng còn thấp, chưa phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, tính kết nối chưa cao. Nhiều làng nghề mới chỉ quan tâm đến việc du khách tham quan nghề và giới thiệu sản phẩm mà chưa chú ý khai thác kết hợp với giá trị cảnh quan, kiến trúc và các giá trị văn hóa tích hợp, liên kết cộng đồng tại địa phương... 

Thời gian tới, để thực hiện được mục tiêu phát triển toàn diện, có sự đột phá các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng; sản phẩm phải mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư; phát triển thị trường đáp ứng tiêu chí Ninh Bình là điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững; phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 (được xác định trong Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045” do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình ban hành ngày 29-10-2021), thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 18.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP, tạo việc làm cho trên 43.000 lao động, Ninh Bình tập trung phát triển các làng nghề và sản phẩm làng nghề với một số giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhất là người dân ở các làng nghề về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình và cả nước nói chung. Chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống, phát huy tính sáng tạo, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối truyền thống làng nghề, để bảo tồn và phát triển các giá trị làng nghề của vùng đất Cố đô, nhất là những làng nghề thủ công có nguy cơ bị mai một trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Hai là, nâng cao hiệu quả việc bảo tồn những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tại các làng nghề; mỗi làng phấn đấu có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề và có người am hiểu nghề, hiểu biết sâu về phong tục và văn hóa làng để giới thiệu với khách du lịch. Du khách đến với làng nghề sẽ được trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, như trực tiếp tham gia một số công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề, mua sắm, thưởng ngoạn quang cảnh làng quê Bắc Bộ, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa của vùng đất Cố đô... Cùng với đó, hoạt động đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, nước, cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở làng nghề, quảng bá, xúc tiến du lịch làng nghề cần được đẩy mạnh.

Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề cho phù hợp với bối cảnh mới. Hoàn thiện chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, ổn định (đặc biệt với nguồn nguyên liệu không tái sinh của hai làng nghề truyền thống là chế tác đá mỹ nghệ và gốm cổ Bồ Bát), hạn chế việc khai thác nguyên liệu ồ ạt. Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống của tỉnh. Xây dựng các sản phẩm làng nghề đặc trưng, tiêu biểu cho vùng đất Cố đô trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; phân loại và đánh giá tiềm năng của các làng nghề để có phương án bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề một cách phù hợp; đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả việc gắn kết hoạt động bảo tồn làng nghề với phát triển du lịch văn hóa; xây dựng các tuyến du lịch gắn với làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề.

Bốn là, nâng cao chất lượng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề được công nhận theo tiêu chuẩn về vốn đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề; tăng cường các hoạt động phát triển thương hiệu, xây dựng thị trường tiềm năng của làng nghề, hỗ trợ các loại hình sản xuất trong làng nghề đăng ký tham gia hội trợ, triển lãm, qua đó mở rộng cơ hội quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm làng nghề của Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đầu tư phát triển các hoạt động nhằm khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, như các lễ hội dân gian truyền thống, làng nghề, ẩm thực, các loại hình nghệ thuật hát chèo, hát xẩm, múa rối nước,… để phục vụ khách du lịch. Tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống gắn với khai thác nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa, tri thức địa phương và gắn với các sản phẩm du lịch để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP. Đầu tư phát triển các làng nghề nổi tiếng, gần các khu, điểm du lịch, sản xuất các sản phẩm thủ công, như đá Ninh Vân, thêu ren Văn Lâm, cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát, đào phai Tam Điệp. Nghiên cứu dự án trồng, phát triển cây thuốc Nam tại làng Sinh Dược (Gia Sinh, Gia Viễn) kết hợp chữa bệnh và dịch vụ du lịch. Khôi phục và nâng cao chất lượng các món ăn truyền thống của địa phương và phát triển sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Tăng cường sự kết nối với các công ty du lịch để xây dựng chương trình du lịch kết hợp mua sắm hàng hóa; giúp các đoàn khách trong nước và quốc tế biết đến sản phẩm chất lượng cao của tỉnh. Khuyến khích phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề. Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa, sản phẩm làng nghề.

Năm là, tiếp tục chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, trong đó tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... Tăng cường các hoạt động hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường du lịch; chủ động, tích cực tham gia các chương trình hội chợ quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác du lịch với các tỉnh, thành phố lớn, các trọng điểm du lịch quốc gia, ưu tiên tập trung vào các trung tâm phân phối khách lớn, như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm làng nghề của tỉnh Ninh Bình trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước, các kênh truyền thông quốc tế, trên các nền tảng số, kể cả các phương tiện truyền thông xã hội, hay thông qua các hoạt động làm phim, quay video quảng bá du lịch Ninh Bình. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch, phát triển các chương trình, tour du lịch thực tế ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ và tương tác trực tuyến với khách du lịch.

Sáu là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực của các làng nghề. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, kỹ thuật để sáng tác mẫu mã, nâng cao trình độ tay nghề, khả năng sáng tạo, kiến thức tổ chức sản xuất… cho người lao động và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để tạo ra các sản phẩm vừa có giá trị kinh tế cao, vừa mang bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh Ninh Bình. Thực hiện hiệu quả hơn các cơ chế, chính sách tôn vinh, khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện để các nghệ nhân có thể truyền nghề cho các thế hệ sau, lan tỏa và tiếp nối những tinh hoa làng nghề cùng tri thức địa phương, để gìn giữ, phát huy và nâng tầm giá trị văn hóa của các sản phẩm làng nghề truyền thống, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa (nhất là ngành du lịch văn hóa, thủ công, mỹ nghệ), góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững./.

-------------------------------------------------

(1) Xem: Minh Quang: “Khởi sắc trong phát triển nông thôn ở Ninh Bình”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình, ngày 2-6-2023, https://ninhbinh.gov.vn/kinh-te/khoi-sac-trong-phat-trien-nong-thon-o-ninh-binh-314916
(2) Xem: Đào Hằng - Minh Quang: “Bảo tồn các làng nghề truyền thống: Sự góp sức của những người thợ trẻ”, Báo Ninh Bình điện tử, ngày 3-10-2023, https://baoninhbinh.org.vn/bao-ton-cac-lang-nghe-truyen-thong-su-gop-suc-cua-nhung/d20231002102520242.htm