Đẩy mạnh liên kết vùng - Đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô
TCCS - Có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội là đầu tàu, hạt nhân tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng. Để tiếp tục hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững; đồng thời phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, có khả năng dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển, Hà Nội triển khai nhiều biện pháp tăng cường liên kết vùng.
Kinh tế phục hồi
Năm 2022, kinh tế Hà Nội có sự phục hồi và tăng trưởng rõ nét. Quá trình phục hồi kinh tế của Thủ đô được đánh giá là vững chắc, toàn diện, nhiều lĩnh vực vượt trội so với cả nước. Trong 10 tháng năm nay, đa số các ngành đều có sản lượng hàng hóa tăng. Nhiều ngành tăng trưởng ấn tượng, góp phần nâng cao chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp trong 10 tháng. Chỉ riêng lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch hay thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 của Cục Thống kê thành phố Hà Nội đã cho thấy rõ điều này.
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 567,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 364,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng mức và tăng 18,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 2%, gấp 4,5 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 122,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,7% và tăng 27,2%.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,7%; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 25,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, tăng 4,6%.
Về du lịch, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đến tháng 10-2022 đạt 1.935 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 763 nghìn lượt người, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước; Khách nội địa đạt 1.172 nghìn lượt người, tăng 65,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với tình hình kinh doanh khách sạn, tính đến cuối tháng 10-2022, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 3,4 nghìn cơ sở lưu trú du lịch với hơn 64,8 nghìn phòng, trong đó có 598 khách sạn, căn hộ được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 25,1 nghìn phòng, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1-5 sao đạt 35%, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ đô Hà Nội tiếp tục là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lũy kế 10 tháng qua, thành phố thu hút thêm 1,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới cho 283 dự án với số vốn đạt 185,1 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư thêm 573 triệu USD và có 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 521,9 triệu USD.
Có thể nói, kinh tế - xã hội của Hà Nội đã khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng; giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát; sản xuất nông nghiệp được duy trì; văn hóa - nghệ thuật, thể thao được quan tâm phát triển; thị trường lao động việc làm sôi động trở lại. Tính chung 10 tháng năm 2022, thành phố đã giải quyết việc làm cho 183.000 lao động, đạt 114% kế hoạch năm, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Sự phục hồi mạnh mẽ về kinh tế đã giúp Hà Nội thực hiện tốt việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội.
Đòn bẩy quyết định
Có được kết quả trên là do thành phố Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm 2022. Trong đó, đẩy mạnh liên kết vùng là một trong những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho thành phố. Theo đó, Hà Nội xác định, liên kết sản xuất, tiêu thụ, kết nối cung cầu giữa các vùng, các thành phố và các tỉnh là nhiệm vụ, giải pháp, quan trọng phải thực hiện thường xuyên. Vì thế, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều kế hoạch để triển khai, thúc đẩy hợp tác, tổ chức liên kết có hiệu quả hoạt động hỗ trợ sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh.
Các hình thức liên kết còn được thành phố mở rộng ở nhiều lĩnh vực. Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 6-7-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về triển khai hoạt động hợp tác phát triển giữa Hà Nội và các địa phương trong nước năm 2022 nêu rõ: trong năm 2022, việc hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các địa phương trong nước gồm 15 nội dung. Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư; thương mại; du lịch; nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản phẩm, Hà Nội còn hợp tác với các địa phương trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; giáo dục và đào tạo; y tế; thông tin và truyền thông; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng, quản lý đô thị; bảo vệ môi trường; công nghệ thông tin và chuyển đổi số; giao thông vận tải; hỗ trợ việc làm, bảo đảm an sinh xã hội giữa các địa phương.
Thực tế, trong nhiều năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong đẩy mạnh liên kết vùng thông qua các hình thức liên kết, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước, đặc biệt trong kết nối giao thương, phát huy vai trò của một trung tâm thương mại. Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông, các hình thức liên kết vùng đã giúp Hà Nội bảo đảm được cung ứng hàng hoá, đồng thời hỗ trợ được các tỉnh trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ứng phó với dịch COVID-19, năm 2021, thành phố Hà Nội chủ động triển khai cho doanh nghiệp giao thương trực tuyến với các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên… hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố kết nối 2.000 sản phẩm OCOP về thị trường Hà Nội. Kết quả, đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 300.000 tấn hàng từ các tỉnh, thành phố. Nhiều sản phẩm được kết nối đưa vào 42 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Hà Nội.
Tuy nhiên, liên kết, hợp tác giữa Thủ đô với các địa phương trong vùng và cả nước được nhiều chuyên gia đánh giá là còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, cần đổi mới trong thời gian tới. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Để khắc phục những điểm hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của liên kết vùng, song song với việc thực hiện đồng thời nhiều giải pháp thức đẩy liên kết vùng, Hà Nội ban hành Văn bản số 2289/UBND-KH&ĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP, ngày 21-4-2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở triển khai xây dựng thể chế liên kết vùng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, đô thị, hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, bổ sung các chính sách, giải pháp cụ thể để tăng cường hợp tác, liên kết vùng giữa Hà Nội với các địa phương để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, là động lực thúc đẩy vùng và cả nước phát triển./.
Công tác dân vận với việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội  (01/11/2022)
Xây dựng mô hình “một cửa” đồng bộ, hiện đại - Điểm sáng trong giải quyết thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội  (30/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển