TCCS - Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở các loại hình tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn, Tỉnh uỷ Bắc Giang triển khai những giải pháp quyết liệt, nâng tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, góp phần bảo đảm vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện của chi bộ đối với hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố. Kết quả đạt được góp phần quan trọng củng cố sức mạnh của tổ chức đảng cấp cơ sở, phát huy sức mạnh của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Một trong những nguyên nhân khiến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn yếu là do đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa bắt kịp sự biến đổi của tình hình thực tiễn, nên lúng túng, thụ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết các vụ việc chưa khoa học, hợp lý. Việc cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở không ít địa phương còn hạn chế. Một số bộ phận tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng chưa tích cực, chủ động, đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt, phát hiện vấn đề nảy sinh và kịp thời đề xuất các biện pháp giải quyết; chưa phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng. Tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên có xu hướng ngày càng tăng. Nhiệm kỳ trưởng thôn không trùng với nhiệm kỳ chi bộ, nên việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo thôn gặp khó khăn. Việc tạo nguồn người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc bố trí chức danh cán bộ cơ sở có điểm chưa hợp lý; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc tạo nguồn, đưa cán bộ trẻ, đào tạo chính quy vào hệ thống chính trị ở cơ sở còn hạn chế.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Trần Nguyên Hãn (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tổ trưởng tại tổ dân phố_Nguồn: baobacgiang.com.vn

Trước thực trạng đó, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đề ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, trong đó chú trọng chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tăng tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên hằng năm, không để tình trạng còn thôn, bản “trắng” đảng viên. Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành các nghị quyết, đề án về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, trong đó đề ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, tập trung vào ba giải pháp sau:

Thứ nhất, sắp xếp nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và bầu cử trưởng thôn vào cùng một thời điểm. Đảng ủy các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch đại hội chi bộ và bầu trưởng thôn phải bảo đảm thời gian và yêu cầu đề ra. Trước khi đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và bầu cử trưởng thôn phải tiến hành tổ chức đánh giá, tổng kết công tác thôn, bản, xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ của chi bộ. Quan tâm nắm chắc tình hình đảng viên của các chi bộ thôn để chỉ đạo chuẩn bị thật tốt nhân sự đại hội chi bộ và nhân sự bầu trưởng thôn; chỉ đạo chi bộ chú trọng lựa chọn đảng viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực và uy tín để giới thiệu bầu trưởng thôn.

Thứ hai, công tác nhân sự ban chấp hành, bí thư, phó bí thư chi bộ bảo đảm phải gắn với việc chuẩn bị nhân sự bầu trưởng thôn theo hướng cơ cấu phó bí thư chi bộ hoặc chi ủy viên làm trưởng thôn. Ở những nơi khó khăn về nhân sự trưởng thôn là đảng viên, bố trí bí thư chi bộ đồng thời làm trưởng thôn. Trường hợp không có đảng viên đủ năng lực, uy tín, tiêu chuẩn, điều kiện giới thiệu ứng cử, cần quan tâm giới thiệu quần chúng ưu tú, đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào Đảng để bầu trưởng thôn.

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên đủ năng lực, uy tín, tiêu chuẩn, điều kiện để dự nguồn giới thiệu ứng cử trưởng thôn. Đẩy mạnh công tác tạo nguồn, bồi dưỡng và thẩm định chặt chẽ tiêu chuẩn chính trị đối với quần chúng khi kết nạp vào Đảng, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới. Song song với đó, tăng cường kết nạp vào Đảng, nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn và trưởng, phó các đoàn thể thôn, bản, tổ dân phố, đồng thời cơ cấu trưởng thôn tham gia cấp ủy. Thực hiện nghiêm việc bồi dưỡng kiến thức cho đảng viên mới học tập chương trình lý luận chính trị sơ cấp; quan tâm cập nhật kiến thức mới cho đảng viên. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, bảo đảm trong nhiệm kỳ có 100% bí thư chi bộ thôn, bản, tổ dân phố được bồi dưỡng chuyên đề về kỹ năng điều hành, duy trì sinh hoạt chi bộ, xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, điều hành.

Tạo chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ

Triển khai đồng bộ các biện pháp cụ thể trên, Tỉnh ủy Bắc Giang từng bước nâng cao số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 74-NQ/TU về tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, toàn tỉnh kết nạp 10.134 đảng viên, trung bình kết nạp được 2.533 đảng viên/năm (mục tiêu 2.300 đảng viên/năm), vượt 9% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Điều đáng nói, toàn tỉnh không còn thôn, bản “trắng” đảng viên, đồng thời đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên.

Ngày 29-4-2011, thời điểm Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng giai đoạn 2011 - 2015, tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên có xu hướng ngày càng tăng (53,99% số trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên), ảnh hưởng nhiều đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, tổng kết Đề án trên sau hơn 4 năm thực hiện cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh kết nạp được 215 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và 281 phó trưởng thôn, bản, tổ dân phố vào Đảng, tăng tỷ lệ trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên lên 10% so với trước khi thực hiện Đề án.

Tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh, tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên trong toàn tỉnh nâng lên 74,3% (tăng 17,9% so với năm 2015). Năm 2021, kết nạp được 39 trưởng thôn, 26 phó trưởng thôn đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào Đảng, nâng tỷ lệ trưởng thôn, tổ dân phố là đảng viên trong Đảng bộ tỉnh lên 78,9% (tăng 2,3% so với năm 2020), tỷ lệ phó thôn, tổ dân phố là đảng viên là 50,9% (tăng 1,7% so với năm 2020). Tính đến ngày 30-6-2022, có 10/10 huyện, thành phố đã tổ chức bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trong đó có 2.110/2.128 (99,2%) thôn, bản, tổ dân phố đã tổ chức bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; còn 18 thôn, bản, tổ dân phố (0,8%) chưa tổ chức bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Kết quả, tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên toàn tỉnh đạt 91,7%, vượt mục tiêu đề ra.

Thực tế cho thấy, việc nâng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên ở Bắc Giang đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ tại các thôn, bản trên địa bàn. Điều này được minh chứng rất rõ trong công tác xây dựng nông thôn mới ở huyện Sơn Động. Là huyện nghèo, xa nhất tỉnh, cách đây 11 năm, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện 14/17 xã, thị trấn được xem là đặc biệt khó khăn và 108/124 thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng II. Bên cạnh đó, đặc thù địa hình có nhiều trở ngại, mật độ dân cư thưa thớt, vì thế, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với huyện Sơn Động thời điểm đó được đánh giá là rất khó khăn. Tuy vậy, sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Động đạt được nhiều kết quả đột phá. Diện mạo nông thôn miền núi có những thay đổi đáng kể; kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Cử tri thôn Đồng Vân, xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bỏ phiếu bầu cử trưởng thôn _ Ảnh: baobacgiang.com.vn 

Năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, nhưng chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn hoàn thành vượt chỉ tiêu. Tính đến ngày 15-3-2022, tổng số tiêu chí hoàn thành của các xã trong toàn huyện là 207/285 tiêu chí, đạt tỷ lệ 72,6%, bình quân đạt 13,8 tiêu chí/xã. Đặc biệt, ngày 30-12-2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ký quyết định công nhận xã Long Sơn của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 1 năm so với kế hoạch, đưa Sơn Động ra khỏi danh sách là địa phương duy nhất của tỉnh không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Huyện ủy Sơn Động ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 27-NQ/HU, ngày 24-2-2021, về lãnh đạo đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí huyện ủy viên phụ trách địa bàn, phụ trách ngành. Các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn hoặc các bí thư chi bộ phối hợp với đảng viên là trưởng thôn triển khai nghị quyết đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên sẽ nắm chắc tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, có điều kiện trực tiếp cùng chi ủy, chi bộ bàn bạc, nên xây dựng nghị quyết sát với thực tiễn. Mặt khác, là người sát dân, gần dân, hiểu dân nhất, đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố cũng trực tiếp nhận và hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ chính quyền cấp xã, giúp công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai nghị quyết của cấp trên và của chi bộ thuận lợi, đồng bộ, có sự chỉ đạo, điều hành phù hợp, bảo đảm tính khả thi cao. Chẳng hạn, khi đưa nội dung xây dựng nông thôn mới vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng, nhiều việc khó khăn được trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đề cập kịp thời, qua đó chỉ đạo, điều hành và giải quyết các vấn đề liên quan nhanh chóng, linh hoạt; nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ; nhiều chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.

Từ sự phát triển về mọi mặt của huyện nói chung, kết quả xây dựng nông thôn mới nói riêng cho thấy rõ vai trò tích cực của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, nên Huyện ủy chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện nâng tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên qua các năm. Tính đến tháng 6-2022, tổng số trưởng thôn, tổ dân phố của huyện là đảng viên có có 118/124 người được bầu, đạt 95,16%, vượt mục tiêu đề ra là 85%; dự kiến 3 trưởng thôn sẽ được kết nạp vào Đảng nhân dịp 2-9-2022, nâng tổng số trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên lên 121/124 đồng chí, đạt 97,58%. Kết quả trên là đột phá, bởi nếu so với năm 2017, tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên của huyện Sơn Động chỉ đạt 54,5%, là một trong số ít những địa bàn có số trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên thuộc diện thấp của tỉnh, thậm chí có thôn còn “trắng” đảng viên.

Một số bài học kinh nghiệm

Việc nâng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên ở Bắc Giang mang lại những thay đổi tích cực, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh. Từ sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng và số lượng tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên ở Bắc Giang, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên; về nhiệm vụ, giải pháp nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, từ đó lựa chọn, giới thiệu đảng viên thực sự gương mẫu, có uy tín, năng lực ứng cử để bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên.

Hai là, việc chuẩn bị nhân sự là đảng viên để bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được các huyện ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt; công tác hiệp thương giới thiệu nhân sự bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được bảo đảm. Chú trọng thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên. Trên cơ sở chỉ tiêu phát triển đảng viên là trưởng, phó thôn, bản, tổ dân phố được giao hằng năm, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chỉ đạo, rà soát, nắm chắc đội ngũ trưởng, phó trưởng thôn, tổ dân phố chưa là đảng viên để phát hiện những nhân tố có khả năng, triển vọng kết nạp vào Đảng, quan tâm, giúp đỡ, cử đi bồi dưỡng nhận thức về Đảng để tạo nguồn và tổ chức kết nạp khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Đồng thời, tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho riêng đối tượng là trưởng, phó trưởng thôn, tổ dân phố.

Ba là, hướng dẫn điều chỉnh nhiệm kỳ trưởng thôn thống nhất với nhiệm kỳ đại hội chi bộ; chỉ đạo ấn định ngày bầu cử trưởng thôn trên địa bàn huyện, thành phố cùng một ngày sau khi tổ chức xong đại hội chi bộ. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố ở mỗi nhiệm kỳ, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, gắn với việc nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng thôn, bản, tổ dân phố; chỉ đạo ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản hướng dẫn bầu trưởng thôn, bản, tổ dân phố, chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức quán triệt, triển khai đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Các huyện ủy, thành ủy thành lập tổ công tác do các đồng chí ủy viên ban thường vụ huyện ủy, thành ủy làm tổ trưởng, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc địa phương được phân công phụ trách, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội chi bộ và nhân sự bầu cử trưởng thôn.

Bốn là, coi công tác nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là một nhiệm vụ trọng tâm của đảng ủy xã, phường, thị trấn trong năm. Kết quả thực hiện của công tác này là một tiêu chí đánh giá xếp loại chất lượng đảng bộ và bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn; chi bộ và bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố hằng năm.

Từ những giải pháp cụ thể, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, Tỉnh ủy Bắc Giang đã thành công trong việc nâng tỷ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, góp phần bảo đảm vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện của chi bộ đối với hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố. Đây là một kinh nghiệm quý trong xây dựng Đảng, củng cố lòng tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, gắn kết “lòng dân” với “ý Đảng”, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.