Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững ở khu vực miền núi phía Bắc
TCCS - Cách đây 75 năm, ngày 2-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại tỉnh Tuyên Quang, cùng với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết một lòng, đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, quyết tâm xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững ở khu vực miền núi phía Bắc.
Tuyên Quang: Quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến
Tỉnh Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Từ khi Đảng ta ra đời, người dân Tuyên Quang một lòng sắt son theo Đảng, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, góp phần làm rạng danh lịch sử hào hùng của dân tộc.
Hội tụ đủ các yếu tố “Thiên thời”, “Địa lợi”, “Nhân hòa”, vùng đất Tuyên Quang luôn gắn liền với những sự kiện trọng đại, mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng nước ta. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh tự hào được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, từ đây lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc. Tại Tân Trào lịch sử, diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng, phát lệnh tổng khởi nghĩa và lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền; Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam, nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh - Hiến pháp lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. Những sự kiện này đã góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trước khi về tiếp quản Thủ đô, với tầm nhìn chiến lược và dự báo thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo khả năng thực dân Pháp sẽ trở lại xâm lược nước ta; Người chỉ đạo tiếp tục củng cố, xây dựng căn cứ cách mạng tại Tân Trào. Đúng như tiên đoán của Người, đất nước giành độc lập chưa được bao lâu, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam một lần nữa. Tháng 11-1946, khi thực dân Pháp gây hấn ở thành phố Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội. Sau khi phân tích và đánh giá tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định trở lại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 19-12-1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ngày 2-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến về tới làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi ở, nơi làm việc đầu tiên khi Người trở lại Tuyên Quang để cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, Người chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng, rút kinh nghiệm những tháng đầu toàn quốc kháng chiến, tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng ta và yêu cầu khẩn trương di chuyển các cơ quan lên Việt Bắc.
Thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, có 65 ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương (trong đó, có 13/14 bộ và cơ quan ngang bộ) đặt trụ sở làm việc tại tỉnh Tuyên Quang. Là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến, nơi phát nguồn những tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, của cách mạng Việt Nam: Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt; Đại hội liên minh 3 nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất; Hội nghị Trung ương 6 khóa II mở rộng; Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I - kỳ họp duy nhất của Quốc hội được tổ chức trong thời kỳ kháng chiến; phiên họp Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ” (ngày 19-4-1954)... Đặc biệt, tháng 2-1951, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, đã diễn ra Đại hội II của Đảng - đại hội đầu tiên được tổ chức ở trong nước và là đại hội duy nhất từ khi Đảng cầm quyền cho đến nay được tổ chức ở ngoài Thủ đô Hà Nội, là đại hội đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam.
Tại tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị quan trọng bàn về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; củng cố chính quyền, quân đội; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, hình thành Mặt trận đoàn kết của nhân dân 3 nước Đông Dương, phá thế bao vây, cô lập của kẻ thù, mở ra mối liên hệ với nước ngoài, nâng cao vị thế của Chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế. Người đã ký nhiều sắc lệnh, chỉ thị quan trọng như: Quy định về tổ chức của Bộ Tổng Chỉ huy, Bộ Tổng Tham mưu, Cục Chính trị và Văn phòng Bộ Tổng Chỉ huy quân đội; thành lập Ban Kinh tế Chính phủ, Tòa án binh, Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Ủy ban hành chính đặc biệt miền Thượng du tỉnh Thanh Hóa; hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành Liên khu Việt Bắc, thành lập Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc; quy định việc bãi bỏ ngân sách các cấp kỳ, tỉnh, thành phố, thị xã, khu tự trị và sáp nhập vào Quỹ toàn quốc; thành lập Quỹ tham gia kháng chiến... Người cũng chỉ đạo quân và dân ta thực hiện thắng lợi các chiến dịch trên khắp các chiến trường, đập tan những cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc. Người còn chỉ đạo thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, tiếp và làm việc với nhiều đoàn đại biểu quốc tế. Đầu tháng 4-1954, tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, Người chỉ đạo đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn ngoại giao của Việt Nam tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Người, như “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, “Dân vận”,... được hoàn thành ở tỉnh Tuyên Quang. Những tư tưởng chỉ đạo của Người cùng với đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng ta, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.
Những tháng ngày ở tỉnh Tuyên Quang và chiến khu Việt Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm, gần gũi với nhân dân, ân cần chỉ dẫn từ việc giữ vệ sinh, chăm sóc các cháu nhỏ, rèn luyện sức khỏe, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm,... đến việc phải quan tâm, thương yêu, giúp đỡ nhau, tích cực học tập để tiến bộ, góp phần kiến thiết nước nhà.
Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn là căn cứ ATK vững chắc, cùng với các tỉnh trong chiến khu Việt Bắc làm tròn nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong lần về thăm tỉnh Tuyên Quang (tháng 3-1961), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng tâm, hợp lực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước. Xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành hậu phương lớn, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Hàng vạn con em các dân tộc trong tỉnh hăng hái lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm và lập công xuất sắc, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Tích cực học tập và làm theo Bác trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là động lực quan trọng để vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang luôn xác định, việc học tập và làm theo Bác là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng và đạo đức, đồng thời là vinh dự, tình cảm, sự trân trọng, tôn vinh công ơn của Người đối với dân tộc Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng bộ tỉnh tổ chức học tập và làm theo Bác một cách sáng tạo, linh hoạt, với những giải pháp thiết thực, có hiệu quả; ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quán triệt chặt chẽ, bài bản, bám sát hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa và tổ chức thực hiện kế hoạch sát hợp với điều kiện thực tiễn; tổ chức đăng ký các nội dung đột phá, làm theo Bác của tập thể và cá nhân(1), xây dựng các mô hình tiêu biểu và lấy đó làm một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm.
Giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng tỉnh Tuyên Quang có nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; môi trường xanh - sạch - đẹp; kinh tế phát triển nhanh, bền vững”(2). Trên cơ sở đó, hằng năm, tỉnh lựa chọn nội dung đột phá, tập trung xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, tác phong công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Cấp ủy các cấp xây dựng và bổ sung chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bảo đảm ngắn gọn, sát thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và niêm yết công khai tại nơi làm việc để nhân dân giám sát. Thực hiện nghiêm túc việc học tập chuyên đề toàn khóa và các chuyên đề hằng năm(3).
Học tập và làm theo tư tưởng của Bác về cán bộ và công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành đổi mới công tác đánh giá cán bộ gắn với thực hiện giao việc đột phá, đổi mới, sáng tạo cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Thực hiện “đặt hàng” công việc với các giám đốc sở, bí thư huyện ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, tập trung vào việc lớn, việc khó, những điểm nghẽn để cán bộ bứt phá, phát triển. Nhờ đó, 9/10 vụ việc đơn, thư tồn đọng kéo dài đã được giải quyết; những vướng mắc, bức xúc về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng nghĩa trang, xử lý rác thải, xóa bỏ lò gạch thủ công,... đạt được sự đồng thuận về chủ trương thực hiện, góp phần ổn định tình hình trên địa bàn.
Thực hiện lời dạy của Bác về “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4), Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng xây dựng và nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trên các lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn,... Sau 5 năm thực hiện, có hàng nghìn tập thể và cá nhân tiêu biểu được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương, khen thưởng vì những việc làm tốt, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân địa phương và lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng.
Công tác tuyên truyền không ngừng được đổi mới, đa dạng hóa, sáng tạo về phương pháp, hình thức theo hướng thiết thực, hiệu quả(5), nhất là trong tuyên truyền những điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo Bác. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp, trong đó kết hợp phát phóng sự và gặp gỡ, giao lưu với những tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo Bác, tạo được ấn tượng tốt đẹp và sự xúc động sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành xây dựng quảng trường Nguyễn Tất Thành, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và công trình kiến trúc nghệ thuật tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”, đáp ứng lòng mong mỏi, thể hiện sự kính trọng và tri ân sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước đối với Chủ tịch
Hồ Chí Minh.
Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì từ 7 đến 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với nhiều vùng sản xuất tập trung, có giá trị kinh tế cao; duy trì có hiệu quả 5 vùng sản xuất hàng hóa (vùng rừng trồng 190.000ha, vùng cam trên 8.000ha, vùng chè 8.400ha, vùng bưởi 5.000ha, vùng mía 2.200ha) và trên 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ (như các chuỗi sản xuất, chế biến chè, gỗ rừng trồng, mía đường, dong giềng, mật ong, trâu thịt, cá đặc sản...). Năm 2021, GRDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đứng thứ 4/11 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững, tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65% (đứng thứ 3 cả nước). Việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 54/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công nghiệp phát triển nhanh, quy mô không ngừng được mở rộng, nhiều dự án, cơ sở sản xuất có quy mô lớn được đầu tư và đi vào sản xuất. Chất lượng công tác cải cách hành chính ngày càng được nâng lên; thành lập, vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, làm đầu mối bảo đảm giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng. Năm 2021, tỉnh thu hút được 36 dự án đăng ký đầu tư, với tổng số vốn trên 26.500 tỷ đồng.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, với nhiều công trình quan trọng, như khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào,... Tỉnh còn tập trung mọi nguồn lực xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình;... trở thành các khu du lịch trọng điểm quốc gia. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ(6). Từ năm 2011 đến năm 2021, với cơ chế nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, toàn tỉnh xây dựng được trên 1.000km kênh, mương nội đồng, gần 600 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, bê-tông hóa trên 4.400km đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ trên 70%. 100% số xã, phường, thị trấn được kết nối internet và có điểm cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99,7%. Đến nay, thành phố Tuyên Quang được công nhận là đô thị loại II, trung tâm các huyện đều đạt tiêu chí đô thị loại V; thành lập thị trấn Lăng Can, huyện mới Lâm Bình, thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn.
Chất lượng giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến mạnh mẽ, hệ thống giáo dục từ bậc mầm non đến đại học được hoàn thiện. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân; triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân. Công tác an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,6%.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao. Tỉnh còn sớm hoàn thành việc học tập, quán triệt, xây dựng và triển khai các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong đó xác định đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị xuyên suốt cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Quyết tâm xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững ở khu vực miền núi phía Bắc trong tình hình mới
Có thể nói, những đổi thay ở tỉnh Tuyên Quang thời gian qua là minh chứng sống động của truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Để thực hiện khát vọng xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày một đổi mới, phát triển và hội nhập, trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%; thu hút khách du lịch đạt trên 3 triệu lượt; duy trì và giữ vững chất lượng 85 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu có thêm 38 xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 đạt trên 5.000 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 đến 2,5%/năm; duy trì 100% số xã, phường, thị trấn giữ vững phổ cập các bậc học; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 99%...
Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Chính phủ. Trong đó, trọng tâm là tập trung thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trọng tâm là Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ, “Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cụ thể là:
1- Tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực hiện có của tỉnh, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng. Triển khai các giải pháp xây dựng Tuyên Quang thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm toàn diện, thực chất, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có thêm 38 xã, 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh.
2- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tập trung xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng tiêu chí khu du lịch quốc gia, là trung tâm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng của cả nước, nhất là đối với thế hệ trẻ; xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp; củng cố các điều kiện để xây dựng Khu du lịch Na Hang - Lâm Bình trở thành khu du lịch quốc gia; đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Khu di sản Na Hang - Ba Bể là khu di sản thiên nhiên thế giới... Phấn đấu năm 2022 thu hút được trên 2 triệu lượt khách du lịch và đến năm 2025, thu hút được 3 triệu lượt khách.
3- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại. Triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm. Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xây dựng 13 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I, đô thị xanh, đô thị thông minh; 2 đô thị loại IV; 10 đô thị loại V; quy hoạch, xây dựng đô thị động lực; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 27%, năm 2030 đạt 35%.
4- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tập trung vào các ngành có tiềm năng, lợi thế. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch và thành lập mới các khu, cụm công nghiệp (quy hoạch 6 khu công nghiệp mới và mở rộng Khu công nghiệp Long Bình An), phấn đấu đến năm 2030 tỉnh có 7 khu công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.850ha. Chủ động giải phóng mặt bằng, tăng cường các giải pháp thu hút doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật ở các khu, cụm công nghiệp, các dự án phát triển công nghiệp tại địa phương. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng trên 16,6%; giai đoạn 2021 - 2025 tăng 14%.
5- Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, sử dụng hiệu quả, có trọng tâm nguồn lực. Tập trung nguồn lực cho thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, các công trình, dự án trọng điểm. Quy hoạch, lập phương án khai thác quỹ đất ở các trục giao thông mới mở để phát triển công nghiệp, thương mại, đô thị.
6- Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu năm 2022 đạt thứ hạng khá và đến năm 2025 đứng trong tốp 20 của cả nước. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, môi trường, nhất là tài nguyên đất, khoáng sản, nước, môi trường ở khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, vùng nông thôn, khu tập trung đông dân cư. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
7- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch; xây dựng thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học. Giải quyết việc làm cho 110.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 72%. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 đến 2,5%/năm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 2 đến 3%/năm. Tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Quan tâm, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo ổn định, nâng cao đời sống.
8- Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW “Về những điều đảng viên không được làm”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””.
Nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại, tiếp công dân.
Với những chủ trương, giải pháp toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, nhất định Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến./.
-----------------
(1) Hằng năm, 100% số tổ chức đảng, đảng viên đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ năm 2016 đến năm 2021, có 19.835 lượt tổ chức đảng đăng ký nội dung đột phá, làm theo Bác, trên 284.050 lượt đảng viên đăng ký việc cụ thể làm theo Bác. Các bản đăng ký làm theo Bác của tập thể, cá nhân cơ bản đạt yêu cầu, gắn với vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế.
(2) Nhiệm kỳ Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh (2015 - 2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm về học tập và làm theo Bác toàn khóa là: “Tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phục vụ nhân dân”. Trong đó, nhiệm vụ của năm 2017, năm 2018 là “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương; đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên”; năm 2019 là “Phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ”; năm 2020 là “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” và “Tuyên Quang chung tay nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính”.
(3) Từ năm 2016 đến năm 2020, đã tổ chức 7 hội nghị cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, với 602 lượt cán bộ; 70 hội nghị cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, với 353.504 lượt cán bộ; 21.497 hội nghị ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở, với 3.344.741 lượt cán bộ, đảng viên; tỷ lệ đại diện hộ gia đình tham gia học tập các chuyên đề đạt trên 90%.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 284
(5) Như: Fanpage: Người Tuyên Quang mỗi ngày đăng tải một câu nói, một bức ảnh, một câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Infographic; Cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh mở chuyên mục: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có mục: Mỗi ngày một câu danh ngôn, một bức ảnh, một câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đồ họa Infographic; Bản tin Thông báo nội bộ duy trì tốt chuyên mục: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Biên tập và phát hành cuốn sách “Như mạch nguồn chảy mãi” tập hợp các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí xuất sắc về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuốn sách “Gương tốt, việc làm hay” trong thực hiện nghị quyết của Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2019, tổ chức Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Năm 2020, tổ chức Cuộc thi tìm hiểu trực tuyến về “Bác Hồ với Tuyên Quang, Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến”, thu hút 108.438 lượt người tham gia. Tỉnh ủy Tuyên Quang phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Qua Hội thảo, đã bổ sung, làm rõ thêm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động ở tỉnh Tuyên Quang, tầm nhìn chiến lược và những quyết sách của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi; vị trí địa chính trị của tỉnh Tuyên Quang... Năm 2021, tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyên Quang - 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ” nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Tuyên Quang (3-1961 - 3-2021); phát hành 800 cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh”;...
(6) Hoàn thành xây dựng cầu Tình Húc, cầu Kim Xuyên, cầu Bình Ca, đường Hồ Chí Minh; khởi công xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tích cực chuẩn bị các điều kiện để đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và các địa phương trong khu vực.
Tỉnh Vĩnh Long phát huy những bài học kinh nghiệm bước đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội  (27/04/2022)
Tỉnh Quảng Trị kiến tạo hành lang phát triển mới, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm chiến lược  (13/04/2022)
Thế kỷ châu Phi - sự thần kỳ mới của thế giới  (09/04/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển