Tỉnh Điện Biên bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
TCCS - Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu văn hóa, đưa Điện Biên trở thành địa phương có hệ thống di sản văn hóa phong phú, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc… để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh Điện Biên có số dân 601.726 người (năm 2019); trong đó, dân tộc Hmông có số lượng đông nhất (228.229 người, chiếm 38,1%), tiếp đến là dân tộc Thái (213.714 người, chiếm 35,7%), dân tộc Kinh có số dân đứng thứ ba (104.061 người, chiếm 17,4%). Với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, tỉnh Điện Biên có một kho di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, vô cùng đặc sắc.
Di sản văn hóa vật thể của Điện Biên gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên, với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Đó là các thửa ruộng bậc thang gắn với hệ thống mương - phai - lái - lín (hệ thống tưới tiêu nổi tiếng của dân tộc Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc); không gian văn hóa của các bản làng nằm ở thung lũng ven núi, những mái nhà sàn cao ráo, thoáng mát được trang trí bởi khau cút (biểu tượng trên nóc nhà đầu hồi cửa chính của người dân tộc Thái) đa dạng về kiểu dáng. Ở khu vực rẻo cao của huyện Điện Biên Đông, huyện Tuần Giáo, người Hmông khéo léo dựng các nếp nhà trình tường có kiến trúc độc đáo bằng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng rẻo cao. Ở vùng biên giới giáp Lào, các bản của người Khơ-mú với các nếp nhà nằm sát cạnh nhau. Mỗi nếp nhà, mỗi phong tục đã góp phần làm nên một Điện Biên giàu bản sắc văn hóa các tộc người.
Điện Biên cũng có một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, như các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian…, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân vùng núi rừng, biên cương. Trong đó, nhiều di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên, Tết Nào pê chầu của người Hmông đen (bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng), Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), Lễ Tủ cải (Lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao quần chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa)…(1).
Sự phong phú của hệ thống di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, một mặt, tạo nên một không gian văn hóa Điện Biên vô cùng đặc sắc; mặt khác, đóng góp quan trọng vào sự đa dạng của văn hóa Việt Nam và sự phát triển du lịch - ngành công nghiệp “không khói” được xác định là mũi nhọn phát triển của tỉnh Điện Biên.
Thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch ở Điện Biên
Trong nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa ở tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Thứ nhất, công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo các di tích; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được nhiều thành tựu. Hiện nay, toàn tỉnh đã kiểm kê 67 di tích, trong đó 27 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng; xác định 45 mốc khoanh vùng bảo tồn cho di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ (thành lũy được Hoàng Công Chất xây dựng ở châu Ninh Biên, phủ An Tây vào giữa thế kỷ XVIII, ngày nay là huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); cắm 191 biển báo, biển chỉ dẫn các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các di tích, như di tích chiến trường Điện Biên Phủ, di tích Tháp Mường Luân, Tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh (huyện Điện Biên Đông), di tích Thành Bản Phủ, động Pa Thơm (huyện Điện Biên), hang động Xá Nhè và Khó Chua La (huyện Tủa Chùa); bổ sung, lưu giữ, quản lý 12.403 hiện vật trong các bảo tàng và ban quản lý di tích (2).
Tỉnh cũng thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, như tổng kiểm kê thực trạng di sản văn hóa phi vật thể của 18 dân tộc; triển khai xây dựng hồ sơ các di sản văn hóa, trong đó, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, kết quả có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, như Lễ cúng bản (Gạ ma thú) của người Hà Nhì tỉnh Điện Biên; Lễ Tủ cải (Lễ cấp sắc) của người Dao quần chẹt, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa... Nhiều di sản văn hóa các dân tộc được bảo tồn tốt, như Tết cổ truyền Nào Pê Chầu của dân tộc Hmông, Lễ Cúng cơm mới, Lễ cầu mưa, Lễ lên nhà mới, Lễ cưới hỏi truyền thống và đặt tên cho trẻ của dân tộc Thái, Hội Hạn khuống (lễ hội truyền thống, trình diễn nhiều thể loại văn hóa dân gian sau mùa thu hoạch)...
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo tồn và dịch thuật, in ấn tài liệu chữ viết cổ cũng được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Tính đến hết tháng 12 - 2020, tỉnh sưu tầm được hơn 200 ấn phẩm cổ của các dân tộc Thái, dân tộc Dao, dân tộc Lự...
Thứ hai, công tác dạy tiếng dân tộc, tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật cổ truyền được chú trọng. Trong những năm gần đây, Điện Biên đã tổ chức cho 265 trường tiểu học dạy học tiếng Thái, với 1.162 lớp và 26.098 học sinh tham gia; 256 trường tiểu học tổ chức dạy học tiếng Hmông, với 1.352 lớp, thu hút 33.483 học sinh tham gia. Ở cấp trung học cơ sở, 122 trường trung học cơ sở tổ chức dạy học tiếng Thái, với 722 lớp, thu hút 23.168 học sinh tham gia; 133 trường tổ chức dạy học tiếng Hmông, với 688 lớp, thu hút 23.654 học sinh tham gia (3). Di sản văn hóa cũng được giáo dục cho các thế hệ trẻ thông qua việc tổ chức cho học sinh sưu tầm ca dao, dân ca; tìm hiểu và học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc; tìm hiểu văn hóa ẩm thực, cách thức tổ chức tết, lễ hội truyền thống; tổ chức hội diễn văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian... Điện Biên cũng thành lập các câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc; thành lập câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên; cử các đoàn nghệ nhân là người dân tộc thiểu số như Thái, Hmông, Khơ-mú, Lào, Cống... tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Ngày hội văn hóa Thái, Ngày hội văn hóa Hmông, Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Ngày hội văn hóa Việt Nam - Lào...
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá giá trị di sản văn hóa bước đầu được quan tâm; việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc địa phương được chú trọng. Tỉnh Điện Biên đã xuất bản tài liệu song ngữ Việt - Anh, Việt - Lào, Việt - Thái; sản xuất phim tài liệu, video clip... giới thiệu giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã sản xuất 13 phim phóng sự, 60 video clip, 32 phim được lồng tiếng Thái, tiếng Hmông (4). Nhiều chợ phiên được khuyến khích duy trì, như chợ Tả Sìn Thàng, Xá Nhè (Tủa Chùa), chợ Vàng Lếch (Nậm Pồ), chợ biên giới A Pa Chải (Mường Nhé)...
Với những hoạt động trên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc ở Điện Biên gắn với phát triển du lịch những năm qua đã triển khai tương đối đồng bộ, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhờ đó, lượng du khách đến với Điện Biên ngày càng nhiều. Trong năm 2019, Điện Biên đã đón khoảng 845 nghìn lượt khách (đạt 101,8% so với kế hoạch, tăng 19,8% so với năm 2018); trong đó, khách quốc tế ước đạt 183 nghìn lượt (đạt 101,6%)... Doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng lên, ước đạt trên 1.366 tỷ đồng (tăng 18,2% so với năm 2018) (5). Đạt được những thành tựu trên là sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân tỉnh Điện Biên; nhận thức ngày càng được nâng lên của cộng đồng về vai trò của bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch, mở rộng sinh kế từ nguồn lợi văn hóa (6)…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa để phát triển du lịch vẫn còn một số hạn chế. Công tác quan trọng trên mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, triển khai chưa đồng đều, chưa toàn diện. Nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả, chưa được đưa vào thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Một số di sản văn hóa không được cộng đồng thường xuyên thực hành, dẫn đến bị mai một, làm giảm sự hấp dẫn đối với du khách; sản phẩm du lịch dựa vào tài nguyên văn hóa các dân tộc còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn. Việc quảng bá, thông tin về di sản văn hóa còn hạn chế, chủ yếu là những thông tin giới thiệu một cách chung chung về nguồn gốc tộc người, về giá trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần hoặc một lễ hội, một phong tục…
Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc quảng bá di sản văn hóa ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn; nhận thức, trình độ khoa học - kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ của những người làm công tác văn hóa, công tác du lịch và người dân còn chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các dịch vụ về ẩm thực, văn nghệ còn trùng lặp, chưa phong phú, đa dạng; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch thiếu đồng bộ, vệ sinh môi trường chưa giải quyết triệt để...(7)
Một số giải pháp thời gian tới
Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt nội dung được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau” (8); Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22-1-2020, của Thủ tướng Chính phủ, về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và các thực hành văn hóa truyền thống.
Các di sản văn hóa có vai trò quan trọng quyết định việc lựa chọn điểm đến của du khách, đồng thời là nguồn lực cho phát triển du lịch. Do đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò và giá trị của các di sản văn hóa gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là rất cần thiết. Cần đưa việc giáo dục di sản văn hóa vào trường học, phổ biến kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa cho cộng đồng kết hợp với thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương về công tác dân tộc, văn hóa, phát triển kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa. Có chính sách hỗ trợ sinh kế để người dân chuyển đổi mô hình kinh tế; chia sẻ quyền lợi, nguồn lợi với người dân thông qua các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các chương trình phúc lợi, các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng... nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa được lâu dài và bền vững.
Thứ hai, đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện việc số hóa dữ liệu về di sản văn hóa Điện Biên.
Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sưu tầm các di sản văn hóa một cách hệ thống, khai thác và tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin để số hóa dữ liệu, mở rộng phạm vi quảng bá trong nước và quốc tế, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, kỷ nguyên số hiện nay.
Bên cạnh tiếng Việt, việc quảng bá di sản văn hóa Điện Biên cần được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh Điện Biên, giá trị di sản văn hóa của tỉnh một cách hệ thống, bài bản. Sử dụng đa phương tiện truyền thông với các sản phẩm truyền thông hấp dẫn để quảng bá, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách hàng hiện nay. Phối kết hợp giữa các cấp chính quyền trong tỉnh, các công ty du lịch và người dân trong quảng bá di sản văn hóa, trong đó, chú trọng vai trò của chính quyền các cấp, thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các đối tượng tham gia phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, kinh doanh các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng gắn với tài nguyên văn hóa của địa phương; tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động phù hợp với định hướng phát triển bền vững của địa phương.
Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa vào tài nguyên văn hóa các dân tộc.
Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch địa phương bằng các sản phẩm du lịch độc đáo, gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc ở Điện Biên, như du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch tham quan, du lịch ẩm thực; xây dựng mô hình bản văn hóa, như bản Thái, bản Khơ-mú, bản Hmông… Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Chú trọng tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân trong tham gia vào hoạt động du lịch, tạo cơ hội cho người dân làm chủ, đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên văn hóa; gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch, bảo đảm an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Cần bồi dưỡng kiến thức về giá trị các di sản văn hóa cho các đối tượng làm công tác du lịch. Có chế độ đãi ngộ các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản; đội văn nghệ truyền thống của địa phương. Kết hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo chuyên nghiệp để bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng về du lịch, kinh doanh lưu trú, nghiệp vụ thuyết minh du lịch; nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, người dân làm du lịch văn hóa./.
--------------------------------
(1) Lan Phương: “Điện Biên chú trọng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, http://www.dienbien.gov.vn/portal/Pages/2020-8-5/VPUB--Dien-Bien-chu-trong-cong-tac-bao-ton-va-phatbd7tqt.aspx, ngày truy cập 24-3-2021
(2), (3), (4) Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20-12-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kết luận số 01-KL/TU ngày 20-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, “Về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020”
(5) Đức Linh: “Du lịch Điện Biên một năm nhìn lại”, http://www.baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/du-lich/175707/du-lich-%C3%B0ien-bien-mot-nam-nhin-lai, ngày truy cập 2-6- 2021
(6) Xem Hoàng Cầm: “Du lịch văn hóa và vấn đề bảo tồn, phát huy di sản ở người Lạch, Lạc Dương, Lâm Đồng”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 - 2014, tr. 12
(7) Xem: ““Cầu nối” du lịch Ðiện Biên với du khách”, https://bvhttdl.gov.vn/cau-noi-du-lich-ien-bien-voi-du-khach, truy cập ngày 15-4-2021
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 145 - 146
Xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Điện Biên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới  (25/09/2021)
Đẩy mạnh hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, góp phần phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong bối cảnh mới  (10/08/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển