Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh
TCCS - Lâm Đồng có thành phố Đà Lạt “ngàn hoa” nổi tiếng, có LangBiang là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên…, nhiều năm qua đã đi vào tâm trí của nhiều người dân trong và ngoài nước như một vùng đất của miền du lịch hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Với những tiềm năng, lợi thế đó, ngành “công nghiệp không khói” của Lâm Đồng thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm của địa phương (GRDP).
“Hòn ngọc” tiềm năng
Là một tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên, nằm trên ba cao nguyên Lâm Viên - Di Linh - Bảo Lộc, ở độ cao trung bình từ 800m - 1.500m so với mực nước biển; phía bắc giáp tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, phía đông giáp tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, phía tây giáp tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, phía nam giáp tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.773,54km² (lớn thứ 7 cả nước), dân số 1.312.900 triệu người (năm 2019) với 43 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống. Lâm Đồng không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu ôn hòa và mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, như thác Cam Ly, Khu du lịch Dankia - Suối Vàng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang…; hệ thống hồ, rừng, đồi núi, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái kết hợp các hoạt động thể thao mạo hiểm, mà còn là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội…, có giá trị cao về truyền thống, bản sắc và văn hóa tâm linh. Là vùng đất có lịch sử hình thành từ lâu đời, Lâm Đồng có sự đa dạng về thành phần dân tộc: Kinh, Cơ-ho, Mạ, Nùng, Tày, Chu-ru, Hoa, Mnông, Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ-me, Lô Lô, Cờ Lao, Cống… Người dân Lâm Đồng có truyền thống cần cù, sáng tạo, có khả năng nhạy bén trong kinh doanh và lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, người dân Lâm Đồng cũng vô cùng thân thiện và hiếu khách. Những yếu tố “địa lợi, nhân hòa” mang đến cho Lâm Đồng những tiềm năng to lớn để phát triển các loại hình du lịch riêng có của mình, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, du lịch lễ hội - sự kiện, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch MICE(1) cho đến du lịch thể thao mạo hiểm.
Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch, chú trọng khai thác cả khách du lịch trong nước và quốc tế, trong giai đoạn 2016 - 2019, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 8,9%; lượt khách lưu trú tăng trưởng bình quân 11,9%; khách quốc tế chiếm 10,1% trong tổng số lượng khách lưu trú. Riêng năm 2019, Lâm Đồng đón trên 7 triệu lượt khách du lịch (Đà Lạt đón gần 6 triệu lượt khách). Cũng trong giai đoạn 2016 - 2019, tổng doanh thu từ khách du lịch của Lâm Đồng đạt 52.164 tỷ đồng, chiếm 2% doanh thu từ hoạt động du lịch của cả nước, số lượng phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao chiếm 15,6% tổng số phòng, thời gian lưu trú bình quân là 2,1 ngày. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên số lượng khách du lịch đến Lâm Đồng có sự sụt giảm mạnh. Tính đến ngày 31-10-2020, số lượng khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 2,658 triệu lượt khách (giảm 53,9% so với cùng kỳ năm 2019); khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ước đạt 4 triệu lượt khách (giảm 44,1% so với cùng kỳ năm 2019). Phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh, tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đạt trên 37%; đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phát triển theo hướng chất lượng cao và bền vững, đồng thời tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đạt trên 40%.
Hoạt động du lịch góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Số lượng lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch đạt khoảng 13.000 lao động; trong đó, có 80% số lao động trực tiếp đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn và ngoại ngữ. Sản phẩm du lịch ngày càng được đa dạng hóa và Đà Lạt - một trong những điểm đến nổi tiếng của Lâm Đồng với nhiều phong cảnh đẹp lý tưởng - trở thành thương hiệu du lịch không chỉ ở trong nước mà còn ở tầm khu vực. Năm 2016, Đà Lạt đã được Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn là một trong 52 điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới, Kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn là một trong 9 địa điểm du lịch tuyệt vời ở khu vực châu Á. Năm 2017, thành phố Đà Lạt được cộng đồng quốc tế trao tặng giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ tư” tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14, được tổ chức ở Brunei; giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018” tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á 2018 (ATF-2018), được tổ chức ở Thái Lan. Năm 2019, hai doanh nghiệp du lịch của tỉnh Lâm Đồng cũng được trao tặng giải thưởng “Du lịch Việt Nam”, là Khách sạn Dalat Palace và Khách sạn La Sapinette Đà Lạt; Khách sạn - Khu nghỉ dưỡng Terracotta Dalat đạt giải thưởng “Khách sạn Xanh ASEAN”, giai đoạn 2020 -2021 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cùng với phát triển và thu hút nguồn vốn đầu tư cho du lịch, Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đến hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư tiếp nước ngoài (FDI) tập trung vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, như dịch vụ, nông nghiệp, quản lý đô thị… Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 977 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 129.039 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh thu hút được 198 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký khoảng 16.300 tỷ đồng, quy mô diện tích 1.913,2ha. Riêng lĩnh vực du lịch, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 143 dự án du lịch, dịch vụ còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt 53.517 tỷ đồng,
Những nỗ lực trong phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, thương mại… đã góp phần quan trọng để Lâm Đồng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bình quân đạt 8%; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng/năm (năm 2015) lên 71 triệu đồng/năm (năm 2020), đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt 35.689 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 của tỉnh còn khoảng 1,35%; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân 1%/năm... Hoạt động bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng có chất lượng ngày càng cao. Cơ cấu các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp… có sự chuyển dịch tương đối rõ nét. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy.
Định vị thương hiệu du lịch
Xuất phát từ xu hướng phát triển du lịch của thế giới và trong nước, nhu cầu du lịch của người dân, cũng như từ những lợi thế so sánh trong phát triển của tỉnh Lâm Đồng, tại Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 16-11-2016, của Tỉnh ủy Lâm Đồng, “Về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; Kế hoạch số 7021/KH-UBND, ngày 21-8-2020, của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, về triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” và Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, du lịch được xác định là ngành kinh tế động lực của tỉnh, trên cơ sở phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Những định hướng này mở ra cho ngành du lịch Lâm Đồng một hướng phát triển mới với nhiều tiềm năng và cơ hội.
Lâm Đồng xác định phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế sự trùng lặp với các địa phương có tiềm năng tương đồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, tạo ra sự hấp dẫn và chất lượng, làm gia tăng giá trị và thương hiệu du lịch của Lâm Đồng.
Để phát triển du lịch bền vững, từ năm 2018, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh và tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của ngành du lịch; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức, kinh doanh du lịch; tham gia quản lý, bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội trong hoạt động du lịch.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng đã khảo sát và xây dựng hơn 200 chương trình du lịch nội tỉnh, nội địa và quốc tế để đưa vào khai thác kinh doanh; đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch nội địa, nhất là các thị trường truyền thống, như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, vùng duyên hải miền Trung; mở rộng thị trường khách du lịch nội địa sang các tỉnh phía Bắc, như Hà Nội, Hải Phòng...; tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch quốc tế đến từ những thị trường truyền thống, như các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đông Bắc Á, Đông Á... Ưu tiên phát triển du lịch thông minh, trong đó xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành “thành phố thông minh” thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh việc khai thác các loại hình du lịch truyền thống của địa phương (du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch), tỉnh tập trung phát triển các loại hình du lịch mới, như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông, du lịch MICE… Việc đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch có vai trò quan trọng của doanh nghiệp và người dân. Nhiều cơ sở kinh doanh khu - điểm du lịch, di tích - địa chỉ lịch sử - văn hóa được trùng tu, nâng cấp cơ sở vật chất hoặc đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhiều dự án du lịch được đầu tư hiện đại và sang trọng, sản phẩm du lịch độc đáo, cơ bản đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Lâm Đồng ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 2.470 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, có 457 khách sạn từ 1 - 5 sao (37 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao); 48 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (33 doanh nghiệp lữ hành quốc tế); 36 khu, điểm tham quan du lịch và 3 sân golf được đầu tư, khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác.
Nhằm phát triển thị trường và thu hút khách quốc tế đến địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch với Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam, Quỹ JeJu Olle và Quỹ Đầu tư xã hội Hàn Quốc. Định kỳ hằng năm, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch và triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, được truyền thông quốc tế ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng cũng tồn tại một số hạn chế. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan trong triển khai nghị quyết chưa thực sự chủ động và thường xuyên. Hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không kết nối giữa Lâm Đồng với các vùng du lịch trọng điểm của các tỉnh lân cận và trong cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Một số dự án du lịch triển khai không bảo đảm tiến độ theo quy định; chưa có nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, loại hình mới, hấp dẫn, cao cấp. Việc định hướng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng còn nhiều bất cập, chưa có sự liên kết bài bản, chặt chẽ và bền vững… dẫn đến tình trạng sản phẩm du lịch trùng lắp, tính cạnh tranh không cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đối với thị trường nước ngoài còn hạn chế. Hiệu quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố trong cả nước và giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh… chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch tuy đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có bước chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là thiếu đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Thứ nhất, hệ thống giao thông vận chuyển khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng vẫn chủ yếu bằng đường bộ; đường hàng không tuy đang phát triển, mở rộng, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Thứ hai, nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch của tỉnh còn gặp khó khăn. Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch chủ yếu liên quan đến rừng, đất rừng, do đó gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Thứ ba, công tác quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch; sự liên kết giữa các ngành, địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chưa thật sự hiệu quả. Thứ tư, một số chủ đầu tư chưa khảo sát kỹ địa bàn thực hiện dự án; chưa nắm rõ các quy định pháp luật trong triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư; thiếu chủ động trong việc phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để được hướng dẫn thực hiện, dẫn đến tiến độ triển khai dự án chậm so với cam kết; ý thức chấp hành pháp luật của các nhà đầu tư vẫn chưa cao... Thứ năm, kinh phí tổ chức, tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại thị trường quốc tế cao trong khi kinh phí dành cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh; thiếu sự liên kết chặt chẽ trong công tác xúc tiến, quảng bá và tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch còn mang tính nhỏ lẻ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Thứ sáu, dịch bệnh COVID-19 và tình hình thiên tai xảy ra tại một số tỉnh, thành phố… đã kéo theo sự suy giảm mạnh số lượng khách du lịch trong và ngoài nước.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực
Những khó khăn do sự biến động về nguồn khách du lịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ở một khía cạnh nhất định cũng là cơ hội để Lâm Đồng nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng ngành du lịch của mình thời gian qua, từ chất lượng nguồn nhân lực, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác thị trường du lịch, hạ tầng phục vụ du lịch…, để có những giải pháp phù hợp, biến những tiềm năng du lịch to lớn của tỉnh thành hiện thực, định vị và tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch của mình, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một là, đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch trên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch; tăng cường triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, qua đó, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, hướng đến mỗi người dân thực sự là một hướng dẫn viên du lịch, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng; có giải pháp thực tế để nâng cao tính cộng đồng trong hoạt động du lịch.
Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch qua việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Khu du lịch Dankia - Suối Vàng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng chính sách hấp dẫn, thuận lợi về đất đai, tài chính, hạ tầng… cho các dự án đầu tư phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp du lịch; thu hút các nhà đầu tư chiến lược để đầu tư các dự án du lịch cao cấp có quy mô lớn; ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển các sản phẩm du lịch…
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch thông qua đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng internet không dây tại các điểm, khu du lịch, các khách sạn, trung tâm dịch vụ du lịch; tranh thủ các nguồn đầu tư hoàn thành tuyến đường cao tốc Dầu Dây - Liên Khương, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường nối vào các khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm; đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E; phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng đến các khu điểm du lịch; đẩy nhanh thực hiện quá trình “chuyển đổi số” trong ngành du lịch.
Bốn là, đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao qua việc tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch quốc tế, kết hợp khai thác các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp về đào tạo nhân lực để phát triển, cung ứng lực lượng lao động có tay nghề cao, các cán bộ quản lý chuyên nghiệp; đa dạng hóa loại hình đào tạo, tiến đến xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở liên kết ba nhà (nhà trường, nhà kinh tế, nhà khoa học); hướng dẫn, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của địa phương với khách du lịch.
Năm là, phát triển và đa dạng hóa thị trường du lịch trên cơ sở nghiên cứu thị trường khách du lịch, qua đó nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch để xây dựng chương trình, hình thức xúc tiến quảng bá phù hợp với từng thị trường. Đa dạng hóa dòng khách quốc tế, hướng mạnh đến dòng khách nội địa. Đây cần được xem là “sự tự vệ” để thích nghi với tình hình mới, tìm hướng đi có tính ổn định, bền vững và hiệu quả, lâu dài hơn cho việc thu hút khách du lịch từ trong nước và nước ngoài. Tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường truyền thống. Tích cực hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời hướng đến du khách thông qua phương châm “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Sáu là, ưu tiên phát triển du lịch thông minh. Trong đó, xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; phấn đấu đến năm 2025, đưa Đà Lạt cơ bản trở thành thành phố thông minh.
Bảy là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của thành phố, của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn nhằm tạo sự lan tỏa về hình ảnh một Đà Lạt - Lâm Đồng sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện, thanh bình, lãng mạn, với nhiều điểm đến hấp dẫn, kèm theo những ưu đãi đặc biệt về giá cả dịch vụ khi khách du lịch đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng; kết nối, mời gọi kiều bào tại các nước trên thế giới về thăm quê hương, cũng như tăng cường khuyến nghị các cơ quan tổ chức hội nghị kết hợp du lịch để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch canh nông…
Tám là, tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù thông qua tổ chức các kênh thông tin để du khách có thể phản ánh về chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch khi đến tham quan du lịch trên địa bàn thành phố, qua đó kiểm tra và xử lý kịp thời để bảo đảm quyền lợi cho du khách, tạo uy tín cho sản phẩm du lịch trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với các doanh nghiệp du lịch hoạt động trên địa bàn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng sản phẩm du lịch Lâm Đồng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Lâm Đồng trong quá trình hội nhập quốc tế./.
--------------------------
(1) Loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các doanh nghiệp cho nhân viên, hoặc như những chương trình “tri ân khách hàng” cho các đối tác, khách hàng tiềm năng
Phát triển nguồn nhân lực du lịch Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (06/12/2020)
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội trong bối cảnh mới  (28/11/2020)
Để góp phần mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế đối ngoại của ngành du lịch Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế  (18/11/2020)
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt du khách trong quý IV-2020  (11/11/2020)
Hiện thực hóa mục tiêu đón 3 triệu du khách  (08/11/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển