Phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật là hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, bổ sung kiến thức, các quy định pháp luật mới ban hành. Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc cập nhật kiến thức pháp luật có vai trò rất quan trọng, góp phần hình thành tri thức pháp lý, thái độ, hành vi xử sự của mọi người phù hợp với đòi hỏi của hệ thống pháp luật. Tại tỉnh Quảng Ninh, việc phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự trên địa bàn.
Vai trò của việc phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật
Một là, việc phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật giúp hình thành, làm sâu sắc và từng bước mở rộng hệ thống tri thức pháp luật.
Thông qua phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở được trang bị những tri thức cơ bản về pháp luật, như: giá trị của pháp luật, vai trò điều chỉnh của pháp luật, các chuẩn mực pháp luật trong từng lĩnh vực đời sống. Đây là tiền đề cơ bản để xây dựng tình cảm, ý thức pháp luật. Tri thức pháp luật góp phần định hướng cho lòng tin đúng đắn vào các giá trị của pháp luật, hình thành hành vi hợp pháp ở mỗi cá nhân. Tri thức pháp luật giúp con người điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở các chuẩn mực pháp lý, tri thức pháp luật đã nhận thức được. Các hành vi phù hợp với pháp luật chỉ được hình thành trên cơ sở nhận thức đúng, có niềm tin và có tình cảm, ý thức đúng đắn đối với pháp luật. Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp, những người có kiến thức pháp luật nhưng không có lòng tin vào pháp luật, sẵn sàng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Có lòng tin vào tính công bằng của pháp luật, con người sẽ có hành vi phù hợp với các đòi hỏi của pháp luật một cách độc lập, tự nguyện.
Hai là, việc phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật giúp xây dựng nhân cách, rèn luyện thói quen, hành vi tuân thủ pháp luật cho cộng đồng.
Phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật nhằm hình thành ý thức pháp luật trong mỗi công dân. Kết quả cuối cùng của phổ biến pháp luật phải được thể hiện ở hành vi xử sự phù hợp pháp luật của công dân. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản. Vì họ vừa là công dân sinh sống trên địa bàn, địa phương, lại vừa là người truyền tải đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đến những người khác.
Phổ biến tri thức pháp luật, bồi dưỡng niềm tin pháp luật là tiền đề để giáo dục ý thức nhân cách, rèn luyện thói quen, hành vi tuân thủ pháp luật hình thành động cơ và hành vi tích cực pháp luật. Những hành vi hợp pháp của mỗi người thường biểu hiện qua các việc làm như: Tuân thủ các quy phạm pháp luật, kiềm chế thực hiện các điều pháp luật cấm; thực hiện đúng và đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân; biết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật; biết vận dụng pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân khi bị xâm phạm...
Phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật còn là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Nói cách khác, quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống được bắt đầu bằng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Để thực hiện pháp luật dù bằng hình thức nào - tuân thủ, thi hành (chấp hành) pháp luật, sử dụng (vận dụng) pháp luật hay áp dụng pháp luật, thì các chủ thể cũng cần phải có hiểu biết pháp luật, phải hình thành lòng tin vào pháp luật. Pháp luật chỉ có thể được mọi người thực hiện nghiêm chỉnh khi họ hiểu biết, nắm vững, tin tưởng vào những quy định của pháp luật. Pháp luật được xây dựng là để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng, bảo đảm công bằng và dân chủ xã hội. Khi nào người dân nhận thức đầy đủ được về pháp luật, thì không cần biện pháp cưỡng chế, mọi người vẫn tự giác thực hiện - đó là giai đoạn phát triển cao của ý thức pháp luật, trở thành văn hóa thượng tôn pháp luật.
Quá trình điều chỉnh pháp luật sẽ lấy lợi ích của đông đảo nhân dân trong xã hội làm tiêu chí, thước đo, do đó sẽ có một số ít không thoả mãn với những yêu cầu của pháp luật. Chính các yếu tố khác biệt, hạn chế của các quy định pháp luật càng tạo nên sự cần thiết của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ pháp luật, đặt lòng tin vào pháp luật.
Ba là, việc phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật giúp nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân.
Ý thức pháp luật của người dân được hình thành từ hai yếu tố, đó là tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật. Tri thức pháp luật là sự hiểu biết pháp luật của các chủ thể có được qua việc học tập, tìm hiểu pháp luật, qua quá trình tích luỹ kiến thức của hoạt động thực tiễn và công tác. Tình cảm pháp luật chính là trạng thái tâm lý của các chủ thể khi thực hiện và áp dụng pháp luật một cách tự giác, đồng tình, ủng hộ với những hành vi thực hiện đúng pháp luật, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.
Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân chỉ có thể được nâng cao khi công tác phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho nhân dân được tiến hành thường xuyên, kịp thời và có tính thuyết phục. Phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật không đơn thuần là phổ biến các văn bản pháp luật đang có hiệu lực mà còn hình thành dư luận và tâm lý đồng tình ủng hộ với hành vi hợp pháp, lên án các hành vi vi phạm pháp luật. Phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật nhằm hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của con người với pháp luật, đồng thời ngày càng nâng cao hiểu biết của con người đối với các quy định của pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân.
Thứ tư, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Việc phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật tạo tiền đề thuận lợi cho việc sử dụng quyền lực nhà nước, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ và quyền tự do của người dân; tạo ra khả năng phát hiện và loại trừ những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý.
Những kết quả đạt được
Là tỉnh miền núi, ven biển, biên giới thuộc vùng Đông Bắc, Quảng Ninh có chung đường biên giới với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gần 120km trên bộ và 250km trên biển; dân số trên 1,32 triệu người, với 22 dân tộc; có 13 huyện, thị xã, thành phố, 177 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 32 xã thuộc khu vực II, 22 xã thuộc khu vực III (xã thuộc diện đặc biệt khó khăn). Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố có trên 11.000 người, trong đó tại các xã khó khăn khu vực biên giới, hải đảo có trên 1.150 người. Đây là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng, là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cầu nối gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân. Là người trực tiếp, hằng ngày tiếp xúc, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, cùng sinh hoạt với nhân dân, nên những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản luôn nắm bắt kịp thời và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, là người trực tiếp đem chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tuyên truyền, giải thích để đồng bào các dân tộc hiểu, chấp hành, triển khai thực hiện.
Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”. Thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tổ hòa giải ở cơ sở với 148 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 359 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.140 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đặc biệt là có gần 9.000 hòa giải viên ở cơ sở, mà trong đó 100% đều là những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản.
Cấp tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều đề án công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó nổi bật là các đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến năm 2021"; "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp"; "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật đến năm 2021”; "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đến năm 2021”; “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016 và giai đoạn 2016-2020”…
Về nội dung, công tác phổ biến, cập nhật pháp luật cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tại Quảng Ninh đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ sở, nhất là trong công tác triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong mỗi thời điểm, trên cơ sở nhu cầu thực tế của cán bộ, nhân dân các cấp, các ngành đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung như: Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính...
Về hình thức, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp nhiều lực lượng, phương tiện khác nhau, từ việc tổ chức các cuộc thi, cho đến tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống các thiết chế thông tin, truyền thông… Đặc biệt, ở cấp cơ sở đã chú trọng công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền vận động cá biệt, nhất là phát huy vai trò của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản…
Thông qua việc triển khai các đề án trên, cùng với các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm, trong 15 năm (2003 - 2018), toàn tỉnh đã in, phát hành trên 8 triệu bản tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức trên 90.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, thu hút gần 6,4 triệu lượt người; tổ chức trên 2.500 cuộc thi các loại với trên 1,6 triệu lượt người tham dự; biên tập, thu phát trên 70.000 tin, bài về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó trên 200.000 lượt phát sóng trên các đài truyền thanh cấp xã; duy trì hoạt động 1.570 tổ hòa giải với gần 9.000 hòa giải viên là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản. Tại các trung tâm chính trị cấp huyện, mỗi năm, bình quân tổ chức trên 400 lớp bồi dưỡng, trong đó có phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên mà trong đó hầu hết là người hoạt động không chuyên trách với trên 24.000 lượt người tham gia.
Những kết quả trên đây đã góp phần rất quan trọng vào việc cập nhật, bổ sung kịp thời kiến thức pháp luật cho các đối tượng, đặc biệt là đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Thông qua đó, đã góp phần tích cực vào việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật; triển khai, thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn miền núi, biên giới hải đảo nói riêng. Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh giai đoạn 2005 - 2020 đạt trên 10%, là mức cao so với bình quân chung cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị được giữ vững, an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo được tăng cường, bảo đảm. Trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực biên giới, hải đảo nói riêng không để hình thành, công khai hóa các hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập; không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Đến nay, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành thực hiện các mục tiêu theo Chương trình 135 của Chính phủ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người một năm tại khu vực này đạt 32,6 triệu đồng…
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật ở cơ sở còn một số hạn chế, bất cập như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương, cơ quan, đơn vị có lúc chưa thường xuyên; một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống mang lại hiệu quả cao nhưng chưa được phát huy tốt; công tác bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, những người hoạt động không chuyên trách ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo chưa được thường xuyên, thiếu tính hệ thống; nguồn lực, chế độ đãi ngộ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế…
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên là do một số đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở, địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; một số đơn vị, địa phương chưa chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, những năm gần đây, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban nhiều, nên việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thiếu kịp thời; một số quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa phân định rõ trách nhiệm của các ngành trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành…
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, cập nhật pháp luật cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tỉnh Quảng Ninh
Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở tỉnh Quảng Ninh, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy hơn nữa vai trò của hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản liên quan để các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ hai, thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kịp thời cập nhật, trang bị kiến thức pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách mới ban hành có tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức cập nhật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng; củng cố, tăng cường vai trò của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ cơ sở và đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản. Trường chính trị cấp tỉnh cần biên soạn giáo trình, tài liệu bảo đảm tính khoa học, cập nhật, giàu tính thực tiễn để làm tài liệu chuẩn phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ cơ sở.
Thứ tư, đa dạng hoá các hoạt động tuyền truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương; lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các chương trình, các phong trào vận động quần chúng ở cơ sở.
Thứ năm, tăng cường đầu tư phương tiện, điều kiện cần thiết để thực hiện công tác phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật; bảo đảm kinh phí cần thiết, các phương tiện tối thiểu cũng như các chế độ bồi dưỡng, thù lao, cung cấp tài liệu, sách báo cho những người trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật./.
Phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số  (04/11/2020)
Du lịch Quảng Ninh: Hướng mạnh vào dịch vụ đẳng cấp  (02/11/2020)
Triển khai nhiều giải pháp giúp du lịch tỉnh Quảng Ninh vượt khó  (01/11/2020)
Tỉnh Quảng Ninh khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch  (30/10/2020)
Du khách trải nghiệm dịch vụ nghỉ đêm đẳng cấp giữa lòng kỳ quan  (28/10/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên