Khắc phục rào cản tâm lý xã hội, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững ở tỉnh Thanh Hóa
TCCS - Giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức. Một số nghiên cứu đã chỉ ra yếu tố tâm lý xã hội có tác động không nhỏ tới quá trình và hiệu quả thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Thực tiễn triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo tại Thanh Hóa cũng cho thấy rõ điều này.
Khái niệm “nghèo đa chiều” xác định rõ “nghèo đói” không chỉ là tình trạng “đói ăn, thiếu uống”, hoặc thiếu các điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt cơ bản mà còn bao gồm các yếu tố kìm hãm cá thể đó không tiếp cận được đến các nguồn lực, thông tin và dịch vụ; hoặc không biết và không thể tìm ra các giải pháp cho bản thân để thoát ra khỏi tình trạng hiện có. Do đó, để giải quyết vấn đề giảm nghèo, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp lương thực, thực phẩm, tạo việc làm cho người lao động mà còn phải tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, các nguồn vốn để phát triển sản xuất và đặc biệt là tạo cho họ các cơ hội để có thể tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Như vậy, công tác giảm nghèo chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, như trình độ phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế chính sách của Nhà nước; sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong quá trình giảm nghèo; trình độ học vấn, nhận thức, tinh thần, thái độ, ý thức của chính bản thân người nghèo. Ngược lại, những nhận thức chưa đúng đắn, thiếu đầy đủ, thái độ thờ ơ, không tích cực hưởng ứng, tính thụ động, trông chờ, ỷ lại... chính là rào cản không nhỏ làm chậm quá trình đưa chính sách vào cuộc sống, các cơ chế, chính sách không phát huy được tính đúng đắn hiệu quả như mong muốn, từ đó công tác giảm nghèo khó đạt hoặc thậm chí không đạt mục tiêu, mục đích đề ra.
Thực trạng công tác xóa đói, giảm nghèo của Thanh Hóa
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở phía Bắc Trung Bộ, có diện tích rộng, dân số đông (trên 3,6 triệu người, gồm 7 dân tộc anh em sinh sống: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ-mú); địa hình tương đối phức tạp, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhất là bão lụt. Toàn tỉnh có 27 huyện, thị, thành phố, trong đó có 11 huyện miền núi (có 7 huyện nghèo 30a), 5 huyện ven biển. Đời sống nhân dân các xã vùng cao, biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo còn nhiều khó khăn.
Xác định xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định là một trong năm chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ và được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, tích cực trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đạt kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau 4 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá, có chỉ tiêu vượt so với kế hoạch. Toàn tỉnh đã giảm được 96.663 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,24%, bình quân giảm 2,56%/năm. Trong đó, riêng khu vực 11 huyện miền núi đã giảm 40.890 hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm 18,48%, bình quân giảm 4,62%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo hiện nay đạt khoảng 1,487 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,17 lần so với năm 2015. Đặc biệt, cuối năm 2019 có 3 huyện, thành phố với 13 xã, phường không còn hộ nghèo, nhiều xã, phường chỉ còn hộ nghèo bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của tỉnh vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố và vẫn còn cao gấp 1,25 lần bình quân chung cả nước. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhưng vẫn còn 2 huyện chưa đạt được chỉ tiêu giao, nhiều nơi vẫn còn tỷ lệ nghèo ở mức cao, lên tới trên 50% - 70%; trên 95% số hộ nghèo, cận nghèo tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển; còn 4/7 chỉ tiêu tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đạt thấp so với mục tiêu đề ra; vẫn còn tình trạng hộ tái nghèo, tái cận nghèo. Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội còn nhiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội khó có khả năng thoát nghèo chiếm 19,7% tổng số hộ nghèo.
Những rào cản về tâm lý xã hội
Những hạn chế kể trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là sự ảnh hưởng của yếu tố tâm lý xã hội đến quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo. Sự nhận thức đúng đắn, tính tích cực, chủ động chính là động lực và là nhân tố để hiện thực hóa, phát huy hiệu quả chủ trương, chính sách giảm nghèo, góp phần làm cho công tác giảm nghèo đạt được những mục tiêu, mục đích đề ra. Có thể thấy, yếu tố tâm lý xã hội đang là những lực cản đối với quá trình thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay, thể hiện ở các phương diện sau:
- Tâm lý “sợ” thoát nghèo, không muốn thoát nghèo: Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, thì có địa phương, nhiều người dân lại “sợ” thoát nghèo. Nghe ra có vẻ nghịch lý nhưng đây là sự thật đã và vẫn đang diễn ra.
Thời gian qua, các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã... Nhờ đó, nhiều bản, làng đổi thay nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhiều hộ dân nỗ lực vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo. Nhưng không ít hộ nghèo còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, lâu dần mang trong mình căn bệnh “sợ thoát nghèo”, không muốn thoát nghèo, xin được là hộ nghèo. Vô tình hoặc cố ý, họ xây dựng cho mình tư duy “ăn nhờ” chính sách. Nghịch lý này đã được nêu lên ở nhiều hội nghị từ thôn, xã, đến huyện, thậm chí những hộ không muốn thoát nghèo đã được “chỉ mặt, gọi tên”, những vẫn chưa thay đổi được thực trạng này. Cái lý để không muốn thoát nghèo nằm ở chỗ “quyền lợi” thụ hưởng rất nhiều, như: miễn phí 100% chi phí mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn khi đi bệnh viện, giảm tiền khám, chữa bệnh, tiền điện thắp sáng, miễn học phí cho học sinh, sinh viên, giảm lãi suất khi vay vốn ngân hàng, được các quỹ tài trợ, cấp vốn, được nhận quà từ các nhà hảo tâm mỗi khi tết đến xuân về... Đáng buồn hơn nữa, tư tưởng này không chỉ tồn tại ở người dân mà còn ở cả một bộ phận cán bộ, lãnh đạo địa phương, vì vậy, có hiện tượng cán bộ, lãnh đạo thực hiện công tác quản lý, công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa khách quan, trung thực, chưa đúng theo quy định, đưa người thân vào danh sách hộ nghèo để được hưởng quyền lợi.
Chính những hạn chế trong nhận thức và tư duy kể trên đã làm sai lệch mục đích nhân văn tốt đẹp của các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo và làm giảm hiệu quả tác động tích cực của chính sách, khiến cho quá trình thực thi không mang lại kết quả như mong muốn. Nhà nước mất tiền đầu tư mà “người nghèo vẫn hoàn nghèo”, hộ cận nghèo thì có nguy cơ tái nghèo cao. Vậy nên, chỉ khi nào xóa bỏ được nhận thức, tư duy dựa dẫm, trục lợi từ chính sách, thì khi ấy mới có thể thực sự giảm nghèo bền vững.
- Tâm lý ngại thay đổi, an phận, cam chịu, tiết chế nhu cầu: Đây là tâm lý phổ biến, ăn sâu bám rễ của phần lớn người dân ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, kết cấu hạ tầng còn thiếu, giao thông đi lại khó khăn, giao lưu văn hóa, kinh tế còn nhiều hạn chế, tập trung ở các khu vực miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng bãi ngang ven biển... Đời sống người dân ở những vùng này dựa vào tự nhiên là chính, trình độ lao động thấp, tập quán sản xuất lạc hậu, tự cấp tự túc, lâu dần hình thành tâm lý cảm thấy “đủ”, tiết chế nhu cầu; ở phương diện nào đó, họ “bằng lòng” với cái nghèo, không nghĩ đến cũng như không cần đến sự thay đổi để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Thanh Hóa đang tập trung trên 95% số hộ nghèo, cận nghèo, với hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tới 47,35% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm đa phần là nghèo thu nhập; còn 73 thôn, bản với 4.102 hộ dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của 9 huyện miền núi chưa có lưới điện quốc gia. Người nghèo với tập quán sản xuất lạc hậu, tự cấp tự túc, nặng về kinh nghiệm, làm theo mà ít sáng tạo, đổi mới nên việc thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi ngành nghề, áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất đối với họ là việc làm hết sức khó khăn nên thường có thái độ thờ ơ, không nhiệt tình hưởng ứng mặc dù nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách trong lao động, sản xuất. Chưa kể, khi gặp thất bại trong sản xuất, kinh doanh, phần đông người nghèo dễ sinh ra chán nản, bỏ cuộc, dẫn đến kết quả không những không thoát nghèo mà còn lún sâu hơn vào nghèo đói. Kết quả công tác dịch chuyển lao động ở một số địa phương, đặc biệt là các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn rất hạn chế, do người nghèo với tâm lý ngại thay đổi cảm thấy tự ti, dè chừng, lo sợ rủi ro, không muốn đi xa, dù biết có được thu nhập cao hơn khi thay đổi hình thức lao động. Có thể nói, Nhà nước đã dành nguồn kinh phí không nhỏ thông qua các chương trình, dự án để hỗ trợ người nghèo nhưng thực tế lại không đến được hết đối tượng thụ hưởng do họ không tham gia thực hiện, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Người nghèo được trao cơ hội để thay đổi nhưng bản thân họ lại không chủ động nắm bắt cơ hội.
- Tư tưởng, tập quán canh tác và thói quen sinh hoạt lạc hậu: Ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển, đi liền với trình độ sản xuất, trình độ dân trí thấp là tư tưởng, thói quen sinh hoạt lạc hậu. Cái đói, cái nghèo cũng bắt nguồn từ chính những tập tục lạc hậu trong đời sống của đồng bào. Thời gian qua, dưới sự tác động mạnh mẽ của các cơ chế, chính sách xóa đói, giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao trình độ dân trí, văn hóa đối với các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn thì những tư tưởng, tập quán canh tác và thói quen sinh hoạt lạc hậu của đồng bào đã giảm rõ rệt, có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại ở một bộ phận dân cư với các mức độ khác nhau, biểu hiện dưới các hình thức, như tâm lý bằng lòng với những khó khăn hiện tại; tự ti, thiếu ý chí vươn lên; tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nhận thức, quan niệm về nghề nghiệp, việc làm chưa đúng khi xem nhẹ làm kinh tế tư nhân, tâm lý “không muốn đi làm thuê” cho người khác; thói quen chăn thả gia súc, gia cầm tự phát, không kiểm soát được dịch bệnh; chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng sẵn có để khai thác... Nhiều tập tục như tổ chức cưới hỏi, đám tang, liên hoan chúc mừng... còn rườm rà, ăn uống kéo dài, gây lãng phí thời gian và tiền bạc; không có sự tích lũy, tái đầu tư cho sản xuất và phòng thân, nên có hiện tượng hộ nghèo vay vốn sử dụng chưa đúng mục đích, vay đảo nợ, tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu còn xảy ra. Những tư tưởng, tập quán lạc hậu trên chính là yếu tố cản trở người nghèo vươn lên thoát nghèo thành công, bền vững.
- Tư duy, tầm nhìn hạn hẹp, lối làm việc qua loa, đại khái, hình thức. Đây là một điểm nghẽn trong việc triển khai tổ chức hiệu quả các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách giảm nghèo ở cơ sở. Một số cán bộ lãnh đạo địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của công tác giảm nghèo nên chưa tập trung trí tuệ, tâm huyết vào việc thực hiện, không quyết liệt chỉ đạo. Quá trình thực hiện không xây dựng kế hoạch khoa học cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương nên tính khả thi không cao, thậm chí một số xã sao chép lại kế hoạch giảm nghèo của cấp trên, không phù hợp với thực tiễn, việc quản lý, rà soát đối tượng hộ nghèo trên địa bàn chưa thật sự nghiêm túc, trách nhiệm theo đúng quy định; cách làm qua loa, đại khái, hình thức, không xác định rõ được nguyên nhân đói nghèo để xây dựng giải pháp thoát nghèo với lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả. Kết quả là, các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Nhà nước chưa phát huy hiệu quả tại địa phương, người dân mất đi cơ hội tiếp cận, thụ hưởng chính sách; dư luận bức xúc trước nhiều vụ, việc gian dối nhằm trục lợi chính sách..., bởi vậy, nhiều nơi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, nhiều năm không giảm hoặc giảm không đáng kể.
Một số giải pháp trọng tâm thời gian tới
Để khắc phục hạn chế, góp phần hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,01%, giúp cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, thời gian tới, Thanh Hóa cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Tăng cường công tác đối thoại giảm nghèo, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của người dân, tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí về những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở các địa phương trong tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về việc thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững. Công tác tuyên truyền cần tạo điều kiện để chính người nghèo được tham gia vào quá trình truyền thông, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ cho công tác giảm nghèo bền vững; nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; đồng thời, bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến của cá nhân, tập thể trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo để khơi dậy tính tự lực, ý chí thoát nghèo...
Thứ ba, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng chuyển dần phương thức hỗ trợ từ “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện (cho vay); từ hỗ trợ đầu vào trong sản xuất sang hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm (từ giúp kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm); hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Xây dựng các chính sách hỗ trợ nhóm hộ cận nghèo, nhóm hộ mới thoát nghèo để họ tiếp tục được trợ giúp về tín dụng, về khuyến nông - lâm nghiệp, học nghề trong một thời gian nhất định để có đủ tiềm lực và vững vàng hơn khi tự vươn lên thoát nghèo, bỏ xa ngưỡng nghèo, tránh tình trạng bị rơi xuống dưới ngưỡng nghèo hoặc tái nghèo khi gặp rủi ro (thiên tai, đau ốm, tai nạn,...). Có chế độ khen thưởng đối với những huyện, xã đăng ký thực hiện và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Thanh Hóa chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình tiêu biểu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào quyên góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”.
Thứ tư, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, bảo đảm cho người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức, triển khai các chương trình giảm nghèo, coi trọng vai trò của cấp cơ sở, bảo đảm sự tham gia của người dân trong suốt quá trình giám sát và đánh giá này./.
Thành phố Hà Nội giao 650 tỷ đồng vốn uỷ thác giúp người dân vượt khó  (06/04/2020)
Ngân hàng Chính sách xã hội đồng hành cùng người yếu thế và lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19  (03/04/2020)
Agribank “tiếp sức” nguồn vốn giúp nông dân đổi đời  (20/03/2020)
Agribank thúc đẩy hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam  (15/03/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên