Thừa Thiên - Huế xây dựng tổ chức cơ sở đảng từ khâu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
TCCS - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên quan tâm công tác xây dựng kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ, coi đây là một trong những khâu then chốt để xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị… của Đảng, ngoài tổ chức học tập, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn một cách cụ thể, tỉnh chủ trương từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị xác định rõ nội dung, khi xây dựng kế hoạch phải gắn với nhiệm vụ chính trị cụ thể và có lộ trình thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tổ chức tốt việc xây dựng kế hoạch, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện, hằng tuần, hằng tháng có giao ban, báo cáo rút kinh nghiệm. Nhờ đó, hầu hết các cấp ủy địa phương có khó khăn như huyện Nam Đông, A Lưới… làm ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, kiểm tra đột xuất tổ chức cơ sở đảng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và các chỉ thị, nghị quyết khác của Trung ương, của tỉnh đối với đảng viên ở chi bộ thôn, bản. Ngoài các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, việc phân công cán bộ là đảng viên có uy tín, các đồng chí Thường vụ huyện ủy “đứng cánh” sinh hoạt cùng với cấp ủy cơ sở cũng được thực hiện hiệu quả. Việc làm này đã trực tiếp tạo điều kiện cho các cấp ủy, đảng viên ở cơ sở có thể trải lòng, bày tỏ nguyện vọng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở, làm cho niềm tin, uy tín của Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố. Tại Đảng bộ Bộ đội Biên phòng, tỉnh chỉ đạo làm rõ và giải quyết dứt điểm những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ, qua đó, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng. Đối với các đảng bộ địa phương như thành phố Huế, huyện Phong Điền…, tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc đơn thư tố cáo, khiếu kiện kéo dài có liên quan đến giải tỏa đền bù, tái định cư, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường…, được người dân rất đồng tình, yên tâm phát triển sản xuất.
Tỉnh ủy cũng làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ khoa học, cán bộ nữ, quan tâm đào tạo nguồn và phát triển đảng trong lực lượng học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số, lực lượng cán bộ trẻ ở các thôn, bản. Theo đó, trong năm 2019, tỉnh đã mở 2 lớp cán bộ dự nguồn cấp ủy và cán bộ chủ chốt cấp tỉnh cho 148 người, đồng thời cử 235 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị, kết nạp được trên 650 đảng viên mới. Với đội ngũ cán bộ bảo đảm về số lượng, có chất lượng, tỉnh có điều kiện để thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua điều tra, khảo sát, nhận xét, đánh giá chất lượng công việc, năng lực công tác, tỉnh quyết định điều chuyển 27 lượt cán bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Hiện nay, sau khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, tinh gọn bộ máy, số đơn vị sự nghiệp công lập còn lại của tỉnh là 718 đơn vị, so với năm 2015 giảm 62 đơn vị.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh giúp Thừa Thiên - Huế có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trong các năm gần đây, tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) đạt trên 30 nghìn tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, trong đó phần đông là lao động nông thôn, giúp ổn định đời sống ở nhiều vùng dân cư. Theo chuẩn nghèo đa chiều thì hiện nay tỉnh chỉ còn 6% số hộ nghèo. Riêng huyện Phú Lộc, một huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 7%, giảm trên 1,5% so với trước.
Tuy nhiên, việc triển khai quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, như một số cấp ủy cơ sở thực hiện chưa nghiêm, việc triển khai xây dựng kế hoạch chưa đồng bộ, thậm chí còn mang tính phong trào, thiếu thường xuyên, nên dẫn đến hiệu quả thấp; ở một số nơi do công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thực hiện không thường xuyên nên để cán bộ, đảng viên vi phạm các nguyên tắc sinh hoạt, Điều lệ Đảng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức…
Ngày 10-12-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW, xác định đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 trở thành một trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu…, trên cơ sở Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh. Để đạt được những mục tiêu đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung khắc phục những khó khăn về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, địa giới hành chính quá lớn, mô hình phát triển đô thị chưa phù hợp, đặc biệt những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt 4 chương trình trọng điểm: Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ, chương trình phát hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển nguồn nhân lực. Đối với công tác xây dựng Đảng. Thừa Thiên - Huế tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, nhất là tuyên truyền sâu rộng việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo định kỳ có sơ kết, tổng kết, nêu gương các điển hình tiên tiến để mọi người làm theo.
Hai là, chỉ đạo cho các cấp ủy có kế hoạch thực hiện đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của địa phương, gắn việc thực hiện nghị quyết với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, khu dân cư, trên nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tốt dân chủ cơ sở, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ trước đã đề ra, hướng tới chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức thực thi công vụ, có lề lối, tác phong làm việc khoa học, văn hóa, gần dân… Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị giải quyết tốt những vụ, việc dư luận xã hội bức xúc, nhất là những vụ, việc có liên quan đến tác phong, phong cách công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên.
Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng khu dân cư văn hóa, thân thiện với môi trường, xanh - sạch - đẹp.
Năm là, nghiêm túc thực hiện những điều đảng viên không được làm và chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và cơ quan nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, kịp thời biểu dương nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả, tạo thành các phong trào thi đua sâu rộng, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV./.
Chuyện về xây dựng một ê-kíp  (15/12/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên