TCCS - Các ngành công nghiệp văn hóa đã có đóng góp lớn cho GRDP Quảng Ninh, đây chính là nguồn “vốn văn hóa Quảng Ninh” to lớn cần tiếp tục được khai mở, phát huy. Do đó, một chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa là yêu cầu tất yếu.

1- Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng như các thị trường sản phẩm hàng hóa khác, là nơi các sản phẩm được lưu thông và thực hiện theo các quy luật của kinh tế thị trường. Các chủ thể sản xuất, cung ứng dịch vụ văn hóa tuy sở hữu các sản phẩm mang tính cá nhân cao nhưng khi đã kết nối với thị trường thì người nghệ sĩ, người sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, nghệ nhân… cũng phải tuân theo các quy luật của thị trường. Đó không chỉ là các cơ chế chia sẻ lợi ích kinh tế, đó còn là tinh thần, thái độ làm việc chuyên nghiệp (sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng, cung ứng sản phẩm đúng thời hạn, cùng chia sẻ rủi ro…). Tuy nhiên, với những đặc thù riêng, thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng có điểm khác các thị trường khác. Đó là bên cạnh yếu tố thuần túy vì kinh tế thì các thành phần tham gia vào thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn cần có một niềm đam mê với nghệ thuật, với cái đẹp, một ý thức vị cái đẹp, sẵn sàng chia sẻ lợi ích kinh tế để đem đến các giá trị văn hóa cho công chúng. Do vậy, chính sách phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa cần hết sức lưu tâm đến những đặc thù này để khai thác được tối đa lợi thế, giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy thị trường này nhanh chóng phát triển.

Với lợi thế về địa lí, với những ưu đãi thiên nhiên ban tặng, với tinh thần và nhiệt huyết con người đất mỏ trong truyền thống, với nhận thức nhanh nhạy, có chủ trương sớm và hành động quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng phát triển văn hóa, trong đó, có phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên để văn hóa thực sự trở thành động lực, nguồn lực quan trọng cho phát triển, các ngành công nghiệp văn hóa cần được quan tâm thích đáng, được tạo điều kiện phát triển và thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa cần được xây dựng lành mạnh ngay từ những tiền đề ban đầu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển thị trường này, các chính sách phát triển phải bao hàm các tinh thần:

Một là, các di sản thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa với đặc trưng cả đất liền và văn hóa biển là nguồn tài nguyên lớn cho phát triển văn hóa (có di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long 2 lần được Tổ chức UNESCO tôn vinh; có di tích văn hóa Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng, Đền Cửa Ông, Đình Quan Lạn, Đình Trà Cổ, núi Bài Thơ... ), nếu biết khai thác hiệu quả sẽ có tác động lớn đến toàn bộ môi trường văn hóa – xã hội Quảng Ninh, thậm chí trở thành định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Hai là, những kết quả bước đầu trong tổ chức các không gian sáng tạo, trong đó có phát triển không gian văn hóa mang tính kết nối bao gồm bảo tàng, thư viện, cung quy hoạch đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chức năng của bảo tàng, thư viện, cung quy hoạch là cơ sở khai mở tiềm năng cho Quảng Ninh đưa phát triển văn hóa trở thành điểm nhấn thực sự trong quá trình phát triển.

Ba là, các di sản công nghiệp là tài nguyên quan trọng, quý hiếm để xây dựng các không gian văn hóa mang đậm chất con người vùng mỏ. Kết hợp với các di sản thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa khác, tạo cho Quảng Ninh một thế mạnh đặc biệt để phát triển thị trường du lịch.

Bốn là, các sản phẩm có tiềm năng trở thành động lực để phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa như nhóm các loại hình du lịch: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch di sản, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch MICE...; nhóm các sản phẩm phục vụ khách du lịch như: quà lưu niệm, ẩm thực, trang phục,...; nhóm các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch cần được tạo điều kiện phát triển chính là cơ sở giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội như giải quyết việc làm, tăng thu nhập,... cho người dân địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh.

Năm là, Quảng Ninh là tỉnh có lợi thế địa lí trong phát triển kinh tế cũng như quốc phòng, an ninh, vừa nằm trong tuyến giao thông quan trọng, trong vành đai kinh tế, có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là 1 điểm của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có hệ thống cảng biển, cảng nước sâu với năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn,... tạo ra nhiều thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta với các nước trên thế giới; có hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, đặc biệt cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và thu hút các nhà đầu tư; là cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc và các nước trong khu vực... Đây là những yếu tố quan trọng để Quảng Ninh phát huy vai trò trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong chiến lược phát triển kinh tế ven biển và kinh tế biển nói riêng của cả nước, của vùng và của tỉnh; là cơ sở để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - du lịch- văn hóa... Và do đó, nhận thức giá trị các nguồn tài nguyên phải được chuyển hóa thành các chủ trương, chính sách, cơ chế cụ thể để chuyển hóa các tài nguyên này vào phục vụ đời sống văn hóa tinh thần và tạo ra các giá trị vật chất để phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các giá trị văn hóa, con người mang bản sắc Quảng Ninh, các cơ chế, chính sách phải được xây dựng và thực thi trên tinh thần vừa bảo tồn vừa phát huy phát triển. Đặc biệt, các chính sách, cơ chế cụ thể phải bám sát thực tế để có giải pháp cụ thể cho các vấn đề còn vướng mắc để thúc đẩy phát triển, nhất là đối với các sản phẩm trực tiếp tham gia vào thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Các cơ chế, chính sách phải mang tính tổng hợp, lồng ghép yêu cầu phát triển cho nhiều ngành cùng lúc. Cơ chế, chính sách phải lấy văn hóa làm nền tảng, là động lực, làm nguồn lực, đồng thời là mục tiêu cho phát triển.

2- Đề xuất gợi mở một số chính sách phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa:

Cần chính sách phát huy hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội(1). Đối với bất kỳ loại hàng hóa nào thì thị trường, thị phần,… cũng chủ yếu do các thành phần kinh tế này chi phối, tác động, do vậy, để phát triển bất kỳ thị trường sản phẩm, dịch vụ hàng hóa nào cũng cần có chính sách phù hợp để phát huy các nguồn lực từ các thành phần này.

Phát huy vai trò các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Với bối cảnh, điều kiện của nước ta, kinh tế nhà nước, bao hàm cả các doanh nghiệp đang tham gia vào sản xuất các sản phẩm văn hóa, cung ứng sản phẩm cho thị trường dịch vụ văn hóa giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn, phù hợp. Bởi: Thứ nhất, trong thời đại kinh tế tri thức, kinh tế số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa vốn có thể nhanh chóng gia tăng giá trị thông qua việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ trở thành yêu cầu cấp thiết. Kéo theo đó là yêu cầu về nguồn nhân lực để làm chủ khoa học - công nghệ, và đặc biệt là yêu cầu về nguồn vốn không nhỏ. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia vào sản xuất và cung ứng cho thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đủ khả năng đầu tư vốn lớn, chưa có lực lượng lao động trình độ cao, chưa đủ lớn về quy mô sản xuất để áp dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến, chưa có một mô hình hoạt động, phương thức quản trị hiện đại phù hợp. Chính vì vậy, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trở thành “đầu tàu” tiếp thu ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, tiếp thu phương thức quản trị hiện đại, dễ dàng vươn lên trở thành nòng cốt cho việc phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Thứ hai, với truyền thống thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với lợi thế, kinh nghiệm, với nguồn lực con người, với hệ thống các tầng nấc trung gian kết nối đến tận người sản xuất,… nên các DNNN ngành văn hóa vẫn là thành phần có đóng góp chủ đạo vào sự phát triển chung, vào giải quyết việc làm, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa của các địa phương và cả nước.

Cơ cấu lại các doanh nghiệp ngành văn hóa

Cơ cấu lại các doanh nghiệp, trong đó có các DNNN ngành văn hóa tỉnh Quảng Ninh chính là một chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Các đơn vị cần có phương án cổ phần hóa, có quy trình, cách làm, tiến độ bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với các đặc thù riêng của ngành văn hóa. Yêu cầu đặt ra là các DNNN phải tái cơ cấu toàn diện, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên các mặt, từ tinh gọn bộ máy tổ chức, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; ứng dụng công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ cấu lại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng, tập trung phát triển, chủ động tìm hiểu, khai thác, tiến tới làm chủ thị trường.

Xây tạo môi trường bình đẳng, tổ chức hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính sách là cốt lõi trong tạo môi trường và chính sách phải tập trung hướng đến tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”(2). Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là tất yếu, phù hợp với chủ trương phát triển chung là phải lấy cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN làm trung tâm; phải bám sát bản chất nội hàm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””(3). Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện chính sách đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa phải được coi trọng như các thị trường khác, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào thị trường này đều phải được đối xử công bằng, bình đẳng. Các bộ liên quan, từ kế hoạch đầu tư, tài chính, tài nguyên môi trường… cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc phạm vi trách nhiệm, như chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tham gia vào thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, chính sách thuế, cho thuê đất,… nhằm tạo điều kiện cho DNTN ổn định để phát triển; chính sách bảo hiểm để ngân hàng và DNTN yên tâm liên kết, tham gia mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, nhất là đối với các sản phẩm, dịch vụ mới bắt đầu tham gia thị trường… Kịp thời sửa đổi các chính sách mang tính phân biệt giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt trong các chính sách tín dụng. Tiếp tục triển khai hiệu quả các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các tổ chức tín dụng theo hướng không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình cá nhân, tất cả đều bình đẳng trong tín dụng với ngân hàng. Đặc biệt, ngân hàng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ trực tiếp, như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, không phân biệt lãi suất và các điều kiện vay vốn đối với các doanh nghiệp trong hay ngoài Nhà nước.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh kinh tế tri thức, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đặc thù sản phẩm văn hóa muốn gia tăng giá trị phải gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, trong khi đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ các nguồn lực (nguồn lực về vốn, nhân lực,…) để tiếp thu, ứng dụng khoa học - công nghệ. Do vậy, Nhà nước cần đóng vai trò chủ thể tiếp thu khoa học - công nghệ và chuyển giao lại cho các doanh nghiệp trên tinh thần trợ giúp song song với định hướng các mũi nhọn phát triển. Đồng thời, thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường, tạo môi trường giao thoa giữa các thành phần kinh tế nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Và cơ sở để thực hiện được chính là phải xây dựng một chiến lược phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa gắn liền với thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chú trọng tạo mũi nhọn đối với một số sản phẩm vừa mang đậm các đặc thù riêng vừa có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn để làm cơ sở nền tảng thúc đẩy sự phát triển manh mẽ của thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu toàn diện mọi mặt

Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa có những đặc thù riêng, bên cạnh những tri thức cần có về thị trường thì bắt buộc phải có vốn hiểu biết về các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, thậm chí phải có niềm đam mê với các sản phẩm văn hóa. Hiện nay, nguồn nhân lực sản xuất các sản phẩm văn hóa chủ yếu được đào tạo từ nguồn gia đình, là nghề gia truyền nên cha truyền con nối, đối với các doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp thì cũng là gia đình tự túc đào tạo cho thế hệ kế tiếp cả trong và ngoài nước những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Nguồn nhân lực tham gia cung ứng dịch vụ văn hóa cũng chủ yếu là nhân lực tự phát trong các gia đình có nghề gia truyền, trong các khu vực có tiềm năng cung cấp các dịch vụ văn hóa. Chính vì vậy, một cơ chế, chính sách để các đối tượng này tiếp cận các chương trình đào tạo nhân lực phù hợp là cần thiết hiện nay. Khi Nhà nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ giúp các doanh nghiệp cùng lớn mạnh trong tổng thể nền kinh tế, cùng có chung tư tưởng, đường hướng phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Đây là giải pháp phù hợp để phát huy, tận dụng đặc điểm các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Vốn có thị trường trải rộng từ các thành phố lớn đến các vùng nông thôn, đô thị, lại nằm rải rác trong cộng đồng, vốn đầu tư cho nhiều sản phẩm không quá lớn có thể huy động được từ nhiều nguồn. Nhà nước cũng đã có chủ trương định hướng các DNNN chỉ tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, cần đầu tư lớn, còn lại khuyến khích xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt từ các thành phần kinh tế tư nhân vào tất cả các lĩnh vực không cấm. Vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước tạo cơ chế, chính sách đồng bộ, cụ thể, tạo môi trường lành mạnh để phát huy hiệu quả các nguồn lực này. Cụ thể, có cơ chế tài chính để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn, mua cổ phần của các DNNN khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn…

Nhìn chung, yêu cầu về một môi trường lành mạnh, các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng chính là động lực để các doanh nghiệp vươn lên tự chủ. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ phát triển thị trường trong nước mà còn phải có tầm nhìn hướng ra thị trường quốc tế, không chỉ nắm chắc quy định pháp luật Việt Nam mà phải có hiểu biết luật pháp quốc tế, và các cam kết thương mại mà Việt Nam đã ký kết, tham gia để vững vàng trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể (thị trường, lĩnh vực, làng nghề, nghệ nhân,…)

Đối với sản phẩm: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm ra thị trường; xây dựng website giới thiệu, cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng làm cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp; xây dựng “bản đồ” thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa để từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường, đồng thời liên kết phát triển với ngành du lịch, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Đối với các nghệ nhân tài năng, đặc biệt trong các lĩnh vực hội họa, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn…: có chính sách đãi ngộ xứng đáng để các nghệ nhân, nghệ sĩ yên tâm sáng tác, biểu diễn tạo ra các tác phẩm có giá trị cao. Thứ ba, đối với lao động phổ thông tại các làng nghề: mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, từ đó gia tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đối với chủ thể sản xuất và các định chế trung gian: Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vốn khó định giá, khó đo lường giá trị, nên cơ hội thành công cũng như thất bại khi tham gia thị trường đều rất cao. Có thể kể đến một số loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong thị trường văn hóa đã đạt được những thành công nhất định như: nghệ thuật biểu diễn - nhiều chương trình đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thụ hưởng như Tinh hoa Bắc Bộ…; mỹ thuật Việt Nam đã có những bức tranh được bán với giá hàng chục ngàn USD; nhiều di sản văn hóa, du lịch đã thu hút hàng chục triệu lượt khách, trở thành “điểm đến” đối với nhiều du khách quốc tế, góp phần mở rộng, quảng bá thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra thế giới...; nhưng bên cạnh đó cũng có những loại hình sản phẩm chưa tạo dựng được vị thế trên thị trường. Do đó, cần xây dựng một cơ chế chia sẻ lợi ích hài hòa tạo cơ sở bền vững để khai thác tài năng các chủ thể sáng tạo, giữ chân các tài năng trẻ cống hiến cho ngành, cho địa phương, góp phần gìn giữ vốn văn hóa dân tộc.

Đối với quản lý thị trường: Khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm trên cơ sở định hướng các sản phẩm vừa có nét truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hỗ trợ đầu tư công nghệ hiện đại theo hướng kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền, thay thế lao động thủ công bằng máy móc ở những khâu, công đoạn có thể để giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ là thị trường mang tính kinh tế đơn thuần, mà còn mang tính xã hội sâu sắc. Các sản phẩm văn hóa vốn được coi là sức mạnh mềm có thể tạo ra các cuộc “xâm lăng” văn hóa đối với các quốc gia - dân tộc khác, do đó, nếu không giữ vững thị trường thì đây chính là cơ hội để các sản phẩm văn hóa của các quốc gia khác chiếm lĩnh và gây ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng thụ hưởng.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa chỉ có thể phát triển trong một môi trường văn hóa lành mạnh, trong một phương thức quản lý hiệu quả và trong một thể chế văn hóa phù hợp, có tính thích ứng cao. 1- quản lý có tính định hướng phát triển: quan điểm quản lý đi đôi với phát triển phải được hiện thực hóa trong các khâu, các mặt quản lý thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Môi trường văn hóa lành mạnh, thể chế văn hóa có tính thích ứng cao đều được biểu hiện, là hệ quả của phương thức quản lý văn hóa. Đó là khả năng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách để thúc đẩy thị trường phát triển phù hợp với từng giai đoạn; là khả năng điều chỉnh chính sách, bổ sung chính sách mới để thích ứng với những tình huống bất ngờ gây tác động mạnh đến thị trường. 2- quản lý có tính kết nối các chủ thể tham gia thị trường: tuy cũng có tư cách là một chủ thể nhưng chủ thể quản lý nhà nước lại giữ vai trò quan trọng, tác động đến sự phát triển thị trường. Các chính sách ban hành của chủ thể này sẽ quyết định sự tham gia của các chủ thể khác (các doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất, cung ứng). Nếu chính sách phù hợp hiệu quả thì có thị trường lành mạnh, phát triển mạnh mẽ, trở thành thị trường hiện đại…

Đối với điện ảnh: sửa đổi Luật Điện ảnh và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với các hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; Khuyến khích đầu tư tư nhân vào sản xuất các bộ phim có chất lượng, ăn khách, tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam chiếu tại các rạp để thúc đẩy chiếm lĩnh thị phần phim trong nước trước sự áp đảo của các bộ phim bom tấn của nước ngoài; Nâng cao chất lượng đào tạo đạo diễn, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật (sân khấu), kỹ thuật - công nghệ, diễn viên..., chú trọng đưa các tài năng đi đào tạo, bồi dưỡng ở những nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển.

Đối với nghệ thuật biểu diễn: Tạo điều kiện phát triển thị trường cho các tác phẩm sân khấu, chương trình biểu diễn, các sản phẩm âm nhạc,... Đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Hình thành các trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng tại các thành phố lớn.

Đối với mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Đầu tư, xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng có cảnh quan kiến trúc và giá trị thẩm mỹ cao vừa phục vụ dân sinh, vừa tạo điểm đến thu hút du khách, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Hình thành các trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm mỹ thuật trong và ngoài công lập. Phát triển đội ngũ nghiên cứu phê bình lý luận văn học, giám tuyển mỹ thuật có trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Chủ động đầu tư, xây dựng các bộ sưu tập giới thiệu, quảng bá về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam có ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, đa dạng. Xây dựng một số mô hình triển lãm, hội chợ có thương hiệu quốc tế về xúc tiến quảng bá, mua, bán các sản phẩm, dịch vụ văn hóa và du lịch, thực hiện hợp tác, liên doanh, liên kết trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng theo định kỳ trong nước, khu vực và quốc tế.

Đối với quảng cáo: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quảng cáo phát triển; thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động quảng cáo; ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong quảng cáo; tổ chức các sự kiện quảng cáo quốc tế tại Việt Nam; đào tạo đội ngũ thiết kế quảng cáo có khả năng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm vững kiến thức văn hóa, kiến thức thị trường; thúc đẩy phát triển quảng cáo ra nước ngoài...

Đối với du lịch văn hóa: thúc đẩy liên kết thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa với thị trường du lịch. Bổ sung, ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch hội thảo...

Đối với phần mềm: Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân phát triển các sản phẩm phần mềm có giá trị; tạo môi trường ứng dụng để ngành phần mềm trở thành nền tảng vững chắc, là cơ hội cho sự phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Trong một số lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và nhân lực chất lượng cao, Nhà nước cần có chủ trương xây dựng chiến lược và hỗ trợ cụ thể.

Đối với ngành thủ công mĩ nghệ: Tạo cơ chế mở rộng quy mô các DNNN, DNTN, các hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực; có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng về mọi mặt để phát huy tài năng các chủ thể sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ văn hóa; hoàn thiện chính sách, tạo môi trường, điều kiện để các sản phẩm thủ công mĩ nghệ có vị trí, vai trò quan trọng hơn nữa trên thị trường, trở thành một trong những trụ cột quan trọng cho thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Đối với Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, những gợi mở trên không chỉ giúp tỉnh Quảng Ninh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh, còn là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung cho tỉnh và cho cả khu vực./.

------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128 - 129
(2) Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 105
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 128