Đảng bộ thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
TCCS - Việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương là rất quan trọng và cần thiết; vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị.
Móng Cái là thành phố biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đường biên giới tiếp giáp với thành phố Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc) dài 78,444km; có Cửa khẩu quốc tế Móng Cái,…; gồm 17 đơn vị hành chính (9 xã, 8 phường), dân số 110.000 người; Đảng bộ thành phố hiện có 3.826 đảng viên, sinh hoạt tại 243 chi bộ trực thuộc, với 40 tổ chức cơ sở đảng (24 đảng bộ, 16 chi bộ). Trong những năm qua, cùng với công tác tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố tổ chức đảng, bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.
Triển khai thực hiện đồng bộ các nghị quyết
Thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, thời gian qua, thành phố Móng Cái luôn đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy một cách quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao, theo phương châm làm đâu chắc đó, sát thực tiễn cơ sở; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; đồng thời, xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” của Đảng bộ thành phố Móng Cái (gọi tắt là Đề án 25) với các nghị quyết, chương trình, kế hoạch(1) phù hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án 25 theo đúng lộ trình đề ra. Sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, và Chương trình hành động số 21-CT/TU, ngày 5-2-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố Móng Cái tiếp tục quán triệt, triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tiễn địa phương. Các xã, phường, cơ quan, đơn vị nghiêm túc, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố; chủ động xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng, kế hoạch của chính quyền và hệ thống các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện Đề án 25 tại địa phương, đơn vị mang tính khả thi và bảo đảm thống nhất theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà thành phố đã đề ra.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham gia ý kiến đóng góp vào các giải pháp thực hiện Đề án của thành phố và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện” (theo Quyết định số 44-QĐ/TU, ngày 30-11-2015, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là của người đứng đầu, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thường xuyên triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương. Việc lựa chọn, giới thiệu đảng viên để bầu vào các cơ quan nhà nước phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của cán bộ và tiêu chuẩn chức danh; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu, các thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự và nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất. Nếu người được giới thiệu là cán bộ công tác trong cơ quan, đơn vị thì phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm.
Thành ủy Móng Cái thực hiện đổi mới công tác cán bộ, gắn công tác điều động, luân chuyển, bố trí với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động(2); đổi mới các khâu lựa chọn, nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ (tổ chức thi tuyển, trình bày đề án công tác để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý phòng, ban, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng một số trường học) bảo đảm quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan(3). Cán bộ được bổ nhiệm qua thi tuyển, trình bày đề án đều tích cực học hỏi nâng cao trình độ, phát huy được năng lực, trình độ chuyên môn vào thực tiễn công tác, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện rà soát, điều động, luân chuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, đơn vị, xã, phường do có thời gian giữ chức vụ lâu năm ở một vị trí, đơn vị công tác; trong đó, điều động, luân chuyển ngang một số chức danh lãnh đạo chủ chốt giữa các phường, xã với nhau, như (Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hải Hòa, xã Hải Tiến; phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường Hải Hòa, Bình Ngọc, Ka Long, Hải Xuân, Quảng Nghĩa; Bí thư phường Trà Cổ, xã Vĩnh Trung...); hoàn thành công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2021. Lựa chọn, bố trí 21 trí thức trẻ, có trình độ chuyên môn đang công tác tại các phòng, ban, đơn vị của thành phố về công tác tại xã, phường để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho thành phố, đồng thời đáp ứng ngay nhu cầu cán bộ tại cơ sở. Đến nay, về cơ bản, các trí thức trẻ phát huy tốt năng lực, chuyên môn, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tại cơ sở(4). Vận dụng, thực hiện chủ trương không bố trí cán bộ là người địa phương đảm nhiệm các chức vụ bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, phường; theo đó, 17/17 xã, phường có bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, 16/17 xã, phường có chủ tịch ủy ban nhân dân không phải người địa phương, góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, né tránh, nể nang trong thực thi công vụ của cán bộ, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở cơ sở.
Tích cực thực hiện chủ trương nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo các ban đảng với cơ quan chính quyền ở thành phố; cụ thể: Trưởng Ban Dân vận Thành ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố (trưởng cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố); Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đồng thời là Chánh Thanh tra thành phố; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ thành phố; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố. Nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân tại 3/17 xã, phường; bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân tại 14/17 xã, phường (vượt 5 xã, phường so với mục tiêu đề án) và bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố, theo đúng lộ trình đề án. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 28-12-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2017 - 2020”, đến nay có 100% (101 thôn, khu) số bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu; bí thư chi bộ, đảng bộ đồng thời là thủ trưởng cơ quan.
Thành ủy Móng Cái thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, kịp thời kiện toàn các tổ chức đảng sau khi sắp xếp lại mô hình hoạt động của các đơn vị: Thành lập mới Chi bộ Quân sự phường Hải Hòa trực thuộc Đảng bộ phường Hải Hòa, Chi bộ Trường Mầm non Ka Long trực thuộc Đảng bộ phường Ka Long, chuyển giao Đảng bộ Chi cục Thuế về Đảng bộ Cục Thuế tỉnh, Chi bộ Đội quản lý thị trường số 4 về Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh (đến nay, Đảng bộ thành phố có 40 chi, đảng bộ cơ sở, 243 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở). Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng và chất lượng; trong đó, quan tâm phát triển đảng viên ở địa bàn trọng điểm về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, địa bàn biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; phát triển đảng viên là đội ngũ trưởng thôn, khu phố.
Sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Sắp xếp, tổ chức lại các phòng, ban chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Thực hiện sáp nhập Phòng Dân tộc vào Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố; hợp nhất Ban Tổ chức Thành ủy và Phòng Nội vụ thành phố thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy với Thanh tra thành phố thành Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra thành phố; điều chỉnh, chuyển chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan, đơn vị, như chuyển chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo Thành ủy, chức năng quản lý tài chính, phục vụ về Văn phòng Thành ủy; thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; sáp nhập thôn 1 vào thôn 2 xã Hải Đông; khu 4 vào khu 1 và khu 3 phường Trần Phú. Rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của 5 phòng, ban chuyên môn cho phù hợp với thực tiễn. Thực hiện chuyển chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin từ Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố về Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố; chuyển nhiệm vụ cập nhật các nội dung thông tin thời sự trên Cổng thông tin điện tử thành phố về Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố; chuyển nhiệm vụ giải phóng mặt bằng từ Ban Quản lý dự án công trình về Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý, triển khai dự án phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình 135 từ Phòng Dân tộc về Phòng Kinh tế,...
Đổi mới cơ chế, chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa.
Thực hiện chuyển đổi mô hình “đầu tư công, quản lý tư” đối với Công trình cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Trường Mầm non Hoa Hồng; đầu tư xây dựng Trường Mầm non Ka Long theo hình thức “Đầu tư tư - Quản lý tư” đi vào hoạt động từ tháng 6 - 2016, với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, chất lượng ngày càng được nâng lên; đầu tư điểm kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu km 3+4 gắn với Cảng ICD Thành Đạt (100% kinh phí do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khoảng hơn 300 tỷ đồng). Sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị thuộc ngành giáo dục, y tế; đến nay, đã sáp nhập, giảm được 3 trường và giảm 26 điểm trường (thực hiện giảm vượt 2 trường, 20 điểm trường so với đề án); chuyển chức năng, nhiệm vụ y tế học đường của 30 trường tiểu học, trung học cơ sở về trạm y tế xã, phường; thành lập Trung tâm Y tế thành phố trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện Đa khoa khu vực Móng Cái với Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái (theo đề án của tỉnh); chuyển Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố về Trung tâm Y tế thành phố; chuyển nhân lực làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình các xã, phường về trạm y tế xã, phường và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại địa phương theo quyết định phê duyệt của tỉnh; tiến hành cập nhật, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thực hiện theo mô hình trên đã giảm 1 đầu mối đơn vị và giảm 6 biên chế, giảm 1 cấp trưởng, 1 cấp phó; tiếp nhận 17/17 trạm y tế xã, phường về Ủy ban nhân dân thành phố quản lý(5). Thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trên cơ sở tiếp nhận Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sáp nhập Ban Quản lý bến và phương tiện trên sông biên giới vào Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; thành lập Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố trên cơ sở hợp nhất Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố với Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thành phố; đổi tên Đội Thanh tra Xây dựng - Đô thị Móng Cái thành Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường thành phố Móng Cái...
Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Thời gian tới để tiếp tục phát huy trách nhiệm, của người đứng đầu cấp ủy, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng thành phố Móng Cái phát triển nhanh và hiện đại, cần thực hiện tốt một số bài học kinh nghiệm sau.
Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát vào chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, sự giúp đỡ, phối hợp của các sở, ngành của tỉnh để vận dụng sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; trong quá triển triển khai và thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, mạnh dạn đổi mới với quyết tâm chính trị cao; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đúng đắn của cấp ủy và cán bộ, đảng viên khi triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện.
Ba là, tập trung nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các quy định, hướng dẫn của cấp trên để xây dựng quy chế, quy định, chế độ công tác phù hợp, hiệu quả đối với các mô hình mới, đồng thời quan tâm lựa chọn, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực để đảm nhiệm những công việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo.
Bốn là, chỉ đạo giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, lắng nghe và thực hiện các đề xuất, kiến nghị chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên.
Năm là, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tăng quyền tự chủ cho các đơn vị, đồng thời công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, khuyến khích tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động./.
------------------------------
(1) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 26-5-2015; Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 12-4-2018; Kế hoạch số 20-KH/TU, ngày 14-11-2015; Kế hoạch số 45-KH/TU, ngày 12-3-2016; Kế hoạch số 52-KH/TU, ngày 15-3-2016; thẩm định, phê duyệt 54 đề án thành phần của các phòng, ban, cơ quan, xã, phường; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 108/2015/NĐ-CP do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án. Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết chuyên đề số 80/2015/NQ-HĐND, ngày 2-7-2015; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND, ngày 29-5-2015 và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án.
(2) Phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ mở 2 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 235 cán bộ; mở lớp bồi dưỡng tin học cho 174 cán bộ các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới; cử 154 cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính; thực hiện bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho gần 2.000 lượt cán bộ, giáo viên; mở 5 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác cho 646 lượt cán bộ thôn, bản, khu phố.
(3) Từ năm 2015 đến nay, đã bổ nhiệm 13 chức danh lãnh đạo, quản lý phòng, ban của thành phố, 1 chức danh bầu cử thuộc cấp xã và 16 chức danh viên chức quản lý trường học bằng hình thức thi tuyển hoặc trình bày đề án công tác.
(4) Hiện có 3 đồng chí chuyển về thành phố công tác; 5 đồng chí tham gia cấp ủy và giữ vị trí cán bộ chủ chốt ở xã, phường; 6 đồng chí được quy hoạch cấp ủy, chức danh lãnh đạo xã, phường; 4 đồng chí chuyển ra ngoài làm việc.
(5) Theo Quyết định số 3765/QĐ-UBND, ngày 7-11-2016, của UBND tỉnh Quảng Ninh “Về việc chuyển 186 trạm y tế xã, phường, thị trấn từ trực thuộc trung tâm y tế, Sở Y tế về UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý”.
Quảng Ninh: nhiều giải pháp cụ thể, tạo động lực thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới  (02/11/2023)
Quảng Ninh: Biểu dương 60 đảng viên trẻ làm kinh giỏi  (31/10/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển