Vĩnh Phúc: Một số bài học kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng
TCCS - Hơn 10 năm sau ngày tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Với những thành tựu đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra, Vĩnh Phúc tiếp tục phấn đấu góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Những thành tựu đạt được
Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập trong điều kiện còn rất nghèo và nhiều khó khăn: thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 140USD/năm, thu ngân sách khoảng 100 tỉ đồng; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với tỷ trọng chiếm trên 52%, công nghiệp chỉ chiếm khoảng 12%; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thấp kém...
Hơn 10 năm qua, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương; đồng thời tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt so với nghị quyết đề ra.
Kinh tế liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao: Bình quân 10 năm (1997 - 2007) tăng 17,5%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 33,1%; dịch vụ tăng 15,3%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,4%. Bình quân 3 năm (2006 - 2008) tăng 19,14% (mục tiêu đề ra là 14% -14,5%). Năm 2007 là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt gần 22%. Năm 2008, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, Vĩnh Phúc vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 17,77%. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, đến nay công nghiệp - dịch vụ chiếm 83%; nông nghiệp còn 17,7%. Công nghiệp Vĩnh Phúc phát triển với tốc độ nhanh và ngày càng khẳng định vai trò là nền tảng của kinh tế tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm (2006 - 2008) đạt 32.000 tỉ đồng, tăng bình quân 25,6%/năm. Thu ngân sách tăng nhanh, từ 114 tỉ đồng (năm 1997) lên 5.642 tỉ đồng (năm 2007). Năm 2008, thu ngân sách trên địa bàn đạt 9.220 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 7.430 tỉ đồng. Chi ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, chi đầu tư phát triển bình quân hằng năm chiếm trên 40%, năm 2008 là 44,4%. Từ năm 2004, tỉnh đã cân đối được thu - chi ngân sách và có đóng góp đáng kể cho ngân sách trung ương.
Cùng những thành tựu về phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; quốc phòng được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại. Diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Bình quân mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm cho 24,3 nghìn lao động. Tỷ lệ hộ nghèo còn 10,4%, bình quân giảm 2,68%/năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,7%, giảm 5,7% so với năm 2005. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 42,9%.
Những năm qua, tỉnh thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, những người có công; quan tâm đến người nghèo, hộ nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em lang thang, người già không nơi nương tựa.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Cuối năm 2006, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020, đồng thời xây dựng nhiều chương trình, đề án, dự án cùng các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện, như: miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp, miễn học phí cho học sinh mầm non ở khu vực nông thôn; cấp đất dịch vụ cho nông dân ở những nơi giao đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho nông dân; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương, xây nhà văn hóa thôn; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ 100% lãi suất vay của các hộ nghèo để phát triển sản xuất; hỗ trợ thu nhập trong 5 năm cho nông dân ở những vùng dành đất phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; hỗ trợ đầu tư cho các xã, phường, thị trấn có đất nông nghiệp phải thu hồi cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực (nhất là cho các hộ nghèo)... Dự kiến kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2006 - 2010 khoảng gần 1.000 tỉ đồng và đến năm 2015 khoảng gần 2.000 tỉ đồng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Cơ cấu ngành, lĩnh vực và các thành phần kinh tế còn mất cân đối. Lĩnh vực dịch vụ phát triển chậm, chất lượng còn thấp, chưa tương xứng với phát triển công nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; nhu cầu đầu tư cho hạ tầng rất lớn song khả năng đáp ứng của ngân sách còn hạn chế. Vĩnh Phúc là tỉnh bình quân đất canh tác thấp (khoảng 400m2/người), do đó lao động dư thừa ở khu vực nông nghiệp, nông thôn rất lớn nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp, ảnh hưởng không chỉ đến chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn đến việc giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Chênh lệch phát triển giữa các vùng, về thu nhập giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng ngày càng tăng. Một số vấn đề xã hội bức xúc, như khiếu nại, tố cáo của công dân; đình công, lãn công trong các doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng. An ninh nông thôn, an ninh ở các khu công nghiệp còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định. Tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ ở các khu, cụm công nghiệp, trong các đô thị mà ngay ở khu vực nông thôn có xu hướng tăng. Tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội chưa được kiềm chế có hiệu quả.
Một số bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong những năm qua, Đảng bộ Vĩnh Phúc rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển toàn diện từ việc lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị; từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đến từng chương trình, đề án, dự án cụ thể. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện các mục tiêu xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững sự ổn định về chính trị, bảo vệ môi trường, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Thứ hai, quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh; xác định mục tiêu chiến lược thật khoa học; lựa chọn hướng đi đúng, có bước đi thích hợp; đề ra được các nhiệm vụ và giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển.
Để xác định được hướng đi đúng, trước hết phải xác định đúng vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; trong đó, coi phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để không ngừng nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới, từng bước khắc phục sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng, các địa phương, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống, thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa các tầng lớp dân cư.
Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng để tạo ra sự tăng trưởng cao nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu vực kinh tế khác, tạo thêm nhiều việc làm để thu hút phần lớn lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ; thu được nhiều ngân sách để tăng tích lũy, tăng đầu tư phát triển, đặc biệt là tái đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân.
Đẩy mạnh phát triển và từng bước nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, trong đó lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn để vừa bảo đảm chức năng hậu cần của nền kinh tế, đồng thời khai thác tiềm năng về phát triển du lịch của tỉnh, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết lao động, tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thứ ba, xác định nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao làm khâu đột phá; lấy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ tư, phải dựa vào dân, phát huy quyền dân chủ, tính chủ động, sáng tạo của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân; đồng thời phải luôn quan tâm đến lợi ích của nhân dân. Bảo đảm thực hiện nguyên tắc kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, đặc biệt là lợi ích của người dân. Thường xuyên tổng kết thực tiễn và căn cứ vào thực tiễn để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách mới cho phù hợp, đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của nhân dân, tạo động lực phát triển.
Thứ năm, trong quá trình ban hành nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, phải bám sát định hướng chiến lược và các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; căn cứ vào các điều kiện khách quan, chủ quan, từ đó lựa chọn các vấn đề có tính đột phá để xây dựng nghị quyết. Sau khi thông qua nghị quyết, phải quán triệt tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân; chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, dự án; ban hành các cơ chế, chính sách, cân đối các nguồn lực để thực hiện nghị quyết. Quá trình chỉ đạo thực hiện phải quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết.
Thứ sáu, thường xuyên đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy, trên cơ sở các nguyên tắc và Điều lệ Đảng, tất cả vì sự nghiệp phát triển của tỉnh. Phát huy dân chủ, trí tuệ trong Đảng, lấy đó làm hạt nhân thúc đẩy phát huy dân chủ trong xã hội. Gắn phát huy dân chủ với xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực trí tuệ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, có tầm nhìn chiến lược, năng động, sáng tạo, sâu sát cơ sở, có tính quyết đoán cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Nhiệm vụ trong những năm tới
Để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và xây dựng Vĩnh Phúc thành thành phố vào những năm 20, trong những năm tới, Vĩnh Phúc cần tiếp tục tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, theo hướng ổn định, bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đi đôi với phát triển kinh tế, chú trọng phát triển văn hóa; giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh giảm nghèo, giải quyết việc làm, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân; kiềm chế và đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện các mục tiêu xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ. Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Năm 2009 sẽ là năm có nhiều khó khăn đối với Vĩnh Phúc. Cả 3 nhân tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều bị suy giảm; điều đó dẫn tới quy mô sản xuất sẽ bị thu hẹp, thu ngân sách giảm, lao động sẽ bị dư thừa, tình trạng thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc là rất nặng nề. Năm 2009 tỉnh xác định là năm: Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ, đồng thời chủ động ngăn chặn lạm phát nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh./.
Các siêu ngân hàng và áp lực cải tổ hệ thống ngân hàng  (26/03/2009)
Các siêu ngân hàng và áp lực cải tổ hệ thống ngân hàng  (26/03/2009)
Bình Định đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong thanh niên  (26/03/2009)
Bình Định đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong thanh niên  (26/03/2009)
Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2009  (26/03/2009)
Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2009  (26/03/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên