Ngày 25-9, các quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã bắt đầu hội nghị hai ngày tại thành phố Sendai (Đông Bắc Nhật Bản) để thảo luận về tính khả thi thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) - một chủ đề lớn chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh thường niên APEC vào tháng 11 tới.

Tại cuộc gặp, các quan chức cấp cao thảo luận để hoàn tất bản báo cáo đánh giá các nỗ lực tự do hóa thương mại đạt được trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Bô-gô, để trình Hội nghị Thượng đỉnh APEC từ 13 đến 14-11 tới tại thành phố Y-ô-kô-ha-ma, Nhật Bản.

Theo các Mục tiêu Bô-gô, được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 1994 ở thành phố Bô-gô của In-đô-nês-xi-a, các nền kinh tế phát triển cam kết thực hiện tự do hóa, mở cửa thương mại và đầu tư vào năm 2010, trong khi các nền kinh tế đang phát triển sẽ thực hiện việc này vào năm 2020.

Theo các quan chức Nhật Bản, mức thuế quan trung bình đang được áp dụng tại các nền kinh tế APEC đã giảm xuống chỉ còn 6,6% trong năm 2008 so với 16,9% ở thời điểm năm 1989 khi diễn đàn này ra đời.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên APEC của Nhật Bản lần đầu tiên kể từ năm 1995, các thành viên APEC sẽ tập trung thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, nhằm đạt được FTAAP.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những ý kiến khác nhau xung quanh mô hình FTAAP. Trung Quốc muốn thúc đẩy mô hình "ASEAN +3" (10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) trong khi Nhật Bản thiên về mô hình "ASEAN + 6," gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thêm Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ và Niu Di-lân.

Mỹ ủng hộ một Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), coi đây là bước đệm hướng tới FTAAP. Tám thành viên APEC, trong đó có Mỹ và Australia, hiện đang tham gia đàm phán về TPP, theo đó các nước tham gia phải xóa bỏ mọi hàng rào thuế quan.

Cũng tại Hội nghị này, các quan chức cấp cao sẽ lần đầu tiên cùng nhau soạn thảo một chiến lược tăng trưởng kinh tế chung cho khu vực.

Trong cuộc gặp hồi tháng Tám, các nền kinh tế thành viên đã khẳng định sự cần thiết phải cải thiện "chất lượng tăng trưởng" thông qua tạo việc làm, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và tiến hành cải cách cấu trúc./.