Đảng viên-

Nguyễn Đức
22:26, ngày 14-12-2015
TCCSĐT - Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bên cạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng cần có các biện pháp quyết liệt đấu tranh với tình trạng gia tăng số lượng các đảng viên- (đảng viên trừ).

Đảng viên- là khái niệm quần chúng đặt cho những đảng viên, có vẻ cũng đầy đủ các tiêu chuẩn của người đảng viên nhưng lại không thể hiện được những phẩm chất đó trong cuộc sống.

Thông thường, dấu (-) đặt sau danh từ hàm ý rằng còn thiếu tý chút thì đạt. Ví dụ, chấm điểm cho học sinh chẳng hạn. Giáo viên chấm bài cho điểm 5- nghĩa là bài làm về cơ bản đạt được 5 điểm nhưng còn “non non” một chút. Cho điểm 4 thì thiệt thòi cho học sinh nhưng cho 5 thì giáo viên thấy chưa thỏa đáng lắm. Thôi thì cho 5- với mục đích động viên, khuyến khích học sinh phấn đấu trong các bài lần sau.

Các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế cũng hay dùng dấu (+), (-) trong các bảng xếp hạng của mình. Ví dụ, đánh giá mức độ an toàn tài chính của nước A đạt loại B+ hay B-. Nếu chỉ “non non” một chút so với tiêu chuẩn đạt loại B thì xếp là B- nhưng nếu “non quá” thì xếp B- - hoặc B- - -, “non quá nữa” thì xếp xuống C,…

Thế nhưng dấu (-) được đặt sau danh từ đảng viên thì quả thực rất mới lạ và đáng quan tâm. Đấy là trong một lần về quê, gặp lại anh bạn cùng học phổ thông, giờ đã là bí thư chi bộ thôn, sau khi thăm hỏi tình hình quê hương, tôi hỏi: Chi bộ thôn ta bây giờ có tới mấy chục đảng viên thì công tác lãnh đạo, tổ chức hoạt động chắc là thuận lợi?

Sau một thoáng do dự, bạn tôi trả lời: Cũng chưa hẳn là thuận lợi, đông thì có đông nhưng không mạnh, còn nhiều đảng viên- (đảng viên trừ) lắm.

Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao lại đảng viên-? Thôn ta lại sáng tạo ra một danh hiệu nữa cho đảng viên à?

Bạn tôi cười, nói: À, đấy là cách gọi nôm na của bà con với những đồng chí mà tiêu chuẩn, điều kiện của người đảng viên thì dường như có đủ, nhưng đó chỉ là hình thức. Còn trong thực tiễn, trong sinh hoạt cũng như trong cuộc sống thì họ lại không thể hiện rõ phẩm chất của người đảng viên.

Thấy tôi còn ngơ ngác, bạn tôi tiếp tục: Trong công việc, nhất là việc khó khăn, vất vả, họ né tránh, đùn đẩy. Khi cần tinh thần cống hiến, hy sinh thì họ im lặng, lẫn vào số đông. Trong cuộc sống, họ không thể hiện được tính gương mẫu, tinh thần nêu gương lôi kéo quần chúng như lời Bác dạy: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau.

Bạn tôi bức xúc nói tiếp: Mới đây thôi, thôn tổ chức họp dân làm đường liên thôn. Nhà nước cho xi măng, cát, sỏi, người dân đóng góp công sức để làm đường. Ai cũng phấn khởi, hăng hái tham gia. Một số người còn tự nguyện hiến đất hay đổi đất để con đường không bị cong. Riêng nhà đồng chí B, chỉ cần xây lùi cái cổng vào một chút, hiến cho thôn vài mét đất là đẹp cả nhà cả xóm nhưng vận động mãi không xong. Con đường đang phẳng phiu, thẳng tắp thế này tự nhiên bị cái cổng chòi ra một chút, trông có tức mắt không? Mà quan trọng hơn, lần sau làm sao mà vận động được nhân dân!

Câu chuyện của đồng chí bí thư về những đảng viên- đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Nghĩ đi, nghĩ lại thì thấy đảng viên- không phải chỉ có ở nông thôn mà còn cả ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… Nơi nhiều, nơi ít nhưng cũng là một bộ phận đáng kể. Bộ phận này không những không làm cho Đảng mạnh lên mà trái lại, chỉ làm xói mòn uy tín của Đảng trong lòng nhân dân.

Xem ra, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bên cạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra, cũng cần có các biện pháp quyết liệt đấu tranh với tình trạng gia tăng của các đảng viên-, bởi lẽ, chỉ cần một bước nữa thôi thì những đảng viên- này sẽ trở thành những kẻ cơ hội trong Đảng hoặc gia nhập “bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,…”. Hiện tượng này gia tăng rất nguy hại, sẽ làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng./.