Hội chứng “Bắn chỉ thiên”

Vũ Lân
18:49, ngày 14-01-2014

TCCS - Nói chung thì cơ quan nào cũng có quy chế, nội quy, quy định hoạt động, được tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cụ thể hóa từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của các đoàn thể chính trị - xã hội. Hằng năm, tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh còn phát động các phong trào thi đua, ký kết giao ước, cam kết thực hiện đến từng đảng viên, hội viên, đoàn viên, người lao động. Nếu ai không thực hiện đúng cam kết thì trừ vào kết quả thi đua cuối năm.

Vậy mà, ở không ít cơ quan, vài việc cỏn con liên quan đến sinh hoạt hằng ngày nhưng chẳng mấy khi thực hiện được trọn vẹn, năm nào cũng phải nhắc nhở. Đó là việc thực hiện: 1- Ra vào cơ quan và trong lúc làm việc tất cả mọi người phải đeo thẻ có dán ảnh, ghi tên, chức danh cụ thể; 2- Ra vào cơ quan tất cả mọi người phải xuống xe, tắt máy, dắt bộ; 3- Ra khỏi phòng làm việc phải tắt điện, tắt quạt, tắt điều hòa không khí; 4- Cấm hút thuốc lá trong cơ quan. Thường thì bao giờ cũng được thời gian đầu, sau đó vì nhiều lý do, không ít cán bộ, công chức, người lao động không đeo thẻ khi ra, vào và trong thời gian làm việc ở cơ quan; có những người cứ phóng thẳng xe khi ra, vào, chả mấy khi xuống xe, lại càng không bao giờ tắt máy; nhiều cán bộ, công chức khi ra khỏi phòng, thậm chí, khi cơ quan lên hội trường họp hết, nhiều phòng làm việc điện còn sáng choang, điều hòa vẫn chạy ù ù; ở chân các cầu thang, trong khu vệ sinh, vẫn thấy vương vãi những mẩu thuốc lá. 

Mỗi lần sơ kết, tổng kết công tác hay hội nghị tại cơ quan, những vi phạm quy định, hạn chế, thiếu sót cũng được chỉ ra trong văn bản rằng “có những đơn vị”; “có những đồng chí”; “một số cán bộ, đảng viên”; “đôi khi”; “có nơi, có lúc”... nhưng không có địa chỉ đơn vị, cá nhân người vi phạm cụ thể, mặc dù trong cơ quan không lấy gì làm đông người lắm và hoàn toàn có thể chỉ đích danh từng đơn vị, cá nhân vi phạm. Chính vì vậy, có người trong cơ quan gọi hiện tượng này là “hội chứng bắn chỉ thiên”. Vì là “bắn chỉ thiên” chỉ để cảnh báo, không trúng vào ai, cho nên dần dần, nếu có ai vi phạm quy định, tuy có nghe thấy “tiếng súng” này nhưng họ cũng không sợ vì có nhằm cụ thể vào ai bao giờ đâu. Đi tìm nguyên nhân của “hội chứng” này, anh em trong cơ quan nói nửa đùa nửa thật mà rằng: 

- Các “sếp” sợ “bắn” nhầm vào “sếp”; “vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ”!

Hóa ra, trong việc thực hiện các quy định nói trên, không ít “sếp” là thủ trưởng, thủ phó cơ quan, đơn vị rồi cả người đứng đầu, đứng thứ các đoàn thể ở cơ quan cũng vi phạm, trong đó phổ biến nhất là không đeo thẻ, không tắt điện khi ra khỏi phòng làm việc và hút thuốc lá trong phòng. Có lần, trong Dự thảo kiểm điểm cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có nêu tên những tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên (không có “sếp” nào là lãnh đạo cấp vụ trở lên có tên trong danh sách vi phạm các quy định). Đến lúc duyệt lần cuối, “sếp” trưởng cơ quan lấy bút đỏ gạch bỏ hết những tên đơn vị, cá nhân vi phạm và “chua” bên cạnh dòng chữ: “Đề nghị chỉ nêu hiện tượng, không nên nêu tên cụ thể thế này!”. Từ đó, những người được giao chấp bút các báo cáo, kiểm điểm thường “biết ý”, khi nói đến khuyết điểm, yếu kém, tuyệt nhiên không bao giờ nêu đích danh tổ chức, cá nhân nào. “Hội chứng bắn chỉ thiên” xem ra đã trở thành hiện tượng khá phổ biến trong không ít cơ quan, đơn vị, tổ chức hiện nay. Không biết có phải là do người ta đề phòng chuyện “quân ta bắn vào quân mình” hay không?