Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 06 đến ngày 12-01-2014

Đức Toàn tổng hợp
08:00, ngày 14-01-2014
TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 và Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Theo đó, sẽ có 18 văn bản (gồm 17 Nghị định, 1 Quyết định) được soạn thảo, trình ban hành để quy định chi tiết thi hành 8 luật, 1 pháp lệnh gồm: Luật Đấu thầu; Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Việc làm; Luật sửa đổi,bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi,bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Đất đai; Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo ưu tiên, tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng và thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cho phép có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng, ban hành các văn bản nêu trên.

Sẽ công bố chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014 tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tầm quan trọng của ngành Tư pháp nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng cũng như những công việc đã đạt được trong năm qua và cho biết trong kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành…

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tại Hội nghị cho biết, trong năm 2013, các bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã kiểm tra 41.549 văn bản pháp luật và phát hiện 8.051 văn bản có dấu hiệu vi phạm, chiếm 19,38%. Báo cáo cũng đánh giá có một số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chưa được phát hiện kịp thời và nhiều trường hợp do cơ quan thông tấn báo chí phát hiện.

Bộ Tài chính: Kế hoạch cải cách hành chính năm 2014

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký Quyết định số 07/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính năm 2014.

Mục đích của công tác cải cách hành chính là xác định rõ các nhiệm vụ, hoạt động để chủ động trong chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức triển khai và phối hợp triển khai các hoạt động cải cách hành chính của các đơn vị thuộc Bộ.

Yêu cầu đặt ra là đảm bảo đúng, đủ các nội dung, hình thức và phương pháp theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; lồng ghép, kết hợp các hoạt động cải cách hành chính với các hoạt động xây dựng pháp luật, kiểm tra thực hiện và theo dõi thi hành pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính tại các đơn vị.

Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong cải cách hành chính của Bộ Tài chính, bao gồm: cải cách thể chế (24 nhiệm vụ); cải cách thủ tục hành chính (7 nhiệm vụ); cải cách tổ chức bộ máy hành chính (10 nhiệm vụ); xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (5 nhiệm vụ); cải cách tài chính công (26 nhiệm vụ); hiện đại hóa hành chính (10 nhiệm vụ).

7 nhiệm vụ cải cách hành chính ngành Hải quan

Trong năm 2014, ngành Hải quan có 7 nhiệm vụ cải cách hành chính cần phải triển khai, gồm: Phối hợp với các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Hải quan sửa đổi; tổng kết đánh giá, thi hành, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, Nghị định số 14/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan; tổng kết đánh giá, thi hành, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tổng kết đánh giá, thi hành, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức, thực hiện, triển khai đề án hiện đại hóa hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS; tổ chức, thực hiện, triển khai đề án thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia; tổ chức, thực hiện, triển khai đề án Đầu tư trang bị và quản lý tàu thuyền ngành Hải quan giai đoạn 2011-2020.

Hà Nội: Tăng cường sự chỉ đạo toàn diện, đồng bộ về cải cách hành chính

UBND TP. Hà Nội vừa có Kế hoạch số 192/KH-UBND về Công tác cải cách hành chính năm 2014. UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường sự chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ các nội dung cải cách hành chính.

Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã trong tháng 1-2014 phải xây dựng, triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2014 của cơ quan, đơn vị theo hướng phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành. Trong quý II-2014, các đơn vị tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức. Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; hoàn thành việc cấp chứng chỉ ISO 9001: 2008 tại 100% xã, phường, thị trấn trước quý III-2014…

Hà Nội: Cơ quan công quyền tăng cường lắng nghe dân

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện tốt cải cách hành chính theo hướng trong sạch, minh bạch, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Các cơ quan phải thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của nhân dân về công tác quản lý, điều hành...

Đồng Nai: Xây dựng mô hình một cửa liên thông tại UBND huyện

Theo Sở Nội vụ Đồng Nai, trong nhiều năm qua, công tác cải cách thủ tục hành được triển khai một cách quyết liệt tại các cơ quan, đơn vị, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Việc thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ đã tạo ra những chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục không cần thiết bị xóa bỏ, thời gian giải quyết từng loại thủ tục cũng được rút ngắn. Các thủ tục hành chính, quy định hành chính được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nơi tiếp nhận hồ sơ, đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại của các ngành, các cấp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Việc phối hợp tốt giữa các cơ quan có liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông giúp doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại, giảm chi phí và sự phiền hà.

Trong thời gian tới, Đồng Nai thực hiện xây dựng mô hình một cửa theo hướng liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng hệ thống giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính...

Hải quan Cần Thơ: Cải cách thủ tục hành chính để tăng thu ngân sách

Trong năm 2013, Cục Hải quan TP. Cần Thơ đã tập trung cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ hải quan…, nhờ đó, Cục thu ngân sách nhà nước qua hàng hóa xuất nhập khẩu hơn 1.720 tỷ đồng, đạt 210 % chỉ tiêu kế hoạch.

Tính đến nay, 100% Chi cục thông quan trực thuộc Cục Hải quan TP. Cần Thơ đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử; có 98% doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm thủ tục hải quan điện tử. Trong đó, lượng tờ khai thực hiện hải quan điện tử đạt 99% với hơn 30.450 tờ khai. Qua đó, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Năm 2014, Cục Hải quan Cần Thơ được giao chỉ tiêu thu ngân sách 1.525 tỷ đồng. Để đạt được chỉ tiêu trên giao, ngành sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, phối hợp chặc chẽ với các địa phương quản lý doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất; đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai và áp dụng hệ thống thông quan tự động và chữ ký số nhằm tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian hơn nữa trong giải quyết thủ tục hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp./.