Nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong vùng đồng bào Khmer Tây Nam Bộ
TCCSĐT - Vùng Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) chiếm 12,1% diện tích cả nước; dân số hơn 17,3 triệu người, chiếm 19,8% dân số cả nước. Trong đó, đồng bào Khmer có khoảng 1,2 triệu người (chiếm 6,93% dân số toàn vùng), là dân tộc có tỷ lệ dân số đứng thứ hai sau dân tộc Kinh. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, công tác dân tộc trong vùng đồng bào Khmer cũng đang nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm.
Trải qua nhiều thế hệ, cộng đồng các dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ, trong đó dân tộc Khmer, có truyền thống gắn bó, đoàn kết với nhau trong đấu tranh với thiên nhiên, chống áp bức, đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với các dân tộc anh em vùng Tây Nam Bộ, đồng bào Khmer đã có những cống hiến to lớn về sức người, sức của, hy sinh xương máu của mình để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong xây dựng và phát triển đất nước, cộng đồng dân tộc Khmer đã và đang góp phần không nhỏ trong việc cùng cộng đồng các dân tộc anh em thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Những chuyển biến tích cực trong vùng dân tộc Khmer Tây Nam Bộ
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược đối với thành công của cách mạng nước ta. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”(1) .
Thời gian qua, ở vùng Tây Nam Bộ, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống. Trong đó, nổi bật là các chính sách thiết thực như: Chương trình 135 giai đoạn III, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất,… Nhờ đó đã tạo nên những chuyển biến tích cực về sản xuất, đời sống, sinh hoạt trong vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ.
- Về kinh tế - xã hội
Bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã đầu tư, hỗ trợ trên 2.000 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình 134, 135, 74, 102, 32 và một số chính sách đặc thù khác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đời sống trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được cải thiện: đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện đã đạt trên 90%; trên 95% hộ có phương tiện nghe nhìn; tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc Khmer giảm từ 40% năm 2000 xuống còn 24% vào năm 2010.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư phát triển. Toàn vùng hiện có 28 trường phổ thông dân tộc nội trú và 3 trường phổ thông dân tộc bán trú, với trên 8.300 học sinh; chương trình, sách giáo khoa phục vụ dạy và học chữ Khmer được quan tâm; số học sinh người dân tộc Khmer được cử tuyển ngày càng tăng, bình quân mỗi năm có gần 500 em.
Hoạt động y tế vùng dân tộc Khmer không ngừng được tăng cường, củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh của nhân dân; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc Khmer, hỗ trợ một phần hoặc hoàn toàn đối với hộ cận nghèo được thực hiện tốt; đội ngũ cán bộ y tế là người dân tộc Khmer được đào tạo và bố trí sử dụng ngày càng tăng.
- Về tôn giáo, tín ngưỡng
Tôn giáo truyền thống của dân tộc Khmer được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể tôn trọng và tạo điều kiện hoạt động đúng luật pháp của Nhà nước và giáo luật. Toàn khu vực Tây Nam Bộ có 8/9 tỉnh đã có Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, phát huy tốt vai trò trong việc hướng các chùa và sư sãi chấp hành pháp luật của Nhà nước và giáo luật. Việc trùng tu, sửa chữa các chùa Khmer có công với cách mạng và các chùa được công nhận là di tích được các địa phương quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Hoạt động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ, được thành lập vào năm 2006 và Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng ngày càng đi vào nề nếp.
- Về công tác dân tộc
Công tác dân tộc từng bước được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ là người dân tộc không ngừng tăng lên; việc xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc luôn được tăng cường. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, bổ nhiệm cán bộ Khmer ở các vị trí chủ chốt được các địa phương chú trọng; công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer ngày càng được quan tâm (đến nay, có khoảng 14.000 người dân tộc Khmer là đảng viên). Đại hội Đảng bộ các tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, toàn vùng có gần 20 cán bộ là dân tộc Khmer được bầu vào Tỉnh ủy.
- Về an ninh - chính trị
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc Khmer cơ bản được duy trì ổn định. Các địa phương tăng cường vận động đồng bào dân tộc Khmer tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tích cực phát động trong cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Hạn chế và nguyên nhân
Việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer ở vùng Tây Nam Bộ trong thời gian qua đã mang lại những thành tựu đáng kể. Song, bên cạnh đó, vẫn còn không ít những hạn chế.
- Về kinh tế
Dù các ngành, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhưng đến nay số hộ nghèo là người dân tộc Khmer do không có đất và thiếu đất, không có vốn và thiếu vốn sản xuất vẫn còn nhiều; kết quả xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc Khmer chưa thật sự bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa đồng bào Khmer với đồng bào các dân tộc khác trong vùng chưa được thu hẹp; việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật, các nguồn lực xã hội của đồng bào Khmer còn hạn chế.
- Về giáo dục - đào tạo
Cở sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học một số vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer chưa bảo đảm; tình trạng học sinh Khmer bỏ học vẫn còn xảy ra; chất lượng dạy và học chữ dân tộc còn thấp. Chính sách cử tuyển chỉ tập trung vào vùng đặc biệt khó khăn nên không đạt chỉ tiêu đào tạo; cơ cấu ngành nghề đào tạo còn ít, gây khó khăn cho việc tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc Khmer; nhiều lao động được đào tạo nhưng không có việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo.
- Về văn hóa - xã hội
Một số giá trị văn hóa của dân tộc Khmer đang bị mai một; công tác nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa dân tộc chưa được chú trọng đúng mức; thời lượng phát thanh, phát hình bằng tiếng Khmer chưa đáp ứng với yêu cầu công tác tuyên truyền và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào.
Công tác phòng, chống dịch, khám và điều trị bệnh ở vùng đồng bào dân tộc vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế. Số lượng bác sĩ trên 10.000 dân còn thấp; tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa và trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở một số nơi còn cao (khoảng 30%); tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh thấp...
- Về công tác tôn giáo, dân tộc
Việc điều hành hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh vẫn còn khó khăn; nhiều cơ sở thờ tự (chùa) có giá trị về lịch sử và văn hóa và có công cách mạng trong đồng bào dân tộc chưa được xem xét công nhận; việc triển khai xây dựng trụ sở, chương trình giảng dạy, cấp bằng tốt nghiệp, kinh phí hoạt động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ còn hạn chế.
Số lượng cán bộ, đảng viên là người dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị cũng như trong hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc còn thiếu; công tác phát triển đảng và việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ dân tộc Khmer ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
- Về an ninh - chính trị
Các thế lực thù địch, nhất là hội, nhóm Khmer Kampuchia Krom không ngừng tuyên truyền lôi kéo, kích động, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền, xuyên tạc nội dung về lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam; tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương vùng dân tộc Khmer, chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai...
Nguyên nhân của những hạn chế
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự lực, tự cường; thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất, đề cao cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong đồng bào dân tộc Khmer tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thứ hai, việc thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW của Ban Bí thư “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer” chưa được thể chế hóa toàn diện, dẫn đến việc thực hiện có lúc, có nơi không nhất quán. Định mức các chính sách hỗ trợ và mức vay phát triển sản xuất còn thấp, nhiều chính sách chỉ đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn, chưa đáp ứng các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững…
Thứ ba, do nhiều nguyên nhân lịch sử để lại mà trong một bộ phận đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ vẫn chưa có nhận thức rõ ràng, đúng đắn về vùng đất này và mối quan hệ giữa các dân tộc anh em. Đây là “rào cản” vô hình, chi phối không nhỏ đến vấn đề đoàn kết dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Thứ tư, việc thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương có lúc còn để xảy ra thiếu sót, sai phạm dẫn đến hậu quả là tình trạng thiếu lòng tin của một bộ phận đồng bào Khmer đối với chính sách dân tộc của Đảng. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định chính trị - xã hội vùng Tây Nam Bộ.
Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn, những mâu thuẫn và giải quyết những mâu thuẫn trong vấn đề dân tộc trong thời gian gần đây ở vùng Tây Nam Bộ, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thực hiện chính sách kinh tế - xã hội đối với đồng bào Khmer phải gắn liền với chính sách phát triển vùng Nam Bộ, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cần chú ý công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển dịch và phát triển kinh tế nông thôn… phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Nhóm cộng đồng dân tộc chậm phát triển về kinh tế cần được đặc biệt quan tâm, giúp đỡ, tạo môi trường, điều kiện cho họ tự vươn lên đạt trình độ chung của vùng và cả nước.
Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống cùng với các dân tộc anh em trong vùng. Song song đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo gắn bó với sự phát triển của dân tộc Khmer; hướng hoạt động tôn giáo vào những cuộc vận động mang tính chất sinh hoạt văn hóa, nhân đạo, từ thiện. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, phản lại dân tộc, phản nhân văn.
Thường xuyên tạo dựng sự đồng thuận giữa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên một địa bàn; loại trừ những mầm họa sinh ra mâu thuẫn, xung đột dân tộc bằng cách hòa giải các tranh chấp dân sự ngay từ khi vấn đề còn nhỏ nhất; giải quyết kịp thời những khiếu kiện, những nguyện vọng chính đáng của người dân, không để dây dưa kéo dài.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở thực sự vững mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là tiền đề để kiểm soát, quản lý và giải tỏa các mâu thuẫn dân tộc, xung đột xã hội, là điều kiện cơ bản của sự ổn định chính trị bền vững. Thực tiễn đã chứng minh, mâu thuẫn dân tộc thường nổ ra thành “điểm nóng” chính trị - xã hội ở những nơi mà hệ thống chính trị yếu kém, đảng viên, cán bộ, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể mất sức chiến đấu…
Việc củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị phải được thực hiện song song với việc tăng cường cảnh giác, ngăn chặn triệt để sự xâm nhập của các lực lượng phản động từ bên ngoài vào trong nước bằng mọi hình thức, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam Bộ
Về kinh tế - xã hội
Đổi mới công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Không được dùng đất đang sản xuất nông nghiệp màu mỡ, ở vị trí thuận lợi, có khả năng thâm canh cao làm khu công nghiệp hay cụm dân cư, trong khi nông dân tại địa phương đang thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất.
Sớm khắc phục tình trạng buông lỏng công tác kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát hiện và xử lý các vi phạm; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành hoặc bỏ qua những kiến nghị xác đáng của người dân.
Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất, xóa đói, giảm nghèo để người dân có điều kiện rút ngắn bớt sự chênh lệch về mức sống giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách nông thôn - thành thị. Ưu tiên hướng dẫn, tập huấn, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số.
Về văn hóa - tôn giáo - dân tộc
Nhà nước cần xem xét, bổ sung những chính sách nhằm tăng cường điều kiện bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần, tinh hoa, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ. Có như vậy thì văn hóa dân tộc Khmer mới có sức sống lâu dài, trở thành động lực phát triển và có điều kiện đào thải những yếu tố không phù hợp.
Thông qua hệ thống chính trị và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước ở các địa phương, tăng cường công tác vận động đồng bào dân tộc, tín đồ, chức sắc… hưởng ứng tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội, giản đơn trong xử lý vấn đề dân tộc, tôn giáo; không ngừng đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Củng cố và tăng cường vững chắc ý thức về Tổ quốc Việt Nam, ý thức là công dân nước Việt Nam trong đồng bào, sư sãi, chức sắc tôn giáo người dân tộc Khmer. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào Khmer theo hướng thiết thực, bền vững. Tăng cường phát triển kinh tế, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo cũng là để thực hiện quyền bình đẳng của các dân tộc, góp phần quan trọng trong việc giải tỏa những nguyên nhân sâu xa có thể dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột dân tộc.
Về lãnh đạo, quản lý
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với chính quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết những những vấn đề phát sinh trong công tác dân tộc. Nếu không đổi mới và không bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer cho phù hợp với tình hình mới thì quá trình lãnh đạo chính trị và quản lý xã hội sẽ kém hiệu quả, thậm chí không bảo đảm được sự ổn định chính trị, khó giải quyết được các vấn đề công tác dân tộc vốn đang tiềm ẩn.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương, nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước trong giải quyết các vấn đề dân tộc. Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao văn hóa, trình độ chính trị cho cán bộ và nhân dân ở vùng dân tộc Khmer. Thực sự tôn trọng lẫn nhau, biết lắng nghe, chia sẻ trách nhiệm và tinh thần cộng đồng trong quản lý và giải tỏa xung đột xã hội; biết phát huy tinh thần bao dung của tôn giáo và đoàn kết thực sự… Tất cả những yêu cầu đó cần phải được xem là những phương châm, nguyên tắc không chỉ đối với những người lãnh đạo chính trị mà còn đối với mọi người dân./.
------------------------------------------
(1) Trích Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr. 81
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Quảng Nam  (05/12/2013)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc với cử tri tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2013)
Cử tri Đắk Lắk kiến nghị xử lý nghiêm tham nhũng  (05/12/2013)
Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm  (05/12/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay