Cặp phạm trù “tiết kiệm - lãng phí”

Thiện Văn
21:10, ngày 10-10-2012
Ngày nghỉ cuối tuần, tôi đến nhà một người đồng đội chơi. Anh vốn ít nói, thế mà không hiểu sao hôm đó anh lại lắm lời thế, khiến tôi phải cắt ngang tếu táo:

- Ông vốn kiệm lời, sao hôm nay lại hào phóng, nhiều “lý sự” vậy!

Hình như khơi đúng “mạch nguồn” cảm hứng, anh càng hớn hở hơn:

- Ừ, đúng đấy. Ông có thích nghe tôi “lý sự” về cặp phạm trù “tiết kiệm - lãng phí” không?

- Ôi, hơi đâu mà triết lý cái chuyện “xưa như diễm” ấy chứ!

- Này ông, chuyện xưa nhưng mà không… diễm đâu! Chuyện “rất nóng” đấy!

Thế rồi, anh “e hèm” một cái rõ điệu bộ và bắt đầu: Ông thấy nhiều người khi tham gia giao thông ra vẻ tiết kiệm từng giây, từng phút bằng việc cố tình lạng lách, vượt đèn đỏ, nhưng lại vô cùng lãng phí hàng tiếng đồng hồ để la cà, nhậu nhẹt ở những hàng nước, quán bia ven đường...

Không ít công chức, viên chức hiện nay đã chẳng tận dụng, tranh thủ thời giờ để tự học tập, tự nghiên cứu nhằm bổ sung, nâng cao, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, mà lại rất hay “buôn dưa lê” với nhau tới vài ba giờ đồng hồ về đủ thứ chuyện, cả những chuyện “giời ơi, đất hỡi” rất “vô bổ”...

Không ít người thuộc diện “ăn cơm nhà nước, ở nhà công” luôn nhắc nhở vợ (chồng), con cái phải “căn cơ” từng số điện, từng xô nước, từng cú điện thoại gọi đi ở nhà mình; nhưng ở công sở, họ lại “hồn nhiên” quen tay bật tất cả đèn điện trong phòng, “quên” khóa vòi nước, “nấu cháo” điện thoại, dùng máy tính để chơi games, “chát chít”, nghe nhạc một cách vô tư...

Nhưng đấy mới chỉ là những chuyện “tiết kiệm - lãng phí” nhỏ thôi, còn những chuyện “tiết kiệm - lãng phí” lớn lắm kia nhé:

Có những địa phương, cơ quan, ban, ngành yêu cầu cán bộ, nhân viên phải in ấn, phô-tô các văn bản trên hai mặt giấy để thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”; nhưng lại rất “hào phóng” khi tổ chức những cuộc tiếp khách “trên mức trọng thị”, bày ra những bữa tiệc tập thể linh đình, những buổi khởi công dự án, động thổ công trình vô cùng tốn kém.

Vào dịp lễ tết, có những món quà tặng người có công với nước hay người già đơn côi, trẻ em bất hạnh, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giá trị thường chỉ ở mức“khiêm tốn” vài trăm nghìn đồng; nhưng để tổ chức trao những món quà tặng đó không ít cơ quan, đơn vị rầm rộ đi thành đoàn với năm bảy chiếc xe con bóng loáng kèm theo cả một “đội quân” ghi hình, chụp ảnh… hùng hậu làm sao!

Có những địa phương tính toán cực kỳ chi ly khi xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, kiên cố hóa trường lớp, nhà văn hóa cộng đồng cho bà con nghèo ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh... nhưng lại nồng nhiệt chào đón, ký kết “lỏng tay” cho rất nhiều công trình chủ yếu chỉ để phục vụ những người “lắm tiền nhiều của”, như sân golf, sân tennis, bể bơi, siêu thị, khách sạn, nhà hàng sang trọng…

Có những… - Anh dừng lại giây lát rồi tiếp:

Nếu mà liệt kê những chuyện “tiết kiệm - lãng phí” như thế thì cả ngày cũng không hết đâu. Thôi bây giờ tôi gom lại vấn đề bằng một cặp phạm trù bao trùm nhất, nổi cộm nhất để nói về sự “tiết kiệm - lãng phí” nhé. Đó là ở nhiều nơi, nhiều lúc, và ở nhiều người vẫn đang có tình trạng “thừa thãi” về lời nói theo kiểu hô khẩu hiệu với những ngôn từ bóng bẩy, mỹ miều; nhưng lại quá hà tiện việc làm, hành động thiết thực, cụ thể để cải thiện tình hình. Nếu không suy nghĩ nghiêm túc và giải quyết thấu đáo cặp phạm trù đối lập “nói nhiều - làm ít” này, thì sẽ tiếp tục “đẻ ra” nhiều chuyện “tiết kiệm - lãng phí” tiềm ẩn những nguy cơ lớn hơn!

Đồng tình với ý kiến của anh, tôi góp thêm: Đúng là phải nỗ lực ngăn ngừa những sự lãng phí không cần thiết và nhân lên những ý thức, suy nghĩ, cử chỉ, việc làm tiết kiệm theo nghĩa tích cực... Nói thì đơn giản vậy nhưng chỉ khi mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đồng lòng chung sức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí thì mới có thể góp phần xây dựng xã hội văn minh, đất nước giàu mạnh./.