TCCS - Sau hơn một năm đàm phán, 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (gồm Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po và Việt Nam) đã chính thức ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Dù không có sự tham gia của nền kinh tế số 1 thế giới, nhưng xét về nội dung và cam kết, đây vẫn là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là “một hình mẫu cho thương mại tiến bộ và bao trùm”. Ở thời điểm hiện nay, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là hiệp định thương mại tự do lớn nhất với thị trường khoảng 500 triệu dân, tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD (bằng 13,5% GDP thế giới).






Vì sao là hiệp định “toàn diện” và “tiến bộ”?

Sau những “hẫng hụt” ban đầu khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên (TPP 12), ngày 14-3-2017, tại thành phố Vi-nha đen Ma-rơ (Viña del Mar) của Chi-lê đã diễn ra Hội nghị cấp cao các nước thành viên TPP nhằm tìm kiếm các giải pháp và hướng đi tiếp theo cho TPP. Về quan điểm, tất cả 11 thành viên còn lại trong TPP (TPP 11) đều khẳng định mong muốn tiếp tục theo đuổi hiệp định có tầm vóc định hình thương mại toàn cầu trong tương lai này và thống nhất rằng, TPP 11 cần được duy trì với chất lượng cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh mới đó, các thành viên của TPP 11 bắt đầu tiến hành các vòng đàm phán để đạt được một sự “cân bằng mới”. Vượt qua những khó khăn, khác biệt trong các vòng đàm phán, đúng 1 năm sau, vào tháng 3-2018, tại Chi-lê, các bộ trưởng của TPP 11 đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà “tiền thân” là TPP. Trong Điều 1 của CPTPP: Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ghi rõ: “Các Bên theo đây nhất trí rằng, theo các điều khoản của Hiệp định này, các điều khoản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được ký tại Óc-lân ngày 04-02-2016 (“Hiệp định TPP”) được tích hợp, bằng cách tham chiếu, vào thành một phần của Hiệp định này với những sửa đổi phù hợp, ngoại trừ Điều 30.4 (Gia nhập), Điều 30.5 (Hiệu lực), Điều 30.6 (Rút khỏi) và Điều 30.8 (Lời văn xác thực)”. Toàn văn TPP khi được ký kết gồm 30 chương, trình bày trong hơn 1.000 trang, đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, như thương mại hàng hóa, đầu tư, dệt may, mua sắm chính phủ, quy tắc xuất xứ, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, hành chính và thể chế, giải quyết tranh chấp... Như vậy, theo Điều 1 của Hiệp định, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống, như cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, hàng rào kỹ thuật liên quan thương mại, mà còn bao gồm cả những cam kết về những vấn đề mới, phi truyền thống, như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước với các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Ý tưởng và mục đích của CPTPP không thay đổi so với TPP.

Điểm khác về nội dung so với TPP là CPTPP tạm hoãn thực thi 22 điều khoản, bao gồm các điều khoản về thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường và sự minh bạch, vốn được đưa vào TPP theo yêu cầu của Mỹ, trong đó chương về quyền sở hữu trí tuệ có sự thay đổi lớn nhất. Chẳng hạn, CPTPP hoãn việc yêu cầu các nước thành viên thay đổi luật và thông lệ của mình để bảo vệ các dược phẩm mới, bao gồm cả chế phẩm sinh học. CPTPP cũng tạm đình chỉ quy định về gia hạn thời hạn bản quyền trong những trường hợp do sự chậm trễ của cơ quan cấp bằng hoặc những trì hoãn bất hợp lý trong việc cấp bản quyền, cũng như cấp phép nhập khẩu một loại dược phẩm nào đó vào các nước thành viên. Ngoài ra, các nước thành viên của CPTPP sẽ không cần phải gia hạn thời gian bảo hộ bản quyền từ 50 lên 70 năm sau khi tác giả qua đời... Trong lĩnh vực đầu tư, các điều khoản bị hoãn liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư (ISDS), theo đó, CPTPP thu hẹp phạm vi cho phép nhà đầu tư nước ngoài có hợp đồng đầu tư với chính phủ sử dụng cơ chế này để kiện chính phủ nước thành viên sở tại (nước tiếp nhận đầu tư)... Sự điều chỉnh và những linh hoạt mới được thực hiện theo hướng “nhẹ” hơn cho các nước tham gia trong bối cảnh mới, tạo thuận lợi hơn cho việc phê chuẩn Hiệp định. CPTPP cũng bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai. Chẳng hạn, về tính hiệu lực, Hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 trong tổng số 11 nước thành viên thông qua, thay cho quy định của TPP rằng, trong trường hợp không đủ nghị viện của 12 nước thông qua, phải có ít nhất nghị viện của 6 nước thông qua, đồng thời GDP cộng gộp của 6 nước này phải chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 nước thành viên.

Lý giải vì sao tên gọi của Hiệp định lại được bổ sung hai từ là “toàn diện” và “tiến bộ”, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Ca-na-đa Ph. Cham-pa-nơ (François-Philippe Champagne) cho rằng, “toàn diện” phản ánh tiêu chuẩn cao trong Hiệp định, như về lao động, môi trường, hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn “tiến bộ” thể hiện ý nghĩa: mọi người dân ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có cơ hội tiếp cận với thương mại, làm cho thương mại thực tế với người dân, mọi thành phần xã hội đều được hưởng lợi từ thương mại. Ông nói: “Chúng tôi muốn phản ánh qua tên gọi của Hiệp định rằng, Hiệp định này là dành cho tất cả mọi người, không phải chỉ có lợi cho các công ty lớn, và ai cũng có thể giao thương với các thị trường mới”, và, “thế giới sẽ coi đây là một hình mẫu cho thương mại tiến bộ và bao trùm”(1). “Toàn diện” và “tiến bộ” là mục tiêu chung thể hiện tính bao trùm của Hiệp định, bảo đảm sự cân bằng lợi ích của các thành viên. Với ý nghĩa đó, tên gọi CPTPP nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên.

Kỳ vọng từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Mặc dù không thể đem lại lợi ích như nhau cho tất cả các quốc gia thành viên cũng như cho tất cả các nhóm ngành, các tầng lớp dân cư trong mỗi quốc gia, nhưng các thành viên CPTPP hy vọng Hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích xét từ nhiều góc độ.

Từ góc độ lợi ích kinh tế - xã hội, CPTPP giúp các nước thành viên có những cơ hội và tiềm năng mới trong hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại với nhau. Mặc dù lợi ích kinh tế thu được thấp hơn khi thiếu vắng nền kinh tế số 1 thế giới, nhưng theo kết quả phân tích mô phỏng sử dụng mô hình từ Dự án phân tích Thương mại toàn cầu đa quốc gia, đa lĩnh vực (GTAP): Lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỷ USD trong trung hạn, phúc lợi toàn cầu tăng lên khoảng 21 tỷ USD. Tất cả 11 thành viên của CPTPP khi tham gia Hiệp định đều sẽ có lợi hơn là không tham gia, tuy nhiên mức độ lợi ích thu được từ Hiệp định không giống nhau đối với các thành viên. Theo tính toán, trong các thành viên của châu Á, Ma-lai-xi-a có thể được hưởng lợi nhiều nhất (bằng 2% GDP), tiếp đó là Việt Nam và Bru-nây (khoảng 1,5% GDP), rồi đến Xin-ga-po (1% GDP). Niu Di-lân của châu Đại Dương cũng được hưởng lợi ở mức 1%GDP. Trong số các nước thành niên thuộc khu vực Mỹ La-tinh, Mê-hi-cô và Chi-lê nhận được nhiều lợi ích nhất so với các nước khác trong vùng (0,4% GDP)(2).

Theo Báo cáo của Bộ Các vấn đề toàn cầu (Bộ Ngoại giao) Ca-na-đa, CPTPP sẽ mang về cho nước này nguồn lợi lớn hơn TPP tới 3,4 tỷ CAD do mở rộng khả năng tiếp cận thị trường các nước thành viên CPTPP mà không phải chịu sự cạnh tranh từ Mỹ. Hiện Ca-na-đa vốn đang duy trì mức thuế thấp nên có dư địa rất lớn trong thúc đẩy tự do hóa thương mại với 7 thành viên CPTPP ở châu Á - Thái Bình Dương mà nước này chưa có FTA song phương là: Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Xin-ga-po và Việt Nam. Còn Niu Di-lân tin rằng, CPTPP sẽ thúc đẩy GDP nước này tăng từ 0,3% đến 1%, tương đương từ 1,2 tỷ USD lên 4 tỷ USD một năm... Bên cạnh các lợi ích kinh tế, CPTPP được đánh giá là sẽ tạo thêm việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống cho người dân các quốc gia thành viên. Bộ trưởng Thương mại Ô-xtrây-li-a X. Xi-ô-bô nhận định, CPTPP sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới cho Ô-xtrây-li-a trong các lĩnh vực, như nông nghiệp, sản xuất, khai thác mỏ, dịch vụ.

Từ góc độ tự do hóa thương mại, các nước tham gia CPTPP thống nhất theo lộ trình sẽ xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ các cam kết,... Vì thế, CPTPP được cho là “biểu tượng” của xu hướng đẩy mạnh tự do hoá thương mại trong khu vực và trên thế giới, ủng hộ một thế giới “đa dạng hóa, đa phương hóa thương mại” trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu của xu hướng bảo hộ thương mại, đặt trọng tâm vào thương mại song phương. Tổng thống Chi-lê M. Ba-chê-lê (Michelle Bachelet) cho rằng, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế là công cụ tốt nhất để tạo cơ hội và sự thịnh vượng cho kinh tế.

Việc ký kết CPTPP còn góp phần thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thậm chí Nhật Bản - quốc gia giữ vai trò trung tâm, đi đầu và ủng hộ mạnh mẽ nhất sự hồi sinh của TPP, còn kỳ vọng CPTPP với các tiêu chuẩn cao có thể trở thành “hình mẫu cho nhiều thỏa thuận thương mại đa phương” khác, trong đó có RCEP.

Bên cạnh đó, CPTPP cùng với việc khẳng định sự độc lập trong quan điểm của mình về vấn đề tự do hóa thương mại, còn tạo sự cân bằng trong cạnh tranh với các siêu FTA trong khu vực, mang lại cho các quốc gia thành viên thế và lực hơn trong quá trình đàm phán và đàm phán lại các FTA đa phương ở một số khu vực. Chẳng hạn như giúp các thành viên của CPTPP đang tham gia đàm phán RCEP có thêm “năng lực đàm phán”, hoặc tạo thêm cơ hội và thế cho Ca-na-đa và Mê-hi-cô trong tiến trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) theo yêu cầu của Mỹ.

Là một hiệp định mở, không phải là “sân chơi” riêng, khép kín, CPTPP kỳ vọng trong tương lai số lượng các thành viên sẽ không chỉ dừng lại ở con số 11 như hiện nay. Trên thực tế, hiện CPTTP đang nhận được sự quan tâm của một số quốc gia, như Anh, Hàn Quốc, Thái Lan,... Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đa-vốt (Thụy Sĩ) hồi tháng 1-2018, Tổng thống Mỹ Đ. Trăm tuyên bố Mỹ có thể “xem xét lại quyết định rút khỏi hiệp định này nếu có một thỏa thuận tốt hơn”.

Việt Nam với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Triển khai quan điểm nhất quán của Đảng là đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong các cuộc họp và đã ghi dấu ấn đậm nét trong quá trình đàm phán, đi tới hoàn tất việc ký kết CPTPP. Đặc biệt, với tư cách vai trò nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 (APEC 2017), Việt Nam đã cùng với Nhật Bản “duy trì, thảo luận, thống nhất, cũng như tìm cách cân bằng chung các lợi ích của các quốc gia”.

Việc hoàn tất đàm phán, đi tới ký kết Hiệp định được nhận định là một “thành tựu mang tính đột phá của APEC 2017”. Điều đó khẳng định Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò của mình trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời tạo thuận lợi cho mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên CPTPP phát triển hơn nữa. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản T. Mô-te-gi (Toshimitsu Motegi) bày tỏ: “... Nhật Bản rất biết ơn việc Việt Nam đã hợp tác hiệu quả trong suốt thời gian vừa qua”(3), đồng thời khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục làm tốt vai trò điều phối, dẫn hướng, tạo liên kết của mình nhằm mục tiêu chung là để CPTPP sớm có hiệu lực. Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam C. Chi-tíc (Craig Chittick) đánh giá, Việt Nam đã hoàn thành một nhiệm vụ tuyệt vời trong vai trò chủ nhà APEC 2017 và đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn tất các cuộc đàm phán, qua đó Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò của mình trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đại sứ Niu Di-lân tại Việt Nam O. Ma-thi-ơ (Wendy Matthews) cũng nhận định, CPTPP đã đạt nhiều bước tiến tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 và tin tưởng rằng, CPTPP sẽ thêm một nét son trong mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Tiến sĩ N. Cháp-men (Nicholas Chapman) của Đại học Quốc tế Nhật Bản cho rằng, tham gia CPTPP cho thấy niềm tin của Việt Nam vào tự do thương mại, cũng như vai trò của các thỏa thuận tự do thương mại đối với mục tiêu hội nhập quốc tế, đa dạng hóa và phát triển bền vững của Việt Nam. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Ca-na-đa khẳng định, Việt Nam là một phần quan trọng trong quá trình đàm phán CPTPP và Việt Nam luôn bên cạnh Ca-na-đa khi chia sẻ quan điểm rằng, để một hiệp định thương mại mang lại lợi ích cho người dân cần phải xuất phát từ nhận thức rõ rằng, mỗi quốc gia có mức độ phát triển khác nhau. Ca-na-đa mong muốn củng cố mối quan hệ với Việt Nam, tăng cường hoạt động thương mại, và, hai nước sẽ phối hợp để CPTPP sớm có hiệu lực.

Có thể nói, những nhận định, đánh giá tích cực về vai trò của Việt Nam tại APEC 2017 nói chung và trong việc hoàn tất, đi tới ký kết CPTPP nói riêng là minh chứng cho thấy quan điểm của Đảng “Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đang được triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, việc chúng ta đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự hình thành CPTPP cũng thể hiện rõ tinh thần chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo chủ trương đã được đề ra trong các văn kiện Đại hội Đảng trong thời gian qua. Tham gia nhiều FTA song phương và đa phương, đàm phán RCEP, mang lại cơ hội gia tăng lợi ích từ các thị trường, đồng thời khẩn trương đổi mới, nâng cao năng lực, để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các FTA thế hệ mới. Đồng thời, trước khi ký kết CPTPP, chúng ta đã ký FTA thế hệ mới với Liên minh châu Âu (EVFTA), quyết định tham gia và ký kết TPP 12, điều đó cho thấy, Việt Nam đã dự đoán được thời cơ, thách thức; cơ hội, trở ngại khi thúc đẩy tự do hóa thương mại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Và do vậy, về tâm thế, chúng ta đã được chuẩn bị để tham gia CPTPP.

Trong bối cảnh Mỹ không tham gia CPTPP, lợi ích của Việt Nam được dự báo sẽ giảm khá lớn xét từ góc độ tiếp cận thị trường nước này, bởi hiện Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ và có sự gia tăng rất ấn tượng trong những năm qua dù cho giữa hai nước chưa có FTA. Tuy nhiên, lợi ích của chúng ta có thể có được từ CPTPP cũng không nhỏ. Đánh giá tác động của CPTPP đối với nước ta về kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, CPTPP có thể giúp GDP của nước ta tăng thêm 1,32% (tương đương 1,7 tỷ USD) và có thể tăng tới 2,01% nếu thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ. Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam, bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ô. Đi-ô-nê (Ousmane Dione) nhận định, ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP cho Việt Nam tính đến thời điểm năm 2030, nếu bổ sung thêm yếu tố tăng năng suất ở mức độ vừa phải, con số này có thể là 3,5%. Những ngành hàng có cơ hội được hưởng lợi ích nhất từ CPTPP là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may...

Thực thi CPTPP tạo ra những cơ hội mới, lựa chọn mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu với những ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam chưa có FTA, như Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Pê-ru. Các doanh nghiệp có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao; nhập máy móc, thiết bị của các nước phát triển có trình độ công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thị trường xuất nhập khẩu được cơ cấu lại, đa dạng hơn, tạo thế cân bằng mới trong quan hệ thương mại với các nước, giảm sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường hay khu vực thị trường nhất định.

Trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP dự kiến thúc đẩy đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp thu công nghệ hiện đại, tạo ra nhiều việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, từ đó tạo đà để nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn luôn có nhiều thách thức không nhỏ đi kèm. Thách thức hiện hữu đối với chúng ta ở tất cả các lĩnh vực đã cam kết, từ thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công, môi trường, lao động đến sở hữu trí tuệ,... Những cam kết rất cao trong CPTPP đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam khi tham gia phải điều chỉnh cả những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan đến thương mại, như quyền của người lao động, môi trường, lao động,... đặt ra nhiều thách thức trong cải cách thể chế.

Với nhận thức rằng, cơ hội tự nó không thể trở thành hiện thực mà phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng đón nhận của chủ thể, còn thách thức, nếu có sự chuẩn bị trước sẽ có khả năng biến thành cơ hội, cơ hội - thách thức có thể chuyển hóa lẫn nhau, hy vọng rằng việc thực thi CPTPP sẽ tạo sức ép để chúng ta “vượt qua chính mình”, đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước theo cam kết cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến để xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. /.

---------------------------------------------

(1) Canada khẳng định Việt Nam là một phần quan trọng trong đàm phán CPTPP, https://www.vietnamplus.vn/canada-khang-dinh-viet-nam-la-mot-phan-quan-trong-trong-dam-phan-cptpp/491654.vnp
(2) Nội dung, tác động và triển vọng của Hiệp định CPTPP, http://nghiencuuquocte.org/2017/12/13/noi-dung-tac-dong-va-trien-vong-cua-hiep-dinh-cptpp/
(3) Quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc ký kết CPTPP, http://www.trungtamwto.vn/tin-tuc/quoc-te-danh-gia-cao-vai-tro-cua-viet-nam-trong-viec-ky-ket-cptpp