TCCS - Tính đến ngày 3-7-2022, các chi bộ thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt tổ chức đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025 và bầu trực tiếp bí thư chi bộ tại đại hội. Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu thực hiện quy trình “Dân tin - Đảng cử” trong tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đồng bộ với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.
Những người “gánh hai vai”
“Dân tin - Đảng cử” là mô hình điển hình ở Quảng Ninh trong việc người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp bầu ra trưởng thôn, bản, khu phố và thể hiện sinh động mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Chính điều này đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên tại cơ sở cũng như nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng.
Đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng ở cơ sở. Toàn tỉnh Quảng Ninh có 1.542 chi bộ thôn, bản, khu phố. Trong đó, 1.277 chi bộ tiến hành bầu chi ủy từ 3-7 chi ủy viên; 159 chi bộ tiến hành bầu chức danh bí thư, phó bí thư và 16 chi bộ tiến hành bầu bí thư. Trên tinh thần phát huy dân chủ, trí tuệ của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân, dự thảo văn kiện đại hội các chi bộ đều được tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong cán bộ, đảng viên. Công tác nhân sự được thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình, có uy tín cao, được đảng ủy cấp trên thẩm định kỹ lưỡng và gắn với nhân sự giới thiệu bầu cử trưởng thôn.
Để triển khai đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025, ngày 5-6-2022, đồng loạt 1.452 thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố. Những trưởng thôn, bản, khu phố được bầu đều là những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhiệt tình, tâm huyết với công tác ở cơ sở và được giới thiệu để bầu bí thư chi bộ tại đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025. Đến cuối tháng 6-2022, 31 chi bộ thôn, bản, khu phố được chọn làm điểm đã hoàn thành công tác tổ chức đại hội và 100% đồng chí trưởng thôn, khu đều được bầu làm bí thư chi bộ theo đúng tinh thần “Dân tin - Đảng cử”.
Việc nhất thể hóa thành công và triển khai hiệu quả mô hình 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo quy trình “Dân tin, Đảng cử” ở Quảng Ninh là kết quả được đúc kết từ đòi hòi và kinh nghiệm thực tiễn, với lộ trình triển khai bài bản, thận trọng, khách quan, dân chủ, trong đó chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân sự; quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cả vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ “gánh trọng trách hai vai”, gắn với kiểm soát quyền lực thông qua tăng cường giám sát và phản biện xã hội. Đây là mô hình với cách làm sáng tạo, với quyết tâm chính trị cao nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
“Dân tin, Đảng mới cử”
Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở thực sự gần dân, sát dân, tâm huyết, có trách nhiệm với công việc, theo nguyên tắc “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, với một trong những trọng tâm là thực hiện mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” thông qua quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử”. Năm 2016, khi Quảng Ninh quyết định thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, bởi đây là một mô hình mới, ảnh hưởng đến hàng nghìn bí thư chi bộ, trưởng thôn đương nhiệm. Nhưng với quyết tâm chính trị cao nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu "việc gì có lợi cho dân thì làm", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để gỡ từng "nút thắt", nhằm thực hiện thành công mô hình này. Đến nay mô hình đã khẳng định hiệu quả rõ nét trong thực tiễn. Từ năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trên cơ sở thực hiện quy trình nhân sự "Dân tin - Đảng cử".
Thực tiễn ở Quảng Ninh cho thấy, mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn là một mô hình rất hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng khu dân cư; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở. Hiệu quả, vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo nhiệm vụ của chi bộ đối với toàn diện hoạt động ở thôn được nâng lên rõ rệt, gắn kết nhiệm vụ của bí thư chi bộ và trưởng thôn; giảm các khâu trung gian, tránh sự trùng chéo, đùn đẩy, né tránh hoặc có khoảng trống trong sự lãnh đạo của chi bộ và điều hành của trưởng thôn. Với mô hình này, cơ cấu bộ máy ở các thôn gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu chi ủy, chi bộ và ban lãnh đạo thôn nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu thôn, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Hầu hết những thôn thực hiện nhất thể hóa từ trước, chi bộ đều giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh, thôn đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Để triển khai hiệu quả mô hình này, Quảng Ninh thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn. Sau đó cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ theo phương châm "Dân tin - Đảng mới cử". Các bước giới thiệu nhân sự đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến người dân, đảng viên. Bên cạnh cấp ủy lựa chọn, giới thiệu, thì nhân dân, đảng viên có quyền giới thiệu người mình tín nhiệm cho thôn, cho chi bộ. Mặc dù vấp phải không ít khó khăn, thách thức, do nhiều ý kiến lo ngại về việc liệu một người làm 2 nhiệm vụ quan trọng ở cơ sở có được không, đến nay, bằng sự hoạt động, điều hành hiệu quả của mình, các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát và phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn đều có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các chi bộ đã làm tốt việc tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là ở thôn có ít đảng viên.
“Nói dân tin, làm dân theo”
Vừa là người đứng đầu trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương của địa phương ở địa bàn dân cư, vừa là “cầu nối” của nhân dân với các cấp ủy, chính quyền, điều này đòi hỏi yêu cầu về năng lực, đạo đức đối với đội ngũ bí thư - trưởng thôn là không hề nhỏ. Nhưng nhờ có sự chuẩn bị tốt về công tác cán bộ ngay từ những nhiệm kỳ trước, các cấp ủy đã lựa chọn ra những quần chúng có uy tín, năng lực, trình độ để định hướng, dìu dắt vào đội ngũ của Đảng, đưa vào các ban chi uỷ, bồi dưỡng tạo nguồn cho nhiệm kỳ sau. Với quy trình này, từ những đảng viên có năng lực, uy tín tại địa bàn dân cư, ban công tác mặt trận thôn sẽ lấy ý kiến nhân dân để chọn lựa, giới thiệu bầu làm trưởng thôn. Khi trúng cử, trưởng thôn mới được cấp ủy giới thiệu để bầu bí thư chi bộ theo đúng quy trình “Dân tin - Đảng cử”.
“Nói dân tin, làm dân theo” là một trong những thước đo hiệu quả của mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố thông qua quy trình nhân sự “Dân tin, Đảng cử” ở Quảng Ninh. Từ thực tiễn ở địa phương này cho thấy, khi người dân đã đặt trọn niềm tin, khi Đảng đã tin tưởng tiến cử, thì mỗi đảng viên được bầu làm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn bản, khu phố sẽ vững vàng hơn, tự tin hơn, trách nhiệm cao hơn và trưởng thành hơn trong thực hiện trọng trách “gánh hai vai” của mình, góp phần trực tiếp xây dựng tổ chức cơ sở đảng ngày càng vững mạnh toàn diện ở địa phương.
Việc tổ chức thành công đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025 với quy trình "Dân tin - Đảng cử" trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục góp phần phát huy sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa bàn; góp phần tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện cho cán bộ thôn, khu phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới./.
Tỉnh Đắk Nông tăng cường thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh  (09/07/2022)
Ngành hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19  (27/05/2022)
Tỉnh Quảng Ninh triển khai công tác đối ngoại trong tình hình mới  (27/05/2022)
Dịch bệnh COVID-19 và chính sách tài khóa của Việt Nam  (27/05/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên