Xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay
TCCS - Mỗi thời kỳ khác nhau đặt ra những yêu cầu mới trong xây dựng nền văn hóa, con người. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh...
1- Văn hóa hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người và xã hội loài người, là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần con người tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu trong quá trình sinh sống. Trong quá trình đó, văn hóa cũng tác động trở lại, góp phần định hình bản sắc của mỗi dân tộc, nhân cách của mỗi con người. Trong từng thời kỳ lịch sử, mỗi khu vực, vùng, miền có những nền văn hóa khác nhau, với những đặc điểm khác nhau và sự phát triển của mỗi nền văn hóa đều kế thừa những giá trị truyền thống và sự tiếp biến văn hóa của dân tộc khác.
Sự tiếp biến giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác được diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau. Hội nhập quốc tế là một hình thức thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tiếp biến văn hóa. Đây là“quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia/ vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản thân mỗi quốc gia/ vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm”(1).
Nhận thức được tính tất yếu khách quan cũng như tầm quan trọng của hội nhập quốc tế, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng ta luôn đề cao vai trò của hội nhập. Đại hội IX của Đảng đã đề ra chủ trương: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”(2). Từ quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, qua các kỳ đại hội, vấn đề hội nhập sâu rộng ngày càng được Đảng ta đề cao, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế,… Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác”(3). Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia… Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác”(4).
Như vậy, quan điểm của Đảng về hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và đầy đủ, từ chỗ chỉ là “hội nhập kinh tế quốc tế” đến “đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác”. Quan điểm đó cho thấy tầm quan trọng của hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, đối với sự phát triển đất nước.
Hội nhập quốc tế đã mang lại cho Việt Nam những kết quả quan trọng. Hiện nay, nước ta có quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội với nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào việc tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD (năm 1986) lên trên 500 tỷ USD (năm 2019)(5). Việt Nam hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021…
Văn hóa Việt Nam đã được lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều lễ hội văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức… Trong quá trình hội nhập, chúng ta tham dự, chia sẻ các giá trị văn hóa chung; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế; góp phần đấu tranh cho hòa bình, phát triển. Quá trình hội nhập quốc tế “góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”(6). Cũng nhờ tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, văn hóa và con người Việt Nam đã tiếp thu, bổ sung được những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại; xuất hiện các loại hình văn hóa mới làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của con người Việt Nam; hình thành những con người hiện đại với những phẩm chất mới, phù hợp với thời đại.
Quá trình hội nhập quốc tế cho thấy được sức hấp dẫn, vai trò của văn hóa và chính những giá trị văn hóa là một cầu nối quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công, làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đối với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế hiện nay cũng đặt ra không ít thách thức cần giải quyết, như tư tưởng, thái độ sùng ngoại một cách lệch lạc; sự mai một bản sắc văn hóa, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; một số lối sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc… Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội… Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc”(7).
2- Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng cần nhận thức đúng về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong hội nhập quốc tế là “xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(8) và “phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại”(9). Các cấp ủy, chính quyền nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, như Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 7-1-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”…
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam với tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại. Để thực hiện được điều này, cần có sự đánh giá tổng thể hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam; qua đó, rút ra được những cái hay, cũng như những điểm chưa phù hợp với tiến trình xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu những giá trị văn hóa của thế giới, những yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế; trên cơ sở đó, nghiên cứu lựa chọn, tiếp thu những giá trị phù hợp. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị, văn hóa con người Việt Nam cần tính đến sự lựa chọn và lan tỏa của giá trị cốt lõi cần xây dựng là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, sáng tạo, hiện đại…
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Giáo dục có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Giáo dục chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Nhờ có giáo dục, mỗi cá nhân, mỗi thế hệ mới nhận thức sâu sắc, kế thừa những di sản, những giá trị văn hóa đáng tự hào mà cha ông để lại. Cũng nhờ có giáo dục, mỗi cá nhân có thể tiếp thu được tri thức của nhân loại để hòa nhập vào đời sống xã hội, phát triển toàn diện năng lực của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của giáo dục: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”(10), “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”(11).
Giáo dục là nền tảng cơ bản giúp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình này, cần chú ý xây dựng triết lý giáo dục phù hợp; “xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo”(12), “tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế”(13), đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo nhằm thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước…, để qua đó, “đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”(14).
Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh.
Môi trường văn hóa có vai trò quan trọng trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong hội nhập quốc tế. Một môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh sẽ hình thành nên những quan hệ văn hóa lành mạnh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là tạo điều kiện để những giá trị văn hóa tốt đẹp được nảy nở, phát huy; làm cho văn hóa Việt Nam có khả năng “đề kháng” với những tác động phản văn hóa từ bên ngoài, giữ vững những giá trị và bản sắc bên trong. Sức đề kháng đó chỉ có được khi bản thân nền văn hóa, con người Việt Nam, các yếu tố cấu thành nên môi trường văn hóa có được sức mạnh, bản lĩnh nội tại. Cần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh từ trong gia đình, nhà trường đến toàn xã hội; “xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý…, xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn… Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”(15)./.
------------------
(1) Lê Thành Long, Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Anh Tuấn: Tác động của hội nhập quốc tế đến hệ thống pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 9-10
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 43
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 155 - 156
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 164
(5) Dẫn theo: Bùi Thanh Sơn: “Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước”, https://baoquocte.vn/ngoai-giao-kinh-te-dong-gop-tich-cuc-vao-phat-trien-cua-dat-nuoc-130877.html, truy cập ngày 25-8-2021
(6) Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 72
(8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 143, 262
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 413
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 333
(12), (13), (14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 137 - 138, 136, 140
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 144
Tỉnh Phú Thọ: Tạo động lực khuyến khích văn nghệ sĩ và nghệ nhân chủ động, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa  (07/12/2021)
Ngời sáng tinh thần trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước cách mạng dựa trên nguyên tắc dân chủ và pháp quyền  (07/12/2021)
Giá trị và cốt cách văn hóa xứ Đông: Sức mạnh nội sinh để Hải Dương hiện thực hóa khát vọng phát triển  (24/11/2021)
Xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia trong chiến lược ngoại giao văn hóa  (23/11/2021)
Nâng cao chất lượng giáo dục giá trị văn hóa quân sự Việt Nam cho lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay  (16/11/2021)
Văn hóa Hà Nội trong dòng chảy hội nhập quốc tế  (29/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển