Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc ở nước ta
TCCS - Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số cùng với đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay là những vấn đề lý luận - thực tiễn vừa cơ bản, vừa cấp bách, cần được nhận thức thấu đáo và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, kiên trì. Đây là một bộ phận hữu cơ của sự nghiệp phát triển toàn diện các dân tộc, bảo vệ và phát triển các quyền con người chân chính, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số.
Sự tác động qua lại giữa bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc
Quyền của các dân tộc thiểu số nhìn chung được chia thành hai nhóm: nhóm các quyền cá nhân thông thường áp dụng với từng thành viên của mỗi dân tộc và nhóm các quyền tập thể áp dụng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bảo đảm quyền con người ở vùng dân tộc thiểu số có hiệu quả là bằng chứng thực tiễn - pháp lý sinh động phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; là cách làm tốt nhất để bảo vệ chân lý, lẽ phải của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ và chăm lo quyền con người chân chính; là sự chủ động phòng ngừa, ứng phó với mọi nguy cơ phát sinh từ vấn đề dân tộc, không tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; là môi trường giúp các dân tộc (đa số và thiểu số) phát triển lành mạnh, định hình ý thức dân tộc chân chính, xây dựng quan hệ dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển; là hình thức tự đề kháng của các dân tộc thiểu số trước mọi luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc có hiệu quả sẽ tạo môi trường ổn định cho các dân tộc xây dựng khối đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng phát triển. Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng có vai trò đập tan ngay từ nguồn gốc tư tưởng - lý luận của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai, giúp bản thân các dân tộc định hình ý thức dân tộc chân chính, thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, quyền và nghĩa vụ, quyền cá nhân của thành viên dân tộc với quyền tập thể dân tộc, giữa quyền của tập thể dân tộc với quyền của cộng đồng quốc gia - dân tộc. Đấu tranh có hiệu quả giúp Đảng, Nhà nước khẳng định được tính chính nghĩa, lẽ phải trên các diễn đàn đa phương, song phương, củng cố vị thế, uy tín, nhờ đó vừa tranh thủ được dư luận và nguồn lực quốc tế, vừa tập trung được nguồn lực trong nước để đầu tư cho phát triển các dân tộc. Còn xung đột, chia rẽ không những làm cho các dân tộc thiếu môi trường ổn định và không tập trung được nguồn lực đầu tư để phát triển, mà còn dẫn tới phân tán nhân lực, vật lực, gây xáo trộn các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Đấu tranh còn mang hàm ý đấu tranh trong nội bộ nhân dân, nhất là với những nhận thức chưa đúng đắn, những hành vi lệch lạc, sai trái của một bộ phận cán bộ và người dân trong bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số. Nhờ đó bảo đảm cho việc thực thi chính sách dân tộc được triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ, nhất quán với ý thức và trách nhiệm tự giác cao của toàn bộ hệ thống chính trị, của đồng bào các dân tộc đa số và thiểu số, của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc có sự thống nhất ở mục tiêu chung, ở chủ thể lãnh đạo - quản lý chung, ở phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc thống nhất, ở sử dụng chung nhiều lực lượng. Mục tiêu chung của bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc đều nhằm xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc - dân tộc; bảo vệ môi trường hòa bình và ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cho phát triển đất nước; bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc ở Việt Nam đều do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cùng cả hệ thống chính trị tham gia, bao gồm từ hoạch định đường lối đến tổ chức thực hiện; thống nhất ở đặt lợi ích quốc gia - dân tộc làm tối thượng, lợi ích bộ phận không thể thoát ly lợi ích của quốc gia - dân tộc.
Tuy nhiên, bảo đảm và đấu tranh, mỗi vấn đề có nội dung riêng do khác nhau về mục tiêu cụ thể, đối tượng tác động, lực lượng chuyên trách và phương pháp công tác chuyên biệt. Về mục tiêu cụ thể, nếu tính hướng đích của bảo đảm quyền các dân tộc là tôn trọng và bảo vệ quyền chân chính của các dân tộc thiểu số, thì đấu tranh có mục tiêu là làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để phá hoại khối đoàn kết dân tộc, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai. Về đối tượng, nếu đối tượng của bảo đảm quyền các dân tộc là đồng bào các dân tộc thiểu số, gồm cả tập thể dân tộc và thành viên của từng cộng đồng dân tộc, thì đối tượng của đấu tranh là các thế lực thù địch bên ngoài hòng lợi dụng vấn đề dân tộc thiểu số để chống phá, là các phần tử phản động trong nước tiếp tay cho các thế lực thù địch bên ngoài thực hiện các hành vi chống phá lợi ích quốc gia - dân tộc, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Về lực lượng chuyên trách, bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số do các tổ chức và cá nhân có nhiệm vụ tổ chức và thực thi các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, chính sách đối ngoại, bảo vệ môi trường sinh thái...; mỗi lực lượng có vai trò, vị trí riêng khi thực thi các chính sách đa/liên ngành, trong đó cơ quan chuyên trách công tác dân tộc có vai trò rất quan trọng. Đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc tuy cũng cần lực lượng đa/liên ngành rộng lớn, nhưng đội ngũ nòng cốt chuyên trách là công an nhân dân, quân đội nhân dân, các nhà tư tưởng lý luận, nhà báo đấu tranh trên địa hạt tư tưởng - lý luận. Về biện pháp công tác chuyên biệt, nếu bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số được thực hiện bằng các biện pháp kinh tế, hành chính, dân sự, thông qua các chính sách và luật pháp tôn trọng, bảo vệ, chăm lo quyền con người, thông qua các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, ... thì đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc đòi hỏi phải kết hợp cả biện pháp vũ trang và phi vũ trang, kể cả sử dụng nghiệp vụ chuyên biệt của lực lượng vũ trang để đập tan các hoạt động móc nối, gây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động bạo loạn lật đổ, thực hiện chủ nghĩa ly khai.
Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc: Vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Để nâng cao hiệu quả trong giải quyết vấn đề này cần chú ý mấy vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của việc bảo đảm quyền các dân tộc thiểu số trong giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam.
Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số có tầm quan trọng đặc biệt đối với ổn định và phát triển của đất nước. Nó được chế định bởi điều kiện địa - chính trị, kinh tế, nhân văn, môi trường của vùng dân tộc thiểu số; bởi tính chất khó khăn, phức tạp của vấn đề dân tộc do di tồn lịch sử, giới hạn nguồn lực đầu tư, rào cản của phong tục, tập quán và trình độ phát triển, đặc biệt là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số không thể thực hiện nhanh chóng bằng một vài chương trình, dự án hoặc chỉ bằng can thiệp hành chính, mà phải thông qua giải pháp tổng hợp, thực hiện theo các bước phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, giai đoạn trước tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau. Đây là sự nghiệp lâu dài, gian khổ; cần nhiều nguồn lực đầu tư lớn, gồm cả nhân lực, tài lực, vật lực; cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; cần sự tương trợ, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc; cao nhất vẫn là khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của bản thân đồng bào các dân tộc.
Thứ hai, bảo đảm quyền của các dân tộc là vấn đề liên ngành/đa ngành, từ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, môi trường - sinh thái, quan hệ quốc tế, quốc phòng - an ninh.
Quyền kinh tế là vấn đề trước hết cần được quan tâm, vì nó liên quan đến quyền an sinh và phát triển, quyền tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng. Quyền chính trị được thể hiện ở quyền bình đẳng của công dân trong bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước, tham dự các nghị trình chính sách, mà ở đó tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và cơ cấu hợp lý cán bộ dân tộc thiểu số trong các cơ quan hệ thống chính trị chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Quyền văn hóa không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn liên quan đến những vấn đề cốt lõi nhất cho duy trì và phát triển một cộng đồng dân tộc. Các vấn đề môi trường, sinh thái liên quan rất chặt chẽ đến quyền của các dân tộc trong bảo vệ không gian sinh tồn và phát triển của cộng đồng. Vấn đề quyền của các dân tộc thiểu số trong thế giới hiện đại không còn bó hẹp trong biên giới quốc gia mà mang tính xuyên quốc gia, kể cả chế định trong các văn kiện chính trị - pháp lý quốc tế. Chẳng hạn, Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của người thuộc về các nhóm thiểu số về ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc (năm 1992)(1), Công ước khung của Hội đồng châu Âu về bảo vệ dân tộc thiểu số (năm 1995)(2), Hiến chương về ngôn ngữ vùng hoặc thiểu số của châu Âu (năm 1994)(3), Bản khuyến nghị Lund về sự tham gia có hiệu quả của các dân tộc thiểu số trong đời sống công cộng (năm 1999)(4)... Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) đã ghi nhận rõ việc bảo vệ quyền con người và quyền của dân tộc thiểu số tại các điều 2, 4, 27. Ở các nước có nhiều nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ thiểu số đó, cùng các thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền có đời sống văn hóa riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng (Điều 27)...
Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là công việc của nhiều chủ thể, từ Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và toàn cộng đồng xã hội. Đó còn là việc xử lý mối quan hệ giữa tôn trọng các giá trị phổ quát được ghi nhận trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết với tính toán đầy đủ những đặc thù trong bảo đảm quyền cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) ghi: “Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ” (Điều 3).
Phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận và bảo đảm đầy đủ quyền của dân tộc thiểu số. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã ghi nhận: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Điều 5); Các quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong Hiến pháp được thể chế bằng chế định về Hội đồng Dân tộc (Điều 75). Ngoài ra, quyền bình đẳng giữa các dân tộc còn được ghi nhận và cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam, như Luật Quốc tịch năm 2008 (Điều 1) khẳng định sự bình đẳng về quyền có quốc tịch của các dân tộc thiểu số; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 29), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Điều 20), Luật Tố tụng hành chính 2015 (Điều 17, Điều 21) quy định về quyền bình đẳng của mọi công dân trong tiến hành tố tụng và quyền được sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc trong quá trình tiến hành tố tụng. Đây chính là những quy định bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số trong việc bảo đảm sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật và tòa án. Bộ luật Hình sự năm 1999 (Điều 1) xác định một trong những nguyên tắc của luật hình sự là bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc. Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 (Điều 8, Điều 9) quy định về sự tham gia bình đẳng của các dân tộc thiểu số vào việc bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân... Về quyền giữ gìn bản sắc văn hóa, Hiến pháp năm 2013 (Điều 5) ghi rõ: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; Điều 42 cũng ghi nhận: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Trong nhiều văn bản pháp luật khác, trong đó bao gồm Bộ luật Dân sự năm 2015 (các điều 5, 7, 26, 29) quy định về việc áp dụng tập quán, chính sách đối với quan hệ dân sự, quyền có họ, tên, quyền xác định, xác định lại dân tộc. Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận quyền được Nhà nước hỗ trợ để phát triển về mọi mặt. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (Điều 58); “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...” (Điều 61). Luật Giáo dục năm 2005 (Điều 61, Điều 82) quy định về việc Nhà nước thành lập các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, dự bị đại học cho con em dân tộc thiểu số và chính sách luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các vùng dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng dạy và học; Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 (Điều 4) quy định về chính sách của Nhà nước về khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, được ưu tiên bố trí ngân sách đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân... Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc (Điều 46, Điều 47). Bộ luật Lao động năm 2012 nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử về dân tộc (Điều 8)... Đó là những bằng chứng thực tiễn - pháp lý sinh động cho thấy quyền của các dân tộc thiểu số đã được tôn trọng, ghi nhận, thực thi và bảo vệ.
Thứ ba, mối quan hệ giữa quyền của thành viên dân tộc và quyền tập thể dân tộc. Đây là mối quan hệ rất cơ bản trong quá trình bảo đảm quyền dân tộc và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch. Quyền cá nhân con người thuộc mọi dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, thống nhất giữa quyền cá nhân và quyền tập thể cộng đồng dân tộc được đặt chung trong quyền của quốc gia - dân tộc. Bình đẳng về quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 và các luật ghi nhận đầy đủ. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện địa lý cách biệt, các rào cản về ngôn ngữ, nên khả năng thực hiện quyền của đồng bào dân tộc thiểu số thường bị hạn chế. Bởi vậy, bảo đảm quyền này phải được ưu tiên trong các chính sách phát triển. Các quyền đều có thể được thực hiện thông qua hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp, từ quyền chính trị, quyền văn hóa, quyền tiếp cận các nguồn lực phát triển, quyền an sinh và phát triển,... Quyền chính trị được thực hiện bằng hình thức dân chủ trực tiếp hoặc hình thức dân chủ đại diện. Trong điều kiện đa tộc người cư trú phân tán và xen kẽ, các dân tộc có trình độ và quy mô dân số khá cách biệt,... thì dân chủ đại diện đóng vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm quyền chính trị của các dân tộc thiểu số, thông qua lựa chọn cơ cấu những người thật sự tiêu biểu của các dân tộc vào hệ thống chính trị các cấp. Dân chủ đại diện có ưu thế trong lựa chọn được những đại biểu ưu tú tham gia các cơ cấu chính trị mà dân chủ trực tiếp không thể thay thế được và nhờ đó khắc phục những hạn chế của trình độ và quy mô dân số quá chênh lệch giữa các dân tộc, thậm chí những dân tộc có dân số rất ít, dưới 10.000 người. Thông qua phát huy hình thức dân chủ đại diện mà các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các tộc người thiểu số có dân số ít, thực hiện quyền tham dự chính trị, qua đó phản ánh ý chí của đồng bào các dân tộc, đưa lợi ích, nguyện vọng của đồng bào vào các nghị trình, hoạt động hoạch định chính sách cũng như tổ chức thực thi chính sách có hiệu quả.
Kết quả các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân những kỳ gần đây cho thấy việc bảo đảm quyền tham dự chính trị của đại diện cộng đồng các dân tộc thiểu số. Ngày 9-6-2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố Nghị quyết về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Theo đó, có 86/496 đại biểu trúng cử, tương ứng 17,30% tổng số đại biểu trúng cử, là người dân tộc thiểu số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27% (so với tỷ lệ dân số các dân tộc thiểu số chiếm 14,3% trong tổng dân số cả nước). Trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII, có 78 đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số thuộc 29 dân tộc khác nhau, đến từ 26 tỉnh, thành phố (chiếm tỷ lệ 15,6%). Đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 688 người, chiếm 18%; cấp huyện là 4.237 người, chiếm 20,1%; cấp xã là 62.383 người, chiếm 22,46%. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số khóa XII là 87, chiếm 17,6%. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số khóa XI là 86, chiếm 17,2%. Như vậy, đại biểu là người dân tộc thiểu số luôn chiếm một phần tỷ lệ lớn trong tổng số các đại biểu nói chung xét trên tổng dân số. Theo điều tra dân số cả nước tại thời điểm ngày 1-4-2009, dân số Việt Nam có 85.846.997 người, trong đó có 54 dân tộc và người nước ngoài cùng sinh sống, dân tộc Kinh có 73.594.427 người, chiếm 85,7%, các dân tộc thiểu số chiếm 14,3 % tổng dân số.
Thứ tư, về giải quyết mối quan hệ giữa quyền con người với quyền công dân, quyền dân tộc - tộc người với quyền quốc gia - dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là mối quan hệ rất cơ bản, quan trọng cần được nhận thức thấu đáo và tổ chức thực hiện nghiêm túc trong quá trình bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc. Không ít cư dân các dân tộc thiểu số, nhất là các nhóm cư dân thường di cư xuyên biên giới chỉ xem trọng ý thức dân tộc - tộc người, quyền dân tộc - tộc người mà xem nhẹ ý thức công dân và quyền của quốc gia - dân tộc. Điều này thường bị các thế lực thù địch lợi dụng, cường điệu hóa ý thức dân tộc - tộc người, hạ thấp hoặc phủ nhận ý thức công dân, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai. Trong lịch sử nước ta, trong đồng bào các dân tộc đều đã hình thành và phát triển ý thức quốc gia - dân tộc, “đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”, đều xác định “nước Việt Nam là nước chung”(5) như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu (tháng 4-1946). Đó là chất keo gắn bó, đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cùng chung sức xây dựng nên nước Việt Nam có hình thái lãnh thổ và kết cấu đa dân tộc như ngày nay. Vì vậy, giáo dục ý thức công dân, tinh thần quốc gia - dân tộc cho các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình bảo đảm quyền của các dân tộc. Bởi vì, cư dân thuộc bất cứ thành phần dân tộc nào trong thời đại ngày nay cũng đều phải định cư, sinh sống, hoạt động kinh tế trong lãnh thổ quốc gia nhất định, thực hiện quyền và nghĩa vụ với một nhà nước - dân tộc nhất định. Chính trên lãnh thổ quốc gia - dân tộc và nằm dưới sự quản lý của nhà nước quốc gia - dân tộc mà thành viên của dân tộc đó trở thành công dân, có điều kiện thực hiện các quyền và nghĩa vụ chính đáng của mình. Do đó, thống nhất giữa ý thức dân tộc - tộc người với ý thức công dân, giữa quyền con người và quyền công dân, giữa quyền và nghĩa vụ là những vấn đề rất cơ bản trong quá trình bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số.
Thứ năm, về mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tính phổ biến xuất phát từ các giá trị phổ quát của quyền con người, bất luận đó là người thuộc dân tộc thiểu số hay dân tộc đa số, dân tộc thiểu số dân số lớn hay dân tộc thiểu số dân số ít, nhất là các quyền an sinh và phát triển. Tính đặc thù xuất phát từ đặc điểm vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc - tộc người, từ trình độ phát triển của từng dân tộc và của quốc gia - dân tộc, từ bản sắc văn hóa các tộc người thiểu số ở nước ta. Tính đặc thù có thể xem xét ở cả cấp độ quốc gia - dân tộc, cấp độ vùng và cấp độ địa phương. Ở cấp độ quốc gia, Nhà nước ghi nhận đầy đủ quyền dân tộc trong Hiến pháp, pháp luật; cơ cấu hợp lý đại diện các dân tộc trong Quốc hội, Chính phủ, các bộ/ngành; bảo đảm quyền tham gia của các dân tộc thiểu số trong hoạch định và thực thi chính sách. Tuy nhiên, chính ở cấp độ vùng và địa phương mới có điều kiện thể hiện tính đa dạng của dân tộc - tộc người, của nhóm địa phương trong quá trình triển khai thực thi các chính sách bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số. Trong điều kiện mô hình nhà nước đơn nhất, cần thiết phải có sự phân cấp hợp lý cho các địa phương trong hoạch định các chủ trương mang tính địa phương, để bảo đảm thể hiện được đầy đủ tính địa phương và tính dân tộc - tộc người trong mỗi chính sách quản lý và phát triển, trong cơ cấu hệ thống chính trị địa phương, sâu xa là bảo đảm tốt hơn quyền của các dân tộc thiểu số. Tại địa phương, tùy quy mô dân số dân tộc - tộc người, mức độ xen cài giữa các dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, giữa dân tộc thiểu số tại chỗ và dân tộc mới đến, giữa dân tộc thiểu số có dân số lớn với dân tộc thiểu số có dân số ít... mà lựa chọn những mô hình quản lý và phát triển phù hợp. Hiện nay, ở tất cả các xã và thôn, làng dân tộc thiểu số, thể chế nhà nước đã được thiết lập với bộ máy khá hoàn bị. Nhưng không vì thế mà xem nhẹ vai trò của luật tục, thiết chế xã hội truyền thống trong quản lý xã hội, bản sắc văn hóa địa phương. Các thiết chế xã hội truyền thống luôn tồn tại song hành với thiết chế nhà nước, thậm chí ở nhiều nơi các thiết chế xã hội truyền thống có ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống đồng bào các dân tộc. Trong bộ máy quản lý nhà nước hiện nay thôn, làng được coi là đơn vị dân cư, đơn vị xã hội cơ sở nhưng không phải là một cấp hành chính. Mỗi thôn, làng có một người đứng đầu với chức danh là “trưởng thôn”, “trưởng bản”, vừa tuân thủ luật pháp nhà nước, vừa điều hành theo luật tục trong quản lý các đơn vị dân cư, thậm chí người dân thường tự nguyện chấp hành luật tục hơn là chế tài của pháp luật. Vì thế, chú ý đầy đủ tính địa phương và tính tộc người trong mỗi chính sách quản lý và phát triển bên cạnh tăng cường tính thống nhất quản lý của chính quyền Trung ương là những vấn đề lớn cần quan tâm trong chính sách dân tộc.
Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc là những vấn đề lớn cần được nhận thức, xử lý đầy đủ, thấu đáo trong thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay./.
----------------------------------------------------------
(1) UN Declaration on the Rights of Persons Belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities, 1992
(2) The Council of Europe’s Framework Convention for the protection of national minorities, 1995
(3) The European Charter for Regional or Minority Languages, 1992
(4) The Lund Recommendations on the Effective Participation of National Minorities in Public Life, 1999
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 249
Việt Nam có những đóng góp thực chất cho Đại hội đồng IPU  (19/10/2017)
Điện mừng nhân dịp Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc  (19/10/2017)
Cách mạng Tháng Mười Nga: Ý nghĩa lịch sử và thời đại  (18/10/2017)
Cách mạng Tháng Mười Nga: Ý nghĩa lịch sử và thời đại  (18/10/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên