Quảng Ninh tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, khu kinh tế
TCCS - Là địa phương chịu nhiều tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19, song với sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận diện nguy cơ lây nhiễm, lên kịch bản ứng phó kịp thời, thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì ổn định hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Không để dịch xâm nhập khu công nghiệp
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 11 khu công nghiệp trong diện quy hoạch theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, có 6 khu công nghiệp đang hoạt động là Khu công nghiệp Hải Yên, Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, Khu công nghiệp Cái Lân, Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu công nghiệp Đông Mai, Khu công nghiệp Nam Tiền Phong; với tổng số 56 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30.000 lao động trong và ngoài tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, xác định khu công nghiệp, khu kinh tế là nơi tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan khó kiểm soát như một số khu công nghiệp trong nước, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách, chỉ đạo các doanh nghiệp, chủ đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, nhằm thực hiện thành công “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã liên tục ban hành hơn 300 văn bản về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có 85 văn bản triển khai đến các doanh nghiệp. Tiêu biểu như Văn bản số 3092/BKHĐT-QLKKT, ngày 24-5-2021, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp”; Văn bản số 3226/UBND-DL1, ngày 26-5-2021, của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, “Về kiểm soát chặt chẽ nhất người về từ vùng dịch”; Văn bản số 3257/UBND-VX3, ngày 26-5-2021, của UBND tỉnh, “Về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp”; Công văn số5244/UBND-DL1, ngày 3-8-2021, của UBND tỉnh, yêu cầu tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với tất cả người lao động, công nhân; Thông báo số 370-TB/TU, ngày 28-9-2021, của Tỉnh ủy Quảng Ninh, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới…
Thông qua đó, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tại các nơi tập trung đông người như khu công nghiệp, khu kinh tế; các khu công nghiệp tiến hành kiểm soát, quản lý lao động, yêu cầu người lao động tạm thời không di chuyển ra khỏi tỉnh Quảng Ninh để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh; tổ chức định kỳ lấy mẫu xét nghiệm xác suất, luân phiên tại các phân xưởng, nhà máy để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, bảo đảm thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến dịch…
Ngoài ban hành các văn bản, tỉnh Quảng Ninh còn thành lập nhóm Zalo báo cáo dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, giúp các doanh nghiệp kịp thời báo cáo cũng như tiếp nhận thông tin nhanh và hiệu quả nhất; cử người xuống các khu công nghiệp để nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch; thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, nhà nghỉ, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh, nhằm quản lý, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; liên tục đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp tại khu công nghiệp về xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, khai báo y tế, việc bố trí khu vực cách ly tạm thời tại công ty, cơ sở sản xuất…, nhất là việc tuyên truyền vận động thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Ngay từ khi đại dịch bùng phát, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh đã hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai giải pháp phòng dịch ở các doanh nghiệp; tiến hành rà soát, khai báo chuyên gia, người lao động nhập cảnh đến công tác tại địa phương; lập danh sách, tổ chức cách ly các trường hợp người lao động đến và đi qua các khu vực có người mắc COVID-19; yêu cầu Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tăng cường trách nhiệm trong quản lý sức khỏe, các điều kiện bảo đảm an toàn cho công nhân lao động, nhân viên của công ty, tổ chức xét nghiệm toàn diện, định kỳ 20% số lao động mỗi tuần.
Với các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp có nguy cơ bùng phát dịch, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ngành liên quan hoàn thiện mô hình công nhân lao động an toàn, nhà trọ an toàn, nhà máy an toàn, khu công nghiệp an toàn; tăng cường thông khí tại khu vực làm việc của người lao động; bố trí phòng cách ly, chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, hỗ trợ, chăm lo, bảo đảm đời sống cho công nhân, người lao động, ổn định và phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn kéo dài.
Cùng với việc giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cũng được quan tâm. Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hướng dẫn cho các doanh nghiệp khu công nghiệp việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi nhiễm; yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine; khuyến khích người lao động cài đặt ứng dụng Bluezone, khai báo y tế bằng QR Code. Những hoạt động này đã đẩy mạnh tinh thần cảnh giác của các doanh nghiệp lên mức cao nhất, tránh chủ quan, lơ là, cũng không bị hoang mang, lo lắng khi có dịch.
Kiên trì, chủ động từ sớm, từ xa “lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch”, với nguyên tắc: “Ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng ổn định tình hình”, đến nay ý thức phòng, chống dịch của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhà nghỉ, hàng quán đều chấp hành nghiêm việc giãn cách, nhiều quán ăn đã tạm nghỉ để phòng chống dịch; 100% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 cụ thể, phù hợp với từng nhà xưởng sản xuất, được chính quyền địa phương phê duyệt; tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 thông qua bộ chỉ số nhằm xác định các mức độ nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG, ngày 27-5-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19; cam kết thực hiện đúng các phương án phòng, chống dịch được phê duyệt của Ban Quản lý kinh tế Quảng Ninh.
Tất cả doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng đã triển khai phun khử khuẩn tại nơi làm việc; giữ khoảng cách của các công nhân, hạn chế nói chuyện và không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”; bố trí các tấm chắn ngăn giọt tại khu vực ăn uống tập thể của công nhân; thực hiện biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tại khu nhà trọ, xe đưa đón công nhân; thực hiện nghiêm quy định xét nghiệm ngẫu nhiên hàng tuần cho 20% số lao động của đơn vị và xét nghiệm toàn bộ cho người lao động tham gia cung ứng dịch vụ liên quan. Đến nay, cả 56 doanh nghiệp đã tổ chức xét nghiệm RT-PCR - gộp mẫu cho 7.816 lao động; tỷ lệ lao động cài đặt ứng dụng Bluezone đạt 26.200/31.100 người (chiếm 84,2% tổng số lao động trong doanh nghiệp khu công nghiệp); đến hết ngày 14-8-2021 đã có 22.023 người lao động được tiêm mũi vaccine thứ hai để ngừa COVID-19.
Nhờ việc áp dụng nhiều biện pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt mức cao 8,02%, đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, thu hút được hơn 22.400 tỷ đồng đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Một số khó khăn tồn tại và giải pháp
Mặc dù Quảng Ninh đang chủ động, kiên trì giữ vững “vùng xanh”, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lại thêm sự xuất hiện của biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ người mắc bệnh tử vong cao khiến việc phòng, chống dịch của tỉnh ngày càng nhiều thách thức, áp lực:
- Một số bộ phận cán bộ, doanh nghiệp, người lao động còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; một số hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất vì lợi nhuận mà hoạt động bất chấp, vi phạm các nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế.
- Khi có ca bệnh xuất hiện, dù đã chủ động chuẩn bị nhưng việc khoanh vùng, xử lý, cách ly của một số nơi còn lúng túng, chậm trễ khiến công tác dập dịch tốn kém, mất thời gian. Việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị đình trệ, ảnh hưởng đến đời sống người lao động.
- Công tác chỉ đạo ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt, thiếu cụ thể; cấp dưới chưa nghiêm túc, bám sát chỉ đạo của cấp trên; việc tổ chức, giám sát cách ly còn nhiều sơ hở; nhiều lao động khai báo lộ trình chưa trung thực; một số nơi còn thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có một lượng lớn người lao động nước ngoài, lao động ngoài tỉnh thường xuyên di chuyển, gây khó khăn cho công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh.
Để việc phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế hiệu quả, giữ vững “vùng xanh” an toàn, cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tổ chức đánh giá, đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện kịch bản phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng các hoạt động sau:
Một là, thường xuyên tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác xét nghiệm sàng lọc cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, hệ thống siêu thị, chủ cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, dịch vụ bán lẻ, hoạt động bưu chính, lái xe,… Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh - an toàn - hiệu quả, bảo đảm 100% người dân được tiêm đủ 2 mũi vacine. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh nhằm tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Hai là, kiểm soát chặt chẽ biến động nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng tại các khu ký túc xá, nhà ở, khu nhà trọ công nhân; yêu cầu người lao động không di chuyển ra ngoài tỉnh, trừ trường hợp đặc biệt do đơn vị cử đi; vận động người thân đang học tập, công tác ngoài tỉnh không di chuyển về địa phương; bố trí cho tất cả những người lao động ở tỉnh ngoài lưu trú và làm việc tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp người lao động phải di chuyển ra hay vào tỉnh đều phải trung thực khai báo y tế, nghiêm túc chấp hành việc cách ly theo quy định.
Các doanh nghiệp tạm thời dừng việc tuyển dụng lao động ngoài tỉnh, lao động trong tỉnh mới di chuyển từ vùng dịch về. Tạo môi trường làm việc thông thoáng, thường xuyên tiêu độc, khử trùng nhà máy, xí nghiệp, khu kinh doanh; điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thời gian làm việc, bảo đảm giãn cách, hạn chế tối đa việc tập trung đông người.
Ba là, tổ chức cho người lao động ký cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn và những người có liên quan (người cung cấp vật tư, vận chuyển hàng hóa,...); vận động 100% người lao động cài đặt ứng dụng Bluezone, khai báo y tế bằng QR Code; xử lí nghiêm các trường hợp không khai báo hoặc khai báo không trung thực.
Tiếp tục hoàn thiện phương án chống dịch ở các cấp độ; tổ chức diễn tập thuần thục, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ phận, phân xưởng sản xuất ở các khâu quản lý, điều trị, cách ly, hậu cần, bảo đảm không để bị động, lúng túng khi dịch bùng phát; tăng cường nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị, vật tư y tế cho các cơ sở y tế nhằm sẵn sàng đáp ứng tốt mọi tình huống phát sinh./.
Tỉnh Bắc Ninh tăng cường triển khai xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng  (07/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch COVID-19  (05/09/2021)
Hà Nội phân vùng giãn cánh, dập dịch triệt để ở “vùng đỏ” và “vùng cam”  (03/09/2021)
EVNNPC gửi tặng quà chia sẻ với đồng nghiệp khu vực phía Nam  (03/09/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên