Một số kết quả bước đầu trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” ở tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Là địa phương có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nhưng hơn 10 năm trước, Quảng Ninh vẫn được biết đến như là một trung tâm công nghiệp khai khoáng với những nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển du lịch. Để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và khai thác tiềm năng du lịch, tỉnh đã quyết định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” để khai thác các tiềm năng, phát triển bền vững.
Giải quyết “mâu thuẫn” của quá trình phát triển
Tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản và những giá trị về văn hóa, lịch sử để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long đặc sắc cùng với hơn 500 di tích, danh lam thắng cảnh đã được công nhận... Biển Quảng Ninh là vùng nước sâu, thuận lợi cho xây dựng cảng phục vụ giao thương trong nước và quốc tế nhưng giao thông đến Quảng Ninh lại bị chia cắt bởi các con sông, bãi lầy, cửa biển. Các tuyến đường di chuyển đến các tỉnh khác đều phải qua phà. Đây là những khó khăn cho phát triển kinh tế, trong đó có ngành du lịch.
Mặc dù có những tiềm năng to lớn để phát triển du lịch nhưng trên thực tế, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch còn khá nghèo nàn, không tương xứng với vị thế của một địa phương có di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tuy ngành du lịch của tỉnh qua mỗi năm đều có sự tăng trưởng nhất định, nhưng nhìn chung, tiềm năng, lợi thế về dịch vụ, du lịch của địa phương mới chỉ khai thác được “bề nổi”, chưa mang tính bền vững.
Trong giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu thu nội địa dựa vào than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách. Riêng số thu ngân sách từ ngành than đã chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm. Đóng góp của ngành công nghiệp, nhất là khai thác than với kinh tế của Quảng Ninh là chủ yếu. Kinh tế Quảng Ninh vẫn chỉ màu “nâu”, nghĩa là phát triển phụ thuộc nhiều vào công nghiệp khai khoáng. Đi cùng với khai thác than, các nhà máy sản xuất nhiệt điện, xi măng, đóng tàu tập trung bên bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã tác động không nhỏ đến môi trường du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển đảo, nguồn lợi thủy hải sản.
Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng đến giai đoạn 2011 - 2013, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Quảng Ninh sụt giảm nghiêm trọng, chỉ tăng từ 4,2% đến 4,7%, trong khi giai đoạn trước thường trên, dưới 10%. Đây là mức tăng trưởng dưới tiềm năng của một vùng sản xuất công nghiệp lớn của cả nước. Là một thủ phủ công nghiệp khai khoáng lớn của cả nước, đóng góp vào ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng tốc độ phát triển công nghiệp chậm lại cho thấy tiềm năng phát triển công nghiệp khai khoáng của Quảng Ninh đã dần đến mức tới hạn. Các mỏ than lộ thiên giảm trữ lượng do đã khai thác hàng thế kỷ, muốn tăng sản lượng phải đầu tư khai thác hầm lò tốn kém. Bởi vậy, nếu mãi dựa vào kinh tế “nâu”, Quảng Ninh có khả năng bị tụt hậu. Thực tiễn cho thấy mâu thuẫn lớn giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là một thách thức cần có giải pháp thỏa đáng để gỡ nút thắt trên con đường phát triển.
Giải quyết mâu thuẫn, thách thức đó đòi hỏi phải có sự thay đổi căn bản định hướng phát triển kinh tế. Từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đưa ra định hướng phát triển dựa trên triết lý: Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên - Con người - Văn hoá, phát huy nội lực, tranh thủ thu hút đầu tư trong xu thế hoà bình, hợp tác và hội nhập. Trong đó, phát huy lợi thế so sánh về địa kinh tế, hệ thống cảng biển để thu hút vốn đầu tư phát triển, phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài… Đồng thời, rà soát lại quy hoạch theo định hướng mới; hình thành hành lang, các chuỗi, cực tăng trưởng, đi đôi với tiếp nhận quá trình chuyển dịch đầu tư và phát triển công nghiệp từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các cực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực của những ngành có giá trị cao, tiềm năng và lợi thế lớn, có hàm lượng khoa học và công nghệ tiên tiến, mang lại giá trị gia tăng cao; xây dựng thương hiệu hàng hóa và một số lĩnh vực dịch vụ.
Thực hiện mục tiêu đó, tỉnh bắt đầu từ công tác quy hoạch, đi tiên phong thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chiến lược. Năm 2014, Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch có sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới, ý kiến của nhiều chuyên gia, làm nền tảng để phát triển bền vững và phát huy các lợi thế nổi trội. Mục tiêu của quy hoạch là giải quyết được các mâu thuẫn, thách thức của tỉnh, tạo bước đột phá, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm phát triển du lịch quốc tế, trở thành một trong những trung tâm kinh tế của miền Bắc và của cả nước. Tích cực đổi mới phương thức phát triển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’, trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”: Những kết quả bước đầu
Sau khi thông qua quy hoạch chiến lược phát triển, Quảng Ninh bắt tay vào triển khai thực hiện. Việc quan trọng đầu tiên được tỉnh xác định là tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách, đề xuất những cơ chế phù hợp thực tiễn và không trái với quy định pháp luật để khai thác tiềm năng, thế mạnh, mở rộng không gian phát triển của Quảng Ninh. Trong đó, nổi bật là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tỉnh đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa; thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là “vốn mồi” để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Nhờ có cơ chế, chính sách phủ hợp, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó vốn xã hội hóa chiếm trên 75%. Những tuyến đường động lực được xây dựng như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn… Bên cạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng cho phát triển du lịch cũng được quan tâm đầu tư. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược như: Vingroup, Sun Group, FLC group, BIM group, Tuần Châu,… đầu tư để hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái.
Tỉnh cũng tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thuỷ nội địa chuyên dùng tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông như: Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai (thành phố Hạ Long), Bến du thuyền Cột 3 (thành phố Hạ Long); Cảng tàu khách du lịch Vũng Đục (thành phố Cẩm Phả), Bến cảng đa năng tại đảo Hòn Miếu và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), Bến cảng tại đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái). Quảng Ninh cũng có những đề xuất, kiến nghị riêng đối với Bộ Giao thông Vận tải cho phép tỉnh thí điểm triển khai các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các tàu chở khách trên vịnh. Sau 2 năm triển khai thí điểm, đội tàu du lịch phục vụ du khách tham quan khu vực vịnh Bái Tử Long, huyện đảo Cô Tô đã phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và an toàn. Trong lĩnh vực du lịch, Quảng Ninh tập trung vào các giải pháp phát triển du lịch bền vững, xây thương hiệu du lịch địa phương. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường (trên địa bàn tỉnh đến nay có 12/14 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch, cụ thể là 33 tuyến, 88 điểm du lịch và 01 khu du lịch địa phương được công nhận). Các địa phương, như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Móng Cái… cũng đẩy mạnh tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa gắn với đặc thù địa phương hút thêm khách du lịch.
Ngành khai thác than phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, hoạt động khai thác than phải sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động đến môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Hạ tầng đi trước một bước đã giúp Quảng Ninh thu hút được số vốn đầu tư đáng kinh ngạc. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh thu hút gần 345.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt 300.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lớn đã có dự án tại Quảng Ninh như Foxconn, Amata, Vingroup, Sungroup…
Kết quả cơ cấu kinh tế đã không còn phụ thuộc vào khai khoáng. Tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% năm 2015 xuống còn 17,3% năm 2020, năm 2021 còn 16,9%; đóng góp của ngành than trong thu ngân sách nội địa của tỉnh chỉ còn chiếm 36%. Trong khi đó, giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo bình quân tăng 15%/năm, chiếm 9,6% trong cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế giai đoạn từ 2015 - 2020, khu vực dịch vụ tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức khoảng 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Du lịch, dịch vụ ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng số khách 5 năm ước đạt 55 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 11,9%/năm.
Quy mô nền kinh tế năm 2020 của Quảng Ninh ước đạt 211.476 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, bền vững với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ là 92%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách đạt gần 10 tỷ USD. Quảng Ninh cũng là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, đạt 65,5%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Quảng Ninh đạt 10,28%, đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành phố cả nước, nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,51%, cao hơn 0,5 điểm % so với cùng kỳ, cao hơn 0,3 điểm % so với chỉ tiêu kế hoạch; công nghiệp và xây dựng tăng 14,59%, tăng cao hơn 1,73 điểm % so với cùng kỳ; dịch vụ tăng 6,11%, tăng cao hơn 0,08 điểm % so với cùng kỳ. Năm 2021, ngành công nghiệp đã đóng góp khoảng 5,64/10,28 điểm % tăng trưởng GRDP với tỷ trọng chiếm 45,9% GRDP toàn tỉnh (tăng 13,12% so với năm 2020). Trong đó, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, công nghiệp than cũng được cải tiến mạnh mẽ bằng việc đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành các “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”. Năm 2021, ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng 16,9% và đóng góp 1,58 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tuy nhiên, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tổng thể, đồng bộ, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển “xanh” bền vững, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra./.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng phát triển bền vững ở tỉnh Quảng Ninh thời gian tới  (01/12/2022)
Phát triển hệ thống sản phẩm OCOP để khai thác lợi thế so sánh của các địa phương tỉnh Quảng Ninh  (29/11/2022)
Khơi thông nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông  (26/11/2022)
Tăng cường xúc tiến đầu tư nhằm thu hút công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường vào tỉnh Quảng Ninh  (26/11/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay