Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế số

NGUYỄN THÙY
16:15, ngày 19-12-2021

TCCS - Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách với các tỉnh và thành phố trên cả nước, tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm mục tiêu tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội từ chuyển đổi số, để xây dựng tỉnh Quảng Ninh từng bước trở thành một đô thị thông minh, hiện đại.

Dây chuyền sản xuất thiết bị âm thanh của Công ty Tonly Technology Limited tại Khu công nghiệp Ðông Mai (Quảng Ninh)_Ảnh: nhandan.vn

Quảng Ninh tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế số

Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ đưa ra nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số,... Chương trình đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Để thúc đẩu phát triển kinh tế số, Quảng Ninh ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gồm: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh. Quảng Ninh cũng công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin...

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh coi đây là một trong 15 đề án trọng tâm và đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Chương trình hành động số 01/CTr-TU, ngày 9-10-2020, của Tỉnh ủy. Quảng Ninh đặt mục tiêu là phải xây dựng Đề án Chuyển đổi số toàn diện của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với cách tiếp cận bám sát 6 quan điểm lớn được thể hiện trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Gần đây nhất, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo doanh nghiệp và sản phẩm Make in Viet Nam với chủ đề: “Doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”. Hội thảo được truyền trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số điểm cầu trên toàn quốc. Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã trình bày khái quát về nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh, nêu bật các điểm cốt lõi của Đề án về chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, chỉ ra cơ hội và thách thức của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế số; các cách thức phát huy các điểm mạnh vốn có của tỉnh để đón đầu các cơ hội; định hướng đột phá về năng lực trong những mảng mà tỉnh có tiềm năng, như phát triển công nghiệp số, phát triển thương mại điện tử…

Một số vấn đề đặt ra trong thời gian tới

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh xác định những nhiệm vụ lớn trong thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia và cụ thể hóa triển khai Đề án chuyển đổi số của tỉnh, như cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, gắn với nhiệm vụ đầu tiên mà tỉnh xác định quan trọng là đẩy nhanh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị để hướng tới cấp độ 3 của chính quyền số là quản trị dựa trên dữ liệu. Từ đó, tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị để phục vụ người dân ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.

Quảng Ninh cũng sẽ cần tập trung hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử để bảo đảm cơ sở vững chắc khi chuyển đổi sang chính quyền số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phải gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý.

Cùng với đó, để thúc đẩy phát triển Chính phủ số, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nghiên cứu thiết lập hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên một địa chỉ Internet để lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đều nắm được và trả lời nhanh nhất. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và bảo vệ thông tin cá nhân...

Có thể nói, phát triển kinh tế số chính là phương thức để thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển doanh nghiệp công nghệ số; từ đó thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới./.