Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam hiện nay

LÊ THỊ NAM AN
Trường Đại học Vinh
07:39, ngày 03-12-2021

TCCS - Trong quá trình thực thi công vụ, một số nhân tố khách quan và chủ quan đã tác động gây ra tình trạng lệch chuẩn đạo đức công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, làm giảm lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi công vụ. Do đó, cần phải xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm ngăn ngừa, khắc phục những tác động nghịch của các nhân tố đó đối với đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên  cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại An Giang_Ảnh: VGP

Một số nhân tố tác động gây ra tình trạng lệch chuẩn đạo đức công vụ

Hoạt động công vụ là một dạng hoạt động xã hội đặc biệt, yêu cầu về trình độ và đạo đức khá chặt chẽ. Đạo đức công vụ là yếu tố quan trọng bảo đảm sự tin cậy, minh bạch trong hoạt động công vụ; là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực dùng để đánh giá và điều chỉnh ứng xử của cán bộ, công chức, được thực hiện bởi lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ, niềm tin của họ trong quá trình thực thi công vụ. Tình trạng lệch chuẩn đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức Việt Nam hiện nay chịu tác động của một số nhân tố cơ bản sau:

Thứ nhất, do tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường. Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước ở nước ta đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có đạo đức công vụ. Nền kinh tế thị trường một mặt giải phóng các nguồn lực phát triển…, nhưng mặt khác cũng làm nảy sinh nhiều tiêu cực xã hội, nhất là tâm lý sùng bái đồng tiền, đề cao cá nhân chủ nghĩa, xem nhẹ những giá trị đạo đức, nhân phẩm…, từ đó làm suy giảm những chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc, hành vi trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai, do tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, giúp đội ngũ cán bộ, công chức có điều kiện học hỏi, tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ, những kinh nghiệm quý trong vận hành nền công vụ của các nước trên thế giới, những chuẩn mực và giá trị đạo đức công vụ…, từ đó góp phần xây dựng nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính, phục vụ… Nhưng mặt khác, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng tạo ra thách thức lớn cho các quốc gia trong việc duy trì, bảo vệ, củng cố và giữ gìn bản sắc văn hóa, đạo đức, truyền thống dân tộc... Thực tế cho thấy, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một bộ phận cán bộ, công chức ở nước ta đã không giữ được bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, sa vào những cám dỗ vật chất, tha hóa đạo đức,...

Thứ ba, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng được hoàn thiện; vai trò của pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội được đề cao. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống pháp luật cũng tồn tại một số những hạn chế, yếu kém, như: “Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định”(1), “Một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn”(2). Trên thực tế, không ít cán bộ, công chức đã lợi dụng sự chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật để trục lợi, tham ô, tham nhũng, chạy theo lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân, vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ, cũng như quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức.

Thứ tư, do ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ. Chính tư tưởng tư lợi, thu vén cá nhân nảy sinh trong nền sản xuất nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi”(3), ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, lối sống lành mạnh, mẫu mực của người cán bộ, công chức. Tư tưởng gia trưởng, cục bộ, địa phương chủ nghĩa hình thành trong nền sản xuất nhỏ đã ảnh hưởng lớn đến không ít cán bộ, công chức, làm quá trình thực thi công vụ thiếu chuyên nghiệp, tác phong làm việc tùy tiện, không chịu khó học hỏi, hách dịch, cửa quyền... Tầm nhìn còn hạn chế và lối làm việc nặng về kinh nghiệm chủ nghĩa của không ít cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị cũng là lực cản lớn đối với sự phát triển của nền công vụ nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài”(4).

Thứ năm, hệ thống nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa chặt chẽ, cụ thể. Bất kỳ công việc nào, khi phân cấp, phân quyền, phân công công việc thì quy định trách nhiệm càng cụ thể, việc thực hiện nghĩa vụ đạo đức của cá nhân sẽ càng mang tính tự giác. Trong hoạt động công vụ, nếu cơ quan, đơn vị xây dựng hệ thống nội quy, quy định cụ thể, chặt chẽ thì sẽ góp phần nâng cao ý thức đạo đức và hành vi đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Ngược lại, nếu hệ thống nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị về trách nhiệm công vụ còn chung chung, thiếu chặt chẽ, cụ thể thì việc lệch chuẩn đạo đức công vụ dễ xảy ra. Cùng với đó, việc đề ra nội quy, quy định nhưng không có cơ chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật nghiêm thì cũng khó siết chặt kỷ luật công vụ. Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn đánh giá thực trạng trên: “Thực hiện đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước chưa đi vào thực chất”(5); “Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra còn chồng chéo”(6); “Công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc thực hiện trong thực thi công vụ một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm, nhất là ở cấp cơ sở”(7).

Thứ sáu, công tác giáo dục đạo đức công vụ chưa được coi trọng đúng mức. Hiện nay, tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp nói chung, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói riêng còn nặng về đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng, chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục và thực hành đạo đức công vụ. “Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ”(8). Bên cạnh đó, “nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”(9) cũng khiến cho việc giáo dục đạo đức cho người học chưa hiệu quả.

Thứ bảy, ý thức rèn luyện đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. “Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”(10). Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức do ý thức rèn luyện đạo đức công vụ chưa cao, dẫn đến lệch chuẩn đạo đức công vụ. Biểu hiện của lệch chuẩn đạo đức công vụ là thái độ không đúng chuẩn mực trong công việc, như quan liêu, nhũng nhiễu, lạm quyền, tham nhũng, lãng phí… Những biểu hiện đó có thể do nhiều nguyên nhân về động cơ, mục đích, về nhận thức..., trong đó có nguyên nhân từ việc thiếu ý thức rèn luyện đạo đức công vụ.

Một số giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay

Công an thành phố Hà Nội làm các thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp cho nhân dân_Ảnh: vnexpress.net

Để khắc phục những tác động tiêu cực của các nhân tố trên đến đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xây dựng thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng. “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành nghiêm pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đầy đủ, đồng bộ, khả thi, chi phí tuân thủ thấp, hiện đại, hội nhập, có sức cạnh tranh quốc tế”(11). Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đổi mới việc phân cấp, phân quyền… Chế độ sở hữu minh bạch, quản lý hiện đại, phân phối hợp lý góp phần khắc phục những lệch chuẩn đạo đức của cán bộ, công chức trong việc chỉ đạo, tổ chức, thực hiện công vụ, nhất là các vấn đề liên quan đến phân bổ ngân sách, quản lý vốn nhà nước, quản lý đất đai, sử dụng vốn và tài sản nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước…, vốn hay xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch…

Hai là, xây dựng kế hoạch, lộ trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong hoạt động công vụ. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong hoạt động công vụ là kế thừa, chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại, trong đó có giá trị đạo đức để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam vừa “hồng”, vừa “chuyên” trong thực hiện nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Theo đó, Nhà nước cần có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức những giá trị, tinh hoa đạo đức công vụ của các nền hành chính mẫu mực trên thế giới, trên nền tảng có năng lực, ý thức trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Đội ngũ cán bộ, công chức phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức được vai trò, vị trí, bổn phận và trách nhiệm của mình trong hoạt động công vụ, xác định được các chuẩn mực đạo đức công vụ và các giới hạn hành vi.

Ba là, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tiêu chuẩn, nguyên tắc pháp quyền hiện đại. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách là một trong những giải pháp ngăn ngừa, khắc phục từ gốc sự lệch chuẩn đạo đức công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay. Hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, công bằng, không thiên vị, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp… sẽ là cơ sở quan trọng để hạn chế những vi phạm, sai phạm đạo đức công vụ do lợi dụng những “kẽ hở” của pháp luật. Nghiên cứu luật hóa các chuẩn mực đạo đức công vụ để tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, bằng xây dựng Luật Đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và của người dân.

Bốn là, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục tâm lý tiểu nông, sự thiếu chuyên nghiệp trong thực thi công vụ. Cần xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, khắc phục tư duy kinh nghiệm, tâm lý tiểu nông, bệnh hình thức, quan liêu trong tư duy, tác phong, lối sống, tính cách của cán bộ, công chức ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của nền công vụ.

Năm là, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng hệ thống nội quy, quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ một cách chặt chẽ, cụ thể. Thường xuyên bổ sung, đổi mới hệ thống nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ nhằm phù hợp với tình hình, điều kiện xã hội ở những giai đoạn cụ thể. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức để nâng cao ý thức kỷ luật, ngăn ngừa, khắc phục các tư tưởng, hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp trong tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức. “Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu…”(12) và “tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức”(13).

Sáu là, nâng cao chất lượng việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức công vụ. Bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người học, cần chú trọng giáo dục các chuẩn mực đạo đức công vụ, các yêu cầu đạo đức nghề nghiệp. Cùng với việc giảng dạy lý thuyết cơ bản, cần áp dụng những phương pháp giảng dạy mang tính thực hành, như thảo luận, trao đổi, ứng xử các tình huống nghề nghiệp nhằm nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức. Cùng với quá trình được đào tạo, bồi dưỡng, cần nâng cao ý thức tự rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Sự tự ý thức, tự giáo dục, rèn luyện và thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức có vai trò rất quan trọng. Trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc, mà còn phải rèn luyện các chuẩn mực đạo đức công vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đề cao vai trò nêu gương trong đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng cơ chế, chính sách khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ, công chức thực hiện tốt các nguyên tắc, quy tắc đạo đức công vụ; đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức có ý thức, hành vi lệch chuẩn đạo đức công vụ./.

---------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 67
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 79
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 213
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 605 - 606
(5), (6), (7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 75, 76, 80
(8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 82
(10), (11), (12), (13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 174 - 175, 98, 142, 148