Vai trò của trường đại học trong hệ thống đổi mới sáng tạo: Thực tiễn trên thế giới và liên hệ với Việt Nam
TCCS - Ngày nay, các trường đại học đóng vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của các quốc gia, thông qua các sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, công nghệ mới, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...
Đóng góp đối với hệ thống đổi mới sáng tạo
Thứ nhất, trường đại học đi đầu trong đổi mới thông qua việc thực hiện các sứ mệnh cụ thể.
Các trường đại học đóng góp vào hệ sinh thái đổi mới thông qua các cơ chế khác nhau và thường thể hiện ở ba sứ mệnh sau: (1) Cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng thích hợp thông qua giảng dạy; (2) Thúc đẩy sự phát triển của tri thức khoa học - kỹ thuật thông qua nghiên cứu khoa học; (3) Chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ từ nhà trường đến các tổ chức sản xuất, kinh doanh và xã hội thông qua chuyển giao công nghệ (1). Các hoạt động kiến tạo và chuyển giao tri thức, công nghệ được coi là động cơ của sự phát triển xã hội, văn hóa và kinh tế (2). Các trường đại học thực hiện một số hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo bao gồm cấp bằng sáng chế, cấp phép, hợp tác nghiên cứu, tư vấn, kết nối mạng, giáo dục và hỗ trợ khởi nghiệp.
Trường Đại học công nghệ TU Delft (Hà Lan) coi việc tạo điều kiện và thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ thông qua đổi mới là sứ mệnh xã hội của mình. Để tăng cường các hoạt động này, TU Delft tập trung vào thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thông qua cách tiếp cận toàn diện bao gồm các chương trình hỗ trợ đối với các giai đoạn và các tác nhân khác nhau liên quan đến đổi mới. Cùng với công ty con Delft Enterprises, TU Delft Holding đóng vai trò hỗ trợ quan trọng quá trình này. Hợp tác sâu rộng với cộng đồng doanh nghiệp tạo nền tảng quan trọng trong việc cung cấp cho xã hội những sản phẩm và dịch vụ phát triển. Hợp tác với các tổ chức tri thức khu vực, các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ đóng vai trò cốt yếu. Khung chiến lược của TU Delft trong giai đoạn 2018 - 2024 đề ra một trong những mục tiêu chính là tăng cường sự tham gia của nhà trường trong hàng loạt quan hệ đối tác công - tư như là yếu tố hỗ trợ lý tưởng cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, chính phủ và nhà nghiên cứu.
Thứ hai, trường đại học đóng vai trò tích hợp cho hệ thống đổi mới.
Các trường đại học là tác nhân của đổi mới, có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia sở tại và khu vực. Các trường cộng tác với các tổ chức trong hệ sinh thái thông qua việc tài trợ và chia sẻ tài nguyên, kiến thức, năng lực. Các trường đại học đi đầu trong việc phát triển các khu vực đổi mới nói riêng và hệ sinh thái đổi mới nói chung; thiết lập sự hỗ trợ linh hoạt nhằm kết nối khu vực công - tư. Các trường đại học thường xuyên đóng vai trò là tổ chức điều phối hoạt động của các bên liên quan trong hệ sinh thái, đồng thời cung cấp kỹ năng lãnh đạo và tầm nhìn.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ ngày nay liên tục tạo ra những cơ hội mới trong kinh doanh. Các công nghệ mới có đặc tính phức tạp hơn và đòi hỏi những hình thức hợp tác mới giữa các chủ thể. Từ đó, đòi hỏi các phương pháp tiếp cận mới để chuyển giao tri thức, khoa học, công nghệ từ các trường đại học đến ngành công nghiệp, góp phần phát triển một thế hệ các nhà lãnh đạo đổi mới. Các trường đại học đóng vai trò chủ chốt trong hệ sinh thái đổi mới, đặc biệt là khi tích hợp quá trình sáng tạo tri thức với ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau.
Các trường đại học còn cung cấp cơ sở nền tảng bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chuyên môn, bí quyết và không gian hợp tác để thúc đẩy tiềm năng đổi mới. Một số trường đại học đồng sở hữu và chia sẻ cơ sở nền tảng đó với ngành công nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường sự hợp tác, đổi mới. Việc cho phép doanh nghiệp, khu vực công và người dân tiếp cận hạ tầng của trường đại học là rất quan trọng đối với quá trình đổi mới để biến các ý tưởng thành các mô hình, sản phẩm hiện thực và đưa ra thị trường. Việc chia sẻ này giúp gia tăng quá trình đổi mới, giảm rủi ro, tăng khả năng chấp nhận các ý tưởng, sản phẩm mới, tối đa hóa việc chia sẻ kiến thức mới. Đơn cử như ở Mỹ, các khu công nghệ cao lâu đời và thành công nhất đều được thành lập trong khuôn viên hoặc gần các trường đại học (như trường Đại học Stanford và Thung lũng Silicon; trường Đại học Cornell và khu công nghệ cao Cornell; trường Đại học Texas và khu công nghệ cao Austin...). Việc lựa chọn vị trí như vậy giúp thiết lập mối quan hệ khăng khít giữa ngành công nghiệp, các nhà khoa học và chính quyền.
Thứ ba, trường đại học cung cấp “nhiên liệu” cho đổi mới.
Các trường đại học đầu tư (tài chính, thời gian và các nguồn lực khác) trực tiếp vào những nghiên cứu có mức độ rủi ro cao thông qua các chương trình đánh giá tính khả thi, cộng tác với các chủ thể khác nhau để tăng mức độ ứng dụng công nghệ của các sáng chế. Các trường đại học đầu tư vào “thung lũng chết” (giai đoạn nằm giữa phát minh và phát triển sản phẩm), vừa hỗ trợ trực tiếp, vừa kết nối các bên liên quan. Trường hỗ trợ đổi mới thông qua các tổ chức cụ thể, như văn phòng chuyển giao công nghệ và dưới các hình thức khác nhau. Có sáu hoạt động hỗ trợ đổi mới phổ biến ở các trường đại học, bao gồm: thương mại hóa nghiên cứu, gắn kết học thuật, hỗ trợ hình thành và phát triển khởi nghiệp, tài trợ, giáo dục tinh thần kinh doanh cho sinh viên và tạo ra môi trường kinh doanh trong trường đại học (3).
Các trường đại học tích cực và trực tiếp thúc đẩy thành tựu R&D (nghiên cứu và phát triển) của họ tới các ngành công nghiệp và doanh nghiệp bằng cách cấp giấy phép sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và khu vực thông qua việc giúp các doanh nghiệp tiếp nhận và sử dụng các công nghệ mới. Bên cạnh đó, với tư cách là cơ sở ươm tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao, tận dụng lợi thế tri thức, các trường đại học trực tiếp thành lập và quản lý các công ty công nghệ để hỗ trợ phát triển kinh tế bằng cách thực hiện ươm tạo đổi mới dựa trên sáng kiến riêng của họ.
Thực tiễn cho thấy, hầu hết các học giả đều thừa nhận vai trò quan trọng của trường Đại học Stanford đối với sự phát triển của Thung lũng Silicon (Mỹ). Từ năm 1970, Văn phòng cấp phép công nghệ của trường Đại học Stanford được thành lập và trong bốn thập niên tiếp theo đã công bố khoảng 8.300 bằng phát minh và cấp hơn 3.500 giấy phép. Các phát minh đáng chú ý được Văn phòng cấp phép bao gồm tổng hợp âm thanh FM, công nghệ tái tổ hợp DNA, kháng thể chức năng và công nghệ đường dây thuê bao kỹ thuật số được thương mại hóa bởi Texas Instruments. Giấy phép nổi tiếng nhất mà Văn phòng cấp phép là cho Google.
Thứ tư, trường đại học cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Hợp tác với ngành công nghiệp và giáo dục về tinh thần kinh doanh là những khía cạnh quan trọng cần thiết để hỗ trợ từng bước trong quá trình phát triển và đi đến thành công của khoa học - công nghệ. Các trường giáo dục về tinh thần kinh doanh cho giảng viên và sinh viên, cung cấp các chương trình cố vấn và các cuộc thi kinh doanh.
Thúc đẩy sự sáng tạo là chìa khóa để khuyến khích đổi mới trong quá trình phát triển. Do đó, các trường đại học tạo ra không gian sáng tạo ở các phòng thí nghiệm, nơi sinh viên có thể tự do sáng tạo và gặp gỡ các doanh nghiệp để phát triển. Các trường đại học đóng vai trò là điểm hẹn, tạo ra không gian cho các cá nhân quan tâm đến khởi nghiệp, nơi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp mới hình thành và các doanh nghiệp lâu năm.
Theo đó, các trường đại học giúp thể chế hóa và tăng uy tín cho quá trình khởi nghiệp theo ba cách (4): Trước tiên là truyền bá thông điệp khởi nghiệp là một lựa chọn nghề nghiệp chứ không phải là phương sách cuối cùng, đầy rủi ro. Thứ hai, nhà trường giúp mang lại các giá trị xã hội cho phép thử nghiệm và sáng tạo kinh doanh, như: khuyến khích chấp nhận thất bại kinh doanh là vấn đề tất yếu trong quá trình khởi nghiệp và phân biệt nó với thất bại cá nhân; thúc đẩy khả năng chấp nhận sở hữu chung giữa các nhà sáng lập, nhân viên và nhà đầu tư khi không có bên nào giữ quyền kiểm soát tuyệt đối đối với doanh nghiệp. Cuối cùng là sự hoàn thiện của chính quá trình khởi nghiệp đạt được bằng cách nghiên cứu từ thực tiễn các mô hình kinh doanh tốt nhất. Các trường đại học có nhiều cách để tạo ra ảnh hưởng của mình, bao gồm giáo dục chính thức (các khóa học, chương trình giảng dạy); trải nghiệm học tập ngoại khóa (bao gồm các trung tâm nghiên cứu, vườn ươm và mô hình tăng tốc khởi nghiệp); các hoạt động tự tổ chức (như các tổ chức kinh doanh của học sinh và các cuộc thi).
Trường Đại học Khoa học Công nghệ Norway (NTNU) là một ví dụ có định hướng khoa học và công nghệ mạnh mẽ. Chiến lược năm 2020 của NTNU thể hiện rõ rằng, tất cả sinh viên sẽ được giới thiệu về tinh thần kinh doanh và đổi mới trong quá trình học. Trước đó, năm 2013, TrønderEnergi, một công ty tiện ích lớn đã đề nghị hợp tác chặt chẽ với trường NTNU. Sự mở rộng hợp tác này chủ yếu thông qua việc phát triển một phương pháp để thu hút nhiều sinh viên làm việc với sự đổi mới và tinh thần kinh doanh. Đây là một nỗ lực chung để đưa tất cả sinh viên NTNU vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, mang lại nhiều ý tưởng đổi mới hơn ở cấp độ quốc gia và khu vực. Năm 2014, NTNU ra mắt Spark NTNU, một sáng kiến kinh doanh ngoại khóa, đào tạo miễn phí quá trình khởi nghiệp cho tất cả sinh viên. Kể từ khi ra mắt, Spark NTNU đã thực hiện hơn 360 dự án đào tạo cho các doanh nghiệp.
Thứ năm, trường đại học là trụ cột của khoa học mở và đổi mới mở rộng toàn cầu.
Các trường đại học kết nối với nhau và với doanh nghiệp để khai thác các cơ hội đến từ nghiên cứu khoa học, tích hợp các nguồn tri thức khác nhau và là đầu mối mở ra cánh cửa cho chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu và đổi mới vừa có tính khu vực, vừa có tính toàn cầu. Do vậy, các quốc gia, một mặt, duy trì sự cạnh tranh lẫn nhau, mặt khác, hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu. Tri thức khoa học - công nghệ sẽ ngày càng được phổ biến rộng rãi thông qua các nhà nghiên cứu, các công cụ kiến thức được hệ thống hóa. Do đó, điều cấp thiết là phải tối đa hóa năng lực quốc gia và khu vực để thu hút và sử dụng nhân tài, tăng cường khả năng cạnh tranh, hỗ trợ phát triển các thị trường thông qua xây dựng lòng tin và khuyến khích hợp tác với các đối tác nghiên cứu toàn cầu.
Các trường đại học là những tổ chức có lợi thế về mặt này. Khi phân tích những yếu tố giải thích lý do các doanh nghiệp quyết định duy trì hay chuyển các hoạt động R&D ra ngoài khu vực cho thấy, “chất lượng nhân sự R&D và khả năng tiếp cận mạng lưới tri thức là những yếu tố quan trọng nhất để xác định vị trí các hoạt động R&D trong một quốc gia hoặc khu vực nhất định. Sự hỗ trợ của cộng đồng cho R&D dường như được xếp vào vị trí thứ yếu trong quyết định định vị hoạt động R&D”(5). Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia xung quanh các tổ chức quan trọng có khả năng kết nối với tất cả các bên liên quan để huy động nhân tài và nguồn tài trợ. Các trường đại học thể hiện năng lực kết nối mạnh mẽ, chuyên sâu về tri thức ở cấp độ toàn cầu và có tính chất đa ngành. Đây là những thực thể quan trọng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân phát triển theo hướng quốc tế hóa.
Trường Đại học Bách khoa Milano (PoliMi) của Italia có cơ sở ở Trung Quốc - được thành lập vào năm 2011 - có hai mục tiêu chính: Phát triển các hoạt động nghiên cứu và giáo dục của PoliMi tại Trung Quốc; hợp tác với các trường đại học uy tín nhất Trung Quốc để phát triển và khai thác công nghệ. Chương trình Sof Landing ở Hong Kong là một nền tảng dành cho các công ty khởi nghiệp và nhóm nghiên cứu từ các khu công nghệ cao nổi tiếng ở nước ngoài, viện R&D, vườn ươm và các doanh nghiệp mới thành lập để quảng bá đổi mới sáng tạo và công nghệ của họ cho ngành công nghiệp Hồng Kông. Công ty HKSTP hỗ trợ và cung cấp nguồn lực để tiếp cận các cơ hội kinh doanh ở Hồng Kông cũng như Trung Quốc đại lục.
Liên hệ với Việt Nam
Thực tiễn cho thấy, vai trò của các trường đại học đối với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều quan trọng là cần khuyến khích việc thực hiện nghiên cứu khoa học gắn liền với nhu cầu của nền kinh tế. Nhà nước cần quan tâm khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực, định hướng và hỗ trợ tài chính cho R&D. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu các trường đại học có năng lực R&D mạnh. Nhìn vào các bảng xếp hạng đại học thế giới, Việt Nam chỉ có 2 - 3 trường, bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa…, song cũng xếp ở nhóm thứ hạng chưa cao.
Công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các vấn đề liên quan đến sản xuất - kinh doanh, chưa được coi trọng ở một số trường đại học. Ví dụ, một nghiên cứu về Trường Đại học Cần Thơ năm 2018 cho thấy nhiều giảng viên chưa tham gia nghiên cứu khoa học (6). Trong số 150 giảng viên thì có 41,3% giảng viên chưa chủ trì đề tài nghiên cứu; 30,7% giảng viên chưa là thành viên đề tài; 48% giảng viên chưa có bài báo khoa học; 34,7% giảng viên chưa thực hiện báo cáo khoa học ở đơn vị; 50% giảng viên chưa viết bài tham luận hội nghị/hội thảo khoa học... Các bộ, ngành và tổ chức liên quan cần xây dựng định hướng nghiên cứu để giảm thiểu sự trùng lặp của các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học và gắn liền với đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp. Quan tâm nghiên cứu cơ bản mang tính đột phá.
Các cơ chế, chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học cần thúc đẩy năng lực sáng tạo của cả tổ chức và cá nhân. Cần tăng cường các chính sách sử dụng, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ nhân lực này. Mức chi cho sự nghiệp khoa học - công nghệ còn chiếm tỷ lệ thấp và dàn trải ở các bộ, ngành, địa phương, chưa tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm, then chốt. Chi tiêu R&D bình quân/người của Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2015, Việt Nam chỉ chi 15 USD/người cho R&D, trong khi đó Thái Lan chi 64 USD/người, Malaysia: 260 USD/người, Trung Quốc: 300 USD/người, Nhật Bản chi hơn 2.300 USD/người (7). Chi tiêu R&D trong năm 2017 chiếm 0,53% GDP (8). Chính phủ dự kiến tăng con số này lên trên 1,2% đến năm 2025 và trên 1,5% đến năm 2030. Kể cả khi đạt được mục tiêu đề ra thì đây vẫn là mức chi thấp và cần được cải thiện trong thời gian tới.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu trọng điểm tại một số trường đại học có tiềm năng ở gần các khu công nghệ cao quốc gia, như: Phối hợp xây dựng các chương trình nghiên cứu; phối hợp thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ; phối hợp đầu tư và vận hành các phòng thí nghiệm trọng điểm; phối hợp tài trợ các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Trên thực tế, nhiều trường đại học chưa thực sự quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng, hiệu quả của việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong việc tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu. Hiện nay, đã có một số quan hệ hợp tác, như giữa trường Đại học Dược Hà Nội và Công ty cổ phần Traphaco, giữa trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội và Tập đoàn HiPT, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, bởi các nghiên cứu của trường đại học nhiều khi đi chậm một bước về mặt thời gian so với nhu cầu của thị trường; đồng thời, các trường đại học chưa thực sự tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường để nghiên cứu, thậm chí không đủ khả năng bám đuổi, đáp ứng theo nhu cầu, đề xuất của doanh nghiệp.
Đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học đồng nghĩa với việc kết thúc ý tưởng nghiên cứu và chuẩn bị các ý tưởng nghiên cứu tiếp theo. Cho đến nay, chưa có nhiều trường đại học, tổ chức khoa học - công nghệ xây dựng cơ sở dữ liệu, lập hồ sơ lưu trữ và đánh giá các đề tài nghiên cứu sau khi được nghiệm thu. Nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chưa quan tâm đến việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức nghiên cứu thực hiện công khai các kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh nghiên cứu trùng lặp và thực hiện sự tham khảo kế thừa trong nghiên cứu khoa học. Việc công bố các kết quả nghiên cứu khoa học ra công chúng sẽ thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ trong và ngoài nước.
Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam còn thiếu các văn phòng chuyển giao công nghệ, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Phần lớn các trung tâm và bộ phận thương mại hóa công nghệ tại trường đại học không có tư cách pháp nhân nên khó vay vốn ngân hàng. Do vậy, để thắt chặt mối liên kết “ba nhà” này, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, làm cầu nối để trường đại học và doanh nghiệp hợp tác với nhau. Bên mua các sản phẩm và dịch vụ khoa học - công nghệ trong từng ngành, lĩnh vực hay vùng, miền là khác nhau và “cầu” của thị trường phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người mua. Sức mua cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách điều chỉnh và cân bằng cung - cầu của thị trường.
Có thể thấy, rất nhiều trường đại học trên thế giới đã tích cực tham gia hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và mang lại những thành tựu đáng kể. Ở Việt Nam, vai trò của các trường đại học trong đổi mới sáng tạo còn có những hạn chế, bởi nguồn lực, đặc biệt là năng lực nghiên cứu và thương mại hóa. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ các trường đại học nâng cao năng lực và trở thành trụ cột cho đổi mới nước nhà./.
----------------------
(1), (3) Bedford, T., Kinnaird, Y., Migueis, R., Paolucci E, Wijlands, B., Vos, A.:“Role of universities of science and technology in innovation ecosystems: towards mission 3.1”, October 2018, Cesaer white paper
(2) Etzkowitz, H., & Leydesdorff, L.: “The dynamics of innovation: from National Systems and “Mode 2” to a Triple Helix of university - industry - government relations”, February 2000, Research policy, 29 (2), tr. 109 - 123
(4) Engel, J. S.: “Global Clusters of Innovation: Lessons from Silicon Valley”, California Management Review, 57 (2), February 1, 2015, https://doi.org/10.1525/ cmr.2015.57.2.36
(5) Cincera, M., & Santos, A.M.: ““Countries” attractiveness: An analysis of EU firms’ decisions to (de)localize R&D activities”, 2017, iCite Working Papers, ULB - Universite Libre de Bruxelles
(6) Đào Ngọc Cảnh: “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trường Đại học Cần Thơ”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 54 (7), tr. 117 - 121
(7) An Linh: “Chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam thua xa Thái Lan, Trung Quốc”, ngày 20-3-2019, https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chi-cho-nghien-cuu-va-phat-trien-cua-viet-nam-thua-xa-thai-lan-trung-quoc-20190320141319817.htm
(8) World Bank: “Research and development expenditure (% of GDP) - Vietnam”, tháng 9-2021, https://data.worldbank.org/indicator/ GB.XPD.RSDV.GD.ZS?locations=VN&most_recent_year_desc=false
Quan điểm của Đảng về đổi mới sáng tạo qua các kỳ đại hội  (28/11/2021)
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Học viện Chính trị khu vực I  (18/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11  (15/11/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam