Nhận thức về mối liên hệ giữa “xã hội rủi ro” và an ninh phi truyền thống
TCCS - Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đang đối mặt với những thách thức, rủi ro khó lường từ bên ngoài, như khủng bố, khủng hoảng tài chính, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... Tất cả những rủi ro này đều có chung đặc tính là “khó đoán định”, không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết, cho thấy xu hướng an ninh phi truyền thống đã, đang ngày càng hiện hữu với những tác động sâu sắc và toàn diện.
"Xã hội rủi ro”
Rủi ro là những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm hoặc các yếu tố liên quan đến nguy hiểm, khó khăn hoặc điều không chắc chắn có thể xảy ra cho con người(1). Rủi ro có thể đo lường được, tìm ra biện pháp phòng ngừa, hạn chế, thậm chí có thể tìm thấy những cơ hội từ “rủi ro”. Rủi ro có thể hiện diện ở bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống con người, từ kinh tế, chính trị đến y tế, an ninh, sức khỏe, dịch bệnh, môi trường...
Trong xã hội hiện đại, khi con người càng đón nhận nhiều cơ hội cho sự phát triển, thì đồng thời cũng phải đối mặt với sự gia tăng rủi ro. “Xã hội rủi ro” là những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm hoặc các yếu tố liên quan đến nguy hiểm, khó khăn hoặc điều không chắc chắn có thể xảy ra cho con người ở các cấp độ từ cá nhân đến cộng đồng, xã hội, khu vực và toàn thế giới. “Xã hội rủi ro” thực chất là sự mở rộng cường độ và phạm vi của rủi ro.
“Xã hội rủi ro” có những đặc trưng cơ bản: Thứ nhất, đe dọa tất cả mọi người, như: nguy cơ phóng xạ, ô nhiễm nguồn nước, phá hủy môi trường sống, biến đổi gien…; thứ hai, mang tính xuyên quốc gia, trong xu thế toàn cầu hóa, các rủi ro đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, trở thành “rủi ro toàn cầu”, như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... Thực tế cho thấy, mọi người trong xã hội hiện nay đều ít nhiều đang phải đối mặt với “tính bất định”, “tính không thể kiểm soát”, “sự không chắc chắn”, sự lo âu và bất ổn... Những vụ khủng bố liên tiếp ở các nước châu Âu, Mỹ... hay dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua là những minh chứng cho điều này.
Xuất phát từ hai đặc trưng trên, để kiểm soát rủi ro trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần không làm gia tăng thêm rủi ro; nếu không lường tính được hệ quả của rủi ro thì cân nhắc kỹ lưỡng hành động; các vấn đề toàn cầu phải có các giải pháp toàn cầu, con người có thể giảm thiểu rủi ro bằng hành động có trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng, xã hội…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự gia tăng những mối đe dọa và rủi ro, như: sự phá hủy môi trường, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính, chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực… đang đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp đến an ninh của các quốc gia.
An ninh phi truyền thống
Trước những rủi ro toàn cầu như hiện nay, tư duy về an ninh theo cách cũ là chưa đầy đủ, đòi hỏi cần quan tâm đến khái niệm mới hơn và tương hợp hơn với bối cảnh toàn cầu hóa - “An ninh phi truyền thống”.
An ninh phi truyền thống được hiểu theo nghĩa an ninh quốc gia không đơn thuần là việc ngăn chặn những mối đe dọa đến từ các chủ thể chính trị và quân sự. Bởi vì, không chỉ các nhân tố chính trị hay quân sự mới có năng lực uy hiếp an ninh quốc gia, mà còn có nhiều nhân tố phi chính trị và phi quân sự khác cũng có khả năng gây ra tổn hại cho các quốc gia, như nhân tố môi trường, tài chính, di cư, dịch bệnh, khủng bố... Những hiểm họa, rủi ro đến từ các nhân tố phi chính trị, phi quân sự xuyên quốc gia hiện nay. Các nhân tố xuyên quốc gia này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp và uy hiếp đến sự phát triển, ổn định của các quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Mặc dù còn một số điểm khác nhau, nhưng về cơ bản, các quan niệm đều thống nhất cho rằng: An ninh phi truyền thống là sự mở rộng của phạm trù an ninh truyền thống. Nó phản ánh những hiểm họa, rủi ro mới xuất hiện trong những thập kỷ gần đây, gây ảnh hưởng tới cá nhân, cộng đồng, quốc gia, khu vực và toàn cầu(2).
Nếu an ninh truyền thống coi sự an toàn của quốc gia là tối thượng, lấy ổn định chính trị và quân sự làm mục tiêu chính; lấy phương thức vũ lực, chiến tranh để bảo vệ an ninh quốc gia..., thì an ninh phi truyền thống không chỉ xác định đối tượng cần bảo vệ là chủ thể quốc gia, mà còn mở rộng phạm vi bảo vệ là cá nhân, cộng đồng, cho đến khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, an ninh phi truyền thống không chỉ coi những tác nhân đe dọa an ninh đến từ khu vực quân sự hay chính trị, mà còn xem xét cả những tác nhân đến từ thị trường, xã hội, tự nhiên, những vấn đề toàn cầu.
Như vậy, với an ninh truyền thống, quốc gia là đối tượng cần được bảo vệ, đồng thời là chủ thể của hành vi bảo vệ; còn với an ninh phi truyền thống, mục tiêu xuyên suốt và suy cho cùng, chính là bảo vệ con người.
An ninh phi truyền thống chỉ ra rằng, cho dù một quốc gia có giữ được trạng thái ổn định chính trị, không bạo loạn quân sự, thì điều đó cũng không bảo đảm người dân của quốc gia đó được an toàn trước tác động của các mối đe dọa, các nguy cơ, các rủi ro xuyên biên giới, đơn cử như đại dịch COVID-19...
Mối liên hệ giữa “xã hội rủi ro” và an ninh phi truyền thống
Thực tiễn hiện nay cho thấy, một bất ổn, nguy cơ ở một khu vực, lĩnh vực nào đó ngay lập tức có thể ảnh hưởng tới các cá nhân và cộng đồng còn lại; từng cá nhân sẽ không được an toàn khi tất cả chưa được an toàn
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhân loại đang chứng kiến hiện tượng “thế giới rủi ro”, các mối đe dọa mới ngày càng gia tăng cả về diện rộng lẫn chiều sâu. Ngăn ngừa những tác động tiêu cực do toàn cầu hóa và những mối đe dọa đang nổi lên hiện nay, các chính phủ không thể đương đầu, tự giải quyết được mà cần cả Nhà nước, thị trường, các tổ chức xã hội và người dân phải cùng tham dự với tư cách là đồng chủ thể cung ứng và bảo đảm an ninh (trường hợp ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 là một trong những ví dụ điển hình). Đây cũng chính là một trong những điểm mới cơ bản về an ninh phi truyền thống.
Lý thuyết về “xã hội rủi ro” là cơ sở của học thuyết an ninh mới - an ninh phi truyền thống. Rủi ro cũng chính là căn cứ thực tiễn để các nhà nước buộc phải thay đổi phương thức quản trị an ninh (từ an ninh truyền thống sang bao gồm cả an ninh phi truyền thống). Điều này cũng đồng nghĩa, các quan niệm về an ninh truyền thống với chủ thể cung cấp an ninh duy nhất là nhà nước đang ngày càng tỏ ra hạn hẹp và trong nhiều tình huống không còn phù hợp. Hiện nay, một mình nhà nước không thể gánh vác toàn bộ trách nhiệm cung cấp dịch vụ an ninh cho người dân. Tất cả các tác nhân tham dự luôn phải tự điều chỉnh và có khả năng tương thích tốt. Có nghĩa là, các chủ thể tham dự an ninh toàn cầu (nhà nước, các tổ chức xã hội, thị trường và người dân) phải có khả năng liên kết tốt, quản trị tốt, ngăn ngừa tốt, ứng biến tốt và phục hồi tốt.
Trên thế giới, nhiều quốc gia xây dựng, hoạch định chính sách quản trị an ninh, chiến lược bảo vệ an ninh với tiêu chí lấy con người làm thước đo, tạo cơ chế để các tổ chức xã hội tham dự vào chiến lược bảo vệ an ninh con người, thúc đẩy quá trình tham dự của thị trường (mà ở đây là các doanh nghiệp) trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, xóa đói, giảm nghèo, tạo ra các vắc-xin phòng, chống dịch bệnh...
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán thực hiện quan điểm “dân là gốc”; tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân…
Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Việc mở rộng quan hệ đối ngoại và tham gia các tổ chức thương mại khu vực, quốc tế là điều kiện tốt để chúng ta bảo đảm an ninh quốc gia, nếu biết tranh thủ các nguồn lực và sự giúp đỡ của các nước và các đối tác. Ngược lại, việc hội nhập sâu rộng cũng là cơ hội để các thế lực thù địch, các loại tội phạm tìm cách chống phá tạo ra những mối đe dọa, thách thức đối với an ninh quốc gia, nhất là những mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang nổi lên hiện nay.
Dưới góc độ công tác an ninh, cần gắn chặt khoa học an ninh với khoa học dự báo, kết hợp với việc nhận định, đánh giá tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới để dự đoán các yếu tố đe dọa an ninh quốc gia dưới cả góc độ truyền thống và phi truyền thống. An ninh con người là một trong những yếu tố, điều kiện quan trọng bảo đảm an ninh xã hội, an ninh toàn cầu. Bảo đảm an ninh con người chính là bảo đảm an ninh quốc gia./.
-------------------------
(1) Trần Việt Hà: An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 48
(2) Trần Việt Hà: An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, Sđd, tr. 63
Ứng phó và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - tiếp cận từ quản trị an ninh phi truyền thống  (03/10/2021)
Về hội nhập quốc tế và tham gia tiến trình toàn cầu hóa của Việt Nam  (18/02/2021)
Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội  (15/10/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển