Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
TCCS - Để việc triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công tác tuyên truyền về chiến lược trên có vai trò quan trọng, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia mạnh về biển.
Việt Nam có chiều dài bờ biển 3.260km, 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền, rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng với hơn 3.000 hòn đảo. Tính đến tháng 5-2020, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh, thành phố có hải đảo, quần đảo), với tổng diện tích 208.560km2, chiếm 41% diện tích cả nước và 51,2 triệu người, chiếm gần một nửa dân số Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia biển mạnh.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65 - 70% GDP cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ, nhất là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục”(1). Để đạt được mục tiêu trên, cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó, việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một nội dung quan trọng. Công tác tuyên truyền giúp củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về biển, đảo Việt Nam; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của quốc gia trên biển; tăng cường ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc chấp hành pháp luật trong nước và các thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhất là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động hướng về biển, đảo…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, nổi bật là tần suất, cường độ tuyên truyền chưa cao, thiếu thường xuyên; nội dung, hình thức và cách thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, thiếu các sản phẩm truyền thông hấp dẫn, chất lượng; các kênh truyền thông chưa đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng, tận dụng các phương tiện truyền thông mới còn hạn chế; không ít cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng đúng mức tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển ở đơn vị, địa phương mình; vẫn còn hiện tượng tuyên truyền mang tính hình thức, chiếu lệ…
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng và phong phú.
Công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Việc thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về Chiến lược biển Việt Nam cần gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Biển Việt Nam năm 2012, Quyết định số 373/QĐ-TTg, ngày 23-3-2010, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam””; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 647/2020/QĐ-TTg, ngày 18-5-2020, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030”…
Theo đó, cần “nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế”(2). Nội dung công tác tuyên truyền gồm những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức trong phát triển kinh tế biển, đảo; phổ biến những kiến thức pháp luật quốc tế và trong nước về biển, đảo; những cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử và tư liệu lịch sử trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo, quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong giải quyết tranh chấp trên biển thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và trong nước; chú trọng giới thiệu những thành tựu phát triển kinh tế biển, đảo của từng ngành, địa phương và cả nước; vai trò của các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển kinh tế biển, đảo; vạch rõ mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; chú trọng tuyên truyền về cuộc sống lao động, sẵn sàng chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang ở vùng biển, đảo, từ đó khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần được mở rộng ra cả phạm vi ngoài nước, nhất là trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam về chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh: “Đa dạng hóa các loại hình, cách thức thông tin tuyên truyền về biển và hợp tác quốc tế về biển; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thông tin phù hợp và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn dân về hợp tác phát triển bền vững kinh tế biển; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại về biển và hợp tác quốc tế, phát triển bền vững kinh tế biển”(3). Tăng cường đưa nội dung tuyên truyền biển, đảo vào các hội nghị báo cáo viên từ Trung ương đến địa phương nhằm cung cấp, cập nhật thông tin, kiến thức về biển, đảo; phát huy thế mạnh của các phương tiện truyền thông chính thống và truyền thông xã hội trong tuyên truyền; đầu tư xây dựng các sản phẩm tuyên truyền có chất lượng nội dung hấp dẫn, lôi cuốn công chúng…
Hai là, phát huy vai trò của cơ quan tuyên giáo các cấp trong nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò của biển và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Các cơ quan tuyên giáo các cấp tập trung tuyên truyền những nội dung trong Hướng dẫn số 01-HD/BTGTW, ngày 8-2-2021, của Ban Tuyên giáo Trung ương, về công tác tuyên truyền biển, đảo, chú trọng tuyên truyền 5 chủ trương lớn; 3 khâu đột phá được Hội nghị Trung ương 8 khóa XII xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; 6 nội dung và các giải pháp trong Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; nội dung phát triển kinh tế biển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030...
Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đưa nội dung tuyên truyền lồng ghép vào nghị quyết lãnh đạo, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác của người chỉ huy, lấy kết quả công tác tuyên truyền để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể và cá nhân trong quân đội. Đồng thời, phối hợp tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ban, ngành, đoàn thể… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về biển, đảo.
Phát huy vai trò nòng cốt của Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, đơn vị đóng quân ở các địa phương ven biển, trên đảo trong tuyên truyền biển, đảo đối với cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân sinh sống ở các địa phương ven biển, ngư dân làm ăn trên biển, nhất là chú trọng tuyên truyền về vai trò, vị trí của biển, đảo và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Tổ chức đưa các đoàn đại biểu đến thăm, động viên quân - dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1; tổ chức đặt đá chủ quyền, trồng cây bàng vuông Trường Sa ở một số địa phương… Những việc làm thiết thực đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.
Tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước, thông qua các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, giao lưu, hợp tác, đối ngoại quân sự, đối ngoại nhân dân… để tuyên truyền về lịch sử, thực tiễn, pháp lý và đối sách đấu tranh hòa bình của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, làm cho nhân dân, chính phủ các nước và dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường, thiện chí, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông, chủ quyền biển, đảo, gia tăng sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị nhằm chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo...
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết đối với công tác tuyên truyền Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hoạt động kiểm tra, đánh giá có vai trò quan trọng đối với công tác tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, nhằm phát huy những cách làm tốt, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong công tác tuyên truyền. Việc sơ kết, tổng kết giúp kịp thời đúc rút những bài học kinh nghiệm, để công tác tuyên truyền Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đạt hiệu quả hơn, nhất là duy trì việc tuyên truyền bền bỉ, không ngừng đổi mới các hình thức, nội dung tuyên truyền, tránh những cách làm hình thức.
Công tác kiểm tra, đánh giá cần được tiến hành thường xuyên, kết hợp kiểm tra theo kế hoạch với kiểm tra đột xuất nhằm đánh giá chính xác, hiệu quả công tác tuyên truyền, tránh kiểu làm qua loa, hình thức, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tại các hội nghị sơ kết, tổng kết, các bộ, ban, ngành và các địa phương cần đánh giá chính xác, khách quan những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền và công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang… là cơ sở để giúp các bộ, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các đơn vị quân đội đề ra được biện pháp đúng đắn, sát thực tế, cụ thể, hiệu quả hơn. Quan tâm và đầu tư tuyên truyền những phong trào lớn hướng về biển, đảo như “Vì biển, đảo Việt Nam”, “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, “Chung tay thắp sáng Nhà giàn DK1”, “Sinh viên Việt Nam với biển, đảo Tổ quốc”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Góp đá vì Trường Sa”, hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, “Nghĩa tình biên giới hải đảo”... Để công tác kiểm tra, sơ, tổng kết đối với công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, trở thành nền nếp ở mỗi cơ quan, đơn vị, cần phát huy vai trò của cấp ủy các cấp và người đứng đầu, cũng như sự tham mưu, đề xuất có chất lượng của cơ quan tuyên giáo các cấp./.
------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 259
(2) Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr. 99
(3) Quyết định số 647/2020/QĐ-TTg, ngày 18-5-2020, Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030”
Hà Nội đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững  (27/09/2021)
Nâng cao năng suất lao động - đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững  (11/09/2021)
Bảo hiểm y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay  (02/09/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên