Đổi mới hoạt động lập pháp và giám sát tối cao của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Hoạt động lập pháp, giám sát tối cao của Quốc hội đang thực sự là một công cụ hiệu năng, là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy bộ máy nhà nước không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong mọi hoạt động. Kế thừa và phát huy những kết quả đó, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoạt động lập pháp, giám sát tối cao của Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng.
Giải bài toán lập pháp, vấn đề then chốt của Quốc hội
“Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh chóng, bền vững”(1). Đây là “bài toán hàm nhiều biến” đa mục tiêu, nhiều “nghiệm số” mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định và giao cho cơ quan lập pháp phải “giải”, tìm cho được những “nghiệm số” tối ưu trong nhiệm kỳ mới - Quốc hội khóa XV. Công việc là nặng nề, khó khăn, phức tạp; trải qua 7 khóa của công cuộc đổi mới, Quốc hội đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu, cùng với những cải tiến, đổi mới trong điều kiện mới, nhất định Quốc hội sẽ hoàn thành được trọng trách cao cả của mình.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì quy trình xây dựng luật gồm 6 công đoạn. Vấn đề quan trọng là đổi mới ở mỗi công đoạn và sự liên kết, gắn bó giữa các công đoạn với nhau thành một thể thống nhất, chặt chẽ, lô-gíc trong quá trình thực thi, trong đó có bốn công đoạn vẫn còn dư địa để đổi mới và nâng cao.
Thứ nhất, siết chặt chương trình xây dựng luật hằng năm.
Trước đây (những năm đầu của công cuộc đổi mới của đất nước), khi chuyển đổi nền kinh tế thì các ngành, lĩnh vực đều cần có luật mới, nên các chủ thể có quyền nêu sáng kiến pháp luật “thi nhau” đăng ký trình dự án luật. Nay, hệ thống pháp luật trong công cuộc đổi mới đã tương đối bảo đảm về số lượng và đứng trước những áp lực mới, thì có nhiều đạo luật cần thiết, cấp bách nhưng lại chưa được trình, thậm chí có những dự án luật bị hoãn tới, hoãn lui nhiều lần. Điều này nói lên rằng, xây dựng một đạo luật hiện nay rất khó khăn, khá phức tạp, trong đó có những vấn đề thời sự. Với chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, vừa qua, chúng ta đã ký kết gia nhập nhiều điều ước quốc tế và một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong số đó có nhiều FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao và toàn diện hơn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Những hiệp định đó không chỉ đem lại cơ hội, mà còn đem lại nhiều rủi ro và thách thức về bảo đảm ổn định chính trị, xã hội. Từ bối cảnh đó, việc đề nghị đưa một dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dù rất cần thiết, nhưng phải tuân thủ các yêu cầu: Dự án luật đó phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dự định có dự án luật; dự án luật nào cần thiết, cấp bách chưa được đề xuất thuộc lĩnh vực nào thì cơ quan quản lý nhà nước của lĩnh vực đó phải đề xuất và thực hiện; đánh giá đúng thực trạng luật pháp và kết quả thực hiện luật pháp trong phạm vi dự án luật đề cập; nêu rõ yêu cầu cấp thiết của quản lý nhà nước, yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội mà dự án luật sẽ điều chỉnh; phải bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh khi luật ra đời; dự án luật phải bảo đảm các cam kết quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thành viên.
Tất cả các chủ thể đề xuất dự án luật và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đều cần tuân thủ đầy đủ các nội dung trên. Quốc hội thông qua dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng với những nội dung đó đối với từng dự án luật. Thực hiện đầy đủ 6 nội dung (yêu cầu) đó sẽ bảo đảm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có tính khả thi cao và khắc phục được tình trạng dự án luật thì cấp bách mà chưa có người đề nghị thực hiện; hoặc ngược lại, mới xuất hiện ý tưởng sơ khai đã đề nghị đưa vào chương trình.
Thứ hai, nâng tầm chất lượng của các dự án luật.
Trong những thiếu sót tồn tại của các dự thảo luật có hai vấn đề lớn nhất, làm cho chất lượng dự án luật không cao và tiếp đó là tuổi thọ của luật ngắn (đoản thọ). Một là, trong công đoạn soạn thảo ở một số dự án luật, chưa phân tích rõ ràng, minh bạch, khúc chiết về các chính sách luật thì đã bắt tay ngay vào khởi thảo các chương, điều cụ thể. Cách thức “vừa thiết kế, vừa thi công” đã dẫn đến tình trạng phải sửa đi, sửa lại bản thảo rất nhiều lần, vừa không bảo đảm tiến độ quy định, vừa tốn phí công sức và ảnh hưởng dây chuyền đến các công đoạn sau, phải kiên quyết khắc phục. “Phân tích chính sách, pháp luật” phải là công việc đầu tiên được thực hiện trước. Phân tích nội dung chính sách, pháp luật đầy đủ, cặn kẽ, thấu đáo và thống nhất sẽ là sợi dây chuyền xuyên suốt quá trình. Các chủ thể tham gia soạn thảo sẽ bám chắc, thể hiện đầy đủ, chính xác và nhất quán nội dung chính sách thành các chương, điều. Ví dụ, khi xây dựng Luật Đất đai thì trước tiên, phải phân tích kỹ càng các chính sách, như chính sách sở hữu đất đai; chính sách sử dụng và quyền sử dụng các loại đất; chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất; chính sách về đất trồng cây lương thực, cây lúa; chính sách đất rừng, đất thủy sản, đất trống, đồi, núi trọc; có chính sách hạn điền hay không; chính sách đất thổ cư và rất nhiều chính sách khác... Phân tích thấu đáo một loạt các chính sách đó trong tình hình mới rồi mới đi vào thiết kế các chương, điều của dự án luật (không thể thiết kế chương, điều cụ thể một khi các chính sách đó còn mập mờ, ý kiến còn chưa thống nhất). Hai là, không ít dự án luật chưa rà soát được hết các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan đến nội dung dự án luật, dẫn đến tình trạng luật được thông qua nhưng có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với một số luật khác. Hiện nay, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Môi trường (phần môi trường đất)... có những điều, khoản không thống nhất với Luật Đất đai. Chắc chắn, Quốc hội sẽ phải xử lý những vấn đề đó trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các dự án luật khác có liên quan trong nhiệm kỳ mới. Đi đôi với việc quán triệt các chính sách, pháp luật, việc khắc phục triệt để các khiếm khuyết tồn đọng khác sẽ góp phần đắc lực nâng cao đáng kể chất lượng dự thảo luật.
Thứ ba, công tâm, nghiêm khắc trong công đoạn thẩm tra dự án luật.
Điều 65, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020, quy định 7 nội dung (7 khoản) phải thực hiện đầy đủ khi thẩm tra, trong đó có hai điểm khó khăn nhất mà không ít báo cáo thẩm tra chưa làm rõ được. Đó là, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành (ở khoản 3) và tính khả thi của các quy định của dự án luật (ở khoản 4). Về tính thống nhất của dự án luật với hệ thống pháp luật hiện hành, như trên đã nói, ở công đoạn soạn thảo, không ít dự án luật đã để lại “những hạt sạn lớn” thì đến công đoạn thẩm tra, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không theo dõi, thống kê, cập nhật thông tin trong quá trình xây dựng và ban hành các đạo luật trong cùng lĩnh vực nên cũng lặp lại khiếm khuyết đó trong thẩm tra. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đều có trách nhiệm về vấn đề này, nhưng chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính là Ủy ban Pháp luật (được quy định tại khoản 2, Điều 70, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành). Từ đây một giải pháp có tính chuyên môn, nghiệp vụ, đó là, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cần tổ chức theo dõi trên sổ sách (số hóa dữ liệu và sử dụng công cụ tra cứu, tổng hợp, phân tích trên máy tính) những vấn đề (những chính sách) cùng lĩnh vực, cùng nội dung mà nhiều luật cùng quy định, cùng điều chỉnh. Từ đó có thể tránh được “sự bất nhất” giữa các luật cùng một nội dung nhưng được quy định trên các giác độ khác nhau, ở các luật khác nhau.
Về tính khả thi của các quy định trong các dự án luật, đương nhiên những quy định chồng chéo, thiếu tính thống nhất thì không thể có tính khả thi cao. Ngoài ra cũng còn những quy định thiếu tính khả thi hoặc tính khả thi thấp ở những đạo luật đã được thông qua. Ví dụ, trong Bộ luật Lao động (năm 1994), tại Điều 56 quy định: “Mức lương tối thiểu... bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng”. Bộ luật này được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng quy định tiền lương tối thiểu nói trên vẫn không thực hiện được phần “tích lũy”, do chi tiêu hằng tháng còn chưa đủ thì làm sao có “của để dành”. Đến Bộ luật Lao động năm 2012, năm 2019, tại Điều 91 đã không quy định có tích lũy nữa, nhưng ngay cả “nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” thì cũng vô cùng khó khăn, từ 2012 đến nay vẫn chưa thực hiện được đầy đủ. Do đó, quy định này mang ý nghĩa là mục tiêu “hướng tới” nhiều hơn là “bắt buộc” thực hiện trọn vẹn ngay khi Bộ luật có hiệu lực. Hay là, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, đến nay khá nhiều quy định sau 9 năm hầu như vẫn chưa thực hiện được, ví dụ tại Điều 9: Các hành vi bị nghiêm cấm, nhưng trong thực tiễn vẫn không sao cấm được, như các khoản 4, 5, 6 quy định nghiêm cấm “Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá”; “Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá”; “Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”. Trong một số trường hợp do nhiều áp lực, trong đó có áp lực thời gian và trong chừng mực nhất định do cả nể nên khi thẩm tra, những khiếm khuyết đó dễ bị bỏ qua. Bởi vậy, công tâm, thẳng thắn, minh bạch là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với cơ quan thẩm tra dự án luật. Nếu cơ quan trình mà có những vấn đề không bảo đảm chất lượng thì phải kiên quyết thực hiện nghiêm túc khoản 3, Điều 64, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020: “Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án”, yêu cầu khẩn trương chuẩn bị lại.
Thứ tư, thảo luận lần cuối, thông qua dự án luật.
Việc thảo luận tại nghị trường để thông qua dự thảo luật có khá nhiều công đoạn nhỏ, nhưng quan trọng nhất là tiểu công đoạn sau cùng, đó là, tiếp thu, giải trình và biểu quyết thông qua. Từ khóa XI trở về trước, khi thông qua dự án luật là thông qua từng điều, từng chương rồi mới thông qua toàn bộ. Mỗi điều, mỗi chương, nếu đại biểu còn có ý kiến thì phát biểu, thảo luận đến cùng. Vì thế hạn chế được nhiều sơ suất. Từ cuối khóa XI đến nay, do số lượng luật thông qua trong mỗi kỳ họp ngày càng lớn, nên dự án luật được thông qua theo mô hình “rút gọn”, sau khi trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình lần cuối, thì thông qua một số điều rồi thông qua toàn bộ dự thảo luật. Chính đây là “khoảng hở” để tồn tại những điều, khoản chưa hoàn thiện khi tiếp thu nằm trong tất cả những điều được thông qua chung một lần. Bây giờ không trở lại cách thông qua từng điều như trước, nhưng cần cải tiến một bước. Trước hết, nên thông qua trước những điều còn có nhiều ý kiến, có thể thảo luận thêm để làm sáng rõ và thống nhất (nhất thiết không lặp lại tình trạng, điều không cần thông qua trước thì lại thông qua trước để cho “suôn sẻ”; ngược lại, điều cần thông qua trước thì để lại “đi chung” với các điều khác cho “êm thấm”). Hai là, nên quyết định trước những điều cần thông qua trước; quyền quyết định này nên là đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Ba là, số điều biểu quyết trước phải bao gồm những điều đang còn có ý kiến băn khoăn (ít nhất khoảng 10% số điều của dự thảo). Bốn là, về phương châm, nên tiếp tục tạo tâm lý làm việc hiệu quả cao tới phút cuối cùng của kỳ họp (vì nhiều luật được thông qua vào thời gian này).
Dù Quốc hội các khóa của thế kỷ XXI đã đạt được thành tựu cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn lập hiến, lập pháp, nhưng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không bao giờ được “Ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, vì sự phát triển nhanh chóng, bền vững của đất nước, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp.
Giám sát tối cao - chú trọng phát huy, đổi mới và phát triển hình thức giám sát bằng chất vấn, trả lời chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Trong các hoạt động giám sát (của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn ĐBQH và các ĐBQH), Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò giám sát tối cao của Quốc hội.
Thực tiễn hoạt động của các khóa gần đây cho thấy, trong bảy hình thức giám sát tối cao của Quốc hội thì có hai hình thức trực tiếp tác động đến cá nhân đối tượng bị giám sát. Đó là, chất vấn, trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Do cá nhân trực tiếp, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công việc trong phạm vi lãnh đạo, quản lý, điều hành của mình nên hiệu lực và hiệu quả của hai hình thức giám sát này rất cao. Bởi vậy, cùng với việc phát huy cao độ tất cả các hình thức khác, cần chú trọng phát huy, đổi mới và phát triển hơn nữa hai hình thức giám sát này.
Thứ nhất, chất vấn và trả lời chất vấn
Trong hoạt động này có trách nhiệm của cả hai phía, ĐBQH (người chất vấn) và người trả lời chất vấn (người bị chất vấn). Cho tới cuối khóa XIV thì hoạt động chất vấn đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. Hỏi 1 phút, trả lời 3 phút; hỏi nhanh, đáp gọn; tranh luận và tranh luận lại nếu thấy chưa thỏa đáng. Đến kỳ họp thứ 10 thì không còn phân công người trả lời chất vấn, không giới hạn cụ thể phạm vi chất vấn mà những gì đã chất vấn từ đầu khóa đến kỳ họp này đều được chất vấn lại để biết rõ kết quả hậu giám sát. Câu hỏi thuộc lĩnh vực nào thì người đứng đầu lĩnh vực đó và người có liên quan phải trả lời. Thực tế thì tất cả các thành viên của Chính phủ, từ Thủ tướng đến bộ trưởng, thủ trưởng ngành và người đứng đầu các cơ quan tư pháp đều đã trả lời và trả lời khá thành công, mặc dù có nhiều chất vấn rất khó và có độ phức tạp cao. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần phải bàn để tiến hành đúng theo luật định, hợp lý và hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ mới.
Một là, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, những vấn đề mà xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của ĐBQH (quy định tại khoản 2, Điều 15). Để xử lý kết hợp giữa kết quả của đổi mới hoạt động chất vấn đã đạt được cuối khóa XIV với luật định thì cần tiến hành cả hai hình thức (chất vấn theo nhóm vấn đề và chất vấn tổng thể những vấn đề đã chất vấn).
Trong một nhiệm kỳ, thông thường có 9 kỳ họp (từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 10) có hoạt động chất vấn (kỳ họp thứ nhất chủ yếu là xây dựng bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới; kỳ họp thứ 11 chủ yếu là tổng kết nhiệm kỳ). Có thể phân ra, từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 5 sẽ chất vấn theo nhóm vấn đề. Kỳ họp thứ 6, chất vấn lại các nhóm vấn đề đã chất vấn theo nghị quyết về chất vấn ở 4 kỳ họp trước. Tiếp theo, từ kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 9, lại chất vấn theo nhóm vấn đề và kỳ họp thứ 10, chất vấn lại những vấn đề đã chất vấn ở 3 kỳ họp trước đó. Sở dĩ phải chia ra 2 lần tái chất vấn, vì dồn lại một lần thì “quy mô” quá lớn, rất dễ bị bỏ sót vấn đề mà các nghị quyết đã ghi, hơn nữa giữa nhiệm kỳ thực hiện tái chất vấn là nhằm xử lý kịp thời những việc tồn đọng hoặc khắc phục những việc chưa “hoàn hảo”, nếu dồn cả vào một lần cuối nhiệm kỳ sẽ không kịp ứng phó. Vẫn phải chất vấn theo nhóm vấn đề vì, bộ máy mới, nhiệm kỳ mới, nhân sự mới, mới bắt đầu hoạt động, chưa có gì để chất vấn lại. Nhiệm kỳ mới cũng nên bắt đầu đi từ các nhóm vấn đề bức xúc, từ “điểm” ra “diện”. Đặc biệt là phải bám vào các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đang có hiệu lực thi hành.
Hai là, mặc dù chất vấn mang tính tổng thể các vấn đề, song “cái gốc” vẫn là chất vấn tổng hợp các nhóm vấn đề đã chất vấn. Vì thế phải “gọi tên” từng nhóm vấn đề ra để chất vấn lại, sau khi được trả lời thi phải đánh giá sự tiến bộ theo từng nhóm. Đây cũng là trọng tâm đánh giá kết quả của tái giám sát.
Ba là, chất vấn của đại biểu phải mang tính xây dựng cao. Cách thiết kế câu hỏi phải nhằm tạo điều kiện để người trả lời “phát lộ” được thực chất công tác quản lý, điều hành của mình và kết quả chuyển biến của lĩnh vực mà chức danh đó đang quản lý, điều hành (không gây khó, càng không “đánh đố” người bị chất vấn).
Bốn là, kế thừa, phát huy tranh luận và tranh luận lại một cách lành mạnh để làm sáng tỏ vấn đề, tiếp cận đến chân lý, đến phương án tối ưu của mỗi vấn đề (tránh tâm lý thắng, thua).
Năm là, người bị chất vấn (thường là người đứng đầu), bình thường đã phải rất trách nhiệm, quán xuyến mọi công việc; khi trả lời chất vấn, đứng trước Quốc hội, trước nhân dân càng phải điềm tĩnh, chắc chắn, mực thước, trí tuệ, minh mẫn hơn (cổ nhân đã dạy: “Trượt chân còn vợi được, lỡ lời thì không”).
Sáu là, theo Điều 32, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020: “Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước”. Các ĐBQH nên chất vấn tất cả các chức danh đã được luật định nếu thấy có vấn đề. Các chức danh bị chất vấn đều bình đẳng trong việc trả lời chất vấn tại nghị trường.
Bảy là, chủ tọa điều hành phiên chất vấn cần linh hoạt, nhạy bén, tạo ra không khí hòa nhã, hứng khởi, luôn luôn “lái” vấn đề hướng vào đúng trọng tâm, sử dụng thời gian hợp lý, hiệu ích, thiết thực.
Thực thi đúng đắn các giải pháp trên, chắc chắn hoạt động chất vấn sẽ tạo thêm sinh khí mới, hồ hởi, cuốn hút và thành công hơn nữa trong nhiệm kỳ mới.
Thứ hai, giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Đây là hình thức giám sát đặc biệt có hiệu quả. Thực hiện Điều 12, Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội đã tổ chức 3 lần lấy phiếu tín nhiệm (2 lần ở khóa XIII và 1 lần ở khóa XIV), còn bỏ phiếu tín nhiệm thì chưa. Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, ở hầu hết các chức danh, lần lấy phiếu sau có bước tiến bộ hơn lần lấy phiếu trước. Kết quả này đúng với cả trường hợp người đã trải qua liên tục hai nhiệm kỳ và đúng cả với trường hợp người kế nhiệm chức danh nhiệm kỳ trước. Theo 3 mức (tín nhiệm thấp, tín nhiệm, tín nhiệm cao) thì ở lần lấy phiếu thứ 3 có 34/48 chức danh (71%) có số phiếu tín nhiệm cao đạt từ 52% đến 90,1% tổng số phiếu. Cũng trong 3 lần lấy phiếu, có nhiều chức danh vượt lên chính mình rất ngoạn mục; đặc biệt có chức danh lần đầu có số phiếu tín nhiệm cao ở vị trí áp chót, nhưng lần thứ hai lại ở vị trí áp sát chức danh đạt tín nhiệm cao thứ nhất trong Chính phủ. Đó là sự tiến bộ vượt bậc, đúng với sự chuyển biến nhanh chóng của lĩnh vực mà chức danh đó lãnh đạo, quản lý...
Tuy nhiên, qua hai nhiệm kỳ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, điều dễ nhận biết là, một nhiệm kỳ, lấy phiếu tín nhiệm 2 lần có tác dụng, có hiệu quả hơn là chỉ lấy 1 lần duy nhất. Vì rằng, nếu chỉ lấy phiếu 1 lần, thì sau lần lấy phiếu đó sẽ xuất hiện tâm lý “thở phào nhẹ nhõm”, yên vị tại nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ, nhất là những chức danh không đủ tuổi tham gia nhiệm kỳ sau. Để phát huy cao độ hiệu quả của hình thức giám sát này, Quốc hội cần:
Một là, xem xét, quyết định trong một nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm ít nhất 2 lần để đạt được mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, được quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 85/2014/QH13, ngày 29-11-2014, của Quốc hội khóa XIII. Lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội gồm 4 mục đích: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ. Trong đó, mục đích thứ ba đòi hỏi phải có ít nhất hai lần lấy phiếu để có “thước đo” mức tiến bộ của mỗi chức danh. Mục đích thứ tư có vai trò đặc biệt quan trọng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần cuối nhiệm kỳ sẽ đánh giá được chính xác độ vững chắc của bộ máy và cán bộ chủ chốt trong bộ máy suốt cả nhiệm kỳ, đồng thời góp phần đắc lực cho các cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ sau.
Hai là, thực tế một vài nhiệm kỳ qua, trong bộ máy có những người giữ chức danh nhất định rất cần thay đổi đúng lúc, trong đó có người bị kỷ luật nặng về Đảng, về chính quyền; có người rơi vào vòng lao lý. Vì vậy, cần phát huy đúng lúc vai trò giám sát bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm với quyền đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội hoặc của 20% ĐBQH (theo quy định tại Điều 13, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020). Phải sử dụng, phát huy mạnh mẽ công cụ pháp luật để củng cố, làm trong sạch bộ máy và giữ gìn sự trong sạch của bộ máy theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng: “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”(2).
Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sớm: “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp”(3). Bên cạnh đó, rất cần ban hành một nghị quyết về hoạt động giám sát (hoặc gồm cả giám sát, kiểm tra và thanh tra) nhằm đưa lĩnh vực này lên một tầm hiệu quả cao hơn./.
--------------------------
(1), (2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 175, 179, 177Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng  (02/05/2021)
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm