Những chuyển biến mới trong quan hệ Nga - Mỹ

Lê Minh Quang
12:49, ngày 02-07-2010

TCCSĐT - Trong hai ngày 23-6 và 24-6-2010, Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Met-vê-đép hoàn thành chuyến thăm Mỹ trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga - Mỹ đang được cho là “ấm” lên. Chuyến thăm Mỹ lần này đã tạo ra bước chuyển biến mới theo hướng cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc có vai trò và ảnh hưởng quan trọng trong cục diện chính trị quốc tế, tuy nhiên những chuyến biên đó chưa mang tính đột phá như giới phân tích dự đoán trước đó.

Những thoả thuận đã đạt được

Ngày 24-6-2010, sau 2 ngày thăm chính thức Mỹ, Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đưa ra Tuyên bố chung, gồm 10 nội dung, đề cập tới những vấn đề bức thiết, “cần làm ngay”, trong quan hệ Nga - Mỹ.

Một là, Mỹ ủng hộ việc kết nạp Nga vào Tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Mỹ và Liên bang Nga khẳng định chủ trương liên kết Nga vào hệ thống thương mại đa phương thông qua việc kết nạp Nga vào WTO. Hai bên sẽ tái khởi động các nỗ lực nhằm nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán về việc Nga gia nhập WTO vì lợi ích của hai nước và cộng đồng thương mại quốc tế. Đây là nhiệm vụ ưu tiên của Nga và Mỹ trong chính sách thương mại. Do đó, trong những tháng tới, chính phủ Nga và Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết ở cấp độ song phương với sự tham gia của các thành viên khác của WTO để sớm kết thúc những công việc còn lại trong tiến trình này. Phía Mỹ sẽ ủng hộ Nga trên tất cả các mặt nhằm nhanh chóng kết nạp Nga vào WTO.

Hai là, cam kết tiếp tục phát triển quan hệ chiến lược mới dựa trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, công khai, có thể dự báo được, và hợp tác để thực hiện các biện pháp bổ sung mới có lợi cho cả hai bên sau khi Hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược được ký kết. Nhóm công tác về kiểm soát trang bị và an ninh quốc tế thuộc Uỷ ban trực thuộc Tổng thống hai nước Nga và Mỹ sẽ thảo luận về phương hướng củng cố sự ổn định chiến lược và xây dựng các quan hệ chiến lược có tính minh bạch hơn.

Ba là, tập trung nỗ lực và áp dụng các biện pháp mới trong lĩnh vực phát triển công nghệ dân dụng theo tiêu chuẩn công khai và chính sách đổi mới công nghệ trên cơ sở đối tác bình đẳng và hai bên cùng có lợi, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia và xây dựng tiềm lực cho sự phát triển. Nga và Mỹ sẽ phát triển theo ba hướng có ý nghĩa then chốt. Thứ nhất, đầu tư vào các thành phần cơ cấu của đổi mới, gồm kích thích sự hợp tác hai bên và nhiều bên như hỗ trợ các công trình nghiên cứu và triển khai, xây dựng tiềm lực cán bộ, vật chất và công nghệ để thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học và xúc tiến đổi mới công nghệ. Thứ hai, hỗ trợ hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của các hãng của Mỹ đầu tư vào Nga cũng như các hãng của Nga đầu từ vào Mỹ có được khả năng cạnh tranh trong hoạt động trao đổi ý tưởng và công nghệ đổi mới. Thứ ba, tạo điều kiện để đạt được những thành tựu có tính đột phá trong các lĩnh vực cả hai nước đều ưu tiên như phát triển nguồn năng lượng thay thế, hiệu quả năng lượng, tiết kiệm năng lượng, công nghệ mới trong giao thông vận tải, công nghệ na-nô, công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và máy tính. Hai bên sẽ đầu tư có mục tiêu cho các công trình nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, hỗ trợ các trường đại học hàng đầu và các tổ chức khoa học, cùng nhau thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và triển khai.

Bốn là, tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ pháp luật, an ninh giao thông, trao đổi tin tức tình báo, ngăn chặn hoạt động cung cấp tài chính cho hoạt động khủng bố, cũng như hợp tác trong các diễn đàn quốc tế để tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Nga và Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh cho các công dân của hai nước, đồng thời bảo đảm quyền và quyền tự do của các công dân. Các lực lượng quân sự của Mỹ và Nga sẽ nghiên cứu tổ chức các cuộc diễn tập chung nhằm chống khủng bố và tiếp tục thảo luận để tiến tới ký kết Bị vong lục về sự hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh hàng không nhằm trao đổi thông tin về vận chuyển hàng không, cùng thực hiện các biện pháp kiểm tra tại các sân bay và thanh sát các phương tiện vận tài hàng không. Hai bên chịu trách nhiệm hàng đầu trong các nước G-8 về các vấn đề liên quan tới các nạn nhân khủng bố, đồng thời cùng nhau phối hợp hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân trên cơ sở đề án Nga-Mỹ chống khủng bố khởi động từ năm 2006.

Năm là, cùng phối hợp hành động nhằm nâng cao tính công khai trong hoạt động quản lý nhà nước. Nga và Mỹ hoàn toàn ủng hộ, chia sẻ và sẵn sàng hợp tác khi cần thiết nhằm làm cho hoạt động quản lý nhà nước ngày càng công khai hơn, thông qua những nỗ lực hành động để nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện cho các công dân tham gia vào việc quản lý nhà nước và củng cố sự hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân. Hai nước khẳng định, xây dựng hệ thống quản lý nhà nước công khai trong thế kỷ XXI phản ánh cách tiếp cận mới dựa trên cơ sở linh hoạt, đổi mới và sáng tạo, sử dụng ngày càng phổ biến các công nghệ truyền thông mới và chính phủ điện tử, tạo điều kiện cho các công dân tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch trong sử dụng ngân sách theo luật định.

Sáu là, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển công nghệ và ngành năng lựợng sạch, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, tiếp tục phát triển ngành năng lượng của Nga và Mỹ theo hướng đổi mới, giảm khối lượng khí thải như sử dụng các công nghệ tiên tiến, áp dụng các giải pháp quản lý mới trong lĩnh vực năng lượng. Hai bên sẽ phát triển các dự án dựa trên các công nghệ mới nhằm xây dựng mạng lưới điện “thông minh” nhằm giảm thất thoát điện năng và giảm khối lượng khí thải; xây dựng các cơ chế nhằm kích thích môi trường đầu từ để sử dụng năng lượng có hiệu quả hơn và phát triển công nghệ không gây ô nhiễm sinh thái.

Bảy là, đơn giản hoá các thủ tục liên quan tới chế độ cấp phép cho các hoạt động đi lại, công tác và học tập của các công dân Nga và Mỹ. Các cuộc tiếp xúc giữa các công dân hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ.

Tám là, khẳng định, cả hai nước có các lợi ích chung trong việc ủng hộ nhân dân Kiếc-gi-xtăng ổn định tình hình sau các sự kiện ngày 7-4-2010 và các vụ bạo động đẫm máu ở miền nam quốc gia này. Nga và Mỹ kêu gọi sử dụng các giải pháp chính trị, phi bạo lực, để giải quyết mọi vấn đề phát sinh, nhanh chóng ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận giữa các sắc tộc và tạo lập nền hoà bình dân sự.

Chín là, thống nhất chủ trương xây dựng Áp-ga-ni-xtan thành một nhà nước hoà bình, ổng định, dân chủ, trung lập, có nền kinh tế có thể tự đứng vững được, không có khủng bố và buôn lậu ma tuý. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hỗ trợ Áp-ga-ni-xtan đạt được các mục tiêu đó. Nga và Mỹ khẳng định sẽ cùng hợp tác giúp đỡ chính phủ Áp-ga-ni-xtan trong việc nâng cao hiệu quả các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc chống buôn lậu ma tuý; phối hợp hành động trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở Áp-ga-ni-xtan, trước hết nhằm khôi phục và tái thiết các cơ sở hạ tầng và kinh tế có ý nghĩa them chốt đối với nền kinh tế Áp-ga-ni-xtan.

Mười là, nhận thấy cần ký kết các hiệp định có giá trị pháp lý về sự hợp tác trong lĩnh vực nhận con nuôi quốc tế, vì lợi ích của trẻ em và các gia đình của cả hai nước.

Những chuyển biến mới chưa mang tính đột phá trong quan hệ Mỹ - Nga

Những thỏa thuận đạt được nêu trên là chuyển biến mới có chiều hướng tích cực nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước trong cục diện chính trị quốc tế đã thay đổi đáng kể trong thập niên gần đây. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, tuyên bố chung gồm 10 điểm của Tổng thống Mỹ và Nga vẫn chưa hàm chứa những vấn đề được dư luận cho là có tính then chốt trong quan hệ Mỹ - Nga.

Một là, việc Mỹ vẫn tiếp tục chủ trương không ngừng mở rộng NATO và gán cho liên minh này những chức năng an ninh có tính toàn cầu. Trong Chiến lược mới của NATO do Mỹ “bảo trợ” và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2010, vẫn có quan điểm cho rằng, để hoá giải những nguy cơ an ninh trong một thế giới bất ổn, NATO vẫn chủ trương giành và giữ ưu thế sức mạnh quân sự áp đảo đối với bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào trên thế giới, sẵn sàng tiến công phủ đầu để thực hiện “quyền tự vệ”. Điều kiện quan trọng nhất để thực hiện chủ trương chiến lược này là biến NATO do Mỹ đứng đầu thành một tổ chức chính trị - quân sự chiếm ưu thế ở châu Âu, đồng thời toàn cầu hoá chức năng của NATO ra khắp thế giới bằng cách kết nạp thêm các thành viên mới và phổ biến ảnh hưởng ra bên ngoài khu vực trách nhiệm của Khối.

Hai là, vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tuyên bố tạm thời ngừng bố trí lá “chắn tên lửa” ở Đông Âu nhưng vẫn tiếp tục xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại hơn ở châu Âu, ở Trung Đông và một số khu vực khác trên thế giới. Phía Nga cho rằng, với hệ thống phòng thủ tên lửa, Mỹ vẫn tìm kiếm ưu thế quân sự đơn phương trong cục diện chính trị - quân sự toàn cầu. Trong Hiệp ước START mới vừa được ký kết, theo yêu cầu của phía Nga, Mỹ đồng ý tính đến yếu tố phòng thủ nhưng cũng chỉ là “nói để biết” mà không mang tính ràng buộc pháp lý.

Ba là, vấn đề I-ran. Mỹ và Nga tuy thống nhất chủ trương “trừng phạt” CHDCND Triều Tiên và I-ran về chương trình hạt nhân của họ, nhưng hai nước vẫn mâu thuẫn trong việc “trừng phạt” như thế nào? Trong khi Nga chủ trương cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên và I-ran chỉ là để đưa các nước đó quay trở lại với các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho chương trình hạt nhân của họ, thì Mỹ lại có những hành động “dồn họ vào chân tường”. Thí dụ, đối với I-ran, Mỹ tiếp tục đơn phương áp đặt các biện pháp cấm vận mới đối với I-ran, tiếp theo sau Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm vận I-ran vừa được thông qua. Trong khi đó, Nga cho rằng không nhất thiết phải có những biện pháp như vậy.

Bốn là, vấn đề Gru-di-a. Tạm thời, Mỹ đang gác lại chuyện kết nạp Gru-di-a vào NATO, nhưng đó có lẽ chỉ là bước đi có tính chiến thuật. Về lâu dài, Mỹ tiếp tục củng cố liên minh đối tác chiến lược với Gru-di-a, thực chất là liên minh với chính quyền thân Mỹ ở Tbi-li-xi, mà hiện nay là của Tổng thống Sa-a-ca-xvi-li. Vì thế, Tổng thống Nga tuyên bố, Nga không thể bình thường hoá quan hệ với Gru-di-a một khi Tổng thống Sa-a-ca-xvi-li còn cầm quyền ở Tbi-li-xi.

Như vậy, tuyên bố chung vừa được Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đep công bố sau chuyến thăm Mỹ của người đứng đầu nhà nước Nga có thể sẽ góp phần cải thiện quan hệ nhưng chưa thể mở ra cục diện mới trong quan hệ giữa hai nước bởi vẫn còn đó những vấn đề then chốt có tính “bất biến” trong quan hệ Mỹ - Nga mà hai bên còn có mâu thuẫn chưa thể hoá giải. Vì thế, giữa hai nước vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại trên con đường thực hiện “cam kết tiếp tục phát triển quan hệ chiến lược mới dựa trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, công khai, có thể dự báo được” như trong tuyên bố chung về sự ổn định chiến lược trong chuyển thăm Mỹ vừa qua của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép./.